Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trên bề mặt sụn khớp. Bệnh diễn tiến âm thầm, nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu. Hãy cùng Parapharmacy tìm hiểu những nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp gối và cách điều trị tốt nhất cho căn bệnh này nhé!

Nguyên nhân gây khiến khớp gối bị thoái hóa
Nguyên nhân gây khiến khớp gối bị thoái hóa

Bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối, với những biểu hiện là sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp. Những biến đổi này hình thành nên các gai xương gây sưng đau, vận động khó khăn, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp.

Khớp gối có vai trò quan trọng, nâng đỡ toàn bộ cơ thể và vận động nhiều nhất. Khi khớp bị thương tổn nhiều, dịch khớp tiết ra càng ít, độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, mặt sụn khớp gối ngày càng bị hao mòn, dẫn đến thoái hóa khớp.

Những dấu hiệu của bệnh

Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ cần theo dõi diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân. Dưới đây là triệu chứng của 3 giai đoạn thoái hóa khớp gối:

Giai đoạn khởi phát

  • Giai đoạn này thoái hóa mới diễn ra, sụn có thể bị tổn thương nhẹ và khoảng cách giữa các xương không có sự thu hẹp rõ ràng. Lúc này, người bệnh thường có cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo khi gấp duỗi. Tuy nhiên cơn đau thoáng qua và biểu hiện mơ hồ nên người bệnh không để ý.

Giai đoạn giữa

  • Người bệnh đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang, cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi. Có hiện tượng cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc ít hơn. Hầu như người bệnh không đi khám ngay mà chỉ dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.

Giai đoạn thương tổn

  • Đây là giai đoạn bệnh đã trong tình trạng nghiêm trọng, khoảng cách giữa các xương giảm dần khiến sụn bị vỡ thêm, chất dịch tiết ra rất ít và các xương va chạm vào nhau. Điều này khiến người bệnh đứng lên ngồi xuống cực kỳ khó khăn, không thể lên cầu thang do mức độ khô khớp nặng. Tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp càng lớn.

Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp gối

Lão hóa xương khớp theo tuổi tác

Hệ thống xương khớp cũng giống như các cơ quan trong cơ thể, sẽ bị lão hóa tự nhiên theo thời gian. Càng lớn tuổi thì nguy cơ thoái hóa khớp sẽ càng tăng. Lúc này, sụn khớp sẽ yếu đi và tăng nguy cơ sưng, viêm khớp. 

Theo các chuyên gia, những trường hợp từ 50 tuổi trở lên sẽ có nguy cơ cao với tình trạng thoái hóa khớp, đặc biệt là đối với nữ giới. Từ độ tuổi 65 trở đi, tình trạng thoái hóa khớp sẽ diễn ra nhanh chóng hơn và thường xảy ra ở khớp gối, khớp bàn tay,…

Thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì có thể gây ra nhiều loại bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng này có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp, khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu áp lực rất lớn và rất dễ bị tổn thương. Trong sinh hoạt hay trong lao động, vấn đề này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Do lao động nặng và làm việc không đúng tư thế

Với những đối tượng thường xuyên phải lao động nặng, lao động quá sức, chẳng hạn như mang vác vật nặng,… hệ thống xương khớp của họ phải liên tục chịu những áp lực quá lớn và dễ bị tổn thương, đồng thời tăng nguy cơ thoái hóa các khớp.

Trẻ em phải lao động nặng quá sớm, khi hệ thống xương đang trong giai đoạn phát triển, có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển hệ xương khớp. Trong tương lai, các em có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng thoái hóa xương khớp từ rất sớm.

Ngoài ra, tư thế sinh hoạt và lao động cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp. Chạy nhảy quá nhiều, ngồi làm việc hay học tập sai tư thế trong suốt một thời gian dài, ngồi hay đứng quá lâu mà không thay đổi tư thế cũng có thể gây áp lực lên các khớp và dễ dẫn đến thoái hóa khớp, nhất là đối với nhân viên văn phòng hay công nhân xưởng máy,…

Khuân vác nặng là một nguyên nhân dẫn tới bệnh

Chấn thương do tai nạn và các bệnh lý về khớp

Tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động hay chơi thể thao với cường độ mạnh,… có thể gây ra những áp lực lớn lên các khớp, gây viêm và sưng khớp. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Đây chính là một trong những nguyên nhân thoái hóa khớp khá phổ biến.

Yếu tố di truyền

Nếu bố mẹ mắc phải các bệnh về xương khớp thì con cái cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Trên thực tế nhiều trường hợp cũng mắc thoái hóa khớp do tổn thương xương và sụn bẩm sinh.

Ít vận động

Lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, xương khớp thiếu linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch, tăng nguy cơ thoái hóa khớp nhanh chóng.

Sử dụng thuốc không đúng cách

Corticoid được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh về cơ xương khớp, chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng có thể càng làm tăng mức độ thoái hóa khớp.

Hệ miễn dịch kém

Sụn khớp vốn được nuôi dưỡng bởi bởi dịch khớp, vì thế, khi hệ miễn dịch kém đi, cơ thể tự sinh ra cơ chế hủy hoại sụn khớp khắp nơi, bất kể đó là sụn hư hay khỏe mạnh.

Biến dạng xương

Nếu trẻ sinh ra có biến dạng xương hoặc sụn thì sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp.

Bệnh lý khác

Người mắc nhiều bệnh lý cũng gây ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn như béo phì, gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bàn chân bẹt,…

Do chế độ dinh dưỡng không lành mạnh

Cơ thể cần được cung cấp đủ canxi và vitamin D để đảm bảo hệ thống xương luôn chắc khỏe. Những trường hợp không cung cấp đủ những dưỡng chất quan trọng này sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng loãng xương, thoái hóa khớp và một số bệnh lý về xương khớp khác.

Ngoài ra, thường xuyên sử dụng chất kích thích, uống bia rượu, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến cho xương khớp yếu dần, tăng nguy cơ thoái hóa. Bên cạnh đó, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ cũng có thể gây tăng cân và gây hại cho xương khớp.

Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D giúp xương thêm chắc khỏe

Các biến chứng của thoái hóa khớp gối

Tình trạng khớp bị thoái hóa sẽ nặng dần theo thời gian, dẫn đến đau khớp mạn tính cùng một loạt biến chứng như:

  • Tăng nguy cơ chấn thương đầu gối: Những bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hóa khớp thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa, cơn đau dữ dội, khả năng vận động và giữ thăng bằng bị suy giảm có thể làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Thống kê cho thấy những người bị thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã cao hơn 30%. Hơn nữa, họ có khả năng bị gãy xương cao hơn 20%.
  • Mất xương: Trong trường hợp thoái hóa khớp nặng, sụn mất dần và nhanh chóng sẽ dẫn đến mất xương. Chết tế bào xương là một biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các phần xương bị ảnh hưởng.
  • Mất ổn định khớp: do đứt gân và đứt dây chằng xung quanh khớp ảnh hưởng.
  • Dây thần kinh quanh xương/sụn bị chèn ép, khiến cơn đau thêm trầm trọng và gây ngứa ran, tê hoặc yếu.
  • Kéo theo một số bệnh lý khác: Thoái hóa khớp gối có thể đẩy người bệnh đến lối sống ít vận động, lâu dần làm họ tăng cân cũng như tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.
  • Hình thành u nang sau đầu gối: Những u nang này, thường được gọi là u nang Baker, gây áp lực lên các mạch máu và làm suy giảm lưu lượng máu bình thường, dẫn đến sưng và đau ở chân.
  • Tăng nguy cơ bị gout: Bệnh nhân thoái hóa khớp có nồng độ axit uric trong máu cao sẽ dễ bị bệnh gout – một dạng khác của viêm khớp.

Cách chữa thoái hóa khớp gối

Điều trị không dùng thuốc

Các phương pháp được áp dụng bao gồm:

  • Giảm cân (nếu bị thừa cân): Việc giảm cân giúp giảm áp lực ở đầu gối do cơ thể nặng nề gây nên.
  • Tập thể dục thường xuyên với các bài tập chống thoái hóa khớp gối
  • Vật lý trị liệu: Có 2 loại phương pháp vật lý trị liệu là chủ động và thụ động. Với phương pháp thụ động thì bác sĩ sẽ là người thực hiện, còn phương pháp chủ động thì người bệnh sẽ tự làm tại nhà. Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, điện xung, tia hồng ngoại, kỹ thuật massage tay, … được khuyến nghị trong điều trị các bệnh viêm khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là hạn chế lạm dụng thuốc trong điều trị thoái hóa khớp. 
  • Sinh hoạt đúng tư thế: Người bệnh nên tránh ngồi xổm, ngồi bó chân và hạn chế leo cầu thang để không gây áp lực lên đầu gối.
  • Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Đặc biệt bổ sung canxi, các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin, omega 3, glucosamine,… các thực phẩm tốt cho xương khớp. Đồng thời loại bỏ rượu bia, thói quen hút thuốc và thói quen sử dụng các chất kích thích.

Điều trị có dùng thuốc

Đối với những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc trong điều trị như thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, thuốc chống thoái hóa khớp. Ngoài ra còn có thuốc bôi ngoài da hoặc đắp thuốc. 

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc tuy có tác dụng giảm đau nhưng để lại nhiều tác dụng phụ như làm tổn thương dạ dày, gan, thận hoặc có thể gây buồn nôn, chóng mặt. Vì vậy, bệnh nhân cần phải tuân thủ quy trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng, để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nặng nề như biến dạng khớp, đau cứng khớp, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… mà các phương pháp điều trị thông thường khác không thể can thiệp được, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật. Một số cách phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay như: mổ nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoang kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, thay khớp.

Thoái hóa khớp gối là một trong những tác nhân hàng đầu gây tàn phế nếu bạn chủ quan. Vì vậy khi phát hiện có dấu hiệu bất thường ở đầu gối, người bệnh cần đi khám ngay trước khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Thoái hóa khớp gối gây nên nhiều phiền toán, khó khăn trong sinh hoạt. Bệnh cần được thăm khắm, điều trị sớm khi phát hiện các triệu chứng ban đầu, không để lâu nhằm tránh những hệ lụy xấu về sau.

Leave a reply