Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe khá thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh cần điều trị sớm để tránh những các triệu chứng rối loạn đi tiểu, đời sống tình dục ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền là bệnh gì?

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, nằm trong bộ phận sinh dục của nam giới. Khi mới sinh, tuyến tiền liệt chỉ nhỏ bằng hạt đậu nhưng sẽ đạt tới kích cỡ ổn định khi trưởng thành. Ở người trưởng thành, tuyến tiền liệt có đường kính khoảng 2cm, trọng lượng 10 – 20g, có nhiệm vụ tiết chất nhầy làm trung hòa môi trường axit của tinh dịch và giúp vận chuyển tinh dịch.

Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị gia tăng kích thước bất thường, gây khó chịu cho bệnh nhân ở khu vực quanh bàng quang, đường tiểu. Khi bị phì đại, trọng lượng của tuyến tiền liệt có thể tăng gấp 5 lần, tới 100g. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi, có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Khi phát triển to lên, cơ quan này có nguy cơ sẽ chèn ép vào niệu đạo và bàng quang, ảnh hưởng đến khả năng co bóp và kiểm soát nước tiểu của bàng quang gây ra các rối loạn về chức năng tiểu tiện như tiểu nhiều, tiểu ít, tiểu khó,tiểu không thành tia,..

Bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nặng nhất là khi bàng quang không còn khả năng giữ nước tiểu. Điều này dẫn đến người bệnh đi tiểu không tự chủ.

Bệnh có xu hướng tăng theo tuổi, có tới 45-70% số nam giới từ 45-75 tuổi mắc bệnh và tỉ lệ này càng tăng ở những người trên 80 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của tình trạng phì đại tiền liệt tuyến hiện vẫn có nhiều điều chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng có liên quan đến các yếu tố lão hóa và bất thường tinh hoàn.

  • Lão hóa: Trong suốt cuộc đời, một người đàn ông sản xuất cả hormone nam testosterone và một lượng nhỏ hormone nữ estrogen. Khi họ già đi, nồng độ testosterone trong máu giảm xuống, khiến cho tỷ lệ estrogen cao hơn. Các nghiên cứu cho rằng, bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn khi tỷ lệ hormone estrogen cao hơn testosterone.
  • Một giả thuyết khác bắt nguồn từ dihydrotestosterone (DHT), hormone sinh dục nam tự nhiên của cơ thể có vai trò giúp phát triển các đặc tính của nam giới. Khi nam giới lớn tuổi, nồng độ testosterone trong máu bắt đầu giảm, nhưng lượng hormone dihydrotestosterone vẫn tích tụ trong tuyến tiền liệt. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào của tuyến này tiếp tục phát triển. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, những người đàn ông không có khả năng sản xuất dihydrotestosterone sẽ không bị phì đại tuyến tiền liệt.
  • Tinh hoàn: Các yếu tố tiền căn gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc bất thường về tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ phì đại. Do đó, những người đàn ông đã cắt bỏ tinh hoàn khi còn bé sẽ không phát triển tình trạng phì đại tiền liệt tuyến.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác khiến cho tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Tuổi tác: Khoảng 1/3 nam giới có triệu chứng từ trung bình đến nặng ở độ tuổi 60 và 1/2 trường hợp trong số đó sẽ bị tăng sinh tuyến tiền liệt ở độ tuổi 80. Tình trạng tăng sinh của tuyến tiền liệt hiếm khi xuất hiện ở nam giới dưới 40 tuổi. 
  • Di truyền: Nếu người đàn ông có một người thân cùng huyết thống như cha hoặc anh trai mắc các vấn đề về tuyến tiền liệt thì nguy cơ có bệnh cũng sẽ cao hơn người khác.

Bệnh còn thường gặp ở người trước đó có cuộc sống căng thẳng, có thói quen uống không đủ nước, môi trường ô nhiễm, lạm dụng bia rượu, cà phê, thuốc lá…, có bệnh trên đường tiết niệu (đặc biệt là viêm bàng quang không điều trị đúng), bị rối loạn nội tiết như bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp…

Phì đại tuyến tiền
Phì đại tuyến tiền liệt gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Những triệu chứng của bệnh

Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt là:

