Tiểu buốt hay đái buốt là tình trạng đau, rát khi đi tiểu, tình trạng này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam cảnh báo các bệnh lý liên quan tới đường tiết niệu.

Tiểu buốt
Tiểu buốt gây ra tình trạng đau rát khó chịu

Tiểu buốt là bệnh gì?

Tiểu buốt là triệu chứng đau đớn, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu.

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu nằm bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, đáy chậu là khu vực nằm giữa bìu và hậu môn. Ở phụ nữ, đáy chậu là khu vực nằm giữa hậu môn và phần mở đầu của âm đạo.

Đi tiểu bị đau buốt là kết quả của việc vùng tam giác cổ bàng quang hoặc niệu đạo bị kích thích quá mức do một nguyên nhân nào đó. Tình trạng viêm đường tiết niệu hoặc đè ép niệu đạo có khả năng gây khó khăn trong việc bắt đầu đi tiểu và khiến bệnh nhân cảm thấy nóng rát khi đi tiểu. Việc kích ứng vào vùng cổ bàng quang sẽ gây co thắt, dẫn đến đau, tiểu nhiều lần, tiểu buốt.

Tình trạng tiểu buốt thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi từ 20-50 và nam giới tuổi cao, ít gặp ở nam giới trẻ tuổi do liên quan tới bệnh lý tăng sản tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân gây tiểu buốt

Nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Đi tiểu đau rát là một dấu hiệu phổ biến của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary Tract Infection – UTI). Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn sống ở vùng đại tràng, hậu môn như E.Coli (chiếm 80% nguyên nhân gây bệnh) bội nhiễm ngược dòng vào đường tiểu của người bệnh qua quá trình sinh hoạt, quan hệ tình dục… Tình trạng viêm ở bất kỳ cơ quan nào trong đường tiết niệu như: bàng quang, niệu quản, niệu đạo, thận… đều có thể gây đau khi đi tiểu.
  • Do cấu tạo niệu đạo ngắn nên nữ giới có nhiều nguy cơ nhiễm trùng tiểu hơn nam giới. Những người đang mang thai hoặc mãn kinh thường bị xáo trộn các tuyến nội tiết cũng dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)

  • Tiểu buốt cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) bao gồm mụn rộp sinh dục, bệnh lậu và nấm chlamydia.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đôi khi không có triệu chứng, nhưng vẫn có khả năng lây lan vào đường tiết niệu, khiến cho người bệnh bị tiểu buốt. Do đó, người có hoạt động tình dục nên đi xét nghiệm để kiểm soát bệnh tốt hơn.
  • Sau khi bị lây nhiễm vi khuẩn lậu từ 3 – 5 ngày, chị em có biểu hiện tiểu buốt, tiểu nhiều lần, âm đạo chảy mủ, khí hư bất thường,…

Viêm tuyến tiền liệt

  • Đây là tình trạng đặc thù của nam giới. Khi bị viêm tuyến tiền liệt, người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, đau tức vùng bụng dưới, khám hậu môn ghi nhận tuyến tiền liệt căng đau nhiều.

Viêm bàng quang

  • Một nguyên nhân khác gây ra tiểu buốt là viêm bàng quang, viêm niêm mạc bàng quang, viêm bàng quang kẽ… Các triệu chứng này còn bao gồm đau và căng ở vùng bàng quang và vùng chậu.
  • Trong một số trường hợp, xạ trị có thể gây đau bàng quang và ảnh hưởng đến các cơ quan khác của đường tiết niệu. Tình trạng này được gọi là viêm bàng quang do bức xạ.

Viêm niệu đạo

  • Viêm niệu đạo thường là do vi khuẩn tấn công. Tình trạng này không chỉ khiến cho người bệnh đau buốt khi đi tiểu mà còn có thể làm tăng cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.

Viêm mào tinh hoàn

  • Đi tiểu buốt cũng có thể do bị viêm mào tinh hoàn ở nam giới. Mào tinh hoàn nằm ở phía sau của tinh hoàn, có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

  • Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, thường do nguyên nhân vi khuẩn, có thể ảnh hưởng đến ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và tử cung… gây đau bụng, đau khi quan hệ tình dục, tiểu buốt và một số các triệu chứng khác.

Tắc nghẽn niệu quản 

  • Tình trạng tắc nghẽn niệu quản khiến cho nước tiểu không thoát được ra ngoài được, chảy ngược vào thận, gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tiểu ít, tiểu buốt, tiểu không sạch…

Sỏi đường tiết niệu

  • Sỏi đường tiết niệu hình thành do các tinh thể lắng đọng, là nguyên nhân khiến cho dòng nước tiểu bị cản trở hay đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Người bị sỏi đường tiết niệu sẽ có cảm giác không thoải mái khi đi tiểu và đau nhói.

Táo bón

  • Khi tình trạng táo bón kéo dài (do thói quen lười ăn rau xanh, uống ít nước,…) thì sẽ gây áp lực cho bàng quang, dẫn tới tiểu buốt.

