Tiểu đường type 2 là bệnh thường gặp, chiếm 90-95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở độ tuổi trung niên đến lớn tuổi nhưng ngày nay càng có nhiều người trẻ mắc bệnh.

Tiểu đường type 2: nguyên nhân và cách điều trị
Thừa cân là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là bệnh gì?

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai.

Tiểu đường gồm hai thể chính là tiểu đường tuýp 1 tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiểu đường type 2 (đái tháo đường type 2) do cơ thể không thể sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả (gọi là đề kháng insulin) như người bình thường (mặc dù insulin vẫn tiết ra).

Về lâu dài, bệnh gây ra nhiều biến chứng mạn tính, gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể (mạch vành, thận, cơ quan tiêu hóa..). Nếu bệnh nhân bị tiểu đường mà mắc thêm các bệnh lí khác như nhiễm trùng, chấn thương, nhồi máu cơ tim…tiên lượng sẽ xấu hơn nhiều so với người không mắc tiểu đường.

Người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên nhiều người còn được gọi đây là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn hay bệnh tiểu đường của người lớn tuổi. Bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh, chủ yếu do thừa cân béo phì, lười tập thể dục…

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2

Khi cơ thể sử dụng insulin rất kém (kháng insulin), dẫn đến lượng glucose trong máu quá cao là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường tuýp 2.

Nguyên nhân của tình trạng kháng insulin có thể kể đến:

  • Gien: các nhà khoa học đã tìm thấy các đoạn DNA khác nhau ảnh hưởng đến cách cơ thể tạo ra insulin.
  • Thừa cân/béo phì: được xem là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 do tình trạng kháng insulin. Thế nhưng, không phải ai thừa cân cũng mắc bệnh tiểu đường type 2. Người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường.
  • Hội chứng chuyển hóa: người bị kháng insulin thường đối diện với một nhóm các biểu hiện bao gồm lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp cao, cholesterol và chất béo trung tính cao.
  • Gan mất cân bằng điều phối glucose. Bản thân insulin có vai trò vận chuyển glucose vào tế bào để tạo năng lượng nuôi cơ thể hoặc lưu trữ ở gan dưới dạng glycogen khi cơ thể dư glucose. Thế nhưng, ở một số trường hợp, gan bị suy giảm chức năng cân bằng chuyển hóa glucose dẫn tới kháng insulin, không dung nạp glucose và đái tháo đường.
  • Các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả nên glucose không thể đi nuôi cơ thể. Điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
  • Tế bào beta suy giảm chức năng dần dần theo thời gian. Vì vậy, tế bào beta-tụy không tiết đủ insulin để bù trừ cho tình trạng đề kháng insulin.

Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Luôn cảm thấy khát
  • Thường xuyên cảm thấy đói
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Có vấn đề về mắt
  • Nhiễm trùng
  • Tê, ngứa đầu chi 
  • Giảm hoặc tăng cân không lí do
  • Chậm lành vết thương.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 có thể rất nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ. Khoảng 8 triệu người mắc bệnh này nhưng thường ít để ý đến các triệu chứng.

Nếu thấy xuất hiện biểu hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen) có thể xem là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.

Những biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2

Khi lượng đường huyết không được quản lý tốt về lâu dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

  • Hạ đường huyết: do sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết, bỏ bữa, tập thể dục quá sức. Người bệnh mệt mỏi, run tay chân, nếu không cấp cứu kịp có thể hôn mê.
  • Tăng áp lực thẩm thấu: do đường huyết tăng cao bất thường gây mất nước trong cơ thể dẫn đến hôn mê.
  • Biến chứng tim mạch: mảng xơ vữa xuất hiện trong lòng mạch gây hẹp và giảm lượng máu nuôi tim, dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ…
  • Suy thận: tác động của đường huyết không ổn định khiến hệ thống mạch máu nuôi thận tổn thương dẫn đến suy thận; thậm chí phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
  • Biến chứng trên mắt: đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt tổn thương. Về lâu dài, thị lực của người bệnh bị suy giảm, thậm chí mù lòa.
  • Biến chứng thần kinh: đường huyết cao gây tổn thương thần kinh ngoại biên và các mạch máu nhỏ khiến người bệnh tê bì, châm chít chân tay, mất cảm giác khi vật nhọn đâm vào…
  • Loét bàn chân: hệ thống mạch đến nuôi dưỡng các chi tổn thương, cùng đó người bệnh mất cảm giác đau do tổn thương thần kinh nên vết thương ở các chi khó lành. Ở mức độ nặng, người bệnh phải cắt cụt chi.

