Rối loạn ái kỷ hay còn gọi là bệnh ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá, là một bệnh lý tâm thần.

Rối loạn ái kỷ là bệnh gì?

Rối loạn nhân cách ái kỷ còn được gọi là bệnh ái kỷ đặc trưng bởi sự tự cao, có nhu cầu được tâng bốc, nịnh nọt, luôn muốn người khác ngưỡng mộ bản thân, thiếu sự đồng cảm và có tham vọng thành công rực rỡ ở mọi lĩnh vực.

Bệnh ái kỷ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh nhân mắc bệnh ái kỷ thường có hành vi kiêu ngạo, thiếu đồng cảm với mọi người và chỉ muốn được mọi người ngưỡng mộ. Những người ái kỷ thường được mô tả là những người tự phụ, luôn xem bản thân là trung tâm. Họ cũng có tính cách thất thường và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt. Những rối loạn nhân cách có liên quan bao gồm: rối loạn chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính. Tự kiêu là mức độ nhẹ hơn của bệnh tâm lý ái kỷ. Người tự kiêu thường ra vẻ tự phụ, ích kỷ, thích kiểm soát và có một tình yêu huyễn hoặc với bản thân.

Rối loạn nhân cách ái kỷ

Người bệnh luôn xây dựng hình ảnh về  một cái tôi giả tạo

Các dạng bệnh ái kỷ

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và biểu hiện hành vi, có 8 dạng ái kỷ phổ biến sau:

Ái kỷ lành mạnh

Không phải tất cả những người có đặc điểm ái kỷ đều bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kế Rối loạn Tâm thần Hoa Kỳ cho biết, bệnh nhân cần đáp ứng tối thiểu 55% triệu chứng thông thường để được chẩn đoán mắc phải vấn đề này. Vì vậy, những người có một số biểu hiện nhưng không thực sự bị bệnh này. Đây là dạng ái kỷ lành mạnh.

Các chuyên gia nhận định, nhiều người mang một chút ái kỷ lành mạnh. Do đó, họ cảm thấy vui vẻ, tự hào về thành tích cá nhân và mong muốn chia sẻ với những người xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng rất tự tin, hăng hái và tin tưởng bản thân xứng đáng với một cuộc sống tốt đẹp.

Ái kỷ tự cao

Dưới góc nhìn của ngành tâm lý học, tự cao là những cảm giác vượt trội hão huyền về bản thân. Với lòng ái kỷ tự cao, một người có thể đánh giá quá cao giá trị và năng lực thực tế của chính mình. Điều này hình thành ý thức cao về lòng tự trọng cũng như khao khát thống trị của họ đối với thế giới xung quanh.

Những người ái kỷ tự cao thường rất tự tin, nhiệt tình nhưng thiếu mất khả năng đồng cảm với người khác. Trong các cuộc chuyện trò, họ có xu hướng tập trung vào câu chuyện, trải nghiệm và suy nghĩ cá nhân, khao khát nhận được sự chú ý, ngưỡng mộ từ mọi người và thích nhìn người khác bối rối, e sợ mình.

Ái kỷ khép kín

Tạp chí Tâm thần Hoa Kỳ (AJP) ghi nhận, những người bị ái kỷ khép kín thường khiêm tốn, nhút nhát, hay dằn vặt, dễ nảy sinh lòng đố kỵ và khá nhạy cảm trước những lời nhận xét của mọi người. Với mong muốn mãnh liệt là được người khác công nhận, kính nể, họ sẽ trở nên vô cùng bảo thủ, cố chấp khi đối diện với sự chỉ trích từ nhiều phía. Đây chính là lý do những người này luôn tin rằng bản thân quá đáng thương và đau khổ.

Ái kỷ ác tính

Những bệnh nhân ái kỷ ác tính có xu hướng cư xử hung hăng, tàn bạo và thích thao túng người khác. Họ cảm thấy vui sướng khi chứng kiến người khác khổ sở. Nhóm đối tượng này đồng thời cũng biểu hiện chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, thích dẫn dắt những người xung quanh, coi thường chuẩn mực xã hội và không hề hối hận về hành vi sai trái của bản thân.

Ái kỷ tình dục

Những người ái kỷ tình dục bị ám ảnh mạnh mẽ bởi nhu cầu tình dục và luôn cố gắng tìm cách nhận được sự công nhận, ngưỡng mộ từ người bạn đời của mình. Họ luôn cố gắng thao túng người khác bằng chuyện tình dục và hành xử khá thô bạo trong các mối quan hệ lãng mạn.