  • Tiểu khó: Bệnh nhân có cảm giác khó đi tiểu ngay mà phải chờ một lúc mới tiểu được. Khi tiểu được, phải cố rặn, nước tiểu thường rất ít, dòng tiểu yếu, đôi khi gây cảm giác buốt khi đi tiểu.
  • Tiểu ngắt quãng: Người bệnh đang tiểu thì bị ngắt quãng, tia nước không bắn mạnh mà rỉ từng chút một (do có sỏi trong bàng quang).
  • Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân không kiểm soát được nước tiểu nên số lần đi tiểu thường tăng gấp đôi so với bình thường. Hiện tượng tiểu nhiều lần gặp cả vào ban ngày và ban đêm, đặc biệt là thời điểm gần sáng.
  • Tiểu són: Bệnh nhân bị tiểu són ra ngoài không kiểm soát được dù thời gian đi vệ sinh cách nhau không lâu. Tình trạng này khiến người bệnh rất bứt rứt, khó chịu.
  • Triệu chứng khác: Đôi khi người bệnh bị buồn tiểu mà không thể nhịn được dù chỉ trong vài phút, khi tiểu xong thấy không thoải mái, vẫn còn cảm giác muốn tiểu, có thể bị tiểu ra máu, nhiễm trùng nước tiểu. Tình trạng tiểu tắc nghẽn kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, nôn ói, có các biểu hiện nhiễm độc đường tiết niệu,…

Các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến thường nặng lên rõ rệt sau những lần đi xa bằng xe đạp, xe máy. Tuy nhiên, vì các triệu chứng thường tiến triển từ từ nên nhiều bệnh nhân quen dần và khó nhận ra bệnh lý của mình.

Biến chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt gây khó tiểu, tiểu không hết, lâu ngày dẫn tới bàng quang phình to hoặc tích tụ vi khuẩn trong bàng quang gây nhiễm khuẩn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:

  • Bí tiểu, tiểu ra máu: Người bệnh có cảm giác không thể đi tiểu được, đau dữ dội ở vùng bụng dưới, trường hợp nặng có thể bị tiểu ra máu trong lúc cố gắng đi tiểu.
  • Nhiễm khuẩn niệu đạo: Nước tiểu không thoát ra được gây nhiễm khuẩn, dẫn tới các biểu hiện như nước tiểu đục hoặc tiểu buốt.
  • Sỏi bàng quang: Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể đã tạo thành sỏi, gây tắc nghẽn đường tiểu. Ngoài ra, sỏi chứa nhiều vi khuẩn nên nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn.
  • Suy thận: Nước tiểu không thoát ra được làm tăng áp lực nước tiểu, gây ứ nước, viêm thận, giãn bể thận, lâu ngày có thể dẫn tới viêm cầu thận hoặc suy thận mãn tính.

Phì đại tuyến tiền liệt và khả năng sinh lý

Mặc dù phì đại tiền liệt tuyến và rối loạn cương dương dường như không có liên quan, nhưng một số phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến có thể gây ra rối loạn cương dương và những ảnh hưởng khác về khả năng tình dục.

5 – 10% nam giới bị rối loạn cương dương sau khi phẫu thuật phì đại tiền liệt tuyến. Khoảng 50 – 70% nam giới xuất tinh ngược sau khi thực hiện phẫu thuật này. Điều này không có hại cho sức khỏe nhưng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Ngoài ra, phì đại tuyến tiền liệt gây rối loạn tiểu tiện làm người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và gây giảm ham muốn tình dục.

Cách điều trị bệnh

Điều trị bằng thuốc

Trong trường hợp các biện pháp tự nhiên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt gồm:

  • Thuốc chặn alpha-1: Đây là nhóm thuốc làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt để giúp nước tiểu chảy dễ dàng hơn như: Doxazosin, Prazosin, Alfuzosin, Terazosin… Hiệu quả của các loại thuốc này có thể nhận biết trong vài ngày hoặc vài tuần. Tác dụng phụ không mong muốn là có thể khiến người bệnh bị hạ huyết áp, dễ bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể và choáng váng. 
  • Thuốc giảm hormone (Thuốc ức chế 5 alpha-reductase): Các loại thuốc làm giảm nồng độ hormone dihydrotestosterone do tuyến tiền liệt sản xuất như Dutasteride và Finasteride thường được kê đơn trong trường hợp này. Thuốc có thể làm cho tuyến tiền liệt nhỏ đi (nhất là với trường hợp tuyến tiền liệt > 30 mL) và cải thiện lưu lượng nước tiểu. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn cương dương và suy giảm ham muốn tình dục. Vì thế, các bác sĩ thường kết hợp các loại thuốc này với thuốc chặn alpha-1 để cho hiệu quả điều trị cao hơn, giảm tác dụng phụ. 
  • Thuốc kháng Muscarinic: Các loại thuốc kháng Muscarinic như Oxybutynin ER, Solifenacin có tác dụng giãn cơ trơn, điều trị chứng bàng quang tăng hoạt gây tiểu gấp, tiểu không tự chủ. Một số tác dụng phụ của thuốc là khô miệng, táo bón… 
  • Thuốc kháng sinh: Nếu tuyến tiền liệt bị viêm mãn tính do nguyên nhân vi khuẩn, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyến tiền liệt không bị viêm do vi khuẩn thì các loại thuốc này không mang lại hiệu quả. 
  • Thảo dược: Các loại thảo dược như thục địa hoàng, hoài sơn, phục linh, đan bì, trạch tả, xa tiền tử… được cho là có khả năng điều trị phì đại tuyến tiền liệt và thực tế có áp dụng tại nhiều nước. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng hiện chưa rõ.
Gặp bác sĩ sớm khi bạn gặp các triệu chứng của bệnh

Các phương pháp phẫu thuật

Nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, một số thủ thuật không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu được thực hiện để giải quyết các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt.

