Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, khi sỏi hình thành và lớn dần lên sẽ gây bí tắc đường tiết niệu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân và cách điều trị

Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân và cách điều trị

Sỏi tiết niệu là bệnh gì?

Hệ tiết niệu của con người được cấu thành từ các bộ phận: thận trái, thận phải, bàng quang, 2 niệu quản và niệu đạo. Bất cứ một bộ phận nào có sự xuất hiện của sỏi thì đều được gọi chung là sỏi tiết niệu.

Sỏi có thể xảy ra khi nước tiểu cô đặc nhiều với các chất như canxi, oxalat và phốt pho. Sỏi có thể nằm trong thận hoặc di chuyển xuống đường tiết niệu. Các viên sỏi có kích thước khác nhau, viên nhỏ có thể được đào thải ra ngoài, viên lớn bị mắc kẹt lại dọc theo đường tiết niệu và có thể chặn dòng chảy của nước tiểu, gây đau dữ dội hoặc chảy máu.

Tỷ lệ người mắc bệnh sỏi thận suốt đời ước tính từ 1% đến 15%, thay đổi theo tuổi, giới tính, chủng tộc và vị trí địa lý. Người ta ước tính rằng, nam giới có nguy cơ bị ảnh hưởng cao gấp ba lần so với phụ nữ. Sỏi đường niệu hay xảy ra ở người lớn tuổi và rất hay tái phát.

Phân loại sỏi tiết niệu

Phân loại theo thành phần hoá học

  • Sỏi Calci là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80-90%, gồm sỏi Calci Oxalate, Calci Phosphate, sỏi rất  cứng và cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hoặc màu nâu.
  • Sỏi Magnésium Ammonium Phosphate hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng, thường do nhiễm trùng niệu lâu ngày gây ra, có màu vàng và hơi bở, sỏi loại này thường rất lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.
  • Sỏi Cystine: bề mặt trơn láng, có nhiều cục và ở cả hai thận.
  • Sỏi Urate: có thể kết tủa ngay trong chủ mô thận, không cản quang nên không thấy được trên phim X-quang.

Phân loại theo vị trí

Đây là phân loại được áp dụng trên lâm sàng bởi nó quyết định đến lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

  • Sỏi thận, gồm sỏi đài thận và sỏi bể. Sỏi có thể có thể gây cơn đau quặn thận, gây nhiễm trùng và biến chứng trầm trọng
  • Sỏi niệu quản: Đa số là do sỏi di chuyển từ bể thận xuống niệu quản và gây bế tắc đường tiết niệu, gây “cơn đau quặn thận” với đặc điểm: cơn đau xuất hiện đột ngột, cường độ đau tăng nhanh và kịch phát. Bệnh nhân thường lăn lộn, không có tư thế giảm đau, vị trí đau từ hông lưng lan trước bụng xuống vùng hố chậu cùng bên. Bệnh nhân thường có cảm giác bí tiểu, tiểu lắt nhắt, gắt buốt, có thể tiểu máu.
  • Sỏi bàng quang: 80% là do sỏi từ thận, niệu quản rớt xuống hoặc do bế tắc vùng cổ bọng đái, niệu đạo như phì đại tuyến tiền liệt, van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo… Do đường niệu đạo khác nhau mà sỏi này thường gặp ở người nam lớn tuổi, ít gặp ở nữ. Sỏi gây tiểu buốt, tiểu rát, tiểu nhiều lần, tiểu ngắt quãng.
  • Sỏi niệu đạo: sỏi từ bàng quang theo dòng nước tiểu chui xuống niệu đạo và bị mắc kẹt không tiểu ra được. Sỏi gây bí tiểu cấp làm cho người bệnh vô cùng khó chịu, có thể có chảy máu niệu đạo.

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Thành phần cấu tạo sỏi rất khác nhau và quá trình hình thành sỏi cũng rất phức tạp. Hiện nay chưa có một lý thuyết thống nhất  rõ ràng về nguyên nhân hình thành sỏi. Một số nguyên nhân có thể kể đến là:

  • Sự hòa tan của các muối khoáng trong nước tiểu: oxalat, canxi, urat,…
  • Uống không đủ lượng nước trung bình mỗi ngày và thường xuyên nhịn không đi tiểu. Khi nước tiểu bị đọng lại quá lâu sẽ hình thành nên sỏi.
  • Người mắc các bệnh lý liên quan tới đường tiết niệu: nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến,…
  • Ảnh hưởng từ yếu tố di truyền,…
  • Ăn uống không khoa học, quá nhiều muối, hấp thụ quá nhiều canxi,…

Sỏi sẽ kết tụ lại khi việc hòa tan các hoạt chất bị ứ đọng lại, thường là do độ PH trong nước tiểu thay đổi, hoặc nước tiểu bị cô đặc.

Những dấu hiệu của bệnh

Tùy vị trí sỏi hình thành mà có các biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng (bệnh nhân tình cờ phát hiện sỏi khi đi khám) đến những triệu chứng rất rầm rộ. Nhìn chung bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau: là biểu hiện hay gặp nhất, hay gặp ở vùng thắt lưng. Đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc thành cơn đột ngột dữ dội, lan ra phía trước và xuống vùng bẹn sinh dục. Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên, nhưng thường sau vận động gắng sức, cơn đau kéo dài vài phút, có thể tự hết hoặc cần sự hỗ trợ của thuốc.
  • Bất thường về đi tiểu: bệnh nhân có thể đái buốt (đái buốt cuối bãi đái hay đái buốt toàn bộ bãi đái), đái ngắt ngừng (đang tiểu bỗng nhiên bị ngừng lại, thay đổi tư thế lại tiểu được tiếp), đái khó, bí đái hoàn toàn, đái đục, đái máu (có thể nước tiểu có màu hồng đỏ hoặc chỉ phát hiện được hồng cầu trong nước tiểu nhờ xét nghiệm).
  • Bệnh nhân có thể có sốt do nhiễm khuẩn.
Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân và cách điều trị

Nhịn tiểu là 1 trong những nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu

Những biến chứng xấu có thể gặp phải

Cũng chính vì rất khó nhận biết vào thời điểm đầu, nên nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã để lại nhiều biến chứng. Cụ thể hơn:

  • Ứ đọng nước tiểu: Sỏi to khiến ống dẫn tiểu xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến thận bị tổn thương chức năng.
  • Suy thận: do sỏi bị tắc nghẽn quá lâu.
  • Viêm nhiễm ở đường tiết niệu do sự cọ xát của sỏi khiến niêm mạc bị rách, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Sỏi gây ra những cản trở nghiêm trọng cho công việc bài tiết. Nặng hơn, sỏi làm cho chức năng lọc và đào thải ở thận giảm, thậm chí là biến mất hoàn toàn.
  • Một số biến chứng khác: thận bị phù nề, viêm thận kẽ, nhiễm trùng,…

Điều trị sỏi tiết niệu

Chẩn đoán bệnh

Dựa vào các triệu chứng, dấu hiệu, vị trí đau nhức mà bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận ban đầu. Để chắc chắn có được kết quả chính xác, bệnh nhân cần tiến hành làm một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Siêu âm ổ bụng.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chụp CT.
  • Chụp X-quang.

Phương pháp điều trị

Bệnh lý có thể điều trị khỏi khi kích thước sỏi đang còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu đã để sỏi to hơn, gây ra nhiều biến chứng phức tạp thì thời gian điều trị chắc chắn sẽ lâu hơn, chi phí cũng tốn kém hơn.

Một số phương pháp điều trị phổ biến, bao gồm cả nội và ngoại khoa:

  • Phương pháp điều trị nội khoa tại nhà chỉ dành cho sỏi có kích thước < 5mm, nhỏ và chưa để lại biến chứng gì. Người bệnh phải uống đủ nước mỗi ngày (hơn 2 lít) và tích cực vận động thể dục thể thao.
  • Đối với sỏi > 9mm và để lại biến chứng và không thể can thiệp phẫu thuật do thận đã bị ảnh hưởng nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ là giảm đau và không thể điều trị dứt điểm. Một số loại thuốc thường được sử dụng: thuốc giảm đau, thuốc làm mòn sỏi và thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn niệu quản.
  • Khi sỏi quá lớn, khiến chức đào thải bị vô tác dụng, thì cần phải loại bỏ sỏi. Một số biện pháp y học tiên tiến thường được sử dụng là: phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da (PCNL); tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), nội soi tán sỏi ngược dòng,… Đây đều là các kỹ thuật mới, ít rủi ro.

Tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của sỏi tiết niệu, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nên điều trị bằng phương pháp nào. Để tránh gặp phải bệnh lý phức tạp này, bạn nên rèn luyện một thói quen sống và làm việc lành mạnh:

  • Rèn thói quen uống đủ nước hàng ngày.
  • Không nhịn tiểu quá lâu.
  • Ăn uống đủ chất, rèn luyện thể thao thường xuyên.

Sỏi đường tiết niệu hay sỏi tiết niệu thường để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khi trở nặng. Vì thế, ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

 

Leave a reply