Vitamin D nổi bật với vai trò trong việc xây dựng, duy trì xương chắc khỏe. Nhưng các nghiên cứu ngày càng chứng minh vai trò quan trọng của vitamin D trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, nhất là trước các bệnh nhiễm trùng.
Vitamin D là chất gì?
Vitamin D (hay còn gọi là Calciferol) là một loại vitamin tan trong chất béo. Thông thường cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin và khoáng chất mà chỉ có thể nạp thông qua thực phẩm bên ngoài. Tuy nhiên, vitamin D lại có thể được tổng hợp bằng quá trình quang hóa. Dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím UVB, quá trình chuyển hóa chất dưới da sẽ diễn ra, hình thành dạng hoạt động của vitamin trong cơ thể.
Vitamin D có hai cấu trúc sinh lý chính bao gồm vitamin D2 (Ergocalciferol) và vitamin D3 (Cholecalciferol). Nếu vitamin D3 được tổng hợp dưới da nhờ ánh nắng mặt trời (chiếm 80-90%) thì vitamin D2 lại có thể bổ sung qua thực phẩm như đồ biển, cá hoặc các thức ăn như lòng đỏ trứng gà, sữa, bánh quy, ngũ cốc,… Mặc dù cơ thể cần cả vitamin D2 và D3 nhưng chủ yếu vitamin D3 sẽ chiếm phần lớn dưới dạng tích hợp trong cơ thể.
Vitamin D là thành phần thiết yếu trong việc xây dựng, duy trì xương chắc khỏe. Bởi lẽ canxi là thành phần chính của xương và cơ thể chỉ có thể hấp thụ được khi có vitamin D. Do đó việc thiếu dưỡng chất này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, biểu hiện dưới dạng còi xương ở trẻ nhỏ hoặc loãng xương ở người lớn tuổi.
Vitamin D và hệ miễn dịch
Khi nhắc đến Vitamin D chúng ta thường chỉ nhớ đến vai trò của nó trên bộ xương là chủ yếu. Mà quên rằng vitamin D còn tăng cường phản ứng miễn dịch qua khả năng kháng viêm và điều hòa miễn dịch, ngoài ra còn có chức năng thiết yếu trong việc hoạt hoá hàng rào bảo vệ của hệ thống miễn dịch.
Vitamin D được biết đến với vai trò tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Trên thực tế, vitamin D có vai trò quan trọng mà theo các nhà khoa học, lượng vitamin D thấp có mối liên quan mật thiết đến tình trạng tăng mẫn cảm với nhiễm trùng, bệnh tật và rối loạn miễn dịch.
Ví dụ như, lượng vitamin D thấp làm tăng nguy cơ các bệnh đường hô hấp, bao gồm lao phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng như nhiễm khuẩn và nhiễm vi rút hô hấp. Đồng thời, lượng vitamin D thấp còn gắn liền với giảm chức năng phổi, từ đó giảm khả năng của cơ thể chiến đấu chống lại nhiễm trùng hô hấp. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên quan và khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 của vitamin D trong cơ thể.
Thiếu vitamin D và nguy cơ nhiễm trùng
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa việc bổ sung vitamin D và giảm khả năng bị nhiễm trùng trong nhiều quá trình lây nhiễm. Bằng chứng mạnh mẽ nhất (dưới dạng thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt) về liệu pháp vitamin D bổ trợ cho bệnh lao, cúm và các bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Một số nghiên cứu chứng minh rằng tình trạng vitamin D đầy đủ có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng do mọi nguyên nhân trong các quần thể dân số được phân tích, thậm chí cải thiện tỉ lệ tử vong.
Công trình tiên phong của Rook và Crowle trong những năm 1980 đã chứng minh rằng vitamin D làm tăng hoạt động diệt khuẩn ở cơ thể người chống lại Mycobacterium tuberculosis, tác nhân gây bệnh lao.
