Hút thuốc lá là thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người sử dụng thuốc và cả người thân, bạn bè xung quanh. Khi vào cơ thể, khói thuốc có thể gây ra một số tác động tức thì tới các cơ quan trong cơ thể, và về lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe tổng thể. Vậy những tác hại của việc hút thuốc lá là gì?

Tác hại của việc hút thuốc lá tới sức khỏe
Hút thuốc lá gây nhiều tác hại tới sức khỏe

Tại sao hút thuốc lá rất có hại?

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người. Một số chất chủ yếu sau có trong khói thuốc:

  • 1,3-Butadiene là một hóa chất được dùng để sản xuất cao su. Nó được xem là một hóa chất gây ung thư và có thể gây ra một số bệnh ung thư máu.
  • Arsenic được dùng để bảo quản gỗ. Một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang.
  • Benzene được dùng để sản xuất các hóa chất khác. Nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người.
  • Cadmium là kim loại được dùng để sản xuất pin. Cadmium và hợp chất cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt.
  • Chromium VI được dùng để chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm. Các hợp chất Chromium VI gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi.
  • Formaldehyde được dùng để sản xuất các hóa chất khác và nhựa. Nó còn được dùng như một chất bảo quản. Formaldehyde gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp.
  • Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật.
  • Tar được tạo ra từ một số hóa chất có trong khói thuốc lá. Nó để lại dư lượng màu nâu, dính trên phổi, răng và mô.

Hút thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Ảnh hưởng tới chức năng phổi

Chức năng phổi của người hút thuốc lá sẽ chịu nhiều tổn thương nặng nề nhất. Các bệnh nhân có nguy cơ cao bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thói quen hút thuốc lá, hoặc vô tình hít phải khói thuốc từ những người xung quanh. Bệnh cạnh đó, sử dụng thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ phát hiện bệnh ung thư thanh quản, ung thư phế quản, ung thư phổi… so với người bình thường.

Theo ghi nhận, số lượng người hút thuốc lá tử vong nhiều gấp hai lần so với những người không có thói quen sử dụng thuốc. Điều này cho thấy những tác hại nghiêm trọng mà thuốc lá để lại đối với sức khỏe.

Giảm tiểu cầu

Giảm tiểu cầu do hút thuốc cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều người, hiểu đơn giản khi tiểu cầu thấp hơn so với quy định, khả năng cầm máu của cơ thể sẽ suy giảm đáng kể. Tình trạng này tương đối nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Một số tín hiệu cho thấy bạn đang bị giảm tiểu cầu là: chảy máu chân răng, chảy máu mũi hoặc xuất huyết dưới da, đi đại tiện ra máu, nôn ra máu,… Đối với chị em phụ nữ, chúng ta có thể đối mặt với chu kỳ kinh nguyệt dài bất thường, lượng kinh nguyệt nhiều hơn so với trước đây. Nếu gặp phải một trong những dấu hiệu kể trên, bạn nên chủ động đi khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, biến chứng nguy hiểm nhất khi giảm tiểu cầu đó là tình trạng xuất huyết não. Ban đầu, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái lú lẫn, mất kiểm soát kèm theo cơn đau đầu, nôn mửa… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, người bệnh đối mặt với tình trạng liệt nửa người, suy giảm thị lực và khả năng vận động. 

Nhìn chung, giảm tiểu cầu là biến chứng hút thuốc cực kỳ nghiêm trọng, nếu lơ là, bỏ qua việc điều trị thì tính mạng của bệnh nhân sẽ bị đe dọa nặng nề.

Suy giảm sức khỏe sinh sản

Nhiều người bất ngờ khi biết rằng khói thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản, đặc biệt đối với người phụ nữ. Nếu chị em thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thì khi mang thai, họ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai tương đối cao. Theo nhiều số liệu thống kê, tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc lá cao hơn 1.5 lần so với những người khác. Chính vì thế các bạn tuyệt đối không được coi thường biến chứng hút thuốc.

Thậm chí, khói thuốc lá là tác nhân khiến thai phụ dễ sinh non, thai nhi chậm phát triển, sức khỏe kém. Đó là lý do vì sao bác sĩ thường yêu cầu phụ nữ mang thai tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, kể cả theo hình thức trực tiếp hay gián tiếp.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thành phần hóa học trong khói thuốc lá làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đồng thời, chúng là nguyên nhân khiến phụ nữ mãn kinh sớm, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản nói chung.

Người bên cạnh bạn cũng bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành là tình trạng một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mảng xơ vữa động mạch dẫn đến hẹp mạch vành, ảnh hưởng khả năng cung cấp oxy cho tế bào cơ tim. Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Đặc biệt, người hút thuốc thụ động thông qua tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc, cũng có 20-30% nguy cơ mắc bệnh. Ở những người hút thuốc chủ động thì xác suất mắc bệnh cao hơn, gấp 2-4 lần và tỷ lệ tử vong do bệnh khoảng 70%.

Nhồi máu cơ tim

Việc hút thuốc lá thường xuyên có thể gây phá hủy mạch máu trầm trọng. Thường xuyên hút thuốc có thể gặp những cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với không hút thuốc. Thêm vào đó, độ tuổi bắt đầu xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cũng sớm hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, và cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc lá.

Tăng huyết áp

Ngoài ra, hút thuốc lá chính là có thể gây nên tình trạng tăng huyết áp (cao huyết áp) cấp tính. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng, làm co mạch máu, và tim hoạt động nhiều hơn để vận chuyển oxy. Bên cạnh đó, hút thuốc còn làm giảm hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp do các chất hóa học trong khói thuốc có thể kích thích gan phóng thích enzym vào máu, làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị.

