Sốt siêu vi là căn bệnh thường gặp trong những ngày thời tiết giao mùa với nguyên nhân do nhiễm virus. Bệnh đặc trưng bởi những cơn sốt nặng dần nếu không được điều trị kịp thời.

Sốt siêu vi: nguyên nhân và cách điều trị
Nghẹt mũi, chảy nước mũi là những triệu chứng của bệnh

Sốt siêu vi là bệnh gì?

Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus, chính là tình trạng sốt do nhiễm phải các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Đây là một loại bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu.

Sốt siêu vi khiến cho phần đầu và các cơ có cảm giác đau mỏi, là một bệnh dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường lao động, phải sinh hoạt và làm việc chung với nhiều người… Biểu hiện của bệnh sốt siêu vi thường bao gồm: sốt cao trên 39 độ, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, những cơn sốt thường trở nặng vào buổi chiều hay về đêm.

Có nhiều chủng loại virus gây ra hiện tượng sốt siêu vi; phổ biến hàng đầu có thể kể đến như Enterovirus, Adenovirus hay Rhinovirus,… Phần lớn mất khoảng 4-5 ngày để hệ thống miễn dịch chống lại virus. Tuy nhiên vẫn có trường hợp sốt siêu vi nghiêm trọng cần đến sự hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.

Sốt siêu vi ở trẻ thường kéo dài từ từ 7 – 10 ngày hoặc có thể nhanh hơn nếu trẻ được điều trị đúng cách. Trong trường hợp trẻ sốt siêu vi, bố mẹ cũng không nên chủ quan để tránh các biến chứng tiêu cực có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Sốt siêu vi lây qua đường nào?

Có nhiều cách khiến bạn bị nhiễm siêu vi và dẫn tới sốt, thường gặp như:

  • Hít thở: Nếu một người bị nhiễm virus có ho/ hắt hơi ở gần bạn, bạn có thể hít phải những giọt bắn có chứa virus từ họ. Trường hợp này thường xảy ra đối với lây cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
  • Nuốt phải: Đồ ăn, thức uống cũng có thể bị nhiễm virus như virus norovirus và enterovirus. Nếu dùng phải những thực phẩm như vậy bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Bị cắn/ đốt: Bạn cũng có thể bị nhiễm trùng virus nếu bị côn trùng và các động vật khác mang virus cắn/ đốt. Ví dụ cho trường hợp này là bệnh dại hoặc sốt xuất huyết.
  • Truyền máu: Nếu người hiến máu bị nhiễm virus như viêm gan B hay HIV thì có nguy cơ cao lây bệnh cho người nhận máu.

Bệnh sốt siêu vi có thể lây từ người sang người. Chính vì vậy, khi người lớn bị bệnh, không nên tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Còn khi trẻ nhỏ bị sốt, cần cho bé nghỉ học và không đến những nơi đông người để không làm lây lan bệnh cho người khác.

Những triệu chứng của bệnh

Sốt

Những cơn sốt cao liên tục là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh sốt siêu vi. Thời gian đầu, cơ thể bệnh nhân sẽ sốt nhẹ, rồi thân nhiệt dần dần tăng lên do mức độ nhiễm càng nặng. Khi đó, bệnh nhân cần nhanh chóng sử dụng thuốc hạ sốt nhằm tránh trường hợp sốt cao đến 40 – 41 độ C, nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Nghẹt mũi

Triệu chứng nghẹt mũi thường xuất hiện gây cảm giác khó chịu. Người bệnh nên dùng thuốc điều trị triệu chứng này để hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp.

Đau nhức cơ bắp

Bên cạnh triệu chứng mệt mỏi thì các cơ bắp cũng có biểu hiện đau nhức bất thường. Phần lớn những cơn đau nhức này sẽ kéo dài đến khi khỏi bệnh.

Mệt mỏi

Bệnh nhân bị sốt siêu vi luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Trong giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh, các virus xâm nhập, gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng nhưng hệ miễn dịch chưa thể nhận ra và phản ứng lại, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, nặng nề. Đây là dấu hiệu điển hình của sốt siêu vi.

Ho và chảy nước mũi

Đây là một triệu chứng khác của sốt siêu vi đối với hệ hô hấp. Bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi thường xuyên khi nhiễm virus sốt siêu vi. Điều này là nguyên nhân khiến cho virus lây lan sang những người xung quanh. Do đó, bạn nên sử dụng một chiếc khăn riêng, giữ vệ sinh sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với người khác. Tốt nhất là nên nghỉ ngơi tại nhà, hoặc ở trong khu vực cách ly với mọi người, nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan.

Nổi mẩn đỏ trên da

Da nổi mẩn đỏ là triệu chứng khá phổ biến đối với các bệnh nhiễm và dị ứng, vì vậy nên rất khó phân biệt. Để xác định chính xác hơn, cần dựa vào tình trạng sức khỏe bản thân kèm theo các triệu chứng khác.

