Trẻ sốt mọc răng khi nướu răng bị sưng đỏ và răng sắp nhú ra, đây là triệu chứng rất phổ biến và không quá nguy hiểm. Ba mẹ nên tìm hiểu các vấn đề liên quan khi trẻ bị sốt do mọc răng, cần phải làm gì khi trẻ bị sốt để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Thời điểm trẻ mọc răng
Trẻ thường bắt đầu có dấu hiệu mọc răng trong giai đoạn từ 4 – 7 tháng tuổi. Một số trường hợp trẻ có thể mọc răng sớm hơn khi mới 3 tháng tuổi. Thông thường, thứ tự mọc răng của trẻ như sau: Hai răng cửa dưới -> Hai răng cửa trên -> Hai răng cửa bên hàm trên -> Hai răng cửa bên hàm dưới -> Răng hàm -> Răng nanh.
Đa phần trẻ sẽ mọc khoảng 20 răng sữa trước 3 tuổi. Do đó, nếu khi đã được 3 tuổi mà chưa mọc đủ răng cha mẹ nên cho bé đi khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần theo dõi sát những vấn đề răng miệng của trẻ như sâu răng, sún răng… để có hướng xử điều trị kịp thời.
Một số trường hợp trẻ mới chào đời đã mọc sẵn 1 – 2 răng ( được gọi là răng sơ sinh) hoặc trẻ mọc răng quá sớm (chỉ vài tuần sau sinh). Việc mọc răng quá sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình bú sữa hoặc răng lung lay khiến trẻ có nguy cơ bị nghẹt thể. Khi đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn xử lý đúng cách.
Trẻ mọc răng bị sốt
Mọc răng là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đánh dấu mốc con bạn bước sang giai đoạn ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa. Giai đoạn này bắt đầu có thể khiến trẻ khó chịu trong vài ngày.
Khi chiếc răng đầu tiên phá vỡ bề mặt nướu để mọc lên, bé có thể thường chảy nước bọt và khóc quấy do đau. Bên cạnh đó, điều này còn có thể khiến trẻ bị sốt nhẹ.
Theo các chuyên gia, trẻ mọc răng sẽ sốt nhẹ trong khoảng 1 – 2 ngày. Trong khoảng thời gian sốt do mọc răng này, bố mẹ không cần quá lo lắng nhưng vẫn cần theo dõi bé thường xuyên để tránh tình trạng sốt quá quá cao dẫn đến co giật.
Dấu hiệu trẻ bị sốt khi mọc răng
Các dấu hiệu dưới đây sẽ giúp ba mẹ nhận biết được thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng và sốt do mọc răng để biết cần làm gì khi trẻ bị sốt:
- Chảy nước dãi nhiều
- Hay cáu kỉnh
- Quấy khóc nhiều hơn
- Hay cắn
- Thích nhai, gặm
- Nướu có dấu hiệu sưng to và đỏ
- Bỏ bú
- Khó ngủ
- Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, trẻ thường bỏ ăn hoặc chán ăn
- Một số trẻ sẽ bị tiêu chảy (tướt mọc răng) và sốt do mọc răng
- Sờ hâm hấp nóng (hơn 37 độ C một chút).
Nhìn chung, khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn bình thường một chút. Bình thường, khi mọc răng, bé chỉ bị sốt nhẹ khoảng 38 độ C, thậm chí bé có thể không sốt.
Nếu trẻ sốt hơn 38 độ C, có đi cùng tiêu chảy và các triệu chứng khác, bé có thể đang bị một bệnh nào khác mà không phải sốt mọc răng. Hoặc trong thời gian mọc răng con thường xuyên cho tay bẩn vào miệng ngậm, cắn vật dụng không được vệ sinh dẫn đến nhiễm khuẩn và sốt. Lúc này, bạn cần cho trẻ đi khám ngay.
Chăm sóc trẻ bị sốt khi mọc răng
Những chiếc răng đầu tiên bao giờ cũng khiến trẻ đau nhất, bứt rứt và khó chịu. Vì thế, ba mẹ hãy tìm cách để xoa dịu những cơn đau của trẻ, cùng với những điều lưu ý cần làm gì khi trẻ bị sốt:
- Ở giai đoạn mọc răng, cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt: Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Luôn làm sạch nướu sau khi trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.
- Ba mẹ không nên để trẻ tiếp xúc với những đồ chơi vuông có thành sắc cạnh bởi có thể trẻ sẽ nhai hoặc cắn, làm tổn thương đến phần lợi của trẻ.
