Sùi mào gà là bệnh thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục cả nam và nữ, bệnh gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới khỏe của người bệnh. Các biện pháp điều trị, chữa bệnh sùi mào gà thường chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, giảm thương tổn cho bệnh nhân.

Cách chữa bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Bệnh do virut HPV (Human Papaloma Virus) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virut này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục. Bệnh sùi mào gà thường là một nốt sùi nhỏ hoặc hình dạng trông giống như cây súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có thể rất nhỏ và khó có thể nhìn thấy.

Bệnh ủ bệnh trong thời gian khá dài, có thể sau 2 – 9 tháng sau khi quan hệ tình dục không an toàn với người mang mầm bệnh HPV.

Bệnh sùi mào gà nguy hiểm vì virus HPV có thể thay đổi cấu trúc các tế bào bị nhiễm bệnh, dẫn đến các biến chứng khác như: Ung thư (ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng), các vấn đề trong thai kỳ (sản phụ có thể truyền bệnh sùi mào gà sang trẻ sơ sinh khi chuyển dạ), trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV thanh quản có thể có sùi mào gà trong miệng,…

Những dấu hiệu của bệnh

Triệu chứng sùi mào gà ở nam

  • Sùi mào gà ở nam giới có thể xuất hiện ở dương vật, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh hậu môn.
  • Nốt sùi màu da, nâu hoặc hồng ở vùng sinh dục gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, mụn cóc sinh dục cũng có thể xuất hiện trên môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng của người có quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus HPV.

Triệu chứng sùi mào gà ở nữ

  • Các nốt sùi do nhiễm virus HPV ở nữ giới có thể xuất hiện bên trong hoặc ngoài âm đạo, hậu môn, cổ tử cung.
  • Tương tự như nam giới, sùi mào gà ở nữ có các nốt sùi cũng có thể xuất hiện ở một số nơi khác trên cơ thể người phụ nữ và gây ra tình trạng: tiết dịch âm đạo, ngứa ngáy, nóng rát, đau và/hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục…

Người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa khi cảm thấy các triệu chứng nêu trên hoặc khi cơ thể có những biểu hiện như:

  • Kích ứng hoặc ngứa bộ phận sinh dục
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Đau rát khi tiểu, tiểu khó
  • Cơ quan sinh dục tiết dịch bất thường, có mùi hôi, tấy đỏ…

Những biến chứng của bệnh

Sùi mào gà biểu hiện qua những nốt sùi lành tính, nhưng vẫn có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Điển hình là các biến dạng tại chỗ của cơ quan sinh dục, hậu môn, vòm họng… Một số trường hợp không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hoặc nhiễm tuýp virus HPV ác tính có thể khiến cho người bệnh bị sẩn dạng Bowen, sùi mào gà khổng lồ (ung thư biểu mô tế bào vảy dạng nhú), ung thư dương vật, loạn sản cổ tử cung dẫn đến ung thư cổ tử cung…

Nếu đợt bùng phát sùi mào gà xuất hiện ở thai phụ có thể gây cản trở việc sinh nở, lây truyền virus HPV từ mẹ sang con (dù trường hợp này rất hiếm gặp). Người bệnh bị sùi mào gà không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn gây áp lực lên đời sống tinh thần. Vì thế, người bệnh nên chữa sùi mào gà, chữa càng sớm càng tốt để đạt được hiệu quả mong muốn, tiết kiệm chi phí và đồng thời bảo vệ người bạn tình, bạn đời.

Phương pháp chẩn đoán 

Trước khi quyết định cách chữa sùi mào gà, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng như sau:

Lâm sàng

  • Hỏi tiền sử quan hệ tình dục, thời điểm nghi ngờ tiếp xúc với virus HPV.
  • Kiểm tra bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng, lỗ sáo… để đánh giá các tổn thương gồm kích thước, số lượng, vị trí, tính chất nốt sùi.
  • Kiểm tra các triệu chứng cơ năng (nếu có) như ngứa ngáy, bỏng rát, đau nhức, tiểu máu tươi cuối dòng…

Cận lâm sàng 

  • Xét nghiệm HPV PCR: Đây là loại xét nghiệm hiện đại, được chỉ định nhằm để xác định tình trạng nhiễm virus HPV, khẳng định tuýp virus và còn có thể định lượng HPV trong cơ thể người bệnh. Xét nghiệm có ý nghĩa trong việc theo dõi nguy cơ ung thư ở người bị sùi mào gà. Kết quả xét nghiệm thường có sau 4-6 giờ thực hiện.
  • Xét nghiệm để loại trừ nguy cơ người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, HIV…
  • Sinh thiết các mô bệnh học khi tổn thương không điển hình hoặc bác sĩ có nghi ngờ người bệnh bị ung thư.

