Sùi mào gà ở nữ là một bệnh xã hội dễ lây nhiễm và khá phổ biến hiện nay. Phần đông đối tượng mắc bệnh đều mất tự tin, ngại giao tiếp khi xuất hiện các nốt sùi giống mồng gà trên cơ thể. Bệnh không được phát hiện và điều trị từ sớm có thể tác động đến sức khỏe, đời sống tình dục và tạo tiền đề cho các bệnh lý khác.
Bệnh sùi mào gà ở nữ
Bệnh sùi mào gà ở nữ hay còn gọi với tên khác là bệnh mồng gà, bệnh có những dấu hiệu như là nổi các nốt nhọt mọc thành từng cụm như là mào gà hay bông súp lơ không tại bộ phận sinh dục thậm chí ở cả miệng và lưỡi. Đây là căn bệnh do một loại virus có tên Human Papilloma Virus (HPV) gây ra. Virus HPV hiện nay có tới hơn 40 chủng loại khác nhau, trong đó HPV-6 và HPV-11 là virus trực tiếp tác động gây nên bệnh sùi mào gà.
Bệnh có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là đường tình dục do quan hệ không an toàn. Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh sùi mào gà ở nữ đang có xu hướng gia tăng.
Virus HPV rất dễ lây nhiễm và phát triển ở môi trường ẩm ướt. Bên cạnh đó đặc tính của loại virus này là thích hợp trú ngụ trong môi trường ẩm ướt và dễ dàng lây nhiễm qua tiếp xúc đường tình dục. Khi vào môi trường âm đạo, virus sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển và hình thành bệnh lý. Với những chị em có bộ phận sinh dục thường xuyên ẩm ướt, âm hộ – âm đạo bị viêm, suy giảm hệ miễn dịch, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn,… là nhóm dễ bị mắc bệnh sùi mào gà.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến nữ giới dễ dàng bị bệnh sùi mào gà hơn nam giới là do họ là người tiếp nhận tinh dịch từ bạn tình mỗi khi quan hệ. Virus sẽ lây lan qua con đường đó và phát triển âm thầm.
Bệnh sùi mào gà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người mắc. Bên cạnh đó tâm lý của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Những giai đoạn của bệnh
Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, dựa theo quá trình phát triển và lây lan của các nốt mụn cóc mà bệnh sùi mào gà ở nữ được chia thành 5 giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh được tính từ lúc virus HPV xâm nhập vào cơ thể và gây ra triệu chứng xuất hiện những nốt mụn cóc đầu tiên. Thời gian ủ bệnh này sẽ khác nhau ở mỗi người, có thể là 2 tháng hoặc có thể kéo dài hơn khoảng 9 tháng, thông thường là khoảng 3 tháng.
Giai đoạn này các triệu chứng không rõ ràng, chưa diễn tiến thành bệnh nên chị em khó nhận biết để điều trị.
Giai đoạn khởi phát
Có thể hiểu đây là giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, chị em có thể thấy những nốt sùi mào gà xuất hiện ở hai môi hoặc bên trong âm đạo, hậu môn hoặc nốt sần sùi trong cổ tử cung.
Giai đoạn phát triển
Đây là giai đoạn bệnh diễn tiến nặng hơn, các triệu chứng rõ nét hơn với những nốt sùi mào gà có kích thước to, dày đặc, có hình dạng như mào gà hoặc bông súp lơ.
Giai đoạn biến chứng
Có thể gọi đây là giai đoạn cuối của bệnh. Lúc này nguy cơ nhiễm trùng và viêm loét có thể xảy ra bởi các nốt sùi mào gà bị vỡ gây chảy máu, chảy mủ, có mùi hôi. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, cơ quan sinh dục nữ giới có nguy cơ viêm nhiễm cao, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…
Những biến chứng nguy hiểm khác có thể gặp phải bao gồm:
- Ung thư cổ tử cung có liên quan chặt chẽ với nhiễm trùng HPV ở cơ quan sinh dục. Một số chủng HPV cũng liên quan đến ung thư âm hộ, hậu môn, miệng và cổ họng. Nhiễm trùng HPV không phải lúc nào cũng dẫn đến ung thư, nhưng điều quan trọng đối với phụ nữ là phải làm xét nghiệm Pap thường xuyên, đặc biệt với những người đã bị nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao.
