Mụn nước trên da là tình trạng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Tình trạng này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, đau đớn và cảm thấy ngứa. Tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh có thể giúp cải thiện bệnh tốt nhất.

Nổi mụn nước: nguyên nhân và cách điều trị
Nổi mụn nước ở chân

Mụn nước là gì?

Mụn nước là triệu chứng của bệnh ngoài da. Chúng xuất hiện như những nốt mụn nhỏ với đầy dịch bên trong. Phần dịch có thể trong suốt, màu trắng đục, vàng hay có lẫn máu. Các nốt mụn nước này thường có kích thước nhỏ dưới 5mm. Những nốt có kích thước lớn hơn được gọi là bóng nước.

Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân mà những triệu chứng đi kèm mụn nước sẽ khác nhau. Mụn nước có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể dưới dạng đơn lẻ hoặc theo cụm.

Mụn nước rất dễ vỡ và làm chảy dịch ra ngoài, sau khi dịch khô đi có thể lại lớp vảy màu vàng trên da. Tuy nhiên, khi vỡ mụn nước nếu không được chăm sóc đúng có thể bị nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân gây nổi mụn nước

Do ma sát

Nếu hành động cọ xát bề mặt một vật vào da diễn ra trong thời gian dài có thể gây phồng rộp vùng da đó. Đặc biệt là vùng da có lớp sừng dày, gắn chặt với những cấu trúc khác bên dưới càng dễ phồng rộp hơn.

Các nốt phồng rộp rất dễ hình thành dưới điều kiện nhiệt độ nóng, ẩm ướt. Chính vì vậy, vùng bàn tay, bàn chân là những vùng hay nổi mụn nước hơn những vùng khác.

Các nốt phồng rộp này khi vỡ ra có thể gây đau rát, gây khó khăn trong sinh hoạt. Cũng có thể gặp tình trạng loét hoặc nhiễm trùng nhưng rất hiếm.

Nhiệt độ

Khi tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thể xuất hiện mụn nước. Tuỳ vào từng nguyên nhân và mức độ tác động mà các mụn nước có thể xuất hiện ngay hoặc xuất hiện sau một thời gian tiếp xúc. Một số ví dụ có thể kể đến như:

  • Vào mùa đông, tiếp xúc với nhiệt độ lạnh quá lâu có thể xuất hiện mụn nước.
  • Bị nước nóng, dầu mỡ nóng bắn vào có thể xuất hiện mụn nước ngay lập tức. Để hình thành các vết này phải bỏng từ độ 2 trở lên.
  • Nếu làm việc ở kho đông lạnh lâu ngày cũng có thể xuất hiện mụn nước.

Do hóa chất

Khi tiếp xúc với một số hoá chất có thể gây nên tình trạng da bị kích ứng làm xuất hiện mụn nước trên da.

Một số hoá chất thường gây ra mụn nước có thể kể đến là các hóa chất dùng trong công nghiệp, các hóa chất dùng trong thực phẩm…

Viêm da tiếp xúc

Khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng như chất dẻo, mỹ phẩm hoặc có thể là các kim loại sẽ kích thích cơ thể xảy ra phản ứng kích ứng gây nên mụn nước cho cơ thể.

Tình trạng này hăy gặp ở người có cơ địa nhạy cảm, người mắc các bệnh lý miễn dịch như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa dị ứng,…

Viêm da dị ứng

Đây là bệnh chịu sự tác động qua lại giữa các yếu tố môi trường, hệ miễn dịch, di truyền. Khi hệ miễn dịch bị kích thích quá mức do cơ thể tiếp xúc với các tác nhân như thời tiết, nhiệt độ, bụi, nấm mốc, thực phẩm,… sẽ phản ứng và tạo mụn nước trên da.

Chốc lở

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da do các vi khuẩn cơ hội như tụ cầu vàng tấn công vào cơ thể qua những vết đứt, vết cắt trên da.

Căn bệnh này đặc trưng bởi những mụn nước đục (chứa mủ bên trong). Những nốt mụn nước này sẽ vỡ ra đóng vảy màu mật ong.

Viêm miệng áp tơ

Đây là bệnh gồm những tổn thương xuất hiện ở niêm mạc miệng như bên trong má, môi, trên hoặc dưới lưỡi. Các vết này thay đổi kích thước từ các vết loét nhỏ (nhỏ hơn 8mm) đến các vết loét lớn kèm theo sốt và khó nuốt.

