Sốt xuất huyết là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Đây là một dạng bệnh truyền nhiễm, có thể lây từ người bệnh sang người khỏe bằng đường muỗi đốt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở trẻ là gì?
Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt
Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Kết quả xét nghiệm máu ở giai đoạn sốt thường không phản ánh rõ ràng. Cụ thể, dung tích hồng cầu (Hematocrit) đa số là bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, trong khi đó lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm
Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 – 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).
Khi đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.
Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.
Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 – 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể người qua đường muỗi đốt, nó có thể ủ bệnh trong vòng 3 đến 13 ngày. Thời gian ủ bệnh ở mỗi bệnh nhân là khác nhau vì phụ thuộc vào thể trạng, sức đề kháng của từng người.
Trẻ ngủ nhiều, tiểu ít, quấy khóc, đau bụng, nôn ói, chảy máu cam, tiêu tiểu ra máu… là những dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng, cần đưa trẻ nhập viện ngay.
Đối với sốt xuất huyết, không phải tất cả bệnh nhân đều cần nhập viện, do đó việc theo dõi bé tại nhà để cho bé tái khám lại ngay cũng như tuân thủ thời gian tái khám theo hẹn của bác sĩ rất quan trọng để bé có thể được nhập viện khi cần thiết và được can thiệp điều trị kịp thời.
Khi theo dõi các bé bị sốt xuất huyết tại nhà, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sau:
- Bé hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi (thường là vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh).
- Bé có dấu hiệu ngủ nhiều, không chơi, quấy khóc liên tục, hay các bé lớn có biểu hiện đau bụng hoặc nôn ói cần tái khám ngay.
- Với những bé không chịu uống nước và có nguy cơ thiếu nước hay đặc máu thì cần nhập viện để bác sĩ xem có cần bổ sung dịch truyền hay không.
- Bé bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, tiêu ra máu, tiểu ra máu, hay một số bé gái đến tuổi hành kinh có lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường thì cần chú ý đưa bé đến bệnh viện.
Tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh nhất, cụ thể như sau:
- Nếu bệnh nhi sốt cao trên 39oC, cần được uống thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn sử dụng, nới lỏng quần áo, lau mát. Chú ý không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu.
- Khuyến khích bé uống nhiều nước (nước sôi để nguội), oresol (nước điện giải), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải cho bé.
- Chế độ ăn uống trong ngày nên chia làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng. Không nên dùng thực phẩm và nước uống có màu sẫm (tránh trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa).
- Nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động thời gian trẻ bị sốt xuất huyết.
Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ cần tránh để trẻ bị muỗi đốt: ngủ mùng, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi sinh sống, làm việc, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi.
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đi khám ngay ở những cơ sở y tế chuyên khoa nhi để bác sĩ có thể chẩn đoán, kịp thời điều trị và hướng dẫn bố mẹ cách chăm bé đúng cách.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.