Trẻ sơ sinh bị khò khè là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không? Cách chăm sóc và điều trị như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp nhé!

Trẻ sơ sinh bị khò khè: Dấu hiệu không nên xem thường!

Cách nhận biết trẻ sơ sinh thở khò khè

Hệ miễn dịch của trẻ trong những tháng đầu đời còn yếu. Mặt khác, chức năng hô hấp chưa phát triển nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh các triệu chứng viêm đường hô hấp thường gặp như ho, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi… cổ họng trẻ còn xuất hiện nhiều dịch nhầy, dẫn đến khò khè, khó thở.

Khò khè là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Hiện tượng này thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh, vì giai đoạn này phế quản còn nhỏ, dễ bị co thắt, phù nề, tiết dịch và gây tắc nghẽn. Ba mẹ có thể nhận biết bằng cách ghé sát tai vào miệng hoặc mũi bé. Khi bé thở khò khè đôi khi còn kèm theo tiếng rít. Âm sắc của tiếng khò khè nghe gần giống tiếng ngáy, nhưng nặng hơn, do trẻ phải thở gắng sức. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tiếng khò khè của trẻ quá nhỏ, không thể nhận biết bằng tai mà cần sự hỗ trợ của các thiết bị y tế mới có thể xác định.

Trẻ sơ sinh bị khò khè là biểu hiện của bệnh gì?

Thở khò khè là biểu hiện của nhiều bệnh lý hô hấp, từ theo mức độ mà có thể là bệnh lý nặng hoặc nhẹ. Dưới đây là những bệnh lý phổ biến gây tình trạng khò khè ở trẻ sơ sinh:

Dị ứng

Trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng do thay đổi thời tiết, phấn hoa, thức ăn, môi trường ô nhiễm, nấm mốc, bụi mịn, lông động vật… Khi các tác nhân này xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch sẽ chống lại bằng cách tạo ra kháng thể, khiến cơ thể giải phóng histamin, gây ra các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi… Sự tăng tiết dịch quá mức sẽ khiến trẻ gây tắc nghẽn khí phế quản, là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khò khè.

Các tác nhân gây dị ứng cho trẻ sơ sinh.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh gây bởi virus, với các triệu chứng ban đầu tương tự như cảm lạnh thông thường nên dễ gây chủ quan. Nhưng sau đó, bệnh sẽ khiến bé ho kéo dài, thở khò khè, đôi khi khó thở và cần phải nhập viện điều trị.

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh viêm đường thở thường gặp ở trẻ sơ sinh. Khi xuất hiện cơn hen, đường hô hấp sẽ bị kích thích và sưng lên, làm thu hẹp không khí đi qua đường thở, tạo ra âm thanh rít, khò khè. Hen suyễn là bệnh lý mãn tính, có thể tái phát nếu trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, nước hoa, nấm mốc, bụi bặm…

Trẻ sơ sinh bị hen suyễn.

Mềm sụn thanh quản

Đây là một bất thường bẩm sinh mô tả tình trạng sụn phễu và nắp thanh quản chưa phát triển khiến cấu trúc này sa vào đường thở, gây nên hiện tượng trẻ sơ sinh bị khò khè. Dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay sau thời điểm bé chào đời. Mỗi cơn thở đều khò khè và ngắt quãng khi hít vào, đôi khi làm cha mẹ lầm tưởng trẻ bị hút phải dịch nước ối gây viêm mũi, dẫn đến tắc mũi.

Thế nhưng, nếu nội soi tai mũi họng lại không hề thấy bất kỳ tổn thương nào. Nhìn chung, những triệu chứng của mềm sụn thanh khoản kéo dài trong 8 tháng đầu, sau đó sẽ tự hết dần mà không cần can thiệp y tế.

Nguyên nhân khác

Mặc dù hiếm gặp, nhưng trẻ sơ sinh bị khò khè có thể liên quan đến một trong số các bệnh lý mãn tính hoặc bẩm sinh như ho gà, viêm phổi hoặc xơ nang.

Trẻ bị khò khè có nguy hiểm không?

Nhịp thở của trẻ sơ sinh không ổn định, lúc nhanh lúc chậm, đôi khi còn ngừng thở. Nếu con bạn thở khò khè, cha mẹ nên lắng nghe kĩ âm thanh phát ra. Bởi điều này sẽ giúp xác định liệu bé có gặp phải vấn đề hô hấp hay không.

Tiếng thở của trẻ như tiếng huýt sáo

Nếu ba mẹ nghe thấy tiếng thở của bé giống như tiếng huýt sáo thì có khả năng âm thanh đó bắt nguồn từ mũi bé. Lỗ thông khí ở mũi trẻ sơ sinh còn nhỏ nên chỉ cần có một ít dịch nhầy hay sữa bột cũng có thể làm cản trở không khí ra vào đường thở và gây ra những âm thanh lạ như tiếng huýt sáo. Trường hợp này không quá nguy hiểm, mẹ chỉ cần vệ sinh mũi cho bé là có cải thiện.

Tiếng thở của trẻ như tiếng huýt sáo.

Trẻ sơ sinh thở tiếng khàn khàn

Đây thường là dấu hiệu của bệnh viêm thanh khí phế quản, chứng bệnh gây phù nề thanh quản, khí quản. Bệnh khiến đường dẫn khí dưới dây thanh quản bị tắc nghẽn, khiến trẻ phát ra âm thanh khàn khàn khi thở.

