Nổi mề đay là một trong những dạng dị ứng, mẩn ngứa trên da phổ biến. Tình trạng nổi mề đay không quá nghiêm trọng, song cần lưu ý nếu có dấu hiệu sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong khi can thiệp chậm trễ.

Nổi mề đay: nguyên nhân và cách điều trị
Nổi mề đay gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh

Nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay là một bệnh lý ngoài da, đặc trưng bởi sự xuất hiện nhanh các vùng phồng rộp, phù nề với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, thường có quầng đỏ bao quanh.

Người bệnh khi nổi mề đay khắp người hay có cảm giác ngứa, nóng rát, châm chích và các biểu hiện này thường tự hết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.

Thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào biểu hiện bệnh, số lượng, cách tiếp xúc với dị nguyên và mức độ mẫn cảm của cơ thể. Ở mức độ nhẹ, dị ứng, nổi mề đay có thể tự khỏi. Ngược lại, đối với trường hợp mãn tính cần can thiệp điều trị chuyên khoa.

Những người có cơ địa mẫn cảm, dễ phản ứng với nhiều tác nhân gây dị ứng khác nhau có thể bị nổi mề đay liên tục.

Nguyên nhân gây nổi mề đay

Nổi mề đay xảy ra khi cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng. Lúc này, cơ thể giải phóng một loại protein gọi là histamine và các chất trung gian khiến các mạch máu nhỏ giãn nỡ và dịch từ mạch máu sẽ thoát ra gây tích tụ trong da (còn gọi là phù mạch); gây viêm (nóng, sốt) và phát ban đỏ. Nếu chất lỏng tích tụ dưới da sẽ hình thành các vết sưng phù nhỏ.

Những chất gây dị ứng có thể khiến bạn bị ngứa nổi mề đay toàn thân. Một số nguyên nhân gây nổi mề đay bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh (aspirin, ibuprofen), thuốc cao huyết áp, thuốc giảm đau (codeine).
  • Thực phẩm (cà chua, trứng, sữa tươi…).
  • Phụ gia thực phẩm, chất bảo quản.
  • Vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng (giun chó mèo, sán…), vi nấm, nấm mốc.
  • Lông động vật (chó, mèo…).
  • Bụi trong nhà, phấn hoa.
  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
  • Mề đay do thay đổi nhiệt độ (nóng, lạnh)
  • Ong chích.
  • Mủ cao su.
  • Mỹ phẩm.
  • Chà xát da quá mạnh, thay đổi nhiệt độ, căng thẳng.
  • Nhiễm virus (cúm, cảm lạnh), nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Sjögren, bệnh celiac và bệnh tiểu đường tuýp 1.
  • Stress liên tục.
  • Mề đay do lực ép/đè như : mặc quần áo chật, ngồi lâu, đeo giỏ/ba lô nặng.

Các vị trí thường bị nổi mày đay

Mề đay có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, phổ biến ở mặt, cổ họng, cánh tay và chân.

  • Mặt: mề đay xuất hiện rải rác hoặc tập trung tại gò má, sưng môi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mất tự tin… ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống. Vết sưng có thể lan đến cổ họng, đường hô hấp gây khó thở, có nguy cơ bị sốc phản vệ.
  • Hai cánh tay: nhiều trường hợp nổi mề đay ở cánh tay, người bệnh ngứa ở vị trí nổi sẩn, đôi khi ngứa lan ra cả bắp tay, cánh tay.
  • Cổ: vùng da nhạy cảm, dễ tổn thương nên chỉ cần gãi, chà xát mạnh cũng nổi mề đay.
  • Chân: thường do phản ứng với vết cắn của côn trùng với biểu hiện mụn đỏ ngứa (sẩn) được hình thành từng đám. Mỗi mụn đỏ chứa dịch, có chiều ngang từ 0,2 đến 2,0 cm và có một điểm chính giữa.
  • Mông: đây là khu vực cọ sát với quần áo nên khi bị mề đay người bệnh thêm khó chịu.

Bị nổi mề đay có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp nổi mề đay lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng (trừ trường hợp phù mao mạch vùng hầu họng). Nổi mề đay cấp tính thường khỏi sau khi điều trị tuy nhiên không ít ca nghiêm trọng. Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ tụt huyết áp, tính mạng nguy kịch, nhất là khi nổi mề đay kèm với triệu chứng sưng môi, sưng mặt, ngứa lưỡi, nôn mửa.

