Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và chiều cao của trẻ. Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm được chứng minh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.
Vai trò của kẽm với trẻ
Kẽm là nguyên tố khoáng vi lượng đứng hàng thứ 6 trong cơ thể con người, chỉ chiếm 2-3g trọng lượng cơ thể nhưng nó lại có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của cơ thể đặt biệt là ở trẻ nhỏ.
Giúp hệ xương khớp ở trẻ khỏe mạnh
Theo các nghiên cứu khoa học, khối lượng xương thấp đi có liên quan mật thiết với việc thiếu kẽm. Lý do là bởi hoạt chất này cùng canxi, magan, đồng là những vi chất có khả năng cấu tạo và duy trì độ chắc khỏe của cơ sụn. Việc thiếu kẽm sẽ gây ra phản ứng hủy xương, từ đó khiến bé còi cọc, chậm phát triển chiều cao.
Giúp bé nâng cao miễn dịch
Thông thường các tế bào lympho T, Lympho B và đại thực bào sẽ cần kẽm để kích hoạt và thực hiện chức năng kiểm soát, điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Từ đó ngăn ngừa tình trạng nhiễm bệnh, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như viêm họng, viêm phế quản, amidan,…
Việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp trẻ giảm tới 18% nguy cơ tiêu chảy, 41% nguy cơ viêm phổi,…
Giúp bé cải thiện và phát triển não bộ
Theo các nghiên cứu khoa học, não bộ là cơ quan chứa lượng kẽm nhiều nhất trong cơ thể. Hoạt chất này có vai trò điều hòa các nơron thần kinh, đồng thời thúc đẩy quá trình nhận thức và học hỏi ở các bé. Việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp gia tăng dẫn truyền hệ thần kinh, nâng cao khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức và cải thiện sức khỏe của não sau chấn thương.
Giúp trẻ hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng
Tác dụng của kẽm đối với trẻ còn thể hiện ở khả năng hấp thụ và chuyển hóa các nguyên tố vi lượng khác. Cụ thể hoạt chất này tham gia vào việc hấp thụ đồng, nhôm, canxi, magie và một số enzyme quan trọng của cơ thể. Không chỉ thế đây còn là vi chất giúp làm giảm độc tính của các kim loại nặng, bảo vệ trẻ khỏi quá trình oxy hóa, giải độc hiệu quả.
Giúp bảo vệ mắt cho trẻ
Bảo vệ mắt là một trong những tác dụng của kẽm cho trẻ em. Theo các nghiên cứu khoa học, kẽm có khả năng hỗ trợ thị giác khỏe mạnh, đồng thời ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng hoặc tổn thương võng mạc từ bên ngoài.
Bên cạnh đó hoạt chất này còn là xúc tác giúp vitamin A tạo ra sắc tố, bảo vệ mắt hiệu quả. Việc thiếu kẽm sẽ khiến trẻ bị suy giảm thị lực, khó thích ứng với ban đêm.
Giúp giảm gãy rụng ở tóc
Một trong những tác dụng của kẽm đối với trẻ nhỏ là giảm khả năng tóc gãy rụng. Lý giải vấn đề này các chuyên gia cho biết, kẽm là hoạt chất có tác dụng giảm dihydrotestosterone – nhân tố gây nhờn tóc, khiến bộ phận này không được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Không chỉ thế, kẽm còn tham gia tác động vào nang tóc và kích thích tế bào tóc phát triển, giảm gãy rụng hiệu quả.
Giúp trẻ làm lành vết thương, giảm mụn hiệu quả
Không chỉ ảnh hưởng đến miễn dịch và thần kinh, tác dụng của kẽm cho bé còn là khả năng cải thiện vết thương và giảm mụn hiệu quả. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, kẽm có tác dụng rất tốt trong việc tổng hợp collagen, chống viêm hiệu quả. Việc sử dụng hoạt chất này không những giúp cải thiện tình trạng viêm loét ở da mà còn ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P.acnes.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu Kẽm
Biểu hiện của việc cơ thể thiếu kẽm rất thầm lặng, vì vậy, việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ ăn là rất quan trọng.
Biểu hiện ở trẻ bị thiếu kẽm bao gồm: biếng ăn, ăn không ngon, chậm lớn,còi xương, suy dinh dưỡng, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, tổn thương ở da và mắt, chậm phát triển cơ quan sinh dục, viêm nhiễm đường hô hấp, thị lực kém, vết thương chậm liền sẹo.
Nguyên nhân thiếu kẽm
Thiếu kẽm bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, một số nguyên nhân tiêu biểu có thể kể đến gồm:
- Do chế độ ăn có nhiều chất bột ít chất đạm (dù tổng lượng kẽm trong thức ăn là đủ).
- Do chế biến thức ăn (trong thực vật kẽm nằm ở phấn hoa, nhụy lá mầm của hạt, nên việc xay xát nhiều làm mất kẽm).