Trẻ sơ sinh bị khò khè thở rít

Thở rít là âm thanh lớn và gắt, nghe rõ khi bé hít vào. Tình trạng này có xu hưởng nghiêm trọng hơn nếu trẻ nằm ngửa. Nếu trẻ thở rít trong thời gian dài, đây có thể là dấu hiệu của bệnh bạch hầu thanh quản hoặc mềm sụn thanh quản.

Trẻ thở dốc bất thường

Thở dốc có thể là dấu hiệu cảnh báo bé bị viêm phổi. Bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây nên sự tích tụ các chất lỏng trong các phế nang. Bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Một số biến chứng của viêm phổi mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải như viêm màng não, tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng máu, kháng kháng sinh.

Trẻ thở dốc bất thường.

Trẻ sơ sinh bị khò khè phải làm sao?

Nếu nghi ngờ bé bị thở khò khè, đặc biệt là với trẻ sơ sinh, ba mẹ nên đưa ngay đến bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt. Bởi chẩn đoán chính xác là điều cần thiết để ra quyết định điều trị. Ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn có thể kết hợp với các biện pháp chăm sóc sau nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục của trẻ:

Giữ ấm đường thở

Mũi và họng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây bệnh trong không khí. Bởi vậy, đây cũng là khu vực dễ bị kích ứng và viêm nhiễm nhất. 

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình có con nhỏ nên cho bé mặc ấm trong mùa đông. Khi đi ra ngoài đường cần giữ ấm vùng cổ, đầu, tay, chân và ngực. Đồng thời, cho trẻ ăn uống đồ nóng. Như vậy, mẹ đã giảm được nguy cơ trẻ sơ sinh bị khò khè đáng kể.

Giữ ấm đường thở cho bé sơ sinh.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài

Thời tiết giao mùa, không khí khô thường mang theo nhiều bụi bẩn, do đó, mỗi khi ra ngoài mẹ hãy đeo khẩu trang cho con để bảo vệ đường hô hấp cho trẻ. Đặc biệt là khi, môi trường hiện nay đang ô nhiễm trầm trọng. 

Vệ sinh thân thể và môi trường sống

Các tác nhân gây bệnh đường hô hấp tồn tại khắp mọi nơi, chúng có thể sản sinh nhanh chóng và bùng phát thành đại dịch. Bởi vậy, để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ tiềm ẩn, cha mẹ cần vệ sinh không gian sống và thân thể cho bé sạch sẽ.

Đối với những bé lớn, mẹ cần hướng dẫn bé cách rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi vận động, để bé tự biết cách chăm sóc cho chính bản thân mình. Nhà cửa cần phải vệ sinh sạch sẽ, nhất là phòng ngủ của bé và phòng vệ sinh. Những vật dụng bé thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, quần áo… cha mẹ cũng cần chú ý.

Vệ sinh thân thể và môi trường sống.

Bổ sung cho trẻ đủ chất

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ cần được bú sữa mẹ tối thiểu đến 6 tháng đầu để hoàn thiện hệ miễn dịch và phát triển toàn diện nhất. Nếu sữa mẹ không đủ cho con bú, thì hãy cố gắng cho trẻ bú trong 2-3 tháng đầu.

Với những bé lớn hơn, thực đơn hàng ngày cần được đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Ngoài bữa chính, mẹ nên bổ sung cho bé ăn thêm nhiều loại hoa quả giàu vitamin như cam, quýt, táo, đu đủ…

Bên cạnh đó, chất xơ được cung cấp từ các loại rau củ quả cũng vô cùng cần thiết cho bé. Mẹ nên cho bé ăn nhiều hơn các loại rau củ quả như súp lơ, cà rốt, bí đỏ, cà chua, rau dền… kết hợp với thịt, cá, trứng để bữa ăn bé thêm phong phú.

Bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng.

Tiêm vắc xin

Trẻ từ khi sinh ra cần được cho tiêm phòng đầy đủ. Ngoài những vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, mẹ nên bổ sung cho trẻ thêm một số mũi tiêm sau để phòng ngừa bệnh hô hấp nói chung, cũng như tình trạng trẻ sơ sinh bị khò khè nói riêng.

  • Vắc xin phòng cảm cúm: cần tiêm mỗi năm 1 lần, trước khi vào mùa đông khoảng 1 tháng.
  • Vắc xin phế cầu: nhằm phòng chống bệnh đường hô hấp do phế cầu gây ra, chủ yếu là viêm phổi.

Lưu ý: Cha mẹ không nên cho bé tiêm chủng khi trẻ đang bị cúm hoặc các bệnh đường hô hấp khác.

Khi nào cần đi bác sĩ?

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị khò khè, nếu con có biểu hiện nặng hoặc tình trạng khò khè không dứt, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp. Dưới đây là những dấu hiệu cần lưu ý:

  • Trẻ lần đầu bị thở khò khè, người tím tái.
  • Trẻ khò khè kéo dài liên tục 4 tuần.
  • Trẻ có tiền sử bị hen suyễn.
  • Bé dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, thở dốc.
  • Trẻ khò khè kèm theo sốt cao, nôn ói.
  • Trẻ thở khó, quan sát thấy lồng ngực nhấp nhô mỗi lần hít thở.
  • Trẻ thở không đều, phải gắng sức khi thở.

Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng trẻ sơ sinh bị khò khè. Mong rằng chia sẻ này sẽ giúp ích cho mẹ trong hành trình chăm sóc bé yêu!

Nên đọc thêm:

Nguồn: fitobimbi.vn.