Vitamin D điều chỉnh cấu hình cytokine trong mô hình động vật của bệnh tự miễn thông qua việc hạn chế sản xuất quá nhiều cytokine tiền viêm, chẳng hạn như TNF và interleukin-12, và do đó dẫn đến ức chế viêm. Ngoài ra, các peptide kháng khuẩn cathelicidin và defensin, được điều chỉnh một phần bởi vitamin D, cũng có vai trò chính trong việc bảo vệ miễn dịch của hệ hô hấp thông qua việc vô hiệu hóa trực tiếp mầm bệnh virus và tăng cường các hiện tượng thực bào tiêu diệt virus.
Vai trò điều hòa miễn dịch của vitamin D với các bệnh gây ra bởi nấm, động vật nguyên sinh hoặc ký sinh trùng vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu. Nồng độ Vitamin D đầy đủ trong cơ thể có vai trò cũng rất quan trọng để duy trì sự bảo vệ và kiểm soát hiệu quả các mầm bệnh ngoại bào khác nhau, đặc biệt là ký sinh trùng, động vật nguyên sinh và một số bệnh nhiễm nấm.
Làm gì để tăng cường hệ miễn dịch
Đầu tiên nhất và cũng là quan trọng nhất để giúp tăng cường hệ miễn dịch là chúng ta chọn một lối sống lành mạnh. Hệ miễn dịch là một hệ làm việc cùng với nhiều hệ cơ quan khác, nên khi chúng ta sống lành mạnh, các cơ quan cùng khỏe mạnh, ta sẽ có một hệ miễn dịch khỏe.
Không hút thuốc, không uống rượu, và một chế độ ăn “cân bằng” là quan trọng nhất. Khi chúng ta nói về ăn uống cân bằng, nghĩa rằng chế độ ăn chúng ta cần có đầy đủ glucid, lipid, protein, các loại rau củ quả nhiều màu, uống đủ nước và sử dụng ít đường.
Tiếp theo, chúng ta cần luyện tập thể dục. Thể dục giúp hệ tuần hoàn lưu thông đầy đủ, máu được đưa đến các nơi xa, làm làn da chúng ta khỏe hơn – Da là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể, huyết áp cân bằng. Gan, phổi và thận hoạt động khỏe hơn, tăng đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Cơ thể chúng ta khỏe hơn, và ta có hệ miễn dịch khỏe hơn.
Để có lối sống lành mạnh không thể thiếu “ngủ đủ giấc”. Ở người trưởng thành <65 tuổi, cần ngủ 7-9 giờ mỗi ngày, sáng dậy lúc 6-6h30p, đêm ngủ trước 23h, tốt nhất ngủ vào khoảng 22h-22h30p, và nên có 1 giấc ngủ trưa khoảng 30-45p mỗi ngày.
Một điểm khác nữa cần tránh, là chúng ta không nên để tăng cân hay giảm cân. Nó là biểu hiện của việc chúng ta duy trì năng lượng cung cấp không đều độ. Việc cân nặng thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hô hấp và tim mạch.
Tăng cường Vitamin D trong cơ thể
Một số cách cơ bản để tăng cường vitamin D có thể kể đến như:
- Tắm nắng (Thời gian tắm nắng lý tưởng nhất là trước 8 giờ sáng và khoảng 4-5 giờ chiều. Mỗi lần tắm nắng kéo dài từ 15 đến 20 phút).
- Ăn đồ biển trong đó có cá mỡ như cá hồi, cá hay tôm.
- Ăn nấm, thức ăn có nhiều dinh dưỡng như lòng đỏ trứng gà, gan, ngũ cốc,… uống sữa (trong sữa chứa cả vitamin D và canxi), bổ sung thêm vitamin D bằng thực phẩm chức năng nếu cơ thể không đủ chất.
Vitamin D cần được bổ sung đúng cách để cơ thể không rơi vào tình trạng thừa hay thiếu. Nếu bổ sung vitamin hàng ngày thì chỉ cần sử dụng vitamin D3 liều thấp (400IU) với cả trẻ em và người lớn để tăng cường kháng thể.
Vitamin D rất cần thiết với cơ thể và có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố hệ miễn dịch. Do đó, mỗi người hãy duy trì những thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Đồng thời, bạn có thể bổ sung vitamin D bằng cách sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.