- Ba mẹ cần lưu ý những điều sau để biết cách làm gì khi trẻ bị sốt do mọc răng: Lau người cho trẻ bằng nước ấm bởi nước nóng hay lạnh quá đều khiến cho tình trạng của trẻ tệ hơn. Nước ấm sẽ giúp cho cơ thể của trẻ thoát nhiệt, giúp giảm sốt nhanh hơn. Ba mẹ cũng cần mặc quần áo thoáng mát cho trẻ để nhiệt có thể thoát ra nhanh chóng.
- Nếu trẻ bị sưng nướu to và quấy khóc nhiều, ba mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong những trường hợp cơ địa bé dễ bị sốt cao, bố mẹ hãy xử trí khẩn cấp hơn. Chúng ta nên mua sẵn thuốc Paracetamol dạng gói bột dành cho trẻ em để dự trữ trong nhà. Mỗi khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên thì bạn có thể cho bé uống thuốc ngay mà chưa nhất thiết phải đưa đến bác sĩ. Liều dùng Paracetamol là từ 10 đến 15 mg cho mỗi kilogram cân nặng của trẻ.
Riêng trường hợp bé bị sốt cao kèm theo co giật, đây là một tình huống cấp cứu. Bố mẹ nên lấy cây đè lưỡi có quấn gòn hoặc gạc để chèn vào miệng bé. Mục đích là để bé không cắn lưỡi. Sau đó, bố mẹ nên đưa bé đi cấp cứu ngay để các bác sĩ xử trí kịp thời.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thuốc giảm đau: Nướu răng sưng đau có thể khiến bé đau cáu kỉnh, nếu bé trên 6 tháng tuổi, bạn có thể cho uống ibuprofen hoặc acetaminophen theo đúng liều lượng để giúp giảm đau. Tuyệt đối không cho trẻ sốt mọc răng dùng aspirin dưới bất kỳ hình thức nào như cho trẻ uống hay chà lên nướu răng của trẻ vì sẽ khiến con bị hội chứng Reye.
- Không dùng cồn chà xát lên nướu răng của bé.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại gel hay bất kỳ loại thuốc nào để chà vào nướu của bé. Một số loại thuốc có chứa belladonna hoặc benzocaine có thể nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Bố mẹ cần theo dõi trẻ trong quá trình mọc răng, nếu gặp tình trạng ở dưới đây thì cần đến bệnh viện ngay.
- Bé dưới 3 tháng tuổi và có nhiệt độ trên 38 độ C.
- Hơn 3 tháng tuổi và sốt trên 39 độ C.
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ và không có dấu hiệu hạ.
- Bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc phát ban kèm theo sốt.
Mẹo hay các mẹ nên áp dụng khi bé mọc răng
Để quá trình mọc răng của bé diễn ra dễ dàng hơn, hãy áp dụng một vài mẹo sau:
- Một số bé bước vào giai đoạn mọc răng hay bị chảy nước dãi. Do đó, bạn hãy lau miệng cho bé thường xuyên hơn để giữ vệ sinh và nhằm ngăn ngừa tình trạng phát ban quanh miệng, má, cằm và cổ. Nếu bé chảy nhiều nước dãi, bạn có thể cho con đeo yếm và thoa kem chống hăm.
- Rửa tay thật sạch mỗi khi chà nướu cho bé.
Trong quá trình mọc răng, nướu của bé sẽ sưng lên và đau. Để giảm đau cho bé, bạn có thể bỏ vòng nhai vào ngăn mát tủ lạnh rồi cho bé dùng. Không bỏ vòng trong ngăn đá vì có thể khiến dụng cụ nứt vỡ hoặc thôi nhiễm hóa chất. Nếu không có vòng nhai bạn có thể thay thế bằng một chiếc khăn sạch, ướt đã được ướp cho mát.
Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trước khi bé mọc cái răng đầu tiên là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài của trẻ. Hàng ngày, bạn hãy lau sạch nướu răng của bé bằng khăn, gạc sạch, gạc rơ lưỡi hoặc chải nhẹ nhàng bằng bàn chải dành cho trẻ nhỏ và nước. Sau trải qua giai đoạn sốt mọc răng đi kèm với nhiều triệu chứng khác, chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ nhú lên. Lúc này, bạn hãy chải răng cho bé 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Bạn có thể xây dựng thói quen này cho trẻ bằng cách cho trẻ xem và bắt chước bạn hoặc anh chị của bé chải răng.
Giai đoạn bé mọc răng có thể là một khoảng thời gian khó chịu cho cả mẹ và bé. Đây là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để có phương pháp chăm sóc con hợp lý.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.