Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, bệnh có thể chữa khỏi nếu được điều trị kịp thời, đúng cách. Nhưng bệnh vẫn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là vô sinh nếu không được điều trị và phòng ngừa kịp thời.

Bệnh Chlamydia
Bệnh Chlamydia

Chlamydia là bệnh gì?

Chlamydia là căn bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục thường gặp. Bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên, bệnh thường không có triệu chứng nên nhiều người không biết mình đã mắc bệnh. Nếu có triệu chứng, các dấu hiệu thường gặp là đau bộ phận sinh dục và dịch tiết ra từ âm đạo hoặc dương vật. Bệnh chlamydia có thể gây viêm cổ tử cung, hậu môn, niệu đạo, mắt và cổ họng.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh Chlamydia do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Đây là một vi khuẩn nội tế bào do không có khả năng tổng hợp các hợp chất có năng lượng cao (ATP và GTP). Nó khác với tất cả loài vi khuẩn khác là có chu kỳ nhân lên khác thường. Chu kỳ kế tiếp nhau với hai hình thái rất đặc biệt để đáp ứng với đời sống nội và ngoại tế bào. Chu kỳ nhân lên của Chlamydia khoảng 48 – 72 giờ, sau thời gian này vi khuẩn sẽ phá hủy các tế bào và gây tổn thương niêm mạc. Chlamydia có ba biến thể sinh học khác nhau về biểu hiện lâm sàng và sinh học:

  • Vi khuẩn Chlamydia Psittaci: Biến thể này thường có ở chim và chúng thường lây nhiễm ở những người sốt vẹt.
  • Vi khuẩn Chlamydia Pneumoniae: Nguyên nhân chính gây ra các bệnh ở đường hô hấp, bệnh có thể lây từ người sang người.
  • Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis: Đây là biến thể chính gây ra các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau mắt đỏ.

Chlamydia là một vi khuẩn đặc biệt ký sinh bắt buộc trong tế bào sống, hình cầu, có kích thước trung gian giữa vi khuẩn và virus do hệ thống gen di truyền, nên có thể xếp vào nhóm virus, cũng có thể xếp vào nhóm vi khuẩn. Chlamydia trachomatis chứa trong các dịch tiết ở âm đạo, niệu đạo, cổ tử cung. Nó được tìm thấy trong tự nhiên, chỉ sinh sống trong các tế bào của con người.

Con đường lây lan trực tiếp chủ yếu qua đường tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn và miệng. Bạn tình càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Bên cạnh đó, Chlamydia cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia cũng có thể lây qua con đường gián tiếp như:

  • Tồn tại trong các vật dụng cá nhân như khăn lau, quần lót bẩn, khăn giấy bẩn… Nếu như dùng các vật dụng này lâu tại vùng kín thì người bệnh có thể bị nhiễm bệnh.
  • Từ nguồn nước: con đường lây bệnh ít xảy ra hơn. Thông thường, những con đường này thường có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở những khu vực sống ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém.

Những dấu hiệu của bệnh Chlamydia

Ở nam giới

  • Tiết dịch bất thường từ dương vật, dịch thường có màu vàng hoặc trắng, thường thấy rõ vào sáng sớm.
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, có thể thấy tiểu rắt.
  • Sưng đau một bên hoặc cả 2 bên tinh hoàn.

Ở phụ nữ

  • Tiết dịch âm đạo, khí hư bất thường (dịch màu vàng nhạt hoặc trắng).
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Nam, nữ quan hệ tình dục qua hậu môn hoặc bị lây truyền từ khu vực bị nhiễm khác (ví dụ âm đạo) còn có thể có bị chlamydia ở phần trực tràng, với các biểu hiện sau:

  • Đau vùng trực tràng
  • Tiết dịch
  • Chảy máu

Đối với tình trạng nhiễm Chlamydia khi quan hệ bằng miệng, có thể thấy nổi mụn nước ở họng của phụ nữ và nam giới.

Những biến chứng của bệnh

Bệnh Chlamydia có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở nam giới và nữ giới, cụ thể:

  • Dính và bít tắc tử cung, vòi trứng, buồng trứng và các thành phần xung quanh hệ sinh sản nữ bị dính vào nhau bởi các dải xơ mỏng.
  • Viêm cổ tử cung xuất tiết.
  • Viêm vùng chậu (PID): xảy ra khi vi khuẩn lan truyền, làm lây nhiễm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. PID có thể dẫn đến vô sinh, thai ngoài tử cung hoặc đau vùng chậu mãn tính.
  • Viêm tuyến tiền liệt: ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng hoạt động của tinh hoàn dẫn đến tinh trùng được xuất ra không khỏe mạnh để thụ thai.
  • Viêm niệu đạo: Khoảng 50% người bị nhiễm có biểu hiện viêm niệu đạo. Một số triệu chứng như đi tiểu khó (đái buốt, đái rắt, đau khi đi tiểu), tiết dịch niệu đạo, dịch nhầy màu trắng đục hay trắng trong, số lượng ít đến vừa.
  • Hội chứng Reiter: gồm các triệu chứng viêm khớp, mắt đỏ và các bất thường đường tiết niệu.
  • Tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS nếu có phơi nhiễm.
  • Ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện khi nhiễm vi khuẩn Chlamydia và HPV – một loại virus đường sinh dục.

