Sỏi niệu quản có thể gây ra các cơn đau dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người bệnh. Loại sỏi này thường do sỏi thận rơi xuống niệu quản, gây bít tắc đường tiểu.

Sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là một đường ống dài (khoảng 25cm) dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng về cuối niệu quản càng hẹp lại. Loại sỏi này gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sự tắc nghẽn này dẫn đến tình trạng nước tiểu bị ứ đọng, lâu ngày sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản hầu hết là do sỏi rơi từ trên thận xuống, sỏi hình thành tại niệu quản rất ít gặp chỉ trong một số điều kiện như hẹp, u hay có túi thừa niệu quản.

Sỏi niệu quản được chia làm sỏi niệu quản 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới. Việc chia nhỏ theo vị trí sỏi được áp dụng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Thông thường, số lượng sỏi là một viên. Một số trường hợp có thể là nhiều viên hoặc tạo thành một chuỗi sỏi. Đoạn niệu quản xuất hiện sỏi thường viêm dính dày lên, đoạn niệu quản trên giãn to và teo nhỏ, chít hẹp ở đoạn niệu quản dưới.

Khi mới xuất hiện sỏi, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Giai đoạn này thường kéo dài 2 năm và không có biến chứng. Nếu phát hiện và điều trị nội khoa trong giai đoạn này, hiệu quả điều trị có thể lên tới 80%.

Nguyên nhân gây sỏi

Sỏi niệu quản được tạo thành từ các tinh thể trong nước tiểu của người bệnh kết tụ lại với nhau. Chúng thường hình thành trong thận trước khi đi vào niệu quản.

Không phải tất cả sỏi niệu quản đều được tạo thành từ các tinh thể giống nhau. Những viên sỏi này có thể hình thành từ các loại tinh thể khác nhau như:

  • Chất vôi: Sỏi được tạo thành từ các tinh thể calci oxalat là phổ biến nhất. Là mất nước và ăn một chế độ ăn uống bao gồm rất nhiều loại thực phẩm oxalate cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi.
  • Acid uric: Loại sỏi này phát triển khi nước tiểu quá toan (acid). Nó phổ biến hơn ở nam giới và những người bị bệnh gút .
  • Struvite: Những loại sỏi này thường liên quan đến nhiễm trùng thận mãn tính và chủ yếu được tìm thấy ở những phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
  • Cystine: Loại sỏi ít phổ biến nhất, sỏi cystine xảy ra ở những người mắc chứng rối loạn di truyền cystin niệu. Chúng được tạo ra khi cystine, một loại acid amin, rò rỉ vào nước tiểu từ thận.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Điều này bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của người bệnh bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản, người bệnh cũng có thể bị sỏi thận.
  • Mất nước: Nếu người bệnh không uống đủ nước, người bệnh có xu hướng tạo ra một lượng nhỏ nước tiểu rất cô đặc. Người bệnh cần sản xuất một lượng nước tiểu lớn hơn để muối sẽ được hòa tan, thay vì cứng lại thành tinh thể.
  • Chế độ ăn: Ăn một chế độ ăn nhiều natri (muối), protein động vật và thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Thực phẩm giàu oxalat bao gồm rau bina, trà, sô cô la và các loại hạt. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Một số loại thuốc: Một số loại thuốc khác nhau, bao gồm một số loại thuốc thông mũi, thuốc lợi tiểu, steroid và thuốc chống co giật, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi.

Một số tình trạng bệnh khác: Người bệnh có thể dễ bị sỏi hơn nếu người bệnh có:

  • Một sự tắc nghẽn của đường tiết niệu
  • Bệnh viêm ruột
  • Bệnh gout
  • Cường cận giáp
  • Béo phì
  • Nhiễm trùng tiểu tái phát

Những triệu chứng của bệnh

  • Đau: Khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở thận với các biểu hiện như xuất hiện các cơn đau đột ngột, mức độ đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan tới vùng bẹn.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục: Người bệnh có thể bị tiểu rắt, tiểu buốt. Màu nước tiểu bị đục, xuất hiện mủ (dấu hiệu của nhiễm trùng thận ngược chiều nếu có sốt kèm rét run). Triệu chứng này đe dọa nghiêm trọng tới chức năng thận. Người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
  • Tiểu máu: Sỏi có thể ma sát với thành niệu quản, gây xuất huyết, dẫn tới tình trạng tiểu ra máu.
  • Một số trường hợp hiếm có thể tiểu ra sỏi nhỏ.
  • Các triệu chứng kèm theo có thể xảy ra như sốt, rét run, buồn nôn, bụng chướng, bí trung đại tiện.
Sỏi niệu quản

Bạn sẽ gặp những cơn đau bất chợt và rất khó chịu

Biến chứng của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản có thể tiến triển nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:

  • Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
  • Viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm với biểu hiện sốt cao rét run, hố thắt lưng căng đau.
  • Suy thận cấp: Xảy ra khi sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản gây ra triệu chứng vô niệu.
  • Suy thận mạn: Khi viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài gây ra suy thận mạn, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.

Điều trị sỏi niệu quản

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng dựa theo đặc điểm cơn đau của người bệnh như đau vùng hông lưng hay cơn đau quặn thận. Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng như:

  • Siêu âm
  • X-quang hệ tiết niệu (KUB)
  • Chụp cắt lớp (MSCT)
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Kích thước sỏi, vị trí sỏi, chất hình thành sỏi là những yếu tố quyết định tới việc điều trị sỏi niệu quản. Bên cạnh đó việc điều trị thành công hay không còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe hiện tại của người bệnh như béo phì, sử dụng thuốc chống đông máu (chất làm loãng máu) và các yếu tố khác.

Các giải pháp thường được bác sĩ chỉ định để điều trị triệu chứng của sỏi niệu quản do kích thước sỏi lớn và đường tiết niệu bị chặn bao gồm:

Tán sỏi song xung kích: Sóng xung kính được tạo ra bằng máy để phá vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ và được đào thải qua đường tiết niệu.

Nội soi niệu quản: Thiết bị nội soi phát ra tia laser được đưa vào niệu quản để phát hiện sỏi và loại bỏ hoặc phá bỏ chúng.

Mổ thận lấy sỏi qua da: Đối với những viên sỏi có kích thước hoặc hình dạng bất thường sẽ áp dụng thủ thuật mổ thận lấy sỏi qua da bằng cách đưa trực tiếp thiết bị nội soi vào thận thông qua một vết mổ nhỏ ở lưng.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, để chấm dứt triệu chứng sỏi niệu quản cũng như giảm nguy cơ tái phát trong tương lai, chế độ dinh dưỡng của người bệnh đóng vai trò quan trọng, mỗi ngày cần bổ sung đủ chất lỏng (tối thiểu 2,5 lít nước/ngày), ăn nhiều chất xơ, hạn chết đạm động vật, muối, tăng cường canxi (khoảng 800-1.200mg/ngày) từ các thực phẩm chứa nhiều canxi…

Không uống rượu bia, chất kích thích, dành ra tối thiểu 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày để tập thể dục.

Để sỏi niệu quản không biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, bản thân mỗi người khi xuất hiện triệu chứng của sỏi niệu quản cần chủ động thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chỉ định can thiệp đúng cách.

Leave a reply