Rối loạn nhịp tim và đột tử

Khói thuốc lá sẽ làm tăng tiết chất catecholamine. Đây là một hoạt chất tự nhiên có trong cơ thể, có tác dụng tương tự như adrenaline. Khi chất này có nồng độ cao quá mức cho phép có thể gây ra tình trạng loạn nhịp tim, thậm chí rung thất, dẫn đến đột tử nếu không được can thiệp xử trí kịp thời.

Phình động mạch chủ

Thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở động mạch chủ nhiều hơn, cản trở việc cung cấp máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Khi động mạch chủ bị hẹp do các mảng xơ vữa sẽ tạo thành những chỗ phình to, song song đó động mạch trở nên yếu dần, có thể bị vỡ, đe dọa đến tính mạng.

Nghiên cứu cho thấy, người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao gấp 8 lần so với người bình thường.

Một số ảnh hưởng khác đối với sức khỏe

Nam giới thường xuyên hút thuốc có thể gặp phải tình trạng xuất tinh sớm, chất lượng đời sống tình dục suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của các hóa chất trong khói thuốc lá, chính vì thế cảm giác hưng phấn mỗi lần “chăn gối” của người đàn ông giảm rõ rệt.

Thậm chí, thuốc lá có thể để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động của hệ tiêu hóa, khiến bạn ăn uống kém ngon miệng, giảm cân không kiểm soát,…

Nhiều người nghĩ rằng khi hút thuốc lá không khói hoặc thuốc lá điện tử sẽ vô hại, đây là quan niệm sai lầm. Trên thực tế, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử vẫn làm tăng nồng độ nicotine và nhiều chất khác có trong máu, làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và mắc một số bệnh ung thư..

Một điều cần đặc biệt lưu ý, việc hút thuốc lá thụ động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Chỉ với 30 phút tiếp xúc với khói thuốc lá đã có thể làm tổn thương chức năng của nội mạc động mạch vành, tương tự như ở những người hút thuốc lá thường xuyên. 

Thuốc lá và phụ nữ mang thai

  • Em bé của bạn có thể quá nhỏ khi được sinh ra. Khói thuốc làm chậm sự phát triển của em bé trước khi sinh.
  • Em bé của bạn có thể được sinh ra quá sớm (sinh non). Trẻ sinh non thường có vấn đề về sức khỏe.
  • Hút thuốc có thể gây tổn hại tới sự phát triển phổi và não của em bé.
  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ em bé bị dị tật bẩm sinh.
  • Em bé của bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai và trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá sau khi sinh có nguy cơ cao bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Bỏ thuốc là cách bảo vệ sức khỏe của bạn và người xung quanh

Lợi ích của việc cai thuốc lá

Không bao giờ quá muộn để cai thuốc lá. Việc bạn bao nhiêu tuổi và bạn đã hút thuốc thời gian bao nhiêu lâu không quan trọng, ngừng hút thuốc lá ngay bây giờ sẽ cải thiện sức khỏe của bạn.

Lợi ích thu được tức thì sau khi cai thuốc:

  • Trong vòng 8 giờ, bạn thở dễ dàng hơn.
  • Trong vòng 2 ngày, khứu giác và vị giác của bạn cảm nhận tốt hơn.
  • Trong vòng 2-3 tuần, cơ thể bạn lưu thông tốt hơn, bạn có thể đi bộ dễ dàng hơn và phổi của bạn bắt đầu làm việc tốt hơn.
  • Trong vòng 3 tháng, cơ thể bạn có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.
  • Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn được giảm đi một nửa.
  • Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.

Nhưng việc bỏ thuốc lá đối với rất nhiều người còn rất khó khăn vì:

Lợi ích của việc cai thuốc lá rất rõ ràng, thế nhưng việc cai thuốc không dễ dàng vì thuốc lá có chứa chất nicotin – một chất gây nghiện tác động lên não theo cơ chế tương tự như heroin và cocain, tạo ra cảm giác sảng khoái. Xếp loại mức độ gây nghiện của các chất gây hưng phấn thần kinh, nicotin chính là chất gây nghiện hơn cả heroin, cocain, cần sa, rượu và cà phê. Do đó, rất nhiều người đã quyết tâm bỏ thuốc lá nhưng sau đó tái nghiện.

Mẹo để cai thuốc lá dễ dàng hơn

Để cai thuốc lá thành công, người hút thuốc lá cần áp dụng 4 bước quan trọng.

  • Đầu tiên, hãy so sánh mặt lợi – hại của việc hút thuốc lá đối với bản thân, gia đình và những người xung quanh.
  • Thứ hai, hãy liệt kê những việc làm có thể thay thế cho thói quen hút thuốc như nhai một thanh kẹo cao su, cắn hạt hướng dương, hoặc đi bộ, tập thể dục, ngâm nga bài hát yêu thích…
  • Thứ ba, hãy tìm kiếm chỗ dựa vững chắc để quyết tâm thực hiện cai thuốc lá, có thể là đưa ra một mục tiêu mới, hoặc dựa vào sự hỗ trợ của gia đình và lập kế hoạch.
  • Thứ tư, bắt đầu thực hiện và kiên trì.

Thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử hay bất kỳ các sản phẩm thuốc lá nào cũng chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Điều tốt mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình là bỏ thuốc lá hoàn toàn. Đừng dành quãng đời còn lại để nghiện nicotine. Hàng ngàn người từ bỏ thói quen này mỗi năm và bạn nên là một trong số họ. Điều này có thể không dễ dàng, nhưng bạn sẽ làm được.

Leave a reply