- Đối với phụ nữ mang thai, mụn cóc sinh dục có thể mở rộng, gây khó khăn đi tiểu. Mụn trên thành âm đạo có thể ức chế sự kéo dài của các mô âm dạo trong khi sinh. Mụn cóc lớn trên âm hộ hoặc trong âm đạo có thể khiến chảy máu kéo dài trong quá trình sinh nở.
- Em bé được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm sùi mào gà có thể phát triển mụn cóc ở cổ học, tuy nhiên trường hợp như này vô cùng hiếm. Khi đó, em bé có thể cần phẫu thuật để giữ cho đường thở không bị tắc nghẽn.
Giai đoạn tái phát
Sau khi chữa bệnh, chị em vẫn có nguy cơ bị sùi mào gà lần nữa nếu chồng/bạn tình vẫn mắc bệnh hoặc chị em vẫn còn virus gây bệnh trong người, chưa điều trị triệt để. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý bởi sùi mào gà ở nữ nếu tái phát sẽ diễn tiến nặng nề và nguy hiểm hơn lần mắc bệnh đầu tiên.
Những dấu hiệu của bệnh
Do cấu tạo cơ quan sinh dục nữ giới phức tạp hơn nam giới, cộng với thời gian ủ bệnh lâu nên bệnh sùi mào gà ở nữ khó nhận biết hơn.
Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài trong 2 tháng hoặc dài hơn trong 9 tháng, nhưng thông thường là 3 tháng. Nếu chị em có sức đề kháng kém, thời gian ủ bệnh có thể nhanh hơn bình thường, khi virus tấn công sau 2-3 tuần đã có thể có dấu hiệu của bệnh. Với người có sức đề kháng tốt hơn, thời gian ủ bệnh này sẽ dài hơn.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đó là:
- Xuất hiện nốt mụn cóc hoặc nốt sần có hình dạng mào gà ở vị trí môi lớn, môi bé của âm đạo, cổ tử cung, hậu môn hoặc vùng bẹn. Trong trường hợp cặp đôi quan hệ bằng miệng, mụn cóc có thể xuất hiện ở khoang miệng, lưỡi, cuống họng…
- Ở giai đoạn đầu, nốt mụn cóc có kích thước nhỏ, mềm, sờ vào có cảm giác nhám tay. Khi nặng hơn, mụn cóc lan thành một mảng lớn, có hình dạng như bông súp lơ.
- Trong trường hợp sùi mào gà ở hậu môn, chị em có thể gặp triệu chứng tiểu khó, tiểu rát hoặc tiểu ra máu. Đại tiện gặp khó khăn, đại tiện ra máu.
- Hầu hết nốt mụn cóc không gây ngứa hoặc đau đớn, tuy nhiên khi quan hệ tình dục các nốt mụn cóc tiếp xúc dễ bị vỡ gây chảy máu, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Điều trị sùi mào gà ở nữ
Các phương pháp điều trị sùi mào gà ở nữ hiện nay chủ yếu là loại bỏ tổn thương và những yếu tố nguy cơ ung thư từ việc nhiễm virus HPV; giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, phiền toái do bệnh gây ra; kiểm soát bệnh, hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng nề gây ra nhiều bệnh lý khác và ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái nhiễm.
Điều trị bằng thuốc
Một số thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ có thể thoa trực tiếp lên da gồm:
- Imiquimod (Zyclara, Aldara): Công dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại sự phát triển của nốt sùi mào gà. Khi sử dụng thuốc bôi, chị em không nên quan hệ tình dục bởi có thể làm giảm chất lượng của bao cao su và màng nhầy, nguy hiểm hơn là gây kích ứng da cho chồng/bạn tình.
- Axit tricloaxetic (TCA): Công dụng đốt cháy nốt sùi mào gà, dùng trong điều trị mụn cóc bên ngoài bộ phận sinh dục.
- Sinecatechin (Veregen): Công dụng điều trị nốt sùi mào gà bên ngoài hoặc xung quanh vùng hậu môn.
- Podophyllin và podofilox (Condylox): Công dụng phá hủy nốt sùi mào gà, tuy nhiên không được chỉ định dùng cho điều trị sùi mào gà bên trong cơ quan sinh dục hoặc điều trị khi phụ nữ đang mang thai.
- Interferon hoặc 5-fluorouracin: Sử dụng bằng đường tiêm với công dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tiêu diệt virus HPV. Tuy nhiên, thuốc này chỉ phù hợp cho sang thương nhỏ, ít nghiêm trọng và chi phí tương đối cao.
Mỗi loại thuốc điều trị sùi mào gà ở nữ đều đó những công dụng và tác dụng phụ nhất định, chị em không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, chị em nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ có kê toa thuốc điều trị phù hợp, giúp điều trị hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm do dùng sai thuốc.
Điều trị bằng phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, chị em sẽ được tư vấn phương pháp phẫu thuật để loại bỏ nốt sùi mào gà. Hiện nay, tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có những thủ thuật sau:
- Liệu pháp áp lạnh (cryotherapy): Sử dụng nitơ lỏng -196 độ C để gây bỏng lạnh vùng da xung quanh vùng nổi nốt sùi mào gà. Khi da lành lại, các tổn thương sẽ bong ra và được thay thế bằng lớp da mới.
- Điều trị bằng laser: Sử dụng chùm ánh sáng có cường độ cao để điều trị nốt sùi mào gà, thường áp dụng cho trường hợp sùi mào gà trên diện rộng gây khó điều trị.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Người bệnh được gây mê tại chỗ hoặc toàn thân để cắt bỏ hoàn toàn tổn thương do nốt sùi mào gà. Phương pháp này có thể loại bỏ được 89-100% tổn thương trong một lần phẫu thuật, tuy nhiên nguy cơ tái phát vẫn cao, khoảng 19-29%.
Vai trò của vắc xin trong phòng ngừa lây nhiễm virus HPV
Virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục khi tiếp xúc trực tiếp da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc âm đạo, tử cung, dương vật, hậu môn với người mắc bệnh.
Hiện nay, không có phương pháp điều trị triệt để virus HPV, chỉ có phương pháp dự phòng. Tiêm vắc xin ngừa HPV được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, cũng như các bệnh ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục do HPV gây ra.
Phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở nữ
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV gây bệnh sùi mào gà.
- Khám sức khỏe định kỳ hàng năm, bao gồm khám phụ khoa hoặc da liễu để kịp thời phát hiện, chẩn đoán bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
- Giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là cơ quan sinh dục sạch sẽ. Tránh sử dụng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân với người khác.
- Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá.
- Trẻ em gái từ 11 – 12 tuổi và phụ nữ từ 13 – 26 tuổi cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin HPV để phòng bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung.
Để ngăn ngừa sùi mào gà tái phát, chị em cần tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, trong quá trị điều trị bệnh, chị em cần thực hiện thêm các kiểm tra bổ sung nhằm tầm soát nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Sau khi điều trị, mặc dù triệu chứng đã giảm nhưng virus HPV vẫn còn tồn tại. Do đó, chị em nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng thuốc điều trị và tuân thủ tái khám đúng lịch. Nếu có quan hệ tình dục, chị em phải sử dụng bao cao su để tránh nguy cơ lây bệnh cho chồng/bạn tình.
Leave a reply
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.