Đối với nam giới, vi khuẩn Chlamydia gây nên viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, dẫn đến vô sinh. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tinh trùng.

Nếu phụ nữ mang thai đã bị nhiễm bệnh có nguy cơ cao lây nhiễm cho con, nhất là mẹ sinh thường qua đường âm đạo. Trẻ sau sinh có nguy cơ mắc bệnh: Viêm phổi, nhiễm trùng mắt và mù lòa.

Chlamydia là bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh

Điều trị bệnh Chlamydia

Chlamydia là bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Uống một liều duy nhất Azithromycin, hoặc Doxycyclin uống ngày hai lần trong một tuần là biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất.

Khi điều trị Chlamydia không biến chứng ở niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng kết hợp nhóm thuốc uống sau:

  • Thuốc Doxycyclin: Liều dùng 100mg mỗi ngày uống 2 viên, dùng trong 7 ngày
  • Thuốc Tetracyclin: Liều dùng mỗi ngày uống 1g, dùng trong 7 ngày, hoặc
  • Thuốc Azithromycin: Liều dùng mỗi ngày uống 1g, uống liều duy nhất
  • Thuốc Erythromycin: Liều dùng 500mg mỗi ngày uống 4 viên, dùng trong 7 ngày
  • Thuốc Ofloxacin: Liều dùng 200mg, mỗi ngày uống 2 lần, dùng trong 7 ngày.

Để điều trị Chlamydia cho phụ nữ có thai, sử dụng các nhóm thuốc sau:

  • Thuốc Erythromycin 500mg: Mỗi ngày uống 4 viên, dùng thuốc trong 7 ngày
  • Thuốc Azithromycin: Mỗi ngày uống 1g và uống với liều duy nhất.

Tất cả các bạn tình của người bệnh nên được thăm khám, điều trị và xét nghiệm kịp thời. Người nhiễm Chlamydia nên kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày sau khi dùng Azithromycin hoặc cho đến khi đã dùng đủ 7 ngày Doxycycline, để ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho các bạn tình của mình.

Theo dõi sau điều trị cho thấy, có một số trường hợp có thể do tái phát hoặc tái nhiễm 5-10%. Phụ nữ có quan hệ tình dục với bạn tình không được điều trị đúng mức có nguy cơ cao bị tái nhiễm. Khoảng 3 tháng sau khi đã điều trị lây nhiễm ban đầu, phụ nữ và nam giới nhiễm Chlamydia nên được kiểm tra lại, ngay cả khi các bạn tình của họ đã điều trị khỏi.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh

Chlamydia là bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên không nên vì thế mà chủ quan khi phòng ngừa căn bệnh này. Các cách phòng tránh nhiễm bệnh hoặc lây bệnh bạn có thể áp dụng như sau:

  • Sử dụng bao cao su đúng cách là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
  • Không quan hệ tình dục bừa bãi, duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ hai phía.
  • Chủ động bảo vệ bản thân bằng cách lựa chọn bạn tình an toàn, đồng thời thống nhất với bạn tình về việc sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
  • Không quan hệ tình dục trong thời kỳ nhiễm bệnh, thậm chí cả khi đang điều trị bệnh.
  • Phải điều trị cho bạn tình để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát.
  • Kiểm tra và xét nghiệm định kỳ cho bản thân và bạn tình để phát hiện những bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục, đặc biệt là ở những người có lối sống phóng khoáng.
  • Tất cả các phụ nữ ở tuổi sinh hoạt tình dục dưới 25 tuổi nên đi tầm soát Chlamydia ít nhất mỗi năm một lần.
  • Tầm soát hàng năm cũng được khuyến cáo cho những phụ nữ lớn tuổi hơn có các yếu tố nguy cơ nhiễm Chlamydia (có bạn tình mới hoặc quan hệ với nhiều bạn tình).
  • Lưu ý, cần sàng lọc bệnh Chlamydia đối với tất cả thai phụ để hạn chế khả năng lây truyền bệnh cho trẻ.

Cần nhận biết sớm các nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Leave a reply