Sốt là phản ứng của cơ thể đối với một bệnh nhiễm trùng hoặc cũng có thể không bao gồm nhiễm trùng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức bình thường. Sốt giúp hệ thống miễn dịch chống lại sự tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhưng nó khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và khiến cha mẹ lo lắng. Vậy trẻ bị sốt thì bố mẹ nên làm gì?

Trẻ bị sốt: nguyên nhân và cách điều trị
Trẻ bị sốt

Tình trạng sốt ở trẻ em

 Bình thường, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ dao động trong khoảng từ 36.5 – 37.5 độ C. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên trên 38 độ C. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiều bệnh tật, phổ biến nhất là các bệnh liên quan đến nhiễm trùng.

Sốt ở trẻ em là biểu hiện thường gặp khi nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn nhiệt độ cơ thể bình thường, nó có thể trở thành những cơn phiền toái ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ và gia đình.

Muốn xác định con có bị sốt hay không để áp dụng cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ, trước tiên cha mẹ cần đo nhiệt độ cho trẻ:

Vị trí đo nhiệt độ: hậu môn, nách, trán, tai, miệng. Mặc dù đo ở hậu môn và miệng dễ chính xác hơn nhưng trước và sau khi sử dụng cha mẹ cần vệ sinh nhiệt kế thật sạch sẽ đồng thời phải thành thạo cách đo ở những vị trí này để không khiến trẻ khó chịu. Nếu đo ở miệng, tuyệt đối không được dùng nhiệt kế thủy ngân vì nếu nhiệt kế vỡ sẽ vô cùng nguy hiểm. 

Nhiệt độ đo được ở nách thường thấp hơn so với nhiệt độ đo được ở hậu môn khoảng 0.5 độ C. Nếu đo bằng nhiệt kế thủy ngân cần kẹp 5 – 7 phút.

Tình trạng trẻ sốt không rõ nguyên nhân dẫn đến việc chăm sóc, điều trị cho bé của các ba mẹ cũng gặp không ít khó khăn. Nguy hiểm nhất là khi phụ huynh xác định sai bệnh tình của bé nên đã sử dụng không đúng thuốc dẫn đến tình hình bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn.

Để duy trì thân nhiệt ở mức bình thường, các cơ quan não, da, cơ và mạch máu sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ bằng cách:

  • Điều chỉnh lượng mồ hôi tiết qua da
  • Di chuyển khoảng cách giữa mạch máu với bề mặt da
  • Điều chỉnh lượng nước trong cơ thể
  • Điều chỉnh nhiệt độ không gian phòng hoăc lựa chọn một môi trường khác có nhiệt độ dễ chịu hơn.

Lưu ý, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ có sự thay đổi tùy theo các thời điểm khác nhau trong ngày: thân nhiệt thấp hơn một chút vào buổi sáng và cao hơn một chút vào buổi tối, thân nhiệt tăng lên khi trẻ chạy nhảy, chơi đùa, tập thể dục. Đây là phản ứng sinh lý bình thường của trẻ và đây không phải sốt.

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ em

Sốt do virus

Trẻ bị sốt do virus có thể thuộc một trong số trường hợp sau:

  • Sốt xuất huyết: trẻ bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 – 6 ngày, sau đó xuất hiện những mảng xuất huyết dưới da và khỏi dần.
  • Sốt do vi rút cúm: Trẻ bị cúm sẽ sốt và tắc nghẹt mũi, liên tục hắt hơi, chảy nước mũi, có thể kèm theo ho, ho có đờm…
  • Sốt do vi rút sởi: biểu hiện của bệnh sởi là sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi tương tự như cúm nhưng có thêm biểu hiện mắt đỏ.
  • Sốt do bệnh chân – tay – miệng: Trẻ bị sốt và xuất hiện những nốt phồng rộp ở bàn tay, bàn chân, quanh miệng và trong miệng của trẻ. Trẻ bỏ ăn, mệt mỏi và quấy khóc
  • Sốt do thủy đậu: vi rút gây bệnh thủy đậu sẽ khiến trẻ bị sốt nhẹ, đau đầu.

Sốt do nhiễm trùng

Đa số các trường trường hợp sốt là do nhiễm trùng. Các bệnh thông thường gây sốt là:

  • Viêm họng: Viêm họng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị sốt. Trẻ có thể sốt cao lên tới 39 – 40 độ kèm triệu chứng đau rát họng, đau khi nuốt nước bọt, khản tiếng, mệt mỏi.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến gây sốt ở trẻ như: viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi, viêm tiểu phế quản… Khi mắc các bệnh lý này, trẻ sẽ sốt cao, ho có đờm, khó thở, thậm chí là ho ra máu và đau ngực…
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nếu trẻ bị sốt kèm tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có mùi và có màu lạ, đau vùng thắt lưng… thì trẻ có thể bị viêm cầu thận, viêm bàng quang…
  • Sốt phát ban: trẻ bị sốt phát ban thường kèm theo triệu chứng nổi nốt đỏ li ti khắp người. Nốt phát ban sẽ bay mất theo thứ tự xuất hiện.
  • Nhiễm trùng gan – mật: trường hợp trẻ bị sốt và vàng da, vàng mắt, cảm thấy đau tức phần gan mật thì có thể là đã mắc bệnh nhiễm trùng gan – mật
  • Nhiễm khuẩn não – màng não: trẻ bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn mửa. Nặng hơn, trẻ có thể sốt cao đến co giật, li bì, hôn mê. Trẻ dưới 6 tháng bị sốt có dấu hiệu thóp phồng…
  • Một số bệnh sốt do nhiễm trùng khác như: viêm tai giữa, viêm amidan, nhiễm trùng máu…

Sốt do mọc răng

Mọc răng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt, quấy khóc. Thông thường, sốt do mọc răng là sốt nhẹ, dưới 37,8 độ C. Hiện tượng sốt do mọc răng sẽ hết sau khoảng 1 – 2 ngày. Vì thế, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng.

