Rối loạn tiểu tiện là dấu hiệu cảnh báo hệ tiết niệu của bạn đang gặp vấn đề, tình trạng này ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Rối loạn tiểu tiện
Rối loạn tiểu tiện gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày

Bàng quang là một túi chứa nước tiểu từ thận. Bình thường bàng quang có thể chứa 400-600ml nước tiểu. Người lớn sẽ tiểu từ 1 – 2 lít nước tiểu/ngày, phụ thuộc vào lượng nước uống vào và các hoạt động thể chất khác như luyện tập, mất mồ hôi, thời tiết nóng hay lạnh… Số lần đi tiểu khoảng 4 – 6 lần khi có cảm giác buồn tiểu, tiểu thành dòng, dễ dàng và có cảm giác tiểu hết bãi. Ngoài ra chúng ta có thể nhịn tiểu nếu ngoại cảnh chưa phù hợp. Đó là do sự phối hợp nhịp nhàng của bàng quang, cơ thắt niệu đạo, cơ sàn chậu do sự toàn vẹn của hệ thống thần kinh cơ.

Rối loạn tiểu tiện là bệnh gì?

Rối loạn tiểu tiện là các thay đổi trong quá trình tiểu tiện như tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu khó, tiểu không hết, phải rặn tiểu, tiểu rỉ hay tiểu máu… được các hội niệu khoa thế giới thống nhất gọi chung là LUTS (hội chứng rối loạn đường tiểu dưới).

Những thay đổi trong quá trình đi tiểu, như tiểu nhiều lần trong ngày (hơn 7 lần/ngày vào ban ngày và hơn 1 lần/ngày vào ban đêm, cảm giác tiểu không tự chủ, khó nhịn tiểu, tiểu khó, phải rặn tiểu, rỉ tiểu, tiểu không hết bãi… đều là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.

Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng tiết niệu thường gặp với các biểu hiện đa dạng như:

  • Tiểu buốt: Tiểu buốt là cảm giác buốt, đau rát, khó chịu khi đi tiểu.
  • Tiểu rắt: Tiểu rắt là tình trạng bệnh nhân đi tiểu nhiều lần và cảm giác mắc tiểu thường không kiểm soát được.
  • Tiểu ngắt quãng: Tia tiểu gián đoạn, không liên tục, sau đi tiểu vẫn còn cảm giác nước tiểu trong bàng quang.
  • Tiểu rặn: Khi đi tiểu, bệnh nhân phải dùng sức rặn để tống nước tiểu ra ngoài.
  • Tiểu nhiều: Thể tích nước tiểu trong ngày nhiều hơn người bình thường.
  • Tiểu không kiểm soát: Tiểu không tự chủ, nước tiểu tự chảy ra mà không kiểm soát được.

Nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện

Nguyên nhân bệnh lý

  • Phì đại tuyến tiền lại với nam giới: Người bệnh sẽ có các biểu hiện như tiểu khó, tiểu không hết, tia nước tiểu yếu.
  • Viêm đường tiết niệu: Viêm bàng quang gây tình trạng kích thích đi tiểu liên tục, đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt,  tiểu lắt nhắt, khó chịu… Các triệu chứng này thường tái phát khi không được chữa trị triệt để.
  • Sỏi tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo): Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tiểu đêm mất ngủ kèm theo là tiểu khó, tiểu đục, rát buốt, đau và mỏi lưng… cả ban ngày lẫn ban đêm.
  • Một số bệnh lý nội khoa như đái tháo nhạt, đái tháo đường gây lợi niệu làm bệnh nhân tiểu nhiều.

Do cách sinh hoạt

  • Thói quen uống nước nhiều vào buổi tối (nước canh, rượu bia, cà phê, trà…) làm tăng bài tiết nước tiểu, gây ra tình trạng tiểu đêm.
  • Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu (điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, suy thận).
  • Yếu tố tâm lý (căng thẳng, lo âu…): Tiểu tiện nhiều lần nhưng khi xét nghiệm nước tiểu, kết quả lại bình thường.
  • Mang thai: Vì khi mang thai, thai phát triển ngày càng lớn, gây chèn ép bàng quang; do các nội tiết tố từ nhau thai tiết ra, làm tăng số lần đi tiểu.
  • Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, chức năng cô đặc nước của thận ngày càng giảm (suy thận tuổi già), rối loạn thần kinh điều khiển bàng quang.

Những triệu chứng theo giai đoạn

Thường ta chia thành 3 nhóm tương ứng với 3 giai đoạn của quá trình đi tiểu:

Giai đoạn đổ đầy

Tiểu nhiều lần

  • Thể tích, tính chất nước tiểu và cảm giác đi tiểu bình thường tuy nhiên tần suất > 8 lần vào ban ngày, liên quan đến bệnh lý: bướu lành tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, bàng quang tăng hoạt, bàng quang hỗn loạn thần kinh…

Tiểu đêm

  • Là khi đi tiểu > 1 lần/đêm, lúc bệnh nhân đang ngủ phải thức dậy đi tiểu.
  • Bệnh lý liên quan: bướu lành tuyến tiền liệt, bàng quang tăng hoạt, hoặc do thói quen uống thức uống lợi niệu ban đêm như trà, cà phê…

Tiểu gấp

  • Là cảm giác muốn đi tiểu một cách bức thiết mặc dù bàng quang chưa đầy nước tiểu.
  • Bệnh lý liên quan: bàng quang tăng hoạt, bàng quang dung tích nhỏ, bướu tuyến tiền liệt.