Cách điều trị tiểu đường tuýp 2

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 bao gồm sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể giúp đạt được mức đường huyết mục tiêu:

Giảm cân

  • Giảm thêm 5% – 7% trọng lượng cơ thể hoặc duy trì mức cân nặng hiện tại giúp giảm, ổn định mức đường huyết. Ngoài ra, việc kiểm soát khẩu phần ăn và các loại thực phẩm lành mạnh cũng cách cải thiện sức khỏe.

Ăn uống lành mạnh

  • Không có chế độ ăn uống cụ thể cho người bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó, hãy lập kế hoạch ăn uống tập trung vào các yếu tố: Ăn ít calo hơn, cắt giảm lượng carbs tinh chế, đặc biệt là đồ ngọt, thêm rau và trái cây vào chế độ ăn uống, thu nạp nhiều chất xơ hơn

Tập thể dục

  • Duy trì hoạt động thể chất 30 – 60 phút mỗi ngày thông qua các hoạt động như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc các động tác giúp nhịp tim tăng lên. Kết hợp cùng các bài tập rèn luyện sức bền, như yoga hoặc cử tạ. Lưu ý, nếu dùng thuốc giảm lượng đường trong máu, cần ăn nhẹ trước khi tập.

Theo dõi lượng đường trong máu tại nhà

  • Tùy vào phương pháp điều trị, đặc biệt nếu người bệnh đang sử dụng insulin, bác sĩ sẽ sẽ đưa ra kế hoạch kiểm tra lượng đường trong máu, tần suất thực hiện kiểm tra đường huyết tại nhà.

Sử dụng thuốc điều trị

Nếu giải pháp thay đổi lối sống không giúp người bệnh đái tháo đường type 2 đạt được mức đường huyết mục tiêu, người bệnh có thể cần dùng thuốc. Một số thuốc phổ biến nhất đối với bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:

  • Metformin có tác dụng làm giảm lượng glucose do gan tạo ra và giúp cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin.
  • Nhóm thuốc Sulfonylureas (glimepiride, glipizide và glyburide) giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn.
  • Meglitinides giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn và hoạt động nhanh hơn sulfonylurea. 
  • Thiazolidinediones (rosiglitazone, pioglitazone) giúp phản ứng tốt hơn với insulin nhưng thuốc rosiglitazone làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim nên đã ngưng sản xuất. Do đó, nhóm thuốc này không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị.
  • Thuốc ức chế DPP-4 (sitagliptin, saxagliptin, vildagliptin và linagliptin) giúp giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ nhưng không đáng kể so với lợi ích đem lại.
  • Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (albiglutide, dulaglutide, exenatide, liraglutide…)  làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu. 
  • Thuốc ức chế SGLT2 (canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin…) hỗ trợ thận lọc ra nhiều glucose hơn. Empagliflozin (Jardiance) cũng đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.
  • Insulin. 

Nếu liệu pháp kết hợp vẫn không phát huy tác hoặc chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thêm loại thuốc noninsulin thứ ba hoặc có thể bắt đầu điều trị bằng insulin cho người bệnh.

Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì?

  • Rau xanh và trái cây
  • Các loại cây họ đậu
  • Các sản phẩm từ bơ sữa
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Chất béo tốt
  • Thitk gia cầm và cá

Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nên kiêng gì?

  • Đồ uống, thực phẩm có đường
  • Tinh bột tinh chế
  • Các chất béo chuyển hóa

Phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được kiểm soát khi người bệnh có thay đổi nhất định trong lối sống hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

  • Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động mỗi ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc uống, thuốc tiêm khác hoặc insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, tránh các biến chứng.
  • Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ về thời gian bao lâu nên kiểm tra và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
  • Căng thẳng có thể khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả việc quản lý lượng đường trong máu và chăm sóc bệnh tiểu đường hàng ngày.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc và thực hiện các bài tập thư giãn có thể hữu ích. Nói chuyện với bác sĩ để có được giải pháp kiểm soát căng thẳng. 

Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì việc tái khám định kỳ để chắc chắn rằng bản thân đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.

Leave a reply