Sốt do tiêm chủng

Sốt nhẹ là một trong những phản ứng bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau khi tiêm phòng, đặc biệt là với các mũi tiêm nặng. Các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm nên trao đổi với y bác sĩ về các phản ứng của trẻ sau tiêm và cách xử trí phù hợp.

Triệu chứng sốt ở trẻ nhỏ

Bên cạnh sự tăng lên về nhiệt độ, trẻ bị sốt có thể có một số triệu chứng đi kèm sau:

  • Mệt mỏi, không muốn chơi đùa
  • Da nhợt nhạt, thiếu sức sống
  • Biếng ăn
  • Dễ cáu kỉnh, dễ khóc
  • Đau nhức đầu, đau nhức toàn thân
  • Nôn mửa
  • Khát nước
  • Xuất hiện co giật (biểu hiện này thường xuất hiện khi trẻ bị sốt cao)…

Mặc dù sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng trong đại đa số trường hợp nó lại là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe nên việc tìm cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ luôn cần thiết. Mặt khác, khi sốt, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, nếu hạ sốt đúng cách có nghĩa là cha mẹ sẽ giúp con sớm trở lại với trạng thái hoạt động thường ngày.

Đặc biệt, khi bị sốt, trẻ còn dễ phải đối mặt với những triệu chứng nguy hiểm như: run tay chân, co giật, mất ý thức,… Nếu không được hạ sốt đúng cách một cách nhanh chóng, trẻ sẽ dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ

Một số bệnh nghiêm trọng trẻ có thể mắc phải khi bị sốt

Sốt là dấu hiệu ban đầu của các bệnh nguy hiểm do virus, vi khuẩn gây ra. Một số trường hợp bệnh lý nguy hiểm gây ra sốt như:

  • Trẻ bị đột quỵ nhiệt
  • Mắc bệnh ung thư
  • Mắc một số bệnh tự miễn
  • Gặp các vấn đề về não bộ, rối loạn các chức năng não
  • Viêm màng não
  • Nhiễm trùng huyết
  • Viêm phổi…

Cách hạ sốt cho trẻ

Cha mẹ nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại:

  • Khi nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C là sốt nhẹ.
  • Khi nhiệt độ từ 38,5 – 39 độ C là sốt vừa.
  • Khi nhiệt độ 39-40 độ C là sốt cao.
  • Khi nhiệt độ từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.

Khi xác định trẻ bị sốt cha mẹ nên có những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ đúng cách, cha mẹ nên:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt, hoặc chỉ cần cởi bớt quần áo, theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ và cho trẻ uống nhiều nước.
  • Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi vượt 38.5 độ C.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng 5 chiếc khăn ướt nhỏ: 4 khăn ướt đặt hai bên nách và hai bên bẹn, một khăn dùng để lau khắp người. Thay mỗi lần sau 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ của trẻ dưới 38,5 độ C hoặc sau khi đã lau 30 phút. Lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm. Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt của trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc nước điện giải oresol pha theo hướng dẫn để phòng ngừa trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải gây mệt mỏi.

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Sử dụng thuốc hạ sốt là cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ khi thân nhiệt của trẻ ở mức từ 38.5 độ C trở lên. Các loại thuốc hạ sốt thường được dùng cho trẻ là:

  • Paracetamol: dùng cách nhau 4 – 6 giờ, không quá 5 lần/ 24 giờ, liều lượng thuốc được tính theo cân nặng của trẻ.
  • Ibuprofen: dùng cách nhau mỗi 6 giờ, không nên sử dụng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi và dưới 5kg, liều lượng thuốc cũng cần tính theo cân nặng của trẻ.

Việc sử dụng thuốc hạ sốt là cần thiết khi thân nhiệt đo được ở trẻ từ 38.5 độ C trở lên nhưng khi trẻ không còn dấu hiệu sốt thì tuyệt đối không được phép cho trẻ sử dụng; cha mẹ cũng không được tự ý kết hợp hai loại thuốc này với nhau để hạ sốt nhanh cho trẻ vì nó dễ làm tăng nguy cơ dùng sai liều dẫn đến biến chứng ngoài ý muốn.

Những điều cần lưu ý

  • Không mặc nhiều quần áo hay đắp chăn khi thấy trẻ rét run vì nó càng khiến cho thân nhiệt tăng lên, dễ dẫn đến co giật ở trẻ.
  • Không cho trẻ tắm nước lạnh hay dùng cồn lau mặt cho trẻ vì nó dễ làm cho thân nhiệt tăng cao hơn.
  • Tuyệt đối không đóng kín cửa phòng, thay vào đỏ nên để phòng được thông thoáng, chỉ cần tránh cho gió không lùa vào phòng là được.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi:

  • Đã áp dụng cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ như đã nêu ở trên nhưng trẻ không có dấu hiệu hạ sốt hoặc cơn sốt ngày càng dày hơn.
  • Trẻ bị sốt trên 39 độ C và thời gian sốt từ 3 ngày trở lên.
  • Sốt kèm theo các biểu hiện: đau bụng, nôn nhiều, co giật, ho nhiều, đại tiện nhiều và phân lỏng, khó thở, bỏ ăn, li bì,…

Cách phòng tránh sốt ở trẻ em

Để phòng tránh sốt ở trẻ em, bố mẹ có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, vi khuẩn bằng cách:

  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế
  • Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
  • Vệ sinh thực phẩm cẩn thận trước khi chế biến và nấu chín kỹ trước khi cho trẻ ăn
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Dùng giấy che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, sau đó vứt chúng vào thùng rác…

Leave a reply