Mãn kinh

  • Khi tới độ tuổi mãn kinh, việc sản xuất hormone estrogen sẽ bị giảm mạnh, làm thay đổi độ pH âm đạo, xáo trộn sự cân bằng của nấm men và vi khuẩn trong âm đạo, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây tiểu buốt tiểu rắt thường gặp ở phụ nữ.

Đái tháo đường

  • Khi lượng đường trong máu tăng cao thì đường dư thừa được thải qua đường nước tiểu. Điều này đã tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường thường bị suy yếu hệ miễn dịch nên các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng có cơ hội phát triển mạnh, gây triệu chứng đau buốt, khó chịu khi đi tiểu.

Nhịn tiểu

  • Theo một số nghiên cứu khoa học, việc nhịn tiểu trong vòng 6 giờ trở lên có thể làm tăng nguy cơ tiểu buốt vì lúc này các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào bàng quang. Đây là lý do chị em không nên nhịn tiểu quá lâu để tránh bị tiểu buốt.

Thuốc

  • Một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư và một số loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ là đi tiểu buốt.

Sản phẩm vệ sinh

Đôi khi tiểu buốt không phải do nguyên nhân nhiễm trùng, mà do các sản phẩm người bệnh sử dụng hàng ngày ở vùng sinh dục có tính tẩy rửa mạnh, gây kích ứng cho các mô ở âm đạo, dương vật. Hóa chất có trong bột giặt và các sản phẩm vệ sinh khác cũng có thể gây kích ứng và dẫn đến tiểu buốt.

Ngoài ra, các yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ tiểu buốt:

  • Nữ giới
  • Người cao tuổi
  • Người mắc các bệnh về tuyến tiền liệt
  • Phụ nữ mang thai
  • Người có đặt ống thông tiểu

Sự nguy hiểm của bệnh

Người bị tiểu buốt thường cảm thấy khó chịu khi đi tiểu, làm suy giảm sức khỏe sinh lý, giảm cảm giác tự tin, gây e ngại khi gần gũi bạn tình,… Về lâu dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt vợ chồng, dễ gây sứt mẻ tình cảm. Bên cạnh đó, hiện tượng tiểu buốt có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng bao gồm:

  • Viêm bàng quang: Vi khuẩn làm người bệnh tiểu buốt, tiểu gắt có thể theo niệu quản tấn công vào bàng quang gây viêm nhiễm hoặc do vi khuẩn có trong máu hoặc hệ thống bạch huyết. Thông thường, viêm bàng quang do nhiễm trùng tiểu thấp phổ biến hơn.
  • Viêm bể thận: Ngoài tấn công bàng quang, vi khuẩn còn có thể tấn công bể thận làm cho thận bị sưng tấy và có nguy cơ tổn thương không phục hồi. Người bị viêm bể thận dễ chuyển thành mạn tính, đe dọa đến tính mạng.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Từ những dấu hiệu ban đầu là tiểu buốt, người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu không được điều trị sớm và đúng phác đồ. Đó là cơ hội phát sinh các biến chứng nguy hiểm liên quan đến hệ tiết niệu và nặng nề nhất là gây tổn thương thận.
  • Vô sinh: đi tiểu bị đau buốt kéo dài gây ra bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh ở chị em phụ nữ.

Do vậy, khi bị tiểu buốt, tiểu rắt thì người bệnh nên đi thăm khám, điều trị kịp thời.

Điều trị tình trạng tiểu buốt

Tùy nguyên nhân gây đi tiểu bị đau buốt mà bác sĩ thăm khám sẽ có cách điều trị cho phù hợp:

  • Nếu đi tiểu bị đau buốt do viêm nhiễm: bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc đặc trị nội khoa để chống viêm, kháng khuẩn, giảm cảm giác đau buốt, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn khi đi tiểu.
  • Nếu đi tiểu bị đau buốt do sỏi trong thận, trong niệu đạo, trong bàng quang…: bác sĩ có thể xem xét việc điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
  • Nếu đi tiểu bị đau buốt do thói quen ăn uống, sinh hoạt: bệnh nhân nên thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh.

Một số biện pháp phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của hiện tượng tiểu buốt hiệu quả gồm:

  • Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, thức ăn cay, nước ngọt có ga,… vì chúng có thể gây kích thích bàng quang.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sống chung thủy để tránh nguy cơ mắc các bệnh xã hội.
  • Sinh hoạt vợ chồng điều độ để cơ quan sinh dục có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
  • Bổ sung thêm rau xanh, trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu,… vào thực đơn ăn uống hằng ngày.
  • Tránh thực phẩm có tính acid cao để giúp bàng quang có thời gian phục hồi.
  • Uống đủ nước (khoảng 8 – 10 ly nước/ngày) nhưng cần tránh uống nước trước khi đi ngủ vào ban đêm để tránh nửa đêm thức giấc vì buồn tiểu.
  • Không nhịn tiểu, nên đi tiểu bất cứ khi nào muốn tiểu. Tốt nhất bạn nên tạo thói quen đi tiểu vào những khung giờ cố định trong ngày.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ và đúng cách, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước các loại vi khuẩn gây bệnh.

Khi có bệnh đường tiết niệu, bệnh phụ khoa nên điều trị càng sớm càng tốt để không khó chịu vì tiểu buốt.

Leave a reply