Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố phổ biến, trên da sẽ xuất hiện các đốm nâu và đen, tuy không ảnh hưởng sức khỏe nhưng lại khiến người mắc thiếu đi sự tự tin. Tình trạng này thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam.

Nám da: nguyên nhân và cách điều trị
Nám da khiến bạn mất đi sự tự tin thường ngày

Nám da là gì?

Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố da, xuất hiện khi sắc tố Melanin sản sinh quá mức, dẫn đến hình thành các mảng hoặc đốm sẫm màu.

Melanin hay còn gọi là hắc tố là yếu tố quyết định màu da của mỗi người. Theo các nghiên cứu, melanin là một chất hấp thụ ánh sáng hiệu quả (có thể tiêu tan hơn 99,9% tia UV hấp thụ), đóng vai trò chống nắng và bảo vệ da khỏi tia UV.

Tuy nhiên, nếu được sản xuất quá nhiều sắc tố này sẽ tích tụ, tập trung tại một vùng nhất định trên da. Hiện tượng này gọi là nám da.

Nám da thường xuất hiện ở hai bên gò má,mũi, cằm hoặc trán, gây nên tình trạng mất thẩm mỹ cho làn da, điều này khiến nhiều chị em trở nên e ngại, thiếu tự tin trong cuộc sống.

Nám da có những biểu hiện khác nhau tùy theo kích thước, màu sắc, độ nông, sâu. Theo phân loại lâm sàng, nám da được chia thành 3 loại, gồm:

  • Nám nông: Nám nông hình thành do các tế bào melanocyte đưa sắc tố melanin vào trong lớp tế bào sừng. Loại nám này có màu nâu nhạt, chân nông, nằm ở thượng bì hoặc lớp da ngoài cùng, thường tập trung thành từng mảng nhỏ. Nám nông xuất hiện chủ yếu ở trán, 2 bên gò má, mũi và cằm, với đường viền rõ rệt dễ phân biệt với vùng da xung quanh.
  • Nám sâu: Nám sâu có màu nâu nhạt đến đen sẫm, đường viền mờ. Chân nám nằm sâu dưới da do tế bào melanocyte đẩy sắc tố melanin từ trung bì vào sâu bên trong. Loại nám này xuất hiện theo từng đốm, chấm tròn nhỏ tương tự như vết thâm sau mụn. Nám đốm thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi, người trong thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Nám hỗn hợp: Nám hỗn hợp là loại phổ biến nhất, bao gồm nám nông và nám sâu, xuất hiện rải rác chủ yếu ở trán, 2 bên gò má, mũi, vùng da quanh mắt. Nám hỗn hợp có chân nằm sâu, màu sắc và kích thước không đồng đều. Đây là loại nám khó điều trị nhất.

Nguyên nhân khiến làn da bị nám

Ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây nên các tác động tiêu cực cho cơ thể trong đó có nám da. Khi ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp với da sẽ dẫn đến sản sinh bất thường một lượng melanin. Đây là nguyên nhân khiến những đốm nám hình thành và ngày càng lan rộng. Bên cạnh đó, tia UV trong ánh nắng mặt trời còn phá hủy tế bào, làm vỡ cấu trúc dưới da gây ra hiện tượng da khô, lão hóa thậm chí là ung thư da.

Di truyền: Ngoài ánh nắng mặt trời, yếu tố di truyền cũng có thể gây nám da. Theo các nghiên cứu khoa học, khoảng 30% người bị nám da là do yếu tố di truyền quyết định

Nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố làm cho lượng sắc tố melanin trong cơ thể tăng nhanh gây ra hiện tượng nám da. Đây là câu trả lời cho việc khoảng từ 50-70% phụ nữ mang thai bị nám. Ở các giai đoạn như tuổi dậy thì, tiền mãn kinh hay sử dụng thuốc tránh thai cũng là những nguyên nhân gây nám da.Thông thường, nám da do nội tiết có thể dễ khắc phục hơn, bởi khi cơ thể ổn định nội tiết tố thì vết nám sẽ tự mất đi.

Bên cạnh đó, nám da còn được hình thành từ những yếu tố sau:

  • Mỹ phẩm: một số loại có thể làm da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Các sản phẩm chăm sóc da: một vài sản phẩm có thể gây kích ứng khiến da mỏng đi và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên ngoài.
  • Xà phòng: một số loại xà phòng thơm có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng nám da.
  • Ánh sáng từ màn hình LED như: tivi, máy tính, điện thoại di động,…
  • Chế độ chăm sóc da không phù hợp: tình trạng này kéo dài sẽ khiến da suy yếu, sức đề kháng giảm, thậm chí có thể gây nên những tổn thương trên da.

Dấu hiện của nám da

Dấu hiệu chính của bệnh nám da là tăng sắc tố melanin làm xuất hiện những mảng da sẫm màu. Nám da do nội tiết tố, các mảng hoặc đốm nám có màu sắc khá đậm, kích thước không đồng đều, xuất hiện chủ yếu ở 2 bên gò má. Nếu không điều trị sớm, nám có thể lan rộng sang những vùng da xung quanh. Ngoài ra, người bị nám nội tiết thường xuất hiện một số dấu hiệu khác như: mụn, rối loạn kinh nguyệt,…

Nám da thường gặp ở 90% phụ nữ, chỉ 10% nam giới gặp phải tình trạng này. Theo đó, phụ nữ mang thai, người có làn da sẫm màu hoặc rối loạn nội tiết tố là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải nám da.

Bệnh không khó điều trị, tuy nhiên, một số người nhầm lẫn nám với các vấn đề về da khác, chẳng hạn như tàn nhang, đồi mồi. Do đó, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da để kiểm tra, tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Tùy thuộc vào từng trường hợp, nám có thể tự biến mất, mờ dần, tồn tại vài năm, thậm chí vĩnh viễn.

Điều trị nám da

Để điều trị nám da, trước hết các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nám da cần xem xét, dựa trên từng cơ địa, nguyên nhân để có phương pháp phù hợp.

  • Nám da do nội tiết tố thay đổi, phụ nữ mang thai hoặc uống thuốc tránh thai, tình trạng này có thể giảm khi sinh hoặc ngừng sử dụng thuốc.
  • Nám da do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, màn hình LED, mỹ phẩm hoặc xà phòng thơm, người bệnh có thể tạm ngