Tán sỏi qua da là phương pháp nội soi mới, đang được áp dụng và đem đến hiệu quả điều trị cao. Sỏi sẽ tự vụn và được hút ra ngoài.

Tán sỏi qua da

Tán sỏi qua da phương pháp hữu hiệu thường được áp dụng hiện nay

Tán sỏi qua da là phương pháp gì?

Tán sỏi qua da là phương pháp tán vụn sỏi và lấy chúng ra ngoài cơ thể thông qua một đường hầm nhỏ tạo từ da vào trong hệ tiết niệu. Tùy thuộc vào kích thước của đường hầm đó mà phương pháp này có các tên gọi khác như:

  • Tán sỏi thận qua da chuẩn thức – PCNL: là đường hầm tán sỏi có kích thước lớn từ 26-30Fr.
  • Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ – mini PCNL: là đường hầm tán sỏi có kích thước 16-20Fr. Thông thường sử dụng đường hầm 18Fr trong phẫu thuật nội soi tán sỏi.
  • Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm siêu nhỏ – siêu mini PCNL (Ultra mini PCNL): là kích thước đường hầm 10-14 Fr
  • Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm “super nhỏ” – Microperc: Sử dụng đường hầm siêu nhỏ với kích thước khoảng 5Fr.

Tán sỏi thận qua da cũng có nhiều kỹ thuật khác nhau về việc sử dụng năng lượng tán sỏi như laser, sóng xung điện, siêu âm…; dụng cụ tạo đường hầm (siêu âm, C-arm); khác nhau về tư thế phẫu thuật (nằm sấp, nằm nghiêng, nằm ngửa…); phương thức vô cảm (gây mê toàn thân; gây tê tủy sống…).

Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp tán sỏi qua da

Ưu điểm

Tán sỏi qua da có nhiều ưu điểm so với phương pháp mổ mở truyền thống, đó là:

  • Ít xâm lấn: Sỏi được tán nhỏ và lấy ra ngoài nhờ một đường hầm qua da nên người bệnh ít đau đớn; ít chảy máu; ít ảnh hưởng tới chức năng thận.
  • Ít đau sau mổ: do vết mổ nhỏ ở thành bụng nên bệnh nhân sẽ ít cần thuốc giảm đau sau phẫu thuật và cắt cơn đau nhanh hơn.
  • Vết mổ nhỏ: Nếu như mổ mở, người bệnh sẽ có một vết mổ dài khoảng 15cm ở vùng sườn lưng thì với phương pháp tán sỏi qua da, vết mổ chỉ tầm 1cm, nhờ đó vết mổ sẽ thẩm mỹ và ít bị nhiễm khuẩn.
  • Làm sạch sỏi 100%: quan sát dưới camera nội soi có thể kiểm tra toàn bộ đài bể thận và niệu quản nên không để sót sỏi.
  • Tiết kiệm thời gian và tiền bạc: là phương pháp ít xâm lấn nên sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục vì thế rút ngắn thời gian nằm viện ngắn hơn, có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Nhược điểm

  • Chi phí phẫu thuật khá cao: Với việc sử dụng các máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay thì phẫu thuật tán sỏi qua da đòi hỏi chi phí cao hơn so với phương pháp mổ mở thông thường.
  • Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao: Để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra thành công thì đội ngũ bác sĩ thực hiện cần được đào tạo bài bản, kĩ năng chuyên khoa tốt, có kiến thức và kinh nghiệm phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da.

Những ai nên và không nên thực hiện phương pháp tán sỏi qua da

Đối tượng chỉ định tán sỏi qua da

Tán sỏi qua da là phương pháp tốt để điều trị sỏi thận hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực sự tốt khi được áp dụng đúng người, đúng tình trạng bệnh. Phương pháp này phù hợp với những trường hợp:

  • Sỏi thận, sỏi niệu quản 1/3 trên có đường kính > 2cm, không quá cứng
  • Sỏi thận đã thực hiện các phương pháp tán sỏi khác nhưng thất bại
  • Sỏi thận đã tán nội soi ống mềm nhưng sỏi đọng lại không đào thải ra ngoài được
  • Sỏi thận kèm hẹp bể thận, túi thừa đài thận
  • Bệnh nhân không bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bệnh nhân không mắc các bệnh về máu, không sử dụng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị.
  • Có đường tiết niệu bình thường.

Đối tượng chống chỉ định tán sỏi qua da

  • Bệnh nhân rối loạn đông máu đã được điều trị mà không hiệu quả
  • Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chưa được điều trị ổn định
  • Đang nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Những bất thường về mạch máu trong thận có nguy cơ chảy máu nặng
  • Nhu mô thận còn mỏng
  • Bệnh nhân đang có bệnh lý hô hấp, tim mạch ảnh hưởng tới gây mê, gây tê.
Tán sỏi qua da

Phương pháp tán sỏi qua da có nhiều ưu điểm hơn mổ truyền thống

Quy trình tán sỏi qua da

Bước 1: Vô cảm

  • Gây mê toàn thân nội khí quản hoặc gây tê tủy sống.

Bước 2: Đặt ống thông niệu quản

  • Người bệnh được đặt nằm tư thế sản khoa, hai chân dạng ra.
  • Sử dụng ống soi niệu quản để soi bàng quang. Lấy nước tiểu thử xét nghiệm vi khuẩn để đánh giá tình trạng bàng quang: dung tích, màu sắc nước tiểu, niêm mạc bàng quang có viêm hay không, có sỏi hoặc u kết hợp, vị trí 2 lỗ niệu quản, bệnh tuyến tiền liệt.
  • Luồn ống mềm qua lỗ niệu quản bên có sỏi, đưa ống soi niệu quản vào trong kiểm tra niệu quản đến bể thận, đánh giá tình trạng niệu quản: kích thước, tình trạng sỏi, mức độ chít hẹp, gấp khúc, có u hoặc polype niệu quản.
  • Nếu niệu quản chít hẹp, gấp khúc không đặt được guide wire qua hoặc có u niệu quản thì không thực hiện được phẫu thuật tán sỏi qua da, chuyển phương pháp khác.
  • Đưa dây dẫn qua phần sỏi ở bể thận vào đài thận, rút ống soi niệu quản, đặt ống thông niệu quản đến đài bể thận theo dây dẫn, đặt ống thông niệu đạo và cố định 2 ống thông với nhau.
  • Nếu nước tiểu trên thận xuống đục, biểu hiện nhiễm khuẩn thì chỉ định đặt ống thông JJ lên bể thận để tạm thời dẫn nước tiểu xuống bàng quang. Phẫu thuật tán sỏi qua da sẽ thực hiện tiếp khi người bệnh đã điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ổn định.

Bước 3: Chọc dò đài bể thận qua da

  • Đặt người bệnh sang tư thế nằm nghiêng có kê độn phía thắt lưng dưới hoặc tư thế sấp có kê độn dưới bụng.
  • Sử dụng máy siêu âm định vị hoặc C-Arm để kiểm tra vị trí, hình dáng đài bể thận có sỏi, xác định đài thận chọc dò.
  • Rạch da khoảng 0.5cm, cân vị trí chọc dò. Chọc dò đài thận dưới hướng dẫn siêu âm khi vào đài thận sẽ ra nước tiểu. Thông thường vị trí được lựa chọn để chọc đường hầm là ở vùng giữa xương sườn 11 – 12 hoặc dưới bờ sườn 12, khoảng giữa trên đường nách sau và góc dưới bả. Vì đây là phần ít mạch máu bên ngoài thận. Khoảng cách giữa da và thận nên ngắn nhất có thể để ống nội soi đến được hết các đài thận và xử lý sỏi triệt để.
  • Hạn chế tối đa số lần chọc dò vào đài bể thận và chỉ nên chọc dò dưới 15 phút. Nếu sau 15 phút mà vẫn không chọc dò được thì cần chuyển sang mổ mở lấy sỏi hoặc chỉ định đặt ống thông JJ ngược dòng và xét chỉ định tán sỏi qua da.
  • Trường hợp chọc dò ra nước tiểu đục thì cần ngừng thực hiện tán sỏi qua da, đặt dẫn lưu thận, điều trị chống nhiễm khuẩn tiết niệu và xét chỉ định tán sỏi qua da

Bước 4. Tán sỏi thận qua da

  • Rút lõi kim chọc dò, đặt dây dẫn đầu cong vào đài bể thận. Nong đường hầm theo dây dẫn.
  • Đặt ống tạo đường hầm qua da vào đài bể thận.
  • Dùng ống kính soi niệu quản đưa qua đường hầm xác định vị trí, số lượng sỏi trong đài bể thận.
  • Tán sỏi thận bằng năng lượng laser thành mảnh vụn nhỏ kết hợp bơm rửa lấy sạch sỏi hoặc gắp sỏi.
  • Trong quá trình mổ, có thể dùng máy siêu âm hoặc C-Arm để kiểm tra vị trí dụng cụ tán sỏi, hình dáng thận và sỏi, phát hiện mảnh sỏi tán di chuyển sang vị trí khác nhằm hạn chế sót sỏi. Đồng thời, phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật như tụ dịch quanh thận, tràn dịch ổ bụng hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Thời gian phẫu thuật tán sỏi sẽ diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Bước 5: Đặt ống thông niệu quản JJ và dẫn lưu đài bể thận qua da

  • Đặt ống thông niệu quản JJ xuôi dòng, rút ống thông niệu quản đặt ngược dòng.
  • Chuyển người bệnh về tư thế ban đầu, kiểm tra ống thông niệu đạo. Có thể đặt ống thông JJ niệu quản ngược dòng nếu không đặt được xuôi dòng.

