Xét nghiệm HIV là bao gồm một số xét nghiệm về máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không. Hiện nay các xét nghiệm nhanh được tiến hành đúng kỹ thuật đều cho kết quả chính xác gần như tuyệt đối.

Xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV

Khi nào cần đi xét nghiệm

Phơi nhiễm với HIV là khi một người có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Khi bị phơi nhiễm với HIV, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn, ngoài việc xử trí vết thương phơi nhiễm (nếu có), người bệnh còn được chỉ định uống thuốc dự phòng cho người bị phơi nhiễm.

Thông thường ngay sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV, không thể xác định chính xác người tiếp xúc có bị nhiễm HIV hay không. Giai đoạn từ thời điểm virus xâm nhập đến lúc có xét nghiệm dương tính gọi là thời kỳ cửa sổ. Trong giai đoạn này có thể xét nghiệm vẫn âm tính với HIV nhưng thực tế cơ thể họ đã bị nhiễm bệnh.

Hiện nay có rất nhiều sinh phẩm để chẩn đoán sớm một người có bị nhiễm HIV hay không, có sinh phẩm có thể xét nghiệm sau từ 14-20 ngày tiếp xúc. Tuy nhiên, các xét nghiệm thông thường hiện nay có thể chẩn đoán chính xác một người có bị nhiễm HIV không sau từ 4-6 tuần kể từ thời điểm có hành vi nguy cơ lây nhiễm. Kết quả sẽ chắc chắn nhất là sau 45 ngày.

Tuy nhiên để chẩn đoán nhiễm HIV, bắt buộc người có phản ứng dương tính phải tới các cơ sở y tế và các đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định HIV do Sở Y tế cũng như Bộ Y tế công nhận để xét nghiệm khẳng định. Tại đây họ sẽ được xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sử dụng 3 loại sinh phẩm khác nhau để làm xét nghiệm khẳng định.

Xét nghiệm HIV khẳng định là gì?

Xét nghiệm HIV khẳng định hay còn gọi là xét nghiệm bổ sung, là phương pháp xét nghiệm để khẳng định một mẫu có dương tính HIV hay không. Sinh phẩm sử dụng trong xét nghiệm khẳng định cần có độ đặc hiệu cao. Xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV chỉ thực hiện tại các đơn vị được phép của Bộ Y tế về khẳng định các trường hợp HIV dương tính.

Khi xét nghiệm sàng lọc kháng thể HIV có kết quả phản ứng, khách hàng cần thiết phải làm các xét nghiệm khẳng định.

Nên xét nghiệm HIV vào thời điểm nào?

Nếu tính từ ngày virus xâm nhập cơ thể thì xét nghiệm HIV sau bao lâu là chính xác? Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có 3 kiểu hình nhân lên như sau:

  • Virus nhân lên nhanh chóng vào tuần đầu, lúc này virus lan khắp cơ thể, có thể thấy virus ở trong dịch não tủy trước cả khi phát hiện được ở trong máu.
  • Sau đó 3 đến 6 tuần, nhiễm trùng bắt đầu giảm, 95% số người bị nhiễm vẫn khỏe mạnh và không nghĩ mình bị nhiễm. Thời điểm này có thể một số người có những biểu hiện của nhiễm HIV giai đoạn sớm, biểu hiện giống như cảm cúm thông thường, nhưng xét nghiệm HIV vào thời điểm này chưa đảm bảo độ chính xác cao.
  • Tình trạng nhiễm trùng diễn biến thầm lặng. Việc xét nghiệm tìm virus HIV hiệu quả nhất, chính xác nhất thường sau khoảng 2-3 tháng. Có đến 95% bệnh nhân xét nghiệm tìm ra bệnh không dưới 5 tháng sau khi phơi nhiễm với virus HIV. Ở một số ít người, có khi còn sau cả vài năm mới phát hiện được nhiễm HIV.

Các xét nghiệm máu hiện nay thường qua 2 bậc:

  • Các xét nghiệm bậc 1 thường là test nhanh và được tiến hành 2 lần để giảm bớt sai lệch do kỹ thuật viên hoặc thiết bị gây nên.
  • Nếu thử nghiệm bậc 1 dương tính, lúc đó một loạt các xét nghiệm bậc 2 được dùng để khẳng định tình trạng nhiễm bệnh.

Tóm lại, từ 2 – 3 tháng sau khi phơi nhiễm với virus HIV trở đi là thời điểm xét nghiệm tìm HIV khá chính xác.

