Viêm da cơ địa là bệnh phổ biến, bệnh gây nhiều khó chịu cho người bệnh và rất hay tái phát. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị viêm da cơ địa đặc hiệu, các phương pháp hiện tại chỉ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh và ngăn ngừa các đợt tái phát cấp. Các loại thuốc này là giảm nhanh triệu chứng như ngứa ngáy, mẩn đỏ, khô rát,… ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và phục hồi tổn thương da.

Thuốc điều trị viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một chứng viêm da, ngứa mãn tính. Bệnh lý này có thể đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng… Các triệu chứng của viêm da cơ địa thường khởi phát rất sớm, ngay từ tuổi sơ sinh, có thể tiếp tục đến lúc trưởng thành hoặc cũng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong đời.

Bệnh viêm da cơ địa là một dạng bệnh đặc biệt của bệnh chàm, thuật ngữ bệnh chàm dùng để chỉ nhiều loại viêm da có đặc điểm khá giống nhau như: 

  • Bệnh chàm ở tay: Chỉ xuất hiện tổn thương ở tay, do tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất gây kích ứng.
  • Viêm da tiếp xúc (do dị ứng hoặc kích ứng): Là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với một số hóa chất.
  • Bệnh tổ đỉa: Bệnh chàm với nhiều mụn nước, chỉ phát triển ở ngón tay, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngứa nhiều.
  • Viêm da thần kinh: Đặc trưng bởi các mảng da dày lên do bị cọ xát hoặc gãi nhiều lần. 
  • Viêm da ứ nước: Một loại kích ứng da ở người có hệ tuần hoàn kém, chủ yếu ở vùng cẳng chân. 
  • Nứt nẻ da chân, da tay: Là một dạng bệnh mạn tính của bệnh chàm, da phản ứng bằng cách tăng sừng quá mức gây những đường nứt da, chảy máu và đau nhiều.

Bệnh viêm da cơ địa thường gặp ở những tháng đầu đời của trẻ và bệnh nặng nếu trẻ có gen di truyền đồng hợp tử, sau đó bệnh giảm dần khi trẻ lên 2-3 tuổi. Nhiều thống kê cho thấy, 60% bệnh nhân viêm da cơ địa khi sinh con, con cũng bị bệnh này. Nếu cả ba lẫn mẹ đều bị viêm da cơ địa thì trẻ sinh ra có đến 80% nguy cơ bị bệnh. Ở một số trường hợp bệnh viêm da cơ địa đi kèm với hen suyễn, viêm mũi dị ứng và dị ứng thực phẩm tạo thành một phức hợp bệnh cơ địa dị ứng (thường gặp ở trẻ mang gien di truyền từ bố và mẹ).

Những biến chứng viêm da cơ địa có thể mắc phải

Bệnh viêm da cơ địa (bệnh chàm) nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô: Hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa dễ mắc thêm bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô.
  • Viêm da thần kinh mạn tính: Viêm da cơ địa có thể bị biến chứng thành viêm da thần kinh mạn tính, với biểu hiện da có vảy và ngứa mạn tính. Người bệnh càng gãi thì càng ngứa, điều này khiến vùng da có thể bị tổn thương, đổi màu, dày lên. 
  • Nhiễm trùng da: Da có thể bị tổn thương do gãi nhiều gây ra các vết loét, vết nứt, làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và vi rút. 
  • Viêm da tay: Viêm da cơ địa có thể gây ra biến chứng viêm da tay gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt với người làm trong môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa. 
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng: Do tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, hóa mỹ phẩm, ô nhiễm môi trường,…
  • Rối loạn giấc ngủ: Việc bị ngứa nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ như ngủ không ngon, thức dậy lúc nửa đêm,…

Thuốc điều trị viêm da cơ địa

Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Nếu như các cách trị viêm da cơ địa tại nhà như dùng kem dưỡng ẩm và thuốc Đông y không có hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc bôi viêm da cơ địa dị ứng như:

  • Thuốc kháng sinh dạng kem bôi giúp chống nhiễm trùng
  • Thuốc corticoid dạng kem điều trị ngứa và phục hồi làn da
  • Thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C
  • Một vài trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc corticosteroid đường uống (không được phép sử dụng kéo dài vì gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng).
  • Mới đây, FDA đã cấp phép sử dụng cho một loại thuốc sinh học đường tiêm dupilumab nếu bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng một số phương pháp khác như: sử dụng phương pháp UVA, UVB, LASER HE-NE.

Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa:

Thuốc điều trị viêm da cơ địa
Thuốc bôi điều trị viêm da cơ địa

Những lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc bôi viêm da cơ địa gồm các thuốc có tác dụng điều hòa miễn dịch ngay tại vùng da tổn thương (gồm 2 loại hai loại chính là: Corticoid và không corticoid) và các thuốc bôi dưỡng ẩm cho da.

Thuốc bôi viêm da cơ địa có corticoid

Thuốc bôi viêm da cơ địa có thành phần Corticoid là lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm da cơ địa. Thuốc này được sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Corticoid được phân loại sử dụng theo hiệu lực của chúng (gồm 7 nhóm mức độ từ ít mạnh nhất đến siêu mạnh). Loại có hiệu lực yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) dùng cho trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân mức độ nhẹ. Thuốc bôi viêm da cơ địa nên được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ và một lần khác trong ngày, bôi trong vòng 2-4 tuần, chỉ nên bôi ở các vùng có triệu chứng.

Nếu tình trạng viêm da cơ địa của bạn ở mức độ trung bình, nên dùng các thuốc bôi corticoid hiệu lực mạnh hơn ( như fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%; betamethasone dipropionate 0,05%). Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, cấp tính, có thể sử dụng corticoid hiệu lực rất mạnh trong nhiều nhất là 2 tuần. Sau đó dùng duy trì thuốc bôi viêm có hiệu lực yếu hơn cho đến khi không còn tổn thương. Lưu ý, mỗi loại thuốc bôi corticoid phù hợp với từng vùng da khác nhau, không bôi thuốc dành cho vùng da dày như bàn tay, chân lên vùng da mỏng như da mặt. Vì các vùng da mỏng như mặt và các nếp gấp lớn nhỏ là những vùng có khả năng cao bị teo da khi dùng corticoid, vì vậy đối với những vùng da này bạn có thể dùng các thuốc bôi như mỡ desonide 0,05%.

Thuốc bôi viêm da cơ địa có thành phần corticoid có hiệu quả cao tức thời đối với viêm da cơ địa nhưng lại kèm theo nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu sử dụng dài ngày như teo da, giãn mạch, nổi mụn, vết rạn da (vân), tĩnh mạch mạng nhện (telangiectasia),viêm da quanh miệng (quanh miệng), phát ban dạng mụn trứng cá hoặc bệnh trứng cá đỏ,… Do vậy, cần có sự tư vấn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ điều trị, người bệnh không được tự ý sử dụng cũng như thay đổi liều dùng tùy tiện.

Thuốc bôi viêm da cơ địa không chứa corticoid

Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (TCI) là thuốc không corticoid, thuốc hoạt động trên cơ chế ngăn sự đáp ứng của một số tế bào của hệ thống miễn dịch, làm cho các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa và viêm không xuất hiện. Đây là thuốc viêm da cơ địa được dùng nhiều đứng thứ hai sau các thuốc bôi chứa corticoid. Trong nhóm thuốc bôi viêm da cơ địa này 2 loại được dùng nhiều nhất là thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus. Cách dùng: bôi vào vùng tổn thương một ngày hai lần.