Đây là bệnh lý thường khởi phát bởi các stress, nhiễm trùng và chấn thương. Yếu tố gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ cao của viêm miệng áp tơ.

Tổ đỉa

Tổ đỉa là tình trạng xuất hiện các mụn nước nhỏ, nằm rải rác ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, mọc sâu trong da, khó vỡ, có thể có cảm giác cộm khi sờ vào.

Ở bệnh tổ đỉa, mụn nước có thể đi kèm các dấu hiệu như ngứa rát, nhiễm trùng, vảy da chết, nặng hơn có thể gây biến dạng bàn tay, bàn chân.

Bệnh viêm quầng

Viêm quầng là tình trạng bệnh xảy ra do vi khuẩn liên cầu nhóm A gây nhiễm khuẩn các thành phần da và dưới da. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các dấu hiệu của bệnh viêm quầng có thể gặp là mụn nước (màu đỏ tươi, vỏ mỏng, hình ảnh giống vỏ quýt), sốt cao, sưng đau hạch, nặng hơn có thể là rối loạn ý thức như li bì, hôn mê.

Côn trùng cắn

Côn trùng cắn có thể khiến da bị kích ứng và hình thành những mụn nước nhỏ như:

  • Ghẻ: hình thành mụn nước trên đường đi, đặc biệt hay gặp ở các vùng nếp gấp như bẹn, chỉ tay, bàn chân.
  • Bọ chét và rệp: khi đốt cũng hình thành nên những mụn nước nhỏ li ti.
  • Một số loài nhện: khi cắn tạo nên những mụn nước lớn, dễ vỡ tạo nên vết loét rất đau.

Bệnh thủy đậu và bệnh Zona

Hai bệnh này đều do virus varicella zoster gây nên tạo thành những mụn nước li ti sau đó đóng vảy.

  • Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là trẻ em chưa có miễn dịch (chưa tiêm ngừa). Mỗi người thường chỉ mắc một lần trong đời, do sau đó cơ thể sản sinh ra kháng thể bền vững chống lại virus.
  • Bệnh zona thần kinh thường xuất hiện nhiều năm sau khi người bệnh khỏi thủy đậu. Bệnh thường xuất hiện mụn nước nhỏ li ti thành cụm ở một bên của cơ thể gây ra cảm giác đau rát.

Nhiễm virus Herpes

Mụn nước do virus herpes thường tồn tại ở niêm mạc miệng, herpes môi hoặc herpes bộ phận sinh dục. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc dùng chung các đồ cá nhân.

Các mụn nước của bệnh này thường nhỏ li ti, đôi khi không gây cảm giác khó chịu nên người bệnh không để ý để đi khám và rất dễ lây nhiễm cho người khác.

Bệnh tay chân miệng

Đây là một bệnh lý truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Đường lây truyền chủ yếu của bệnh này là tiếp xúc trực tiếp với phân, chất nhầy, nước bọt hoặc mụn nước của người bị bệnh.

Các nốt mụn nước thường xuất hiện ở tay, chân, miệng nhưng có thể lan ra toàn thân. Bệnh thường gồm các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ăn kém,…

Những biến chứng của mụn nước

Tùy thuộc vào nguyên nhân có thể có các biến chứng khác nhau. Tuy nhiên với đa số mụn nước khi vỡ ra có thể tạo điều kiện cho các vi sinh vật cơ hội xâm nhập vào cơ thể gây ra các nhiễm trùng như:

  • Nhiễm trùng da: xuất hiện tình trạng sưng tấy đỏ, vùng da căng, nóng, có thể xuất hiện những vết loét khó lành.
  • Viêm mô tế bào: đây là tình trạng nặng hơn khi vi khuẩn xâm nhập vào những lớp sâu hơn của da.
  • Nhiễm khuẩn huyết: vi khuẩn có thể đến các tế bào máu và theo các tế bào này đến khắp các cơ quan và gây bệnh tại đây.
Cần xử lý tránh nhiễm khuẩn khi mụn nước bị vỡ

