Thận của mỗi người có nhiệm vụ lọc nước dư thừa và các chất độc, chất thải sau chuyển hóa ra khỏi máu. Các chất thải này sau đó sẽ được loại bỏ trong nước tiểu của bệnh nhân. Suy thận mạn là tình trạng mất chức năng của thận trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tình trạng này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thậm chí tử vong.

Suy thận mạn: Nguyên nhân và cách điều trị

Suy thận mạn gây ra nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe

Suy thận mạn là bệnh gì?

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận – tiết niệu mạn tính làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính

Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo từng đợt và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận,… tốn kém rất nhiều tiền của và gây mệt mỏi chán nản cho người bệnh

Vì vậy suy thận mạn tính cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện triệu chứng của bệnh đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn tính

Hội Thận học quốc tế (ISN = International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm:

  • Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút
  • Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút
  • Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút)
  • Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút
  • Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút

Nguyên nhân gây bệnh

  • Các bệnh lý ở cầu thận: chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,….
  • Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn
  • Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.
  • Bệnh thận bẩm sinh và di truyền ( thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport)
  • Bệnh tự miễn ( như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)
  • Nhiễm độc trong thời gian kéo dài
  • Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
  • Bất kì trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận hoặc làm tổn thương thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh: tắc mạch động mạch thận, nhiễm trùng đường niệu, suy tim sung huyết…

Các yếu tố có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính bao gồm:

  • Người hút thuốc lá
  • Người thừa cân, béo phì
  • Người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh thận
  • Người có cấu trúc thận bất thường

Những triệu chứng gặp phải

Ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, người bệnh có thể có ít triệu chứng, nên không nhận ra cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ăn uống kém ngon miệng
  • Mệt mỏi, suy nhược, uể oải
  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ
  • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn, tiểu đêm
  • Chuột rút các cơ bắp
  • Sưng phù bàn chân và mắt cá chân hoặc phù toàn thân.
  • Da ngứa, khô, nhợt nhạt xanh xao do thiếu máu
  • Tăng huyết áp khó kiểm soát
  • Khó thở, nếu chất lỏng tích tụ trong phổi
  • Đau ngực, chất lỏng tích tụ ở màng tim
  • Giảm khả năng tình dục.

Những biến chứng của bệnh gây ra

Bệnh này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể người bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh bao gồm:

  • Bệnh suy gan, hội chứng gan thận
  • Tình trạng tăng năng tuyến cận giáp
  • Tổn thương thần kinh gây co giật, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ
  • Tổn thương hệ tiêu hóa gây chảy máu dạ dày, ruột
  • Các vấn đề về tim và mạch máu, thiếu máu, suy tim
  • Các vấn đề về xương khớp làm loãng xương, nhuyễn xương dễ gãy xương
  • Các tổn thương phổi do tích tụ dịch nhầy, nước gây phù nề, nước trong màng tim, màng phổi, ổ bụng…
Suy thận mạn: Nguyên nhân và cách điều trị

Điều trị các nguyên nhân gây bệnh là vấn đề then chốt

Những phương pháp điều trị suy thận mạn

Tùy theo các triệu chứng bất thường ở người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp chữa trị phù hợp, nhằm để người bệnh cảm thấy dễ chịu nhất.

Việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Chữa bệnh suy thận mãn tính bằng các phương pháp sau:

Điều trị nguyên nhân

Điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.

Điều trị các triệu chứng

  • Tăng huyết áp
  • Kiểm soát rối loạn lipid máu
  • Điều trị thiếu máu
  • Điều trị loãng xương
  • Điều trị rối loạn điện giải

Điều trị thay thế thận

Hiện có 3 hình thức điều trị thay thế thận. Bác sĩ có thể chỉ định một trong ba phương pháp, tùy vào từng tình trạng cụ thể của người bệnh.

Chạy thận nhân tạo (hoặc thẩm tách máu, lọc máu, hemodialysis – HD)

Lọc máu là phương pháp thay thế một số chức năng của thận khi thận không còn hoạt động hiệu quả. Máu của người bệnh theo ống dẫn qua một hệ thống máy được đặt bên ngoài cơ thể để loại bỏ độc tố, chất thải. Sau đó, phần máu đã lọc sạch được trả về cơ thể người bệnh. Việc chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/ tuần, mỗi lần mất khoảng 4 giờ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương pháp chạy thận nếu được thực hiện đúng cách sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp người bệnh sống lâu hơn. Hàng tháng, người được lọc máu sẽ được theo dõi quá trình điều trị bằng các xét nghiệm để xem xét tính hiệu quả của phương pháp này.

Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc, Peritoneal dialysis – PD)

Với phương pháp lọc màng bụng, lớp màng bên trong bụng (phúc mạc) của người bệnh hoạt động như một bộ lọc tự nhiên để đào thải chất thải và độc tố ra ngoài. Dịch lọc sẽ theo một ống nhựa mềm (catheter) chảy vào bụng của người bệnh. Sau khi quá trình lọc kết thúc, chất lỏng sẽ được xả ra khỏi cơ thể.

Hiện có các cách lọc màng bụng là Lọc màng liên tục ngoại trú (CAPD) và Lọc màng bụng chu kỳ tự động (APD). Mục đích điều trị cơ bản là giống nhau, nhưng số lần điều trị và cách thức thực hiện của hai phương pháp này khác nhau. APD khác với CAPD ở chỗ có sự hỗ trợ của máy tuần hoàn và việc điều trị thường được thực hiện vào ban đêm, khi người bệnh ngủ. Lọc màng bụng bằng máy cũng mang lại hiệu quả chất lượng điều trị hơn cho người bệnh.

Ghép thận

Cấy ghép thận là biện pháp phẫu thuật dùng để thay thế thận đã bị mất chức năng bằng một quả thận khỏe mạnh để duy trì sự sống cho người bệnh. Nguồn thận sẽ được lấy từ người hiến tặng còn sống hoặc người đã chết não, chết tim (tim ngừng đập). Quá trình ghép thận cần có thời gian, vì việc tìm người hiến tặng tương đối phức tạp.

Sau phẫu thuật ghép thận, người bệnh sẽ cần được theo dõi trong bệnh viện từ vài ngày đến vài tuần. Khi sức khỏe ổn định, người bệnh được xuất viện nhưng cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo quá trình hồi phục vẫn đang tiếp tục. Đồng thời, người bệnh sẽ được dùng thuốc để chống thải ghép và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng. Sau khi ghép thành công, thận mới sẽ hoạt động và người bệnh không cần phải lọc máu nữa.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị

  • Duy trì huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Mục tiêu huyết áp là thường là dưới 130/80 mm Hg, ít hơn 2300 mg của natri mỗi ngày.
  • Người bệnh bị tiểu đường cần kiểm soát tốt nồng độ đường trong máu. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa, làm chậm biến chứng của tiểu đường, bao gồm suy thận.
  • Duy trì cholesterol trong máu đúng phạm vi mục tiêu bác sĩ đặt ra. Người bệnh cần lên kế hoạch cho chế độ ăn uống, vận động của mình để duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Cần từ bỏ thói quen hút thuốc vì có thể làm tổn thương thận nặng hơn.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất với cường độ phù hợp, giúp kiểm soát tốt huyết áp, mức độ glucose và cholesterol trong máu của người bệnh.

Đối với người bệnh suy thận, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng, cholesterol, hàm lượng đường trong máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

  • Hạn chế ăn muối, đạm, kali, photpho
  • Chế độ ăn giàu năng lượng
  • Kiểm soát chất lỏng nạp vào cơ thể

Kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm tổn thương thận và xác định giai đoạn bệnh thận mạn tính, dựa vào đó sẽ có biện pháp điều trị và chế độ ăn uống phù hợp, giúp hạn chế được tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối.

Leave a reply