Người bệnh có khả năng gặp phải biến chứng sau:

  • Sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng toàn thân đe dọa đến tính mạng
  • Sưng trong cổ họng, có khả năng gây tắc nghẽn đường thở và đe dọa tính mạng.
Cetirizine thuốc được dùng trong điều trị nổi mề đay, di ứng

Điều trị nổi mề đay

Để điều trị mề đay, bác sĩ sẽ tìm và loại bỏ tác nhân gây bệnh. Bác sĩ kê thuốc histamine nhằm giảm các triệu chứng gây viêm. Với mề đay mạn tính, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng histamine hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.

Nếu thuốc kháng histamine không giúp người bệnh giảm các cơn đau, ngứa, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc steroid dạng uống/chích. Trong trường hợp các thuốc trên không hiệu quả, có thể phải dùng đến thuốc sinh học để kiểm soát mề đay.

Thuốc sinh học được chấp nhận để trị mề đay là omalizumab, có tác dụng ngăn chặn immunoglobulin E. Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của mày đay tự phát mạn tính, một loại mề đay không rõ nguyên nhân. Việc sử dụng thuốc cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ theo đúng phác đồ của Bộ y tế

Với trường hợp phát ban nghiêm trọng, người bệnh cần tiêm epinephrine, thuốc cortisone hoặc thuốc điều chỉnh miễn dịch. Nếu người bệnh nổi mề đay và xuất hiện triệu chứng: chóng mặt, thở khò khè, khó thở, tức ngực, sưng lưỡi, mặt, môi…. nên đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. Bởi đây có thể là triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ.

Trong khi chờ tình trạng nổi mề đay và sưng phù giảm nhẹ, người bệnh nên đắp gạc mát, khăn ướt lên vùng da bị mề đay, sinh hoạt, làm việc ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi… để giảm sự khó chịu, bứt rứt.

Điều trị nổi mề đay tại nhà

Mề đay nhẹ có thể tự chữa trị tại nhà khi áp dụng một số cách sau:

  • Dùng dung dịch chống ngứa: người bị nổi mề đay thường gãi nhiều dễ dẫn đến tổn thương da, do đó cần vệ sinh bằng các dung dịch giảm ngứa như bột yến mạch, baking soda, tắm nước mát,…
  • Mặc dù biện pháp này giúp bạn giảm ngứa, giảm khó chịu do nổi mề đay nhưng nếu triệu chứng vẫn tiếp tục xảy ra và kéo dài nghĩa là bạn vẫn chưa cách ly hoàn toàn với yếu tố gây bệnh.
  • Chữa nổi mề đay bằng thuốc: với những thuốc không kê đơn, người bệnh có thể mua nhưng cần nhờ bác sĩ tư vấn như: thuốc kháng histamin, calamine (thuốc bôi ngoài da), cetirizine, loratadine, fexofenadine, benadryl.
  • Bổ sung vitamin và các dưỡng chất: Bổ sung bằng thực phẩm giàu dinh dưỡng, rau, trái cây tươi, uống nhiều nước… giúp tăng sức đề kháng cho da, hạn chế nổi sẩn mề đay. Riêng nguồn vitamin cho cả người lớn và bé cũng cần phải được bác sĩ da liễu hướng dẫn cẩn thận.

Phòng ngừa bệnh mề đay

Để phòng ngừa nổi mề đay, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh, mặc quần áo rộng rãi, ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, tránh ở nơi có độ ẩm cao, tránh dùng xà phòng có độ pH cao (cao hơn 7).

Những người có cơ địa dễ bị dị ứng và có tiền sử nổi mề đay (có thể kèm theo phù mạch) cần cố gắng xác định được tác nhân gây dị ứng để tránh tối đa việc tiếp xúc với chúng.

Nếu có cơ địa dị ứng, thường xuyên tái phát mề đay, người bệnh nên luôn mang theo thuốc Epinephrine (Adrenaline) để cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Mặc dù nổi mề đay thường ít khi kéo dài và có thể kiểm soát triệu chứng bệnh tại nhà nhưng nếu có dấu hiệu dị ứng nặng hơn hoặc triệu chứng không thuyên giảm sau nhiều ngày, cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân chính xác, điều trị hiệu quả.

Leave a reply