Cách điều trị mụn nước

Mụn nước trên da đa số là do các nguyên nhân không nguy hiểm gây ra. Cho nên, thường sẽ tự khỏi với những biện pháp chăm sóc đúng cách. Một số biện pháp giúp chăm sóc và điều trị mụn nước bao gồm:

  • Nếu mụn nước do một số nguyên nhân như viêm da tiếp xúc, chàm bội nhiễm, côn trùng nguy hiểm, ghẻ cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ. Như với ghẻ cần dùng thuốc diệt ký sinh trùng ghẻ, chàm bội nhiễm cần dùng kháng sinh…
  • Giữ cho mụn sạch sẽ và khô: Có thể sử dụng một miếng đệm hoặc băng dính hình tròn để giữ cho không bị vỡ ra.
  • Một số cách để tăng độ ẩm cho vùng da bị mụn nước: Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hay thảo dược như lô hội, dầu dừa… giúp vùng da mụn nước không bị đau rát, giảm nguy cơ vỡ mụn nước.
  • Cố gắng giảm cảm giác muốn làm vỡ những mụn nước này: Nếu không ảnh hưởng tới sinh hoạt thì đừng làm vỡ nó. Nhưng nếu mụn quá lớn hoặc gây đau đớn đến mức bạn không thể đi lại và làm việc được thì hãy tới gặp bác sĩ, khi đó bác sĩ có thể quyết định chọc thủng bằng kim vô trùng để chất dịch chảy ra ngoài. Sau khi vết thương bị bong ra hãy nhẹ nhàng rửa khu vực này bằng xà phòng và nước, cần phải bôi thuốc mỡ kháng sinh. Băng vết lại bằng băng để giữ sạch vào ban ngày, nhưng hãy tháo băng vào ban đêm để cho vết thương được khô.
  • Rửa vị trí có mụn nước bằng nước muối ấm là phương pháp vừa giúp giảm sưng vừa loại bỏ một số yếu tố gây hại trên da như vi khuẩn, nấm. Giúp hạn chế mụn nước bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
  • Trang bị các dụng cụ bảo hộ an toàn như găng tay, ủng đi chân trong trường hợp cần tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng. Giúp bảo vệ làn da tránh khỏi các tác động gây hại của tác nhân này khi tiếp xúc trực tiếp.
  • Ngăn ngừa mụn do ma sát nên hạn chế sử dụng những vật dụng quá chật và thường xuyên. Hoặc dùng bông hay bột talc để giảm ma sát.
  • Chế độ ăn nên giảm các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây. Giúp bổ sung lượng dưỡng chất cần thiết cho cơ thể từ đó giúp hệ miễn dịch được tăng cường tráng các tác nhân gây bệnh.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Trong một số trường hợp bị mụn nước bạn cần được thăm khám nếu kèm theo các triệu chứng như:

  • Khi bị mụn nước kèm theo bị sốt, ớn lạnh hoặc các triệu chứng giống cúm. Bởi trường hợp này bạn có thể bị nhiễm một loại virus nào đó hoặc nhiễm trùng.
  • Khi thấy các triệu chứng khác của nhiễm trùng có thể bao gồm: Cảm thấy rất đau, sưng, đỏ hoặc nóng, các vệt đỏ chảy ra từ mụn nước của bạn hoặc chảy mủ từ vết phồng rộp.
  • Mụn nước xuất hiện ở vị trí quanh mắt hoặc bộ phận sinh dục cũng là nguyên nhân đáng lo ngại cần được thăm khám và điều trị.

Phòng ngừa mụn nước

Để phòng ngừa các bệnh gây ra mụn nước cần phải phòng tùy vào đường lây. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Đi giày vừa chân, hạn chế những giày chật để tránh cọ xát.
  • Đeo găng tay bảo vệ khi tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa,…
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm da, hạn chế tình trạng viêm da.
  • Sử dụng kem chống nắng cũng như áo chống nắng để hạn chế tia UV, cũng như giảm tình trạng cháy nắng.
  • Cẩn thận khi tiếp xúc với nước sôi, các công việc chế tạo sản phẩm có sử dụng nhiệt.
  • Quan hệ tình dục an toàn, luôn hiểu biết về tình trạng bệnh của bạn tình.
  • Khi có những ca bệnh liên quan đến truyền nhiễm cần phải thực hiện cách ly đối tượng nhiễm bệnh.

Leave a reply