Polyp dây thanh quản là vấn đề về sức khỏe tai mũi họng thường gặp ở nhiều người hiện nay. Nếu không phát hiện sớm và có phương án điều trị dứt điểm bệnh có thể làm thay đổi giọng hoặc gây khàn tiếng kéo dài.

Polyp dây thanh quản
Polyp dây thanh quản

Polyp dây thanh là bệnh gì?

Thanh quản, còn gọi là hộp thanh, nằm ở giữa đáy của lưỡi và khí quản. Các cơ dây thanh quản căng và duỗi để không khí đi qua, cũng như rung động để phát ra âm thanh lớn / cao hoặc nhỏ / thấp khi con người nói chuyện.

Polyp dây thanh quản là những u nhỏ bằng hạt tấm hoặc hạt đậu xanh, nhẵn bóng, mọng, và có màu trắng hồng. Polyp nằm ở 1/3 giữa dây thanh quản và tại mặt trên bờ trong lòng thanh quản.

Khi có các polyp ở dây thanh, người bệnh thường bị đau rát họng, biến đổi giọng nói, khàn tiếng kéo dài… Tuy không phải là khối u ác tính hay đe dọa tới tính mạng nhưng polyp dây thanh ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Bệnh polyp dây thanh thường là do tổn thương phù nề niêm mạc dây thanh kéo dài, dẫn đến thoái hóa niêm mạc tạo polyp dây thanh với nhiều nguyên nhân khác nhau như: Viêm nhiễm vùng họng thanh quản, nói nhiều, nói to kéo dài, lạm dụng giọng nói hoặc do nghề nghiệp như làm nghề giảng dạy, phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh…
  • Những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia: ảnh hưởng vùng họng và dây thanh bị phù nề, gây viêm dây thanh kéo dài, tổn thương nặng dẫn đến hình thành polyp dây thanh.
  • Một yếu tố thuận lợi được đề cập đến là do có sự kích thích cơ học bởi sự tác động làm dây thanh căng quá mức, từ đó dẫn đến các mạch máu nhỏ trên dây thanh bị vỡ gây tụ máu, hậu quả là polyp xuất huyết dây thanh xuất hiện.
  • Sự thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thường có sự thay đổi về nội tiết tố, dây thanh xuất hiện xuất huyết nhẹ. Nếu như bạn nói nhiều, nói to, la hét, hát liên tục sẽ làm dây thanh bị tổn thương và dễ phát sinh polyp dây thanh.

Triệu chứng của bệnh

Rối loạn giọng là triệu chứng thường gặp ở những người có polyp thanh quản. Nguyên nhân do dây thanh âm không khép kín và rung động không đều. Vì vậy, người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng rối loạn giọng nói, khàn tiếng, mất tiếng, thay đổi giọng nói…

Do khàn tiếng nên khi phải nói nhiều thì người bệnh dễ bị mất hơi, hụt hơi. Một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy vướng ở họng như có vật cản. Các dấu hiệu xuất hiện với mức độ tăng dần nếu như polyp phát triển quá lớn hoặc người bệnh không được điều trị kịp thời.

Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường này thì người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Biến chứng của bệnh polyp dây thanh

Tác hại của polyp dây thanh sẽ làm cho giọng nói của người bệnh, đặc biệt những người làm các công việc phải sử dụng giọng nói liên tục (giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch, phát thanh viên, kinh doanh, buôn bán…) bị khàn tiếng kéo dài. Polyp dây thanh là bệnh lành tính, không phát triển thành u ác tính (ung thư) như các loại polyp khác, nhưng polyp ở thanh quản với kích thước to có thể làm bệnh nhân khó thở. Polyp sẽ không tự nhiên biến mất, do đó người bệnh cần được chẩn đoán chính xác tổn thương và điều trị kịp thời.

Bệnh khiến bạn khàn tiếng, mất giọng

Điều trị bệnh polyp dây thanh

Không điều trị nếu chưa có triệu chứng

Khi chưa có biểu hiện triệu chứng song bệnh nhân tình cờ được phát hiện có polyp ở dây thanh quản thông qua thăm khám Tai Mũi Họng thì không cần thiết can thiệp điều trị y tế. Người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống như:

  • Súc họng miệng để giữ vệ sinh
  • Đánh răng mỗi ngày 2 – 3 lần (buổi sáng, tối và sau khi ăn)
  • Bắt đầu hạn chế nói chuyện.

