Thuốc tránh thai đường uống là một phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố. Sử dụng thuốc tránh thai có an toàn cho mọi người, những rủi ro và tác dụng phụ nếu có là gì?

Thuốc tránh thai có an toàn không?

Thuốc tránh thai hàng ngày

Thuốc tránh thai hàng ngày là một loại thuốc dạng viên uống chứa 2 loại hormone Estrogen và Progesterone nhằm kiểm soát hoạt động của tử cung và buồng trứng, từ đó ngăn cản việc thụ thai.

Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai hàng ngày là ngăn chặn sự rụng trứng tự nhiên ở chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Khi trứng không rụng, quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng không diễn ra, kết quả là không thụ tinh và mang thai.

Thuốc tránh thai mỗi ngày còn làm đặc chất nhầy xung quanh cổ tử cung, hạn chế sự di chuyển của tinh trùng khi đi vào tử cung. Trong trường hợp trứng gặp tinh trùng và thụ tinh, các loại nội tiết tố có trong thuốc tránh thai sẽ tác động lên niêm mạc tử cung khiến trứng đã thụ tinh không bám vào thành tử cung.

Công dụng của thuốc tránh thai hàng ngày

Ngoài công dụng chính đó, việc uống thuốc tránh thai hàng ngày còn mang lại rất nhiều lợi ích khác, nổi bật là:

  • Điều hòa kinh nguyệt, giúp chu kỳ đều đặn, điều trị thống kinh;
  • Giảm các triệu chứng khó chịu ở mỗi chu kỳ như đau bụng kinh, nổi mụn…;
  • Khắc phục hội chứng rậm lông hoặc rụng tóc ở nữ giới;
  • Hỗ trợ điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD);
  • Hỗ trợ điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung;
  • Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý như u nang buồng trứng, bệnh viêm vùng tiểu khung, u vú hoặc mang thai ngoài tử cung;
  • Phòng ngừa các bệnh lý ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư tử cung.

Thuốc ngừa thai khẩn cấp

Thuốc ngừa thai cấp tốc là biện pháp thường được sử dụng sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn để ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. Thông thường thuốc được sử dụng ở dạng viên uống.

Khi thuốc được đưa vào cơ thể, các thành phần nội tiết tố có trong thuốc sẽ tác động làm cản trở quá trình rụng trứng ở phụ nữ, từ đó ngăn cản sự gặp gỡ và thụ tinh giữa trứng và tinh trùng. Trong trường hợp trứng đã thụ tinh, thuốc ngừa thai cấp tốc sẽ ngăn không cho nội mạc tử cung thành lập cửa sổ làm tổ – do đó ngăn ngừa việc làm tổ trong lòng tử cung của phôi thai.

Thuốc ngừa thai cấp tốc được sử dụng chủ yếu trong 3 trường hợp sau:

  • Người quan hệ không thường xuyên, người không có hoặc không thể sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài như uống thuốc tránh thai hàng ngày, không đặt dụng cụ tử cung hoặc không dùng bao cao su…
  • Người bị quan hệ khi không mong muốn.
  • Người sử dụng các biện pháp ngừa thai khác nhưng không thành công, ví dụ như bao cao su bị thủng, tụt bao hoặc quên uống thuốc tránh thai hàng ngày… mà không muốn có con.
Uống thuốc tránh thai có an toàn không?

Uống thuốc tránh thai có an toàn không?

Khả năng mang thai

Nghiên cứu cho thấy, thuốc tránh thai hàng ngày nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho hiệu quả ngừa thai lên đến 99%. Tỷ lệ đậu thai rất thấp – khoảng 1%, còn lại là do quên uống thuốc hoặc uống sai cách.

Khoảng 1-2 người trong số 100 phụ nữ uống thuốc ngừa thai cấp tốc vẫn mang thai mặc dù đã uống thuốc trong vòng 72 giờ đầu tiên sau phát sinh quan hệ tình dục không được bảo vệ.

Tác hại đến sức khỏe

Thuốc tránh thai hàng ngày không gây hại nếu chị em tuân thủ chặt chẽ chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Thành phần chính có trong thuốc là 2 loại hormone Estrogen và Progesterone. Hai loại hormone này đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc nhằm tạo ra môi trường âm đạo không lý tưởng, ngăn sự thụ tinh, ngăn ngừa việc rụng trứng, từ đó hạn chế khả năng thụ thai và mang thai.

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp cho hiệu quả ngừa thai khá cao và nhanh chóng, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều tác hại của thuốc ngừa thai khẩn cấp nếu chị em uống sai cách. Chính vì thế, các chuyên gia Sản Phụ khoa và nhà sản xuất thuốc đều nhấn mạnh không nên lạm dụng thuốc, chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết. Tốt nhất cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định biện pháp ngừa thai an toàn hơn.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp

Tác dụng phụ tức thời

Khi sử dụng thuốc tránh thai, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, thông thường những tác dụng phụ này sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Các tác dụng phủ phổ biến khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày như sau:

  • Xuất huyết giữa chu kỳ kinh: Đây là trong những tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường gặp nhất. Nguyên nhân là do cơ thể thay đổi hormone hoặc tử cung điều chỉnh để nội mạc tử cung mỏng hơn. Việc xuất huyết âm đạo bất thường sẽ xảy ra giữa các chu kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp ra máu âm đạo trên 5 ngày khi dùng thuốc tránh thai hoặc ra máu nặng 3 ngày trở lên thì nên đi khám để có hướng xử trí phù hợp.
  • Buồn nôn: Một số phụ nữ khi sử dụng thuốc tránh thai bị tác dụng phụ buồn nôn, tuy nhiên tác dụng phụ này sẽ giảm dần sau một thời gian. Để hạn chế buồn nôn, nữ giới có thể uống thuốc tránh thai vào lúc đi ngủ. Trường hợp buồn nôn nặng, kéo dài trên 3 tháng thì nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn.
  • Đau vú: Đau vú là một trong những tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày. Nguyên nhân là do thuốc tránh thai gây phì đại tuyến vú dẫn đến vú, triệu chứng này thường tự động hết sau một vài tuần. Để giảm đau vú do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, nữ giới nên giảm lượng muối và cà phê.
  • Đau đầu: Các hormone có trong thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đau đầu cho người sử dụng. Tùy vào từng loại thuốc khác nhau mà sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.
  • Tăng cân và thay đổi tâm trạng: Thuốc tránh thai có thể khiến tình trạng giữ nước trong cơ thể xảy ra, vì vậy khiến cho trọng lượng cơ thể tăng lên. Các loại thuốc tránh thai này góp phần thay đổi tâm trạng, cảm xúc ở phụ nữ.
  • Trễ kinh: Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp là trễ kinh, nguyên nhân có thể do căng thẳng hoặc bất thường về nội tiết tố. Trường hợp trễ một chu kỳ kinh hoặc lượng máu kinh ra ít khi sử dụng thuốc tránh thai thì người dùng nên thử thai trước khi bắt đầu liều tiếp theo.
  • Giảm hoặc tăng ham muốn tình dục: Vấn đề giảm ham muốn tình dục là tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường hay gặp ở chị em phụ nữ, nếu tình trạng này kéo dài thì nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế. Còn một số trường hợp, thuốc tránh thai có thể làm tăng ham muốn và giảm đau trong thống kinh, lạc nội mạc tử cung…
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo: Dịch tiết âm đạo có thể tăng hoặc giảm khi sử dụng thuốc tránh thai. Trường hợp âm đạo bị khô, có thể dùng thêm chất bôi trơn để quá trình quan hệ tình dục thoải mái và dễ đạt khoái cảm hơn.
  • Thay đổi về mắt: Thuốc tránh thai làm thay đổi nội tiết tố và liên quan đến sự dày lên của giác mạc.

Tác dụng phụ lâu dài của thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe lâu dài. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai về lâu dài như sau:

  • Vấn đề tim mạch: Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ liên quan đến các bệnh tim mạch. Người bị cao huyết áp không kiểm soát hoặc tiền căn bị nhồi máu cơ tim… nên hỏi hỏi bác sĩ về các phương pháp ngừa thai khác.
  • Nguy cơ ung thư: Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan.
  • Tăng cân không kiểm soát, căng thẳng, stress, trầm cảm kéo dài.

Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ nên sử dụng trong thời gian quy định với liều lượng phù hợp. Nhiều chị em nôn nóng lạm dụng thuốc có thể khiến cơ thể không dung nạp thuốc, dẫn đến các tác dụng phụ kéo dài

Trong trường hợp chắc chắn đã mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai, chị em không nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp bởi có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ.

Tham khảo ý kiến chuyên gia khi dùng thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai như thế nào để hợp lý?

Khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp, nữ giới nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý tăng hay giảm liều. Bên cạnh đó, nữ giới cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Vào khoảng thời gian đầu sử dụng thuốc, nữ giới sẽ cảm thấy bất thường trong cơ thể, vì vậy nên chuẩn bị tinh thần và biện pháp xử lý với một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Nếu tác dụng phụ xảy ra thường xuyên và mức độ tăng lên, cần phải liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
  • Nên giữ thói quen sống lành mạnh để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc tránh thai hàng ngày.
  • Đối với dinh dưỡng hàng ngày, nên ăn nhiều rau củ quả, mầm đậu nành để giúp cơ thể kiểm soát được cân nặng và điều hòa kinh nguyệt.
  • Rèn luyện thể thao điều độ và hợp lý để dẻo dai và khỏe mạnh hơn, giúp điều hòa kinh nguyệt tự nhiên rất hiệu quả.
  • Giữ một tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng cũng như stress bằng cách làm điều mình thích để khiến cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng và hỗ trợ thuốc tránh thai hoạt động hiệu quả hơn.

Những bệnh không nên dùng thuốc tránh thai

  • Bệnh huyết khối (cục máu đông)
  • Tiền sử đột quỵ hoặc đau tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Người bệnh hoặc người nghi ngờ bị ung thư vú hoặc ung thư tử cung
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Vàng da (hoặc vàng mắt) khi mang thai hoặc trong quá trình sử dụng thuốc trước đó
  • Người bị u gan
  • Phụ nữ đã mang thai hoặc nghi ngờ có thai
  • Người có kế hoạch phẫu thuật trong thời gian sắp tới: Đối với đại phẫu thì không nên uống thuốc tránh thai; với các tiểu phẫu thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Hút thuốc và bị huyết áp cao
  • Huyết áp cao, người bị tiểu đường
  • Có bệnh Lupus
  • Người mắc chứng đau nửa dầu
  • Phụ nữ hút thuốc và trên 35 tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp.

Ngay khi có mong muốn sinh con, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.

  • Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
  • Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
  • Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
  • Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.

Khi sử dụng thuốc tránh thai chị em nên đến cơ sở y tế có chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi để được thăm khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp, tăng hiệu quả ngừa thai cũng như hạn chế tối đa các nguy cơ tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Leave a reply