Giai đoạn tống xuất nước tiểu

  • Tiểu không kiểm soát: Nước tiểu tự chảy ra không có ý thức. Trong đó có tiểu không kiểm soát khi gắng sức (thường gặp ở nữ do sa niệu đạo) và tiểu kiểu tràn đầy (bàng quang thần kinh, bướu tuyến tiền liệt)
  • Tiểu ngập ngừng: Tia tiểu bị gián đoạn không liên tục
  • Tiểu rặn: Bệnh nhân phải dùng sức rặn bụng để tống nước tiểu ra ngoài.
  • Tiểu yếu: Tia nước tiểu yếu, đo niệu dòng đồ Qmax thấp

Giai đoạn sau khi tống xuất

  • Tiểu không hết: Bệnh nhân cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang, vẫn muốn đi tiểu lại.
  • Đau bàng quang: Người bệnh có thể cảm thấy bị đau căng tức ở bàng quang sau khi tiểu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là viêm bàng quang kẽ, viêm bàng quang cấp, ung thư bàng quang và sỏi bàng quang.

Điều trị rối loạn đi tiểu

Việc điều trị rối loạn tiểu cần dựa vào kiểu rối loạn tiểu, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định ưu tiên các phương pháp ít xâm lấn nhất. Nếu thất bại, bác sĩ có thể đổi sang các phương pháp khác.

Kích thích điện

Kích thích điện với điện cực đặt trong trực tràng hay âm đạo, giúp tăng cường cường sức mạnh của các cơ sàn chậu, kích thích điện nhẹ nhàng, hỗ trợ tốt kiểm soát tốt ở người bệnh tiểu són do tăng áp lực ổ bụng và người bệnh khó nhịn tiểu khi buồn tiểu. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị khó thể thấy ngay được sau vài lần điều trị. Việc điều trị kéo dài vài tháng.

Kích thích điện sẽ làm giảm hoạt bàng quang. Điện cực có thể đặt ở sau xương cùng hay kích thích thông qua đường đi của thần kinh chày sau. Liệu trình điều trị thường kéo dài. Bác sĩ sẽ sử dụng những thiết bị phát ra xung điện siêu nhỏ cấy vào trong da ngoài lớp cơ mông, có dây nối với những thần kinh cùng chi phối bàng quang, các xung điện làm giảm hoạt bàng quang.

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc này giúp giảm co thắt bàng quang, cải thiện tình trạng luôn cảm giác buồn tiểu, giảm số lần đi tiểu. Những thuốc thường được kê toa như tolterodine, darifenacin, fesoterodine, solifenacin, trospium.
  • Mirabegron: Đây là loại thuốc thường được áp dụng điều trị cho người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu. Mirabegron cũng là thuốc giãn cơ bàng quang, làm tăng sức chứa bàng quang, giúp làm rỗng bàng quang mỗi lần đi tiểu.
  • Thuốc chẹn alpha: Với người bệnh đái dầm liên tục, thuốc sẽ giúp làm giãn cơ trơn cổ bàng quang và những sợi vùng tuyến tiền liệt, giúp làm rỗng bàng tốt hơn. Những thuốc thường được kê toa như tamsulosin,  alfuzosin, silodosin, terazosin và doxazosin.
  • Các estrogen dùng tại chỗ: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các chế phẩm estrogen liều thấp tại chỗ như dạng kem bôi trong âm đạo, những chế phẩm khác dùng được niệu đạo và âm đạo, giúp làm giảm những triệu chứng rối loạn đi tiểu.
  • Tiêm xơ hóa tổ chức quanh niệu đạo: Tiêm các chất liệu vào mô quanh niệu đạo gây xơ hóa tổ chức, giúp niệu đạo đóng kín hơn. Tuy nhiên, đây lại là phương pháp xâm nhập nhiều nhưng hiệu quả lại kém.
  • Tiêm Botulinum toxin type A: Biện pháp này thường được chỉ định điều trị bàng quang tăng hoạt khi những biện pháp khác thất bại. Bác sĩ sẽ nội soi ống mềm qua niệu đạo, tiêm vào khoảng trên 30 điểm ở thành bàng quang trừ vùng gây đau (trigger zone) để gây liệt tạm thời cơ bàng quang. Hiệu quả tiêm thường kéo dài khoảng 6 tháng, sẽ cần phải tiêm lại.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn thường được chỉ định khi tất cả những phương pháp điều trị trên thất bại. Tùy theo từng loại rối loạn tiểu tiện, bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp phẫu thuật phù hợp như phẫu thuật treo cổ bàng quang, treo niệu đạo, cấy cơ thắt nhân tạo, thậm chí phẫu thuật làm rộng bàng quang. Những phương pháp này đều có nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn. Kết quả phẫu thuật đôi khi sẽ không được như kỳ vọng của người bệnh.