Điều trị nội khoa

Nếu bệnh nhân đã có hiện tượng khàn tiếng nhẹ và không liên tục, thì trước tiên bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa. Các biện pháp cụ thể như sau:

  • Cần thiết tạm ngưng hoặc hạn chế nói đến mức tối đa nhằm giúp cải thiện triệu chứng khàn tiếng.
  • Điều trị bằng khí dung có thuốc chống viêm, chống phù nề, kết hợp với kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh.
  • Tiếp tục theo dõi bệnh ở chuyên khoa Tai Mũi Họng định kỳ ngay cả khi triệu chứng ổn định và khỏi khàn tiếng.

Điều trị phẫu thuật

Sự can thiệp của phẫu thuật liên quan đến việc loại bỏ polyp từ dây thanh quản. Cách tiếp cận này chỉ xảy ra khi polyp rất lớn hoặc đã tồn tại trong một thời gian dài. Phẫu thuật thường hiếm ở trẻ em.

Cắt bỏ polyp dây thanh quản có nhiều phương pháp. Trong đó có 2 kỹ thuật thường được sử dụng là:

  • Kỹ thuật soi dây thanh quản gián tiếp cắt polyp bằng kìm Frankel đối với polyp có cuống nhỏ.
  • Soi thanh quản trực tiếp cắt bỏ polyp bằng dụng cụ vi phẫu thanh quản hoặc cắt bỏ polyp dưới kính hiển vi phẫu thuật (vi phẫu) hoặc cắt bỏ polyp bằng laser CO2.

Các vấn đề y khoa có thể được điều trị để giảm tác động của dây thanh quản, bao gồm điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), dị ứng và các vấn đề về tuyến giáp.

Hạn chế đồ cay nóng trong quá trình điều trị bệnh

Chế độ ăn sau mổ polyp dây thanh

Chế độ ăn sau phẫu thuật polyp dây thanh vô cùng quan trọng đối với người bệnh. Do dây thanh nằm ở vị trí cổ họng nơi có đường thức ăn đi qua, việc lựa chọn loại thực phẩm nào cho phù hợp rất cần thiết. Những loại thức ăn này cần hỗ trợ người bệnh phục hồi nhanh, không ảnh hưởng xấu tới các bộ phận vừa chịu tổn thương do phẫu thuật. Mọi người cần lưu ý:

  • Ăn những món ăn mềm lỏng, dễ nhai, dễ tiêu hóa như cháo, súp… vì sau phẫu thuật, dây thanh quản rất nhạy cảm, việc ăn thức ăn quá dai cứng có thể kích thích hoặc làm tổn thương thanh quản.
  • Uống đủ nước: Do dây thanh quản dễ bị khô nên người bệnh cần cung cấp đủ nước để cơ thể luôn khỏe mạnh cũng như hạn chế tình trạng khô thanh quản, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
  • Ăn đủ chất: Các chất dinh dưỡng cần được đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể để đáp ứng nhu cầu hoạt động của các cơ quan cũng như tăng cường đề kháng. Các nhóm chất cần thiết bao gồm chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất…
  • Ăn những thực phẩm tươi xanh, nhiều rau củ, trái cây và hạn chế các loại thực phẩm cay nồng như tỏi, ớt…

Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn từng chút một, ăn từ từ để thức ăn đi qua họng với lượng vừa phải, không gây rát họng hay kích thích dây thanh quản.

Phòng ngừa polyp dây thanh quản

  • Để phòng ngừa nguy cơ mắc polyp dây thanh quản, cần tránh hút thuốc uống rượu, uống cà phê, chất kích thích quá nhiều, bắt buộc ăn đồ ăn nguội, tránh những thức ăn cay, nóng.
  • Hạn chế nói to, gào thét gây nên kích thích cổ họng.
  • Những người phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm thì nên sử dụng khẩu trang y tế để hạn chế mức độ độc hại.
  • Súc miệng bằng dung dịch muối để tránh mắc các bệnh về họng như viêm họng, viêm thanh quản…. nếu các bệnh này không điều trị sớm, kịp thời thì dễ biến chứng thành polyp dây thanh.

Polyp dây thanh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh không nên chủ quan với căn bệnh này. Nếu chúng ta có các dấu hiệu nghi ngờ bị mắc polyp thanh quản như khàn giọng, nói khó thì cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám và điều trị kịp thời.

Leave a reply