Những lưu ý trước khi chữa bệnh sùi mào gà

Để đảm bảo cho việc chữa sùi mào gà mang lại kết quả cao, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh:

  • Đến các bệnh viện chuyên khoa uy tín, đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị, đội ngũ chuyên gia và đảm bảo yếu tố riêng tư.
  • Trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để được giải đáp mọi thắc mắc có liên quan đến phương pháp điều trị, tác dụng phụ, tỷ lệ thành công, chi phí…
  • Thông báo với bác sĩ, nếu người bệnh đang mang thai để được lựa chọn phương pháp điều trị, chăm sóc đặc thù.
  • Tuân thủ khuyến cáo, kiên trì theo đuổi việc điều trị vì để chữa sùi mào gà cần rất nhiều thời gian, công sức.
  • Không tự ý dùng các phương pháp được truyền miệng trong dân gian, không dùng các loại thuốc chữa mụn cóc ở vị trí khác để điều trị vì da vùng sinh dục và hậu môn rất nhạy cảm.
  • Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian nhiễm bệnh hoặc khi đang điều trị để bảo vệ vùng da đang tổn thương, giúp vết thương mau lành và tránh lây lan cho bạn tình.

Cách chữa bệnh sùi mào gà

Hiện nay có rất nhiều cách chữa sùi mào gà. Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương và một số yếu tố có liên quan mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phù hợp.

Dùng thuốc điều trị

Một số loại thuốc trị bệnh sùi mào gà có thể thoa trực tiếp lên da gồm:

Imiquimod (Aldara, Zyclara)

  • Có công dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại sùi mào gà. Khi kem vẫn còn trên da, người bệnh không nên quan hệ tình dục vì có thể làm giảm chất lượng của bao cao su và màng nhầy, dễ gây kích ứng da của bạn tình.
  • Thuốc có tác dụng phụ bao gồm: Gây đỏ da, mụn nước, đau nhức cơ thể, ho, đau, phát ban và mệt mỏi;

Podophyllin và podofilox (Condylox)

  • Podophyllin là một loại nhựa thực vật, có khả năng phá hủy các mô sùi mào gà. Podofilox có hợp chất hoạt tính giống với podophyllin.
  • Podofilox không được sử dụng cho các khu vực bên trong bộ phận sinh dục, không dùng khi đang mang thai.
  • Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm sưng, đau, kích ứng da nhẹ.

Sinecatechin (Veregen)

  • Sử dụng để điều trị sùi mào gà bên ngoài, trong hoặc xung quanh vùng hậu môn.
  • Thuốc có tác dụng phụ nhẹ, thường là đỏ da, ngứa, rát hoặc đau;

Axit tricloaxetic (TCA)

  • Có thể đốt cháy sùi mào gà, sử dụng điều trị mụn rộp bên trong bộ phận sinh dục.
  • Loại thuốc này có tác dụng phụ gồm kích ứng da nhẹ, sưng hoặc đau.

 Sử dụng các thuốc điều hòa miễn dịch 

Để chữa sùi mào gà, các bác sĩ có thể sử dụng các thuốc điều hòa miễn dịch dạng bôi hoặc dạng tiêm như Imiquimod, Sinecatechin, Interferon… Với các thuốc bôi, người bệnh có thể tự thực hiện sau khi được bác sĩ hướng dẫn. Thời gian điều trị từ 8-16 tuần.

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tái khám theo lịch định để đánh giá hiệu quả và thay đổi phương pháp điều trị khi cần.

Lưu ý: Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh gây đau, kích ứng nhiều hơn hoặc gặp phải các biến chứng không mong muốn.

Phương pháp phá hủy khối u nhú  

Liệu pháp lạnh 

Sau khi người bệnh được gây tê (nếu tổn thương lan rộng), bác sĩ dùng nitơ lỏng có nhiệt độ là -196oC để đóng băng tế bào nhiễm virus, khiến cho màng tế bào bị tổn thương không thể phục hồi, từ đó cắt đứt quá trình phát triển của các nốt sùi mào gà.

Với cách trị sùi mào gà này, thao tác cần phải rất thận trọng. Bác sĩ dùng tăm bông thoa hoặc xịt nitơ lên nốt sùi đến khi có quầng mô đông lạnh khoảng 1mm. Thời gian quang đông khoảng 5-20 giây. Thao tác lạnh được thực hiện 1-2 chu kỳ/lần, mỗi tuần 1-3 lần và thời gian điều trị tối đa là 12 tuần.

Phương pháp chữa sùi mào gà bằng nitơ lỏng khá rẻ tiền, an toàn với thai phụ nhưng có một số tác dụng phụ như đau đớn, bọng nước, hoại tử mô và để lại sẹo… Tỷ lệ làm sạch tổn thương lên đến 87% và có nguy cơ tái phát là 59% sau khi tẩy sạch nốt sùi khoảng 12 tháng.

Chấm Trichloroacetic (TCA), Bichloroacetic (BCA) 80-90%

Chỉ định chấm các loại axit như Trichloroacetic hay Bichloroacetic khi chữa sùi mào gà dành cho người bệnh có tổn thương dạng sẩn. Bác sĩ chấm thuốc vào đúng nốt sùi định kỳ hàng tuần trong tối đa 10 tuần.