Ái kỷ Soma

Những người ái kỷ Soma có thể tìm được giá trị bản thân thông qua cơ thể chính mình. Họ sẽ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc nếu bản thân quyến rũ, xinh đẹp hơn so với người khác. Do đó, họ thường bị ám ảnh bởi cân nặng, ngoại hình, nhan sắc cá nhân cũng như thích đánh giá ngoại hình của những người xung quanh. Ngoài ra, họ luôn ưu tiên mong muốn của bản thân và bỏ qua nhu cầu của người khác.

Ái kỷ trí tuệ

Đặc trưng quan trọng nhất của nhóm người này là khao khát khẳng định bản thân thông qua sức mạnh tâm trí. Họ tin tưởng rằng mình uyên thâm, tài giỏi và thông tuệ hơn người. Trong những năm tháng trưởng thành, họ luôn tìm cách phô diễn năng lực và trí tuệ của mình.

Ái kỷ tâm linh

Những người ái kỷ tâm linh có xu hướng lợi dụng những yếu tố tâm linh, tôn giáo để bao biện cho các hành động sai trái của mình. Họ thường đe dọa người khác bằng nhiều từ ngữ mang yếu tố tâm linh. Đồng thời, họ cũng cố gắng lý tưởng hóa, thần thánh hóa bản thân nhằm bảo vệ chính mình khỏi sự lo lắng, bất an, đồng thời củng cố, nâng cao vị thế xã hội.

Những dấu hiệu của chứng rối loạn ái kỷ

Tạo ra hình ảnh sai sự thật về mình

Mặc dù vô cùng tự ti, nhưng người ái kỷ lại luôn muốn được người khác thán phục. Do đó, họ phải che giấu con người ấy bằng cách dựng lên một hình ảnh khác với bản thân mình, tạm gọi là “cái tôi giả” (false-self).

Độ phủ sóng của mạng xã hội đã khiến tình trạng này càng thêm nghiêm trọng. Không dừng lại ở việc làm mọi thứ để gây sự chú ý trên mạng, người ái kỷ còn xem việc bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) là một cách để thể hiện sức mạnh của mình.

Người ái kỷ nói dối và phóng đại nhiều chuyện

Người ái kỷ có thể nói dối về mọi thứ, chứ không dừng lại ở những vấn đề cá nhân. Họ thêu dệt những câu chuyện theo hướng có lợi cho mình, mục đích là để bảo vệ hình ảnh thể hiện ra bên ngoài. Điều này khác với người thao túng tinh thần (gaslighter) nói dối để thiết lập chủ quyền và sự kiểm soát.

Nếu người bình thường cảm thấy ‘tim đập, chân run’ khi nói dối, thì người ái kỷ lại xem đây là điều giúp họ lấy lại bình tĩnh. Họ thừa hiểu rằng mình đang lừa bịp, nhưng lại không có đủ nhận thức về hậu quả của việc này.

Không thừa nhận sai lầm và nổi nóng khi bị chỉ ra

Những câu nói trên đi kèm với những hành động như đóng cửa thật mạnh, tỏ thái độ cáu gắt,… là những phản ứng thường thấy của người ái kỷ khi nhận lời phê bình của người khác.

Những người ái kỷ vô cùng tự ti. Chính vì vậy, họ ngay lập tức nổi đoá với bất kỳ ai muốn chỉ trích họ. Cách họ phản ứng lại luôn là gây hấn thụ động hoặc công kích cá nhân chứ nhất quyết không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.

Rối loạn nhân cách ái kỷ

Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng và lợi dụng người khác

Thao túng và lợi dụng người khác

Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng và lợi dụng. Tất cả những việc họ làm, từ tỏ ra là mình ‘biết tuốt’, có khả năng lo toan mọi thứ, cho đến việc lựa chọn nghề nghiệp đều dẫn tới một mục đích là để điều khiển người khác.

Đặc biệt, việc các bậc cha mẹ ép con cái phải sống theo ý mình, hoàn thành những ước mơ dang dở của họ cũng là một biểu hiện của ái kỷ. Theo lời nhà tâm lý học Michele Leno, “Người ái kỷ biết yêu thương. Tuy nhiên, do họ muốn kiểm soát bạn, tình yêu đó lại mang tính điều kiện và yếu ớt”.