Các loại xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm axit nucleic (NAT), xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể và xét nghiệm kháng thể. Các xét nghiệm này thường lấy mẫu máu hoặc dịch miệng, một vài trường hợp có thể lấy mẫu nước tiểu.

Xét nghiệm axit nucleic (NAT)

Xét nghiệm này giúp tìm kiếm virus HIV thực sự có trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính/dương tính hay cho biết lượng virus có trong máu (còn gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Xét nghiệm này khá tốn kém và không được sử dụng thường xuyên với mục đích sàng lọc cá nhân, trừ khi bạn có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao hay xuất hiện các triệu chứng HIV sớm.

Xét nghiệm axit nucleic thường khá chính xác trong giai đoạn đầu khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên/kháng thể để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm axit nucleic. Lưu ý, khi bạn dùng thuốc để dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) có thể làm giảm độ chính xác của xét nghiệm axit nucleic.

Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV

Xét nghiệm này dùng để tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với virus HIV. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên. Khi bạn nhiễm virus HIV, một kháng nguyên được gọi là p24 sẽ xuất hiện sau khi nhiễm khoảng 2–4 tuần.

Xét nghiệm kháng thể

Hầu hết các xét nghiệm HIV nhanh hay các bộ xét nghiệm có thể thực hiện tại nhà là xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này sẽ tìm kiếm kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm kháng thể sử dụng máu từ tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn so với các xét nghiệm được thực hiện với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.

  • Hầu hết các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV, nhưng xét nghiệm sàng lọc kháng thể cũng có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm của trung tâm y tế. Khi đó, bạn sẽ được yêu cầu lấy máu từ tĩnh mạch vào một ống đựng mẫu rồi gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có nhanh hơn (trong khoảng 30 phút). Xét nghiệm này được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc lấy dịch miệng.
  • Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và sử dụng bộ dụng cụ y khoa để kiểm tra, kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay phòng khám.
Đi xét nghiệm HIV khi nghi ngờ, hoặc phơi nhiễm bệnh

Quy trình xét nghiệm HIV

Nếu đến xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, nhân viên sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục cần thiết. Các bước cơ bản như sau:

  • Đăng ký xét nghiệm tại bàn tiếp đón và lấy phiếu tư vấn.
  • Được tư vấn trước xét nghiệm tại phòng bác sĩ.
  • Sau khi yêu cầu xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm tùy theo yêu cầu của từng phương pháp. Mẫu xét nghiệm có thể là máu hay dịch tiết trong cơ thể, nhưng thường là máu.
  • Nhân viên y tế sẽ kiểm tra và xử lý mẫu (nếu cần).
  • Mẫu được chuyển về phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích theo quy định.
  • Kết quả được điền vào phiếu và rà soát lại.
  • Phiếu kết quả được xuất và đưa cho bạn, bạn có thể yêu cầu được tư vấn về kết quả.

Thời gian làm xét nghiệm tùy từng loại, nếu là xét nghiệm HIV nhanh thì thời gian làm khoảng 20-30 phút, hoặc có thể đến vài ngày với các loại xét nghiệm HIV khác.

Kết quả xét nghiệm

Kết quả âm tính: tư vấn và trả lời kết quả cho khách hàng là không nhiễm HIV. Đối với khách hàng nghi ngờ trong giai đoạn cửa sổ cần xét nghiệm lại sau 3 tháng. Với khách hàng thuộc nhóm nguy cơ cao, hẹn xét nghiệm lại sau 6 tháng.

Kết quả không xác định: chưa xác định sự có mặt của kháng thể kháng HIV. Tư vấn, trả lời kết quả cho khách hàng là không xác định tình trạng nhiễm HIV. Hẹn khách hàng xét nghiệm lại sau 14 ngày.

Kết quả khẳng định dương tính: tư vấn sau xét nghiệm và khẳng định khách hàng nhiễm HIV. Trả kết quả và chuyển gửi khách hàng đến cơ sở điều trị HIV và các dịch vụ phù hợp khác.

Như vậy việc xét nghiệm HIV là rất cần thiết khi nghi ngờ mình đã phơi nhiễm, hay có những biểu hiện sớm của bệnh HIV. Việc xét nghiệm HIV nên được tiến hành tại các bệnh viện uy tín, có trang thiết bị công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt với đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao để đảm bảo việc xét nghiệm diễn ra an toàn, chính xác mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cá nhân.

Leave a reply