Sốt ở trẻ sơ sinh là một vấn đề thường gặp, khi nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá cao có thể có thể gặp những triệu chứng nguy hiểm. Đặc biệt khi trẻ chỉ mới vài tuần tuổi có thể khiến bố mẹ chưa có kinh nghiệm khó bề xử trí.
Khi nào trẻ được coi là bị sốt?
Trẻ sơ sinh bị sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38 độ C trở lên. Nhiệt độ dưới 38 độ C chưa được tính là sốt vì cơ thể của trẻ có thể tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thời tiết nóng, trẻ mặc quá nhiều quần áo, vừa tắm nước ấm…
Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể trẻ có xu hướng tăng cao vào cuối buổi chiều và giảm đi vào buổi sáng sớm. Vì vậy, cha mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của trẻ bằng nhiệt kế để xác định chính xác trẻ có bị sốt hay không.
Để đo nhiệt độ cho trẻ, có nhiều vị trí đo, như hậu môn, miệng, tai, dưới nách, và một số vị trí khác. Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP) khuyên rằng chỉ nên sử dụng dụng cụ đo nhiệt kế điện tử cho trẻ. Trong khi đó, những loại nhiệt kế thủy ngân không nên sử dụng. Bởi vì trẻ rất hay cử động, thay đổi tư thế đột ngột, làm tăng nguy cơ làm bể nhiệt kế. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân rất dễ bị ngộ độc.
Các mẹ nên sử dụng loại nhiệt kế đo ở trực tràng. Bởi vì đây là vị trí cung cấp nhiệt độ chính xác nhất.
Dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh
Em bé bị sốt có thể biểu hiện khác ngày thường, ví dụ như cáu kỉnh và quấy khóc nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, các triệu chứng sốt ở trẻ sơ sinh còn bao gồm:
- Ngủ kém
- Ăn uống kém
- Không còn hứng thú chơi đùa
- Ít hoạt động hoặc thậm chí hôn mê
- Co giật hoặc động kinh
Sốt có thể gây ra mất nước đặc biệt trẻ có kèm theo nôn ói, hoặc tiêu chảy. Đặc biệt trẻ sơ sinh mất nước rất nhanh, và đủ để gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một trong số các biểu hiện cho thấy trẻ có dấu hiệu mất nước mà mẹ có thể quan sát là:
- Trẻ khóc ít nước mắt hoặc không có nước mắt
- Miệng khô, và rất háo nước
- Tiểu ít hơn bình thường
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mất nước, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi và bác sĩ sẽ bổ sung lượng nước hợp lý tùy mức độ mất nước của trẻ.
Các tình trạng trẻ bị sốt có thể gặp
Trẻ dưới 3 tháng tuổi còn rất non nớt nên nếu bị sốt có thể dẫn đến những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bạn nên đặc biệt chú ý đến trẻ. Nếu trẻ sốt không phải do ủ ấm hay nhiệt độ phòng quá nóng thì nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay, đề phòng trường hợp trẻ sốt do nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Thân nhiệt cao / thấp
Nếu em bé của bạn dưới 3 tháng và có nhiệt độ trực tràng hậu môn từ 100,4°F (38°C) trở lên, hãy gọi cho bác sĩ.
Trẻ sơ sinh gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể khi bị ốm. Điều này có nghĩa là bé có thể bị lạnh thay vì nóng. Nếu trẻ sơ sinh có nhiệt độ thấp hơn 97°F (36°C), bố mẹ cũng cần gọi cho bác sĩ.
Co giật
Đôi khi, trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi có thể bị co giật do sốt. Tình trạng co giật do sốt có thể có yếu tố gia đình.
Trong nhiều trường hợp, cơn sốt co giật sẽ diễn ra trong vài giờ đầu tiên khi sốt cao, thường kéo dài chỉ vài giây và dưới một phút. Em bé có thể cứng người, co giật và đảo mắt trước khi mềm nhũn người ra và không phản ứng. Làn da của một số bé có thể trông sẫm màu hơn bình thường.
Hìện tượng này thường khiến các bậc cha mẹ rất lo ngại, nhưng thực tế thì co giật do sốt hầu như không dẫn đến tổn thương lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải báo cáo những cơn co giật này cho bác sĩ biết.
Nếu em bé có vẻ khó thở hoặc cơn co giật tiếp tục kéo dài hơn năm phút, hãy gọi số cấp cứu ngay lập tức.
Say nắng / sốc nhiệt
Trong một số trường hợp hiếm hoi, sốt có thể bị nhầm lẫn với tình trạng liên quan đến nhiệt – gọi là say nắng. Nếu em bé của bạn ở một nơi quá nóng, hoặc nếu bé mặc quần áo quá kín trong thời tiết nóng và ẩm, thì có thể bị say nắng. Nguyên nhân của tình trạng này không phải do nhiễm trùng hoặc các vấn đề bất thường bên trong cơ.
Thay vào đó, say nắng là hậu quả của mức nhiệt môi trường xung quanh. Thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên mức cao nguy hiểm – trên 105°F (40,5°C), buộc phải được làm mát nhanh chóng.
Các phương pháp làm mát cho bé bao gồm:
- Lau mình con bằng nước mát
- Bật quạt máy hoặc quạt tay cho con
- Chuyển con đến nằm ở một nơi mát mẻ hơn
Say nắng được coi là một trường hợp khẩn cấp, vì vậy ngay sau khi hạ nhiệt thì phải đưa bé đi khám.
Cách chăm tróc trẻ sơ sinh bị sốt
Nhiều cha mẹ chỉ chú tâm đến việc làm thế nào để hạ sốt cho con chứ không để ý đến các triệu chứng của con. Họ nghĩ rằng trẻ sơ sinh sốt càng cao là bệnh càng nặng. Điều này không hoàn toàn chính xác. Thực tế có nhiều trường hợp trẻ sốt cao nhưng vẫn ăn ngủ, vui chơi bình thường. Có trường hợp trẻ chỉ sốt hơn 38 độ nhưng lại quấy khóc, bỏ bú, tỏ ra mệt mỏi, đòi bế… Cần chú ý đến các triệu chứng của trẻ để xác định tình trạng trẻ có ổn hay không, có cần đến bệnh viện kiểm tra không?
Trẻ sơ sinh sốt dưới 38,5 độ C thì nên hạ sốt bằng cách chườm khăn ấm. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm khoảng 30 độ C để lau cơ thể trẻ, nhất là vùng trán, nách và bẹn.
Nếu chườm ấm liên tục mà trẻ không hạ sốt hoặc sốt cao trên 38,5 độ C thì mới cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý:
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên hạ sốt cho trẻ bằng acetaminophen (paracetamol) hơn là ibuprofen.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ.
- Không cho trẻ uống aspirin.
- Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt được 30 phút mà nhiệt độ vẫn không giảm thì nên cho trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Nếu trẻ dưới 1 tháng tuổi bị sốt, bạn nên đưa con tới ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị.
Trẻ sơ sinh bị sốt cao có thể khiến bố mẹ lo lắng và sợ hãi, nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng hiện tượng sốt đơn thuần này thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy hãy theo dõi sát sao em bé của bạn và điều trị hạ sốt đúng cách, đảm bảo mang lại sự thoải mái cho bé. Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về nhiệt độ hoặc hành vi của con mình, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.