Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm.

Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có thể điều trị tốt nếu phát hiện sớm

Bệnh ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung ở phụ nữ được bao phủ bởi một lớp mô mỏng – lớp mô này được tạo thành từ các tế bào. Cổ tử cung được cấu tạo bởi hai phần và được bao phủ bởi 2 loại tế bào khác nhau. Các tế bào tuyến bao phủ ở phần mở của cổ tử cung dẫn vào tử cung. Tế bào vảy bao phủ phần bên ngoài của cổ tử cung – nơi bác sĩ có thể nhìn thấy khi khám bằng mỏ vịt. Nơi hai loại tế bào này gặp nhau trong cổ tử cung có tên là vùng biến đổi. Hầu hết ung thư ở cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào ở vùng biến đổi.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung. Hơn 15% trường hợp mắc mới được ghi nhận là ở phụ nữ trên 65 tuổi, đặc biệt là ở những trường hợp không được khám sàng lọc ung thư thường xuyên.

Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, thường phát triển âm ỉ trong thời gian dài (mất vài năm), thường do nhiễm virus HPV.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do nhiễm các chủng khác nhau của virus gây u nhú ở người – Human Papillomavirus (HPV). HPV có nhiều chủng nguy cơ cao gây các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, mụn cóc sinh dục, amidan

HPV có 2 loại protein là E6 và E7 có tác dụng tắt một số gen ức chế khối u, từ đó cho phép các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển quá mức, phát triển các thay đổi trong gen, dẫn đến tình trạng ung thư.

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung?

Vi-rút HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi-rút HPV:

  • Nhiều bạn tình
  • Bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi)
  • Cá nhân có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung
  • Gia đình có tiền sử bị ung thư cổ tử cung
  • Hút thuốc
  • Bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), chẳng hạn như chlamydia
  • Mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch
  • Con sinh ra có nguy cơ bị nhiễm HPV nếu người mẹ đã sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES- thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai) trong khi mang thai.

Những dấu hiệu của bệnh

Ở giai đoạn sớm, người bệnh ung thư cổ tư cung thường không có biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ hơn do khối u phát triển tại chỗ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh, cũng như di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Các biểu hiện ung thư cổ tử cung có thể là:

  • Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung: Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục. 
  • Các dấu hiệu khi bệnh ở giai đoạn tiến xa: đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân, rò phân/nước tiểu qua ngả âm đạo, gãy xương,…

Các dấu hiệu khác như: Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn kéo dài, gãy xương do di căn xương, rối loạn đại-tiểu tiện do u phát triển gây chèn ép trực tràng-bàng quang,…

Ung thư cổ tử cung
Thăm khám sớm khi có các triệu chứng bất thường

Biến chứng nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Các biến chứng nguy hiểm như:

  • Vô sinh: Các khối u xâm lấn và tác động đến cổ tử cung – nơi tinh trùng và trứng gặp nhau. Trong một số trường hợp, để điều trị dứt điểm bệnh, đảm bảo tính mạng người bệnh đòi hỏi phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ. Thêm vào đó, việc cắt buồng trứng có thể khiến quá trình mãn kinh diễn ra sớm hơn.
  • Ảnh hưởng tâm sinh lý: Bệnh gây rối loạn cảm xúc, nhiều trường hợp người bệnh bị trầm cảm, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
  • Chảy máu bất thường: Trường hợp các khối u xâm lấn vào âm đạo, hoặc di căn đến ruột, bàng quang có thể gây chảy máu, người bệnh đi tiểu có lẫn máu.
  • Suy thận: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các khối u có thể chen vào niệu quản, làm tắc dòng nước tiểu ra khỏi thận. Khi nước tiểu tích tụ lâu ngày sẽ khiến thận sưng lên, nguy cơ gây sẹo thận và suy giảm chức năng thận.

Khối u ác tính cổ tử cung nếu được phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn tiền ung thư thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến hơn 90%.

Ở giai đoạn I, tỷ lệ điều trị thành công vào khoảng 85-90% và giảm dần ở các giai đoạn sau. Đến giai đoạn II giảm còn 50-75%, giai đoạn III là 25-40% và ở giai đoạn IV chỉ còn 15%, tiên lượng người bệnh chỉ kéo dài sự sống thêm 5 năm.

Điều trị bệnh ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật

Nếu ung thư chỉ ở trên bề mặt cổ tử cung, bác sĩ có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng thủ thuật như LEEP hoặc cấy dao lạnh. Nếu tế bào ung thư đã đi qua một lớp gọi là màng đáy (ngăn cách bề mặt cổ tử cung các lớp bên dưới), có thể phải cần phẫu thuật. Nếu bệnh đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của cổ tử cung nhưng chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có thể phải phẫu thuật để lấy khối u ra ngoài. Nếu tế bào ung thư lan vào tử cung, bác sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ tử cung.

Một số phương pháp phẫu thuật được dùng trong điều trị ung thư cổ tử cung, như: phẫu thuật lạnh, phẫu thuật bằng tia laser, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung, cắt bỏ tử cung.

Xạ trị

Xạ trị là dùng các tia năng lượng cao (tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị gồm xạ trị ngoài (bắn tia phóng xạ từ bên ngoài cơ thể) và xạ trị trong (đưa nguồn phóng xạ vào âm đạo, gần cổ tử cung).

Hóa trị

Hóa trị là điều trị bằng thuốc, thường được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch. Hóa trị được thực hiện theo từng đợt, kéo dài nhiều tháng.

Dùng thuốc nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là dùng những loại thuốc nhắm vào các tế bào ung thư, không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh bình thường.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là điều trị tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư.

Tùy vào loại ung thư và giai đoạn ung thư, có thể có nhiều hơn một phương pháp điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư cổ tử cung, phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật, xạ trị kết hợp hóa trị. Ở giai đoạn sau, phương pháp điều trị phổ biến là xạ trị kết hợp với hóa trị. Kế hoạch điều trị ung thư do đó phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, loại ung thư, tuổi, các vấn đề sức khỏe trước đó, tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư.

Cách phòng ngừa bệnh

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm vắcxin HPV phòng ngừa. Vắc-xin được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Các bác sĩ khuyến cáo, độ tuổi an toàn để tiêm vắcxin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi.

  • Khuyến cáo chị em phụ nữ xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV – tác nhân dẫn đến u cổ tử cung
  • Không quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, còn nhạy cảm.
  • Thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì nguy cơ cao lây nhiễm virus HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác.
  • Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục…
  • Đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường.

Tỷ lệ sống sót là rất cao khi phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sớm, điều trị kịp thời các biến đổi tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn đầu. Do đó, tầm soát ung thư cổ tử cung và tiêm vắc xin ngừa virus HPV là cách duy nhất hiệu quả để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Leave a reply