Viêm phế quản là bệnh về đường hô hấp, người bệnh thường ho, khạc đờm. Bệnh diễn tiến ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp nếu không kịp thời điều trị.

Viêm phế quản
Viêm phế quản kiến bạn bị mệt mỏi và ho dai dẳng

Viêm phế quản là bệnh gì?

Phế quản là một ống dẫn khí thuộc đường hô hấp dưới, ở vị trí đốt sống ngực thứ 4 và thứ 5. Phế quản được chia thành các nhánh nhỏ đi sâu vào phổi, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn khí đến phổi.

Bệnh viêm phế quảnxảy ra khi khu vực niêm mạc của ống phế quản bị sưng viêm, dẫn đến các biểu hiện khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống con người.

Có hai loại viêm phế quản, bao gồm viêm phế quản cấp tính và mãn tính:

  • Viêm phế quản cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở ngưởi trước đó không có tổn thương, thường do vi khuẩn, vi- rút hoặc cả hai.
  • Viêm phế quản mãn tính: Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, nó sẽ kích thích liên tục các ống phế quản, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính có cấp độ nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phế quản cấp tính thường là do vi- rút, bệnh còn có thể xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích phổi, ví dụ như khói thuốc, bụi, ô nhiễm không khí.

Viêm phế quản mãn tính thường do sự lặp lại của viêm niêm mạc phế quản trong thời gian dài. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải viêm phế quản mãn tính là những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất kích thích phổi do nghề nghiệp (như công nhân xây dựng, thợ mỏ than, công nhân kim loại,..), và những người nghiện hút thuốc lá. Mức độ ô nhiễm không khí cũng là một trong những yếu tố góp phần phát triển bệnh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Khói thuốc lá: đây được coi là yếu tố hàng đầu làm phát triển bệnh. Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc sống chung trong môi trường khói thuốc cũng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản cấp tính hoặc mãn tính.
  • Sức đề kháng kém: khi cơ thể bị mắc phải một căn bệnh cấp tính khác, ví dụ như cảm lạnh hoặc một tình trạng mãn tính làm tổn thương đến hệ miễn dịch cũng rất dễ bị viêm phế quản. Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng là người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Tiếp xúc với các chất kích thích trong công việc: nếu bạn thường xuyên làm việc trong một môi trường chứa các chất kích thích phổi, khả năng cao bạn sẽ bị mắc viêm phế quản. Chẳng hạn như dệt may, cơ khí hoặc tiếp xúc với hóa chất hoặc khói.
  • Trào ngược dạ dày: sự lặp đi lặp lại các cơn ợ nóng, ợ chua có thể gây kích thích cổ họng và làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản.

Trong đó:

  • Đối tượng thường bị viêm phế quản cấp tính chủ yếu là người có sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ em ở mọi lứa tuổi thường dễ bị cảm lạnh và dẫn đến viêm phế quản.
  • Đối tượng thường bị viêm phế quản mạn tính là người già và hơn 80% do khói thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều người đang ở lứa tuổi trung niên nhưng hút thuốc lá từ trẻ và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cũng bị viêm phế quản mạn tính từ sớm.

Những triệu chứng của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở những người bị mắc viêm phế quản bao gồm:

  • Ho
  • Khạc đờm, có thể là màu trắng, màu vàng hoặc xanh lá cây (hiếm thấy), ho có thể kèm theo máu.
  • Mệt mỏi
  • Sốt, ớn lạnh
  • Khó thở hoặc tức ngực

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bạn sẽ xuất hiện những triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu nhẹ hoặc cơ thể bị đau nhức, thêm vào đó, các cơn ho sẽ dai dẳng kéo dài trong vài tuần sau khi chứng viêm đã hết. Đối với viêm phế quản mãn tính có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh trở nên tồi tệ. Vào thời điểm này, các triệu chứng ho và một số triệu chứng khác có thể tiến triển xấu đi, nguy cơ cao bạn sẽ bị nhiễm trùng cấp tính ở giai đoạn đầu viêm phế quản mãn tính.

Trong trường hợp bị ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở,… và nghi ngờ bị viêm phế quản phổi, người bệnh có thể trực tiếp đến Khoa Nội hô hấp để được được thăm khám và xác định nguyên nhân sớm nhất.

Bệnh do virus, thuốc lá và nhiều nguyên nhân khác gây ra

Biến chứng của bệnh viêm phế quản phổi

Không nên chủ quan với bệnh viêm phế quản phổi bởi việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

Suy hô hấp

Khi bị viêm phế quản phổi, quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide hoạt động kém, gây suy hô hấp và khó thở. Người bệnh có thể phải sử dụng máy trợ thở để có thể thở được.

Hội chứng suy hô hấp cấp tính

Nghiêm trọng hơn suy hô hấp chính là suy hô hấp cấp tính. Biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị.

Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết hay còn được gọi là nhiễm trùng máu là một biến chứng của viêm phế quản phổi do tình trạng viêm, nhiễm trùng gây phản ứng miễn dịch, khiến các cơ quan và mô trong cơ thể bị tổn thương. 

Người bệnh viêm phế quản nếu bị nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.

Áp xe phổi

Khi bệnh viêm phế quản phổi diễn biến nghiêm trọng thì có thể khiến các túi dịch chứa mủ tràn vào bên trong phổi, gọi là áp xe phổi.

Các biến chứng khác

Tình trạng viêm phế quản phổi còn có thể dẫn đến suy thận, suy tim, nhịp tim không đều,…

Phương pháp điều trị bệnh

Điều trị viêm phế quản cấp tính

  • Nếu viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn hoặc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh.
  • Ho dai dẳng, kéo dài gây tổn thương cổ họng cần dùng thuốc giảm ho.
  • Kết hợp một số thuốc khác: giúp giảm tình trạng viêm và dị ứng.

Điều trị viêm phế quản mạn tính

  • Tiến hành phục hồi chức năng bằng việc xây dựng các bài tập thể dục phù hợp giúp thở dễ dàng hơn.

Đối với trẻ em bị mắc bệnh viêm phế quản

  • Chỉ dùng kháng sinh khi chắc chắn trẻ bị viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.
  • Tích cực hút đờm cho trẻ khi ho có nhiều đờm, bác sĩ có thể kê thêm thuốc loãng đờm cho trẻ và trẻ cần được uống nhiều nước.
  • Giữ cho không khí trong nhà luôn sạch, không bụi bẩn và không khói thuốc giúp phòng bệnh cho trẻ.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh trẻ bị nhiễm lạnh khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột.
  • Điều trị kịp thời, dứt điểm khi trẻ bị viêm mũi họng, viêm amidan để phòng tránh biến chứng gây viêm phế quản.

Nếu bị viêm phế quản mãn tính, bạn nên tiến hành phục hồi chức năng. Liệu pháp này giúp bạn thiết kế một chương trình tập thể dục giúp bạn điều hòa hơi thở, giảm các triệu chứng do viêm phế quản gây ra và tăng cường sức khỏe.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản

Đối với người lớn

  • Không hút thuốc lá.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
  • Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khí độc và các nguồn không khí ô nhiễm.
  • Xây dựng môi trường sống không bụi bẩn, không khói thuốc lá.
  • Làm sạch không khí trong nhà: sử dụng điều hoà không khí, máy làm ẩm.

Đối với trẻ em

  • Giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
  • Điều trị kịp thời, dứt điểm khi trẻ bị viêm mũi họng, viêm amidan, cảm lạnh … để tránh biến chứng.

Leave a reply