Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến với mọi lứa tuổi, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không điều trị sớm bệnh sẽ có biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang mạn tính.

Viêm mũi dị ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?

Viêm mũi dị ứng là vấn đề về mũi xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây kích thích bằng các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đỏ, ngứa và chảy nước mắt và sưng quanh mắt.

Viêm mũi xảy ra khi niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng) như bụi, khói, lông, tơ,… và hắt hơi là một dạng phản ứng của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.

Viêm mũi dị ứng làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu và gây ra nhiều cản trở trong đời sống sinh hoạt và làm việc của họ. Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

Để chấm dứt tình trạng này, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để biết được chính xác đây là viêm mũi dị ứng hay không. Từ đó, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh một cách chi tiết và áp dụng phương pháp chữa trị phù hợp với cơ thể của bạn.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân lớn gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng dị ứng cùng với cơ địa nhạy cảm và tiếp xúc với dị nguyên, là các yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sinh ra một loại chất hoá học tự nhiên có tên là histamin để bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại bên ngoài. Chất này chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng và gây ra viêm mũi dị ứng.

 Các chất gây dị ứng trong nhà

Các tác nhân gây dị ứng trong nhà bao gồm: bụi, lông chó mèo, lông vải từ quần áo, chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng, nước xả vải, mùi thức ăn, nấm mốc…

Các chất gây dị ứng trong không khí

Các tác nhân gây dị ứng trong không khí bao gồm: phấn hoa, lông sâu, bướm, bụi lúa trong mùa gặt, khói, bụi, mùi rác thải, gió, không khí lạnh, mưa…

Các chất gây dị ứng nghề nghiệp

Các tác nhân gây dị ứng nghề nghiệp bao gồm: bụi phấn ở trường học, hóa chất trong các nhà máy, sợi vải trong các xưởng may, lông động vật trong các lò giết mổ, khói hương nhang trong các đền chùa, bụi xi măng trong các nhà máy vật liệu, bụi gỗ trong các xưởng mộc…

Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng tiềm ẩn ở mọi nơi nên chứng bệnh này rất dễ tái phát. Những người thường xuyên xịt rửa mũi thì các triệu chứng thường giảm nhẹ hơn.

Những triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành 2 nhóm:

Triệu chứng bệnh theo chu kỳ

Thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu.

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi và cứ đúng vào giai đoạn đó thì bệnh lại tái phát, có khi kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi…

Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng gây rất nhiều phiền toái cho bạn

Triệu chứng bệnh không theo chu kỳ

Tình trạng thường gặp nhất với các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh. Ban đầu nước mũi trong suốt nhưng càng về sau thì càng đặc lại, chảy thành từng đợt, nặng hơn thì có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ liền, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng. Ngoài ra, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng do nghẹt mũi nên rất dễ bị viêm họng, viêm thanh quản.

Viêm mũi dị ứng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như:

  • Niêm mạc mũi thoái hóa
  • Phù nề gây nghẹt mũi
  • Các cuốn mũi bị quá phát xen kẽ thoái hóa polyp
  • Viêm loét vùng tiền đình mũi
  • Viêm họng
  • Viêm phế quản
  • Viêm xoang
  • Viêm tai giữa

Đối với biến chứng viêm phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Viêm phế quản có thể lan xuống phổi gây viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng của trẻ.

Điều trị viêm mũi dị ứng

Nếu tìm được nguyên nhân gây dị ứng, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị đặc hiệu để mang lại hiệu quả tốt nhất. Đây là cách giúp bệnh nhân thay đổi đáp ứng miễn dịch thông qua phương pháp giải mẫn cảm. Cụ thể, khi tìm được nguyên nhân gây dị ứng, các bác sĩ sẽ đưa tác nhân này vào cơ thể người bệnh để tạo kháng thể, cơ chế giống với việc tiêm vắc xin. 

Dùng nước muối sinh lý 

Đây là cách hiệu quả và đơn giản giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi và ngứa mũi. Người bệnh có thể dễ dàng tìm mua nước muối sinh lý NaCl 0,9% ở nhiều hiệu thuốc. Với việc sử dụng dung dịch này, người bệnh có thể được loại bỏ dịch nhầy trong mũi, đồng thời với công dụng sát khuẩn, nước muối sẽ làm giảm tình trạng viêm nhiễm. Khi sử dụng, bệnh nhân lưu ý thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh để bị sặc, để nước muối bị chảy ngược vào trong.

Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Tùy vào từng trường hợp, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp. Phần lớn, các bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc thường được dùng là: 

  • Thuốc kháng sinh, steroids có thể dùng dạng uống hoặc dạng xịt. Thuốc co mạch đường uống hay co mạch đường tại chỗ.
  • Thuốc kháng histamin: Có thể dùng dạng uống hoặc dạng xịt.
  • Thuốc Kháng cholinergic.
  • Thuốc kháng leukotriene.

Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị khác để bác sĩ cân nhắc và kê đơn thuốc hiệu quả nhất.

Với những trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng kèm theo polyp, bị lệch vách ngăn,… các bác sĩ có thể cân nhắc về phương pháp phẫu thuật để điều trị triệt để cho bệnh nhân.

Những lưu ý cho người bệnh

  • Người bị viêm mũi dị ứng cần phải thận trọng hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Cần tránh tiếp xúc với những tác nhân có nguy cơ gây dị ứng. Khi đang bị dị ứng, có thể dùng máy điều hòa. Không nên mở cửa sổ vì nếu mở cửa bạn có nguy cơ hít phải khói bụi, phấn hoa,… Bên cạnh đó, người bệnh cần phải lưu ý nhiều hơn trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột. Bệnh nhân cần vệ sinh mũi sạch sẽ để bệnh sớm được cải thiện. 
  • Không nên ngoáy mũi bằng tay để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi. Nên bổ sung nhiều dưỡng chất trong thực đơn hàng ngày, nhất là vitamin C giúp tăng cường và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. 
  • Cần tránh ăn một số những thực phẩm có tính lạnh, tránh ăn đồ sống, không nên uống rượu bia và hút thuốc lá. 
  • Giữ tinh thần tích cực, vui vẻ. Tránh áp lực, căng thẳng khiến bệnh có tiến triển xấu hơn. 
  • Lông động vật có thể là tác nhân gây dị ứng do đó không nên nuôi chó mèo trong nhà. 
  • Thường xuyên thay chăn ga, gối đệm, giữ gìn vệ sinh nhà cửa. 
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Đeo khẩu trang khi quét nhà hoặc khi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn.

Thời tiết lúc giao mùa hay thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh, dễ khiến cho cơ thể bị ốm. Những người có cơ địa dị ứng, thường hay bị bệnh cần chủ động giữ ấm cơ thể: mặc ấm, quàng khăn cổ, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tránh tắm quá khuya.

Khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, phối hợp sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ và cách ly tất cả dị nguyên. Như vậy, việc chữa trị viêm mũi dị ứng mới đạt hiệu quả cao nhất.

Leave a reply