Phương pháp này có thể gây bỏng da, phá hỏng các mô xung quanh, gây sẹo nên thường được khoanh vùng bằng bicarbonate hay vaseline. Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ làm sạch tổn thương của các loại axit này lên đến 94%. Tỷ lệ tái phát là 36%.

Một số phương pháp vật lý khác

Đối với các sùi mào gà lớn, không phản ứng với thuốc điều trị hoặc có thể ảnh hưởng tới thai nhi (đối với phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà), bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phá hủy tổn thương này bao gồm nạo, cắt, đốt điện, đốt laser CO2… 

  • Điều trị bằng laser: Bác sĩ sử dụng một chùm ánh sáng có cường độ cao để điều trị sùi mào gà. Phương pháp này có chi phí điều trị cao nên thường áp dụng cho các trường hợp sùi mào gà trên diện rộng và khó điều trị. Điều trị bằng laser gây tác dụng phụ là đau đớn, có thể để lại sẹo.
  • Dùng dao mổ điện: Đốt cháy sùi mào gà bằng dòng điện, có thể gây đau và sưng sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Phẫu thuật cắt bỏ sùi mào gà: Bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc toàn thân, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ hoàn toàn sùi mào gà. Sau phẫu thuật, người bệnh thường bị đau.

Trong đó, đốt laser CO2 phổ biến hơn do có nhiều ưu điểm như giữ được cấu trúc giải phẫu, chủ động kiểm soát độ sâu, ít gây chảy máu… Cách trị sùi mào gà bằng đốt điện chống chỉ định với một số trường hợp bệnh nhân có nốt sùi ở gần hậu môn hoặc người có đeo máy tạo nhịp tim.

Điều trị bệnh sùi mào gà tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị sùi mào gà y tế, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà như:

  • Dùng trà xanh: Trà xanh được cô đặc thành một hợp chất trong thuốc mỡ sinecatechin (Veregen), thường được bác sĩ chỉ định điều trị sùi mào gà cho bệnh nhân. Người bệnh sùi mào gà có thể mua chiết xuất trà xanh, thêm 1 – 2 giọt dầu dừa vào rồi thoa lên mụn rộp sinh dục khi điều trị tại nhà.
  • Dùng tinh dầu tràm trà: Là loại nguyên liệu có tác dụng điều trị nấm và các sinh vật khác, kể cả sùi mào gà. Bệnh nhân có thể thoa 1 giọt tinh dầu tràm trà pha loãng (có thể hòa với dầu dừa) và thoa trực tiếp vào mụn rộp sinh dục. Dầu cây tràm trà có thể gây kích ứng, bỏng hoặc viêm, làm giảm kích thước sùi mào gà. Một số người có thể bị dị ứng với dầu cây trà nên trước đó cần kiểm tra trên cánh tay, nếu sau 24 giờ không có phản ứng kích ứng thì có thể sử dụng. Bệnh nhân chú ý không dùng tinh dầu tràm trà để uống hoặc thoa trong âm đạo và ngưng sử dụng nếu thấy khó chịu.
  • Dùng tỏi: Theo một số nghiên cứu, việc thoa chiết xuất tỏi vào các sẩn sùi mào gà cũng có tác dụng điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể thoa trực tiếp chiết xuất tỏi vào các nốt sùi mào gà hoặc ngâm miếng gạc sạch trong hỗn hợp tỏi, áp vào mụn rộp sinh dục.
  • Dùng giấm táo: Các thành phần có tính axit trong giấm táo có thể tiêu diệt virus. Người dùng có thể ngâm gạc trong giấm táo và áp vào các khu vực nổi sẩn sùi mào gà.

Phòng ngừa mắc bệnh

Không nên trông chờ sùi mào gà có thể tự khỏi mà nên đi thăm khám chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Bác sĩ sẽ xác định bệnh, loại trừ các sang thương da thường gặp khác và lập kế hoạch điều trị trước khi tổn thương lan rộng.

Từ đó, nếu tích cực tuân thủ phác đồ, theo dõi và vận động bạn tình cùng tham gia điều trị, người bệnh sùi mào gà có thể hy vọng ngăn ngừa bệnh diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm cũng như tránh lây lan cho người khác.

Vì sùi mào gà không thể tự khỏi và việc điều trị dứt điểm là vô cùng khó khăn nên phòng bệnh cần được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tốt nhất là tiêm phòng vắc xin HPV ngay trước khi có quan hệ tình dục đầu tiên, có thể bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên.

Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước và xà phòng thích hợp trước và sau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, việc dùng bao cao su cũng có thể dự phòng được bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy vậy, virus gây bệnh này vẫn có thể xâm nhập vào vùng da và niêm mạc khác ngoài bộ phận sinh dục.

Để bảo vệ tốt nhất sức khỏe tình dục của bản thân, chúng ta nên chủ động thăm khám tại bệnh viện có uy tín để phát hiện sớm nhất dấu hiệu bệnh và có hướng can thiệp kịp thời.

Leave a reply