Phá vỡ những luật lệ và vượt ranh giới

Người ái kỷ thường phá vỡ luật lệ và chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như chen hàng, vượt luật giao thông. Đặc điểm là một sự phiền toái, thậm chí là mối nguy hiểm đối với cộng đồng và chính người ái kỷ đó.

Ngoài ra, họ thường xuyên mặc kệ ranh giới mà người khác đặt ra, bao gồm tài sản, không gian cá nhân, suy nghĩ và thời gian. Theo lời nhà tâm lý học: “Nếu bạn là người ái kỷ, bạn sẽ phải có bằng được điều mình muốn. Nếu điều bạn muốn không giống với nguyên tắc, bạn sẽ bỏ qua cả nguyên tắc.”

Không có sự cảm thông với người khác

Dù luôn phủ định sai lầm của mình, người ái kỷ lại rất nhanh nhạy trong việc chỉ ra khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho người khác. Nói như vậy, không có nghĩa là người ái kỷ không biết thấu cảm. Chính xác hơn, họ không có đủ năng lực để bày tỏ điều ấy. Đôi khi, khả năng bày tỏ sự thấu cảm đã bị vùi lấp bởi bức tường mà người ái kỷ dựng lên để bảo vệ hình ảnh và cái tôi của mình.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hành vi của cha mẹ có thể có liên quan đến chứng rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm ngược đãi, bỏ bê, nuông chiều và khen ngợi quá nhiều. Di truyền học hoặc các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể có kà một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ái kỷ.

Rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ em

Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ có thể phát triển từ những yếu tố sau:

  • Trẻ nhận được sự ngưỡng mộ quá mức so với tài năng thực tế.
  • Người lớn dành những lời khen ngợi thái quá khi trẻ thực hiện những hành vi tốt. Hoặc chỉ trích và tra tấn tinh thần khi trẻ mắc phải lỗi lầm. Điều này khiến trẻ dần hình thành nhu cầu được ngưỡng mộ, nịnh nọt và nhạy cảm quá mức với những thất bại của bản thân.
  • Cha mẹ, người thân trong gia đình và những người xung quanh đánh giá quá cao về bản thân con trẻ. Theo thời gian, trẻ hình thành hoang tưởng tự cao và thường phóng đại tài năng của bản thân.
  • Trẻ nhỏ hay được người lớn khen ngợi về ngoại hình và tài năng cũng gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.
  • Trẻ được nuôi dạy nghiêm khắc nhằm tạo dựng lòng tự trọng và sự tự hào cho gia đình cũng có xu hướng hình thành chứng vĩ cuồng.
  • Trẻ nhỏ có thể học các hành vi thao túng từ cha mẹ và những người xung quanh.
  • Trẻ không được chăm sóc tốt từ thời thơ ấu, cha mẹ không đáng tin cậy và bị lạm dụng tình cảm từ nhỏ sẽ có xu hướng hình thành nhân cách yêu chiều bản thân thái quá.
  • Cha mẹ quá nuông chiều và đánh giá quá cao con trẻ so với khả năng thực tế

Đa phần rối loạn nhân cách dạng ái kỷ đều phát triển từ thời thơ ấu và khởi phát trong giai đoạn sớm của thời kỳ trưởng thành. Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia Twemlow và Gabbard vào năm 1994 cho thấy, loạn luân giữa mẹ và con trai có thể gia tăng nguy cơ rối loạn nhân cách ái kỷ ở bé trai.

Điều trị bệnh ái kỷ

Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý, hướng dẫn bệnh nhân suy nghĩ tốt hơn, tích cực hơn. Các chuyên gia tâm thần sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu sắc về bản thân họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như vậy để giúp cải thiện hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân.

Thực tế, không có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh ái kỷ. Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị bệnh ái kỷ tốt nhất được các bác sĩ tâm thần sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện hàng ngày với bệnh nhân để tạo mối quan hệ thân mật.

Ngoài ra, còn có một phương pháp điều trị ái kỷ khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra suy nghĩ và hành vi không lành mạnh, đồng thời thay thế bằng những hành động và suy nghĩ tích cực hơn.

Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm đôi khi được dùng ở bệnh nhân ái kỷ có triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Bệnh nhân ái kỷ cũng cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bao gồm: chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác trên mạng xã hội, tránh xa những tin tức tiêu cực, giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền.

Đây là một bệnh lý khó điều trị, đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ bệnh nhân, người nhà và chuyên gia tâm lý. Bạn nên tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Để từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp. Hãy đến cơ sở y tế hoặc tìm gặp các chuyên gia tâm thần nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.

Leave a reply