Tacrolimus hàm lượng 0,1% dùng cho người trên 15 tuổi, còn tacrolimu hàm lượng 0,03% dùng cho trẻ em hoặc người không dung nạp với loại 0,1%. Nếu bệnh nhân không dung nạp được tacrolimus thì có thể chuyển sang dùng pimecrolimus để thay thế. Lưu ý thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi

Sử dụng TCI thay cho các thuốc bôi chứa corticoid trong các trường hợp sau: kháng trị với corticoid, tổn thương ở vùng da mỏng (như da mặt, nếp bẹn, hậu môn), bệnh nhân đã dùng thuốc bôi corticoid liên tục trong thời gian dài hoặc đã có xuất hiện các tác dụng phụ của corticoid. Bôi TCI ngày 2 lần có tác dụng giảm viêm tốt. Hơn nữa, TCI là thuốc được khuyên dùng sử dụng ưu tiên ở giai đoạn ổn định của bệnh với liều dùng 2-3 lần/tuần để ngăn ngừa tái phát. Tác dụng phụ thường gặp nhất của loại thuốc bôi viêm da cơ địa này là đau tại chỗ bôi thuốc, cảm giác bỏng rát hoặc châm chích.

Thuốc corticoid đường uống

Ngày nay, thuốc corticoid đường uống hiếm khi được dùng điều trị viêm da cơ địa, nhưng đôi khi vẫn được kê đơn trong liệu trình điều trị ngắn từ 5 đến 7 ngày nhằm giúp kiểm soát cơn bùng phát nghiêm trọng.

Đối với liệu trình trị liệu dài ngày, bạn cần tránh dùng corticoid đường uống vì nguy cơ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc là rất cao.

Các sản phẩm dưỡng ẩm cho da

Các sản phẩm bôi dưỡng ẩm cho da cũng rất quan trọng trong điều trị triệu chứng khô da của viêm da cơ địa. Vì khô da không chỉ là triệu chứng nó còn nằm trong cơ chế gây bệnh và tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bôi viêm da cơ địa khác. Làm ẩm da là yếu tố quan trọng giúp giảm triệu chứng và hạn chế tái phát.

Có rất nhiều sản phẩm làm ẩm da bao gồm nhiều dạng như như kem, sữa, mỡ, dầu hoặc dạng tắm. Cách dùng dưỡng ẩm bôi và tắm như sau:

  • Thoa dưỡng ẩm lên vùng da khô. Số lần bôi tùy vùng da, tùy theo mùa (ví dụ như thời tiết mùa hè nóng ẩm, thoa từ hai đến ba lần một ngày, mùa đông độ ẩm không khí thấp nên thoa nhiều lần hơn). Tuy nhiên, nên bôi ít nhất 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là lần bôi ngay sau khi tắm. Bạn nên tiếp tục bôi dưỡng ẩm lâu dài ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.
  • Tắm bằng nước ấm vừa, trong thời gian không quá 10 phút. Không nên dùng nước tắm quá nóng, hạn chế dùng các loại sữa tắm có xà phòng có hương thơm.
  • Sau khi tắm xong, dùng khăn khô lau nhẹ nhàng, không lau mạnh và thoa ngay dưỡng ẩm lên da

 Người bệnh viêm da cơ địa nên ăn gì, kiêng gì?

Ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng bệnh, ngoài việc điều trị bằng thuốc thì người bệnh cần có một chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh.

  • Các loại thực phẩm người bệnh viêm da cơ địa nên ăn: Các loại cá giàu omega giúp kháng viêm như: Cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích,…; Các loại sản phẩm lên men chứa nhiều probiotic; trái cây và rau củ có chứa flavonoid kháng viêm như: Dâu, sơ ri, táo, súp lơ xanh, cải bó xôi, cải xoăn,…
  • Người bệnh tránh ăn thực phẩm dễ gây dị ứng, khiến bệnh nặng thêm như: Trứng, đậu nành, cà chua, các loại hạt, cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, vani, quế, đinh hương.Các thực phẩm chứa nhiều niken như: Trà đen, thịt đóng hộp, socola, hải sản có vỏ,… Tránh những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: Lê, cà rốt, cần tây, táo xanh, hạt phỉ,…

Ngay khi phát hiện các dấu diệu viêm da cơ địa, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh giúp bệnh không trở nặng. Với trường hợp vết thương ở da sưng đỏ, có mụn mủ, đau, sốt,… cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời, tránh tình trạng bội nhiễm hoặc nhiễm trùng da.

Leave a reply