- Do bệnh tật (bệnh đường ruột làm cho kẽm khó hấp thu).
- Do di truyền (bệnh acrodematis, cơ thể không hấp thu được kẽm, da bị nám xung quanh khuỷu tay, đầu gối, mặt, mông).
- Do dùng thuốc (dùng sắt lâu dài sẽ cản trở sự hấp thu kẽm)…
Nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ
Việc bổ sung kẽm cho cơ thể rất quan trọng, tuy nhiên cần dựa theo tuổi để bổ sung hàm lượng kẽm thích hợp. Cụ thể:
- Trẻ 0 – 6 tháng tuổi: mỗi ngày 2mg.
- Trẻ trong độ tuổi 7 – 11 tháng: mỗi ngày 3 mg.
- Trẻ trong độ tuổi 1 – 3: mỗi ngày 3mg.
- Trẻ trong độ tuổi 4 – 8: mỗi ngày 5mg.
- Trẻ 9 – 13 tuổi: mỗi ngày 8mg.
- Trẻ từ 14 tuổi trở lên: bé trai mỗi ngày 11mg, bé gái mỗi ngày 9mg.
- Phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6-12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày.
Thời điểm cho trẻ uống kẽm tốt nhất là trước khi ăn 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi ăn. Thời gian bổ sung kẽm tuỳ thuộc diễn biến, tình trạng bệnh tật và dinh dưỡng của cơ thể của trẻ, trên thực tế trung bình 3-4 tháng.
Kẽm là vi chất rất quan trọng, vì thế, ngay từ khi mang thai các mẹ bầu cần phải bổ sung kẽm để giúp con có thể phát triển tốt về thể chất lẫn trí não. Đồng thời cũng giúp ngăn ngừa được tình trạng sinh non ở người mẹ.
Bổ sung Kẽm cho trẻ
- Phụ nữ mang thai cần bổ sung kẽm bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng, hoặc ăn nhiều hạnh nhân, lạc, vừng, đậu xanh, ăn thịt bò, thịt cừu, thịt heo, uống sữa cho bà bầu,… để giúp cung cấp lượng kẽm cần thiết cho cả 2 mẹ con.
- Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ cho không cho bé cai sữa sớm trước 12 tháng; sau 4-6 tháng do trẻ phát triển nhanh và nhu cầu tăng, nếu thiếu sữa mẹ phải cho trẻ bú thêm sữa bò; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg phải bổ sung kẽm ngay từ tháng thứ hai sau sinh.
- Xây dựng thực đơn giàu dinh dưỡng cho bé, cho bé ăn các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, nhộng tằm, thịt bò, thịt cóc (thịt cóc phải làm thật kỹ, bỏ hết ruột, gan, trứng và da) và tăng thức ăn có chứa hàm lượng kẽm cao như: rau mồng tơi, gan cá, gan heo…
- Sử dụng thực phẩm chức năng: Cho trẻ uống kẽm trực tiếp là cách làm hiệu quả được nhiều mẹ bỉm tin dùng. Phương pháp này không những giúp kiểm soát lượng kẽm dung nạp vào cơ thể mà còn hạn chế tình trạng thiếu hụt hiệu quả. Mẹ có thể lựa chọn siro, viên uống, viên nang cho bé. Nhưng để an toàn hãy tham vấn qua ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Những lưu ý khi bổ sung Kẽm cho trẻ
Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể tham khảo về việc bổ sung kẽm. Muốn cơ thể trẻ hấp thu kẽm một cách tốt nhất thì cha mẹ nên bổ sung kẽm vào thời điểm trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 30 – 60 phút và nên duy trì khoảng 2 – 3 tháng rồi mới dừng. Khả năng hấp thụ kẽm của cơ thể sẽ trở nên tốt hơn khi trong quá trình bổ sung kẽm cha mẹ kết hợp bổ sung thêm vitamin C cho trẻ.
Sự kết hợp giữa vitamin C với kẽm không những nâng cao hiệu quả hấp thu dưỡng chất mà còn giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thể chất cho trẻ. Mặt khác, nó còn giúp điều hòa phản ứng oxi hóa khử để chống lại gốc tự do và tăng cường sức đề kháng của trẻ.
Cha mẹ không nên bổ sung kẽm và canxi cùng thời điểm mà nên cách nhau 2 tiếng vì canxi dễ làm tăng bài tiết kẽm sinh ra tình trạng giảm hấp thu kẽm. Nếu trẻ được chỉ định cần bổ sung thêm sắt thì cũng nên uống sắt và kẽm cách nhau tối thiểu 2 tiếng và hãy cho trẻ uống kẽm trước khi uống sắt vì nếu uống sắt trước thì việc hấp thụ kẽm sẽ dễ bị cản trở.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.