Can thiệp ngoại trú

Các thủ thuật này thường là cắt đốt bằng kim xuyên thấu (TUNA), liệu pháp vi sóng  (TUMT), liệu pháp xông hơi nước (Rezūm), nhiệt trị liệu bằng nước (WIT), siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU), cấy ghép Urolift… 

Cả hai phương pháp Urolift và Rezūm đều đã được chứng minh là mang đến hiệu quả tích cực, ít xâm lấn, tiết kiệm chi phí và giúp duy trì chức năng tình dục tốt hơn.

Can thiệp nội trú

Một số thủ thuật can thiệp sâu hơn có thể được khuyến nghị, nếu người bệnh có một trong các vấn đề như: suy thận, sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, tiểu không tự chủ, hoàn toàn không có khả năng tống đẩy nước tiểu ra khỏi bàng quang, tiểu máu tái phát…

Các phương pháp can thiệp bao gồm: 

  • Phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt (TURP): Phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất đối với phì đại tuyến tiền liệt vì mang đến hiệu quả cao. Qua niệu đạo, bác sĩ thực hiện đưa dao cắt nội soi vào tuyến tiền liệt và cắt nhỏ chúng ra. Các mảnh nhỏ sẽ được hút ra ngoài và qua ống nội soi. 
  • Cắt tuyến tiền liệt đơn giản: Bác sĩ rạch một đường ở bụng hoặc đáy chậu, khu vực phía sau bìu. Khối cơ bên trong của tuyến tiền liệt sẽ được cắt bỏ, chỉ để lại phần bên ngoài. Thủ thuật này khiến người bệnh nằm viện khá lâu, lên đến 10 ngày.
  • Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TUIP): Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ trên tuyến tiền liệt và cổ bàng quang. Vết rạch này giúp khơi thông dòng nước tiểu từ bàng quang. Với trường hợp này, đôi khi người bệnh không cần phải nằm viện lại.

Các phương pháp hỗ trợ

Điều trị theo phương pháp tự nhiên nghĩa là không sử dụng thuốc hay can thiệp phẫu thuật, mà thực hiện thay đổi lối sống, tập luyện, nghỉ ngơi để giúp giảm các triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy buồn tiểu
  • Đi tiểu định kỳ, ngay cả khi không buồn tiểu
  • Tránh dùng các loại thuốc trị bệnh đường hô hấp không kê đơn hoặc thuốc kháng histamin vì nó có thể gây ức chế bàng quang, khiến bạn khó đi tiểu sạch
  • Tránh rượu và các thức uống chứa caffeine, đặc biệt là sau bữa tối
  • Điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng, bởi căng thẳng có thể làm tăng số lần đi tiểu
  • Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm mức độ trầm trọng của bệnh
  • Học và thực hành các bài tập Kegel để tăng cường sức khỏe của cơ vùng chậu
  • Giữ ấm cơ thể, vì lạnh có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng nề hơn

Phòng ngừa bệnh

Người bệnh nên chú ý cải thiện thói quen sinh hoạt để đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức đề kháng và có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Một số lưu ý quan trọng gồm:

  • Ăn thực phẩm lành mạnh: Bệnh nhân nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn các loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina,… và cà chua, quả mọng, hạnh nhân, rong biển, hạt óc chó,… Chúng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, bảo vệ tuyến tiền liệt trước tác hại của các gốc tự do.
  • Thường xuyên vận động: Các bài tập thể dục thể thao, tăng cường cơ bắp sẽ giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều testosterone hơn, chống lại bệnh tật ở tuyến tiền liệt tốt hơn.
  • Điều cần tránh: Người bệnh nên tránh uống nhiều nước vào khoảng 3 tiếng trước khi đi ngủ, không uống các đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như cà phê, trà, rượu,… Các thức uống này có thể tác động lên cơ bàng quang, kích thích thận làm việc, gây tiểu tiện nhiều lần trong đêm.

Việc điều trị phì đại tiền liệt tuyến có thể được lựa chọn theo các phương pháp khác nhau tùy mức độ bệnh và thể trạng của người bệnh. Khi mắc bệnh, nên đi khám chuyên khoa thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Leave a reply