Chăm sóc sau khi tán sỏi qua da

  • Sau khi mổ bệnh nhân sẽ được theo dõi 1-3 giờ tại phòng hồi sức sau mổ trước khi chuyển về phòng bệnh.
  • Bệnh nhân sẽ được đặt 01 ống dẫn lưu thận, 01 ống tiểu để theo dõi tình trạng nước tiểu, tình trạng chảy máu.
  • Trong vòng 1-2 ngày sau mổ, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang hệ tiết niệu để kiểm tra tình trạng sót sỏi, kiểm tra xem sonde JJ có đúng vị trí không? Nếu đã sạch sỏi; sonde JJ đúng vị trí thì bệnh nhân có thể được rút ống dẫn lưu thận và ống tiểu. Ở vị trí dẫn lưu sau khi rút ống có thể xuất hiện tình trạng rỉ nước tiểu và sẽ chấm dứt sau 3 – 6 giờ nhờ băng ép. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài cần báo ngay cho điều dưỡng.
  • Đối với các trường hợp được gây tê tủy sống có thể xuất hiện triệu chứng ngứa, run, buồn nôn sau mổ. Đây là tác dụng phụ thường gặp của gây tê tủy sống, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ theo dõi và khắc phục.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, gai người thì cần xem xét theo dõi kỹ tình trạng nhiễm khuẩn.

  • Sau mổ, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và ăn uống nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ.
  • Bệnh nhân điều trị tại viện trong khoảng 2 – 3 ngày, nếu không có gì bất thường có thể xuất viện ngay sau đó.

Những lưu ý khi tán sỏi qua da

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý theo dõi một số dấu hiệu như:

  • Tình trạng nước tiểu (màu, mùi,… nước tiểu), tình trạng cơ thể (sốt, rò rỉ nước tiểu qua vết mổ, tình trạng vết mổ…)
  • Dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ
  • Tái khám đúng lịch
  • Giữ liên lạc với bác sĩ phẫu thuật để trao đổi và theo dõi khi cần thiết.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa sỏi tái lại

  • Chế độ ăn sau tán sỏi là rất quan trọng. Vì vậy, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, dễ tiêu hóa. Đặc biệt là các loại trái cây rau củ, thực phẩm chứa nhiều chất xơ… Nếu có thể, hãy ăn theo thực đơn của bác sĩ đưa ra để đảm bảo dinh dưỡng sau khi tán sỏi và giúp cơ thể hồi phục hoàn toàn nhanh chóng.
  • Uống nhiều nước để đào thải mọi độc tố trong cơ thể. Trung bình mỗi ngày nên uống khoảng 8 – 10 ly nước, có thể uống thêm 1 – 2 ly nước ép các loại quả có múi để cũng cấp các dưỡng chất và vitamin cho cơ thể.
  • Tập luyện, vận động nhẹ nhàng, không nên nằm quá nhiều sau xuất viện
  • Sinh hoạt điều độ, khoa học

Một số lưu ý khác

  • Tình trạng nước tiểu hồng (tiểu máu) có thể kéo dài vài tuần, bệnh nhân nên uống nước thật nhiều để mau chóng chấm dứt hiện tượng này. Không nên dùng trà, cà phê hay rượu bia trong thời gian chờ hồi phục.
  • Vùng phẫu thuật có thể bị đau nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau nên người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
  • Tái khám sau 2 tuần – 1 tháng để đánh giá tình trạng sức khỏe, khẳng định không sót sỏi và được tư vấn chế độ hạn chế tái phát sỏi.
  • Một số trường hợp sỏi thận xuất hiện do các nguyên nhân bệnh  lý thì sau tán sỏi vẫn cần điều trị triệt để nguyên nhân.

Tán sỏi qua da được đánh giá là phương pháp tối ưu trong điều trị sỏi tiết niệu thay thế mổ mở truyền thống. Phương pháp này ít xâm lấn, ít đau, an toàn với người bệnh, nằm viện trung bình từ 2- 3 ngày. Người bệnh chỉ cần chú ý tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và các lưu ý kể trên là sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau tán.

Leave a reply