Bài tập Kegel giúp kiểm soát tốt nước tiểu

Điều trị, chăm sóc tại nhà

Kiểm soát hành vi, thói quen

  • Tập chức năng bàng quang: Tập kiềm chế đi tiểu khi buồn tiểu. Ban đầu, mỗi khi buồn tiểu, bạn nên cố gắng nhịn tiểu khoảng 10 phút. Điều này sẽ giúp giảm khoảng cách giữa các lần đi tiểu, cố gắng đặt khoảng cách giữa những lần đi tiểu từ 2 đến 4 giờ.
  • Đi tiểu đúp: Ở người bệnh đái dầm, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cố gắng tiểu hết nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu. Đi tiểu đúp là sau khi đã tiểu xong, bạn nên đợi thêm vài phút nữa rồi tiếp tục tiểu lần nữa cho hết nước tiểu.
  • Đi tiểu theo lịch: Cứ hai giờ một lần, người bệnh có thể đi tiểu mà không cần phải cho cho tới khi buồn tiểu.
  • Kiểm soát lượng nước uống và chế độ ăn: Để tái kiểm soát bàng quang, bạn nên kiểm soát và loại bỏ một số thói quen như uống rượu bia, thức uống chứa cafein, đồ ăn chua cay; ngoài ra cần giảm uống nước, lên kế hoạch giảm cân nếu béo phì, tăng cường vận động cơ thể…

Tập cơ đáy chậu

Người bệnh nên tham khảo các bài tập tăng cường sức mạnh của các cơ đáy chậu. Điều này sẽ giúp cho việc kiểm soát tiểu tiện tốt hơn. Bài tập Kegel là bài tập thường được áp dụng; chú trọng tập nhiều ở các cơ đáy chậu, giúp kiểm soát tốt nước tiểu ở người bệnh rò rỉ nước tiểu khi tăng áp lực ổ bụng, thậm chí cũng rất hữu ích cho người bệnh khó kiềm chế tiểu mỗi khi buồn tiểu. Để thực hiện các bài tập dành cho các cơ đáy chậu, bạn hãy tưởng tượng mình đang cố gắng kiềm chế đi tiểu, sau đó:

  • Co thắt các cơ sàn chậu, cố gắng giữ trạng thái này trong khoảng 5 giây, sau đó thư giãn khoảng 5 giây. Nếu cảm thấy khó khăn khi tập, bạn hãy khởi đầu bằng cách co thắt khoảng 2 giây, thư giãn khoảng 3 giây).
  • Cố gắng tập luyện để đạt được trạng thái mỗi lần co thắt các cơ đáy chậu đạt 10 giây. Lặp lại 10 lần trong mỗi lần tập, tập mỗi ngày 10 lần.

Chăm sóc

Khi bị rò rỉ nước tiểu, nhiều người bệnh cần có biện pháp bảo vệ da như lau sạch bằng khăn, giữ khô ráo; sử dụng tã, băng vệ sinh để kiểm soát tình trạng rỉ nước tiểu. Với người lớn tuổi, người nhà cần chuyển khu vực sinh hoạt riêng của họ gần nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh nên làm sàn chống trượt, mở rộng cửa ra vào, lắp đèn sáng (phòng tránh té ngã). Một số trường hợp người nhà có thể cân nhắc sử dụng thêm các loại bồn cầu di động cho người cao tuổi khi di chuyển khó khăn.

Các biện pháp khắc phục chứng rối loạn đi tiểu

  • Cần hạn chế uống nước vào buổi tối để giảm việc đi tiểu về đêm. Bạn nên chia lượng nước uống nhiều vào ban ngày.
  • Không sử dụng các loại thức uống chứa cồn (rượu, bia) vì sẽ làm lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.
  • Hạn chế uống trà, cà phê vì các loại thức uống này có tác dụng như thuốc lợi tiểu.
  • Hạn chế bổ sung các loại thực phẩm có tính axit (cam, chanh, bưởi, cà chua, khế, sấu…); thức uống có gas; những món ăn có gia vị cay, ngọt. Vì các nhóm thực phẩm này sẽ gây kích ứng bàng quang, khiến bạn phải đi tiểu nhiều lần hơn trong ngày.
  • Với người bệnh rối loạn tiểu, nếu dùng thuốc để điều trị bệnh nào đó, bạn cũng nên thông báo với bác sĩ để tránh các loại thuốc gây lợi tiểu.
  • Nếu đi tiểu nhiều lần do bệnh lý, người bệnh nên đi khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Rối loạn tiểu tiện gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Vậy nên, khi xuất hiện các triệu chứng tiểu tiện bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý dùng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân.

Leave a reply