Ngoài các triệu chứng chung như trên, tùy theo loại siêu vi, ở trẻ nhiễm phải sẽ có thêm các triệu chứng đặc trưng khác như:

  • Chảy nước mắt, mắt đỏ, có ghèn và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Trẻ bị đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
  • Có thể bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da,…
  • Trẻ có thể bị nổi ban hoặc bọng nước. Ban thường xuất hiện sau khi triệu chứng sốt đã giảm, ở giai đoạn bắt đầu hồi phục.

Mặc dù thông thường bệnh sẽ thuyên giảm triệu chứng trong vòng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp nhiễm siêu vi gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: mất nước, xuất hiện ảo giác/ mê sảng, hôn mê, co giật, suy thận, suy gian, sốt hô hấp hay suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.

Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ

Điều trị sốt siêu vi

Cho đến nay, bệnh sốt siêu vi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng và đề phòng các biến chứng.

Điều trị bệnh sốt siêu vi dựa vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh, mức độ sốt cùng các triệu chứng khác đi kèm. Ở mức độ sốt nhẹ hơn, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Dùng thuốc không kê đơn: Thuốc hạ sốt Ibuprofen và acetaminophen là những thuốc không kê đơn người sốt siêu vi có thể sử dụng. Aspirin cũng có thể giúp bạn hạ sốt nhưng không được dùng cho người dưới 18 tuổi. Lưu ý, đối với các trường hợp sốt xuất huyết, chỉ được sử dụng acetaminophen để hạ sốt.
  • Tắm nước ấm: Giúp làm dịu cơ thể đang sốt
  • Uống nhiều nước: Bổ sung thêm lượng nước hằng ngày hoặc các chất điện giải vừa giúp hạ thân nhiệt vừa ngăn ngừa tình trạng mất nước do sốt.

Điều trị sốt xuất siêu vi cho trẻ

Cần phải kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên. Khi trẻ sốt cao trên 38 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, như Paracetamol với liều 10 – 15mg/kg/lần, các lần cách nhau từ 4-6h.

Cho trẻ nằm nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, thoáng mát. Mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Bố mẹ dùng khăn ấm vắt ráo nước lau người cho trẻ, chú ý tới vùng nách, bẹn.

Khi trẻ sốt cao sẽ bị mất nước, rối loạn điện giải, vì vậy cần cho trẻ uống nhiều nước và bù điện giải bằng Oresol, uống thay nước trong ngày. Cho trẻ ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như súp, cháo. Không nên bắt trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa, mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đồng thời, cho trẻ uống thêm các loại nước ép hoa quả có chứa nhiều vitamin C như nước cam để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không có tác dụng tiêu diệt virus. Chính vì vậy, không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị sốt siêu vi nếu như không có bội nhiễm.

Các bậc phụ huynh cần phải theo dõi trẻ sát sao, khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần cho trẻ tới các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, tránh để dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa sốt siêu vi

Do virus thường lây lan qua đường hô hấp, côn trùng cắn/ đốt, dịch cơ thể và đường ăn uống cho nên nếu áp dụng 6 cách phòng tránh dưới đây sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hiệu quả:

  • Rửa tay đúng cách: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/ nước rửa tay khô trước khi ăn, sau khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh,… Tay là nơi tiếp xúc nhiều bề mặt có thể chứa virus. Giữ tay sạch sẽ giúp ngăn chặn virus đáng kể, từ đó ngăn ngừa sốt siêu vi.
  • Tránh ở gần/ tiếp xúc với người bệnh: Nên duy trì khoảng cách an toàn với người bị sốt siêu vi – đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.
  • Phòng ngừa muỗi đốt: Một số bệnh sốt siêu vi như sốt xuất huyết lây lan qua đường muỗi đốt. Do đó các sản phẩm chống muỗi như kem bôi, mùng màn, thuốc xịt,… là vật dụng cần thiết. Ngoài ra bạn cũng nên đóng cửa vào buổi tối và đảm bảo không gian sống xung quanh thoáng đãng, che kín nơi đựng nước,… để không tạo ra nơi sinh sản của muỗi.
  • Che mũi, miệng: Đeo khẩu trang là cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa các giọt bắn chứa virus trong không khí. Nếu không có khẩu trang thì bạn nên che miệng và mũi mỗi khi ở gần ai đó ho hoặc hắt hơi.
  • Có thói quen ăn uống tốt: Ăn đồ ăn ấm cũng góp phần giảm nguy cơ bị nhiễm siêu vi bởi virus không tồn tại được ở nhiệt độ cao. Ngoài ra ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự lây nhiễm virus.
  • Chủng ngừa: Có nhiều bệnh nhiễm trùng gây sốt siêu vi có thể ngăn ngừa bằng việc tiêm ngừa. Ví dụ như cúm. Vậy nên nếu có thể hãy tiêm chủng các loại vaccine cúm hiện có.

Đối với sốt siêu vi nhẹ, người lớn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin C và cân bằng điện giải. Đối với bệnh nặng, cần đưa người bệnh đi khám, xét nghiệm, chẩn đoán để có phác đồ điều trị thích hợp, kịp thời.

Khi nhận thấy những biểu hiện của bệnh, nên tìm cách xử lý ngay lập tức hoặc đến bác sĩ kiểm tra, tránh thái độ chủ quan, để xảy ra những biến chứng sau này.

Leave a reply