Vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cho trẻ nhỏ dễ bị cảm nắng với các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, khó chịu. Nó tiềm ẩn nhiều mối đe dọa với sức khỏe của trẻ, trong đó nghiêm trọng nhất là gây đột quỵ. Do đó, khi chăm sóc trẻ em trong những ngày thời tiết oi bức, bố mẹ cần biết về những biểu hiện và cách ngăn ngừa tình trạng trẻ bị sốt do trời nắng nóng.
Tình trạng trẻ bị sốt mùa nắng nóng
Tình trạng sốt ở trẻ có thể diễn ra quanh năm, ở mỗi thời điểm, tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của trẻ hay điều kiện thời tiết khí hậu, mùa, điều kiện sống, môi trường sống tác động… đều có thể là tác nhân khiến con bị sốt, hay bị bệnh với biểu hiện đặc trưng là sốt ở các mức độ khác nhau.
Sốt cảm mùa hè ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng thực tế phần lớn là do virus. Bởi cơ thể của trẻ chưa thể thích nghi ngay với môi trường tự nhiên khi nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột, thời tiết khô nóng khó chịu, trẻ thường ra mồ hôi và rất dễ dẫn đến tình trạng mất nước. Nếu lượng nước bù vào cơ thể không đủ thì sẽ rất dễ khiến trẻ bị sốt, khi sốt cao có thể dẫn đến tình trạng co giật, có thể dẫn tới hôn mê hoặc nguy hiểm tới tính mạng.
Thời tiết mùa hè chính là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển nhanh chóng và xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Thời điểm mùa hè cũng là thời điểm mà trẻ rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm như: Cảm cúm, ho, tiêu chảy, sốt xuất huyết,… Do đó, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu bệnh để biết cần làm gì khi trẻ bị sốt cảm và có hướng điều trị kịp thời.
Mối quan hệ giữa sốt và nhiệt độ môi trường
Bên cạnh tình trạng trẻ bị sốt mùa nắng nóng có thể do mắc một số bệnh có vẻ đặc trưng theo mùa, mức độ nhẹ và tự khỏi, hoặc không ngoại trừ nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng; trong nhiều trường hợp, người ta vẫn tìm thấy mối quan hệ khá mật thiết giữa tình trạng trẻ bị sốt và nhiệt độ môi trường.
Theo nghiên cứu lâm sàng trên trẻ em dưới 2 tuổi tại New York trước đây qua các đợt nắng nóng, người ta đưa ra một số kết luận cụ thể về mối quan hệ giữa sốt và nhiệt độ môi trường như sau:
- Phần lớn với trẻ sơ sinh đến dưới 2 tuổi, nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng khi ở trong môi trường nắng nóng kéo dài.
- Trẻ từng bị hay có dấu hiệu tiêu chảy hay viêm đường ruột có thể dễ bị sốt trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hơn so trẻ bình thường.
- Trẻ từng bị bệnh về đường hô hấp trước đó thường dễ sốt và sốt cao hơn trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài.
- Trẻ bị khuyết tật bẩm sinh thường dễ bị sốt, sốt cao và có xu hướng dễ bị say nắng vào mùa nắng nóng hơn trẻ bình thường.
- Những cơn sốt xuất hiện ở trẻ trong những trường hợp trên thường sẽ không giảm sốt nhanh, thậm chí là không giảm khi áp dụng cách hạ sốt thông thường. Do đó, phòng bệnh mùa hè cho trẻ là cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng sốt trong mùa nóng.
Chăm sóc trẻ khi bị sốt ngày nắng nóng
Sốt do nắng nóng thường không nguy hiểm và có thể cải thiện bằng các biện pháp tại nhà. Dưới đây là các biện pháp mà mẹ có thể áp dụng để làm giảm thân nhiệt và cải thiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn,… ở trẻ.
Khi trẻ có dấu hiệu bị sốt cảm, trước hết ba mẹ cần giúp trẻ tăng cường thêm sự thải nhiệt của cơ thể như: cởi bớt quần áo, giảm nhiệt độ trong phòng nếu quá nóng bằng cách mở cửa để thông thoáng, sử dụng quạt nhưng không nên để hướng thẳng vào trẻ
Cho trẻ uống nhiều nước, trẻ lớn có thể uống tùy thích nhưng với trẻ nhỏ chưa biết đòi ba mẹ cần chủ động cho trẻ uống thêm hoặc pha thêm nước vào lượng sữa, tăng thêm các bữa bú cho trẻ. Ba mẹ cũng có thể cho trẻ uống thêm các loại nước hoa quả như nước chanh, nước cam hay nước oresol…
Để tăng thải nhiệt, ba mẹ có thể sử dụng khăn mát để đắp vào cùng trán hoặc bẹn cho trẻ. Bên cạnh đó, dùng khăn ấm lau người để làm giãn mạch máu, giúp trẻ mau hết sốt.
Nếu trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, ba mẹ cần cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ sốt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên cho trẻ em dùng thuốc paracetamol đơn chất dạng gói hay siro… Bởi đây là loại thuốc hạ sốt dễ sử dụng, có hiệu quả nhanh lại ít tác dụng phụ.
Khi trẻ bị sốt cảm trong mùa hè, ngoài việc sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên, ba mẹ cần đưa trẻ thăm khám kịp thời nếu có biểu hiện sốt cao, co giật,… và không nên tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ.
Trường hợp mẹ cần mang trẻ đi bác sĩ
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C.
- Trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở lên bị sốt kéo dài, phát ban, nôn nhiều lần, tiêu chảy không có dấu hiệu giảm, có dấu hiệu mất nước, kém tỉnh táo, hoạt động ít, không chảy nước mắt khi khóc.
- Trẻ sốt kéo dài 5 ngày.
- Trẻ từng có tiểu sử bị các bệnh nghiêm trọng.
Trẻ bị sốt mùa nắng nóng không phải đều nguy hiểm trong mọi trường hợp hay cần phải mang đi bệnh viện ngay. Đôi khi thân nhiệt trẻ cao cũng có thể liên quan đến yếu tố nhiệt độ môi trường, và cũng có thể do bệnh nhẹ liên quan đặc trưng mùa, con có thể tự hết nhờ đề kháng của bản thân.
Bố mẹ cần theo dõi thật cơn sốt và tình trạng sức khỏe của con, để xử lý giảm sốt đúng cách, cũng như mang trẻ đi bệnh viện đúng lúc. Điều này nhằm để trẻ được can thiệp y tế kịp thời, nhất là trong những trường hợp sốt kéo dài, hoặc có khả năng liên quan đến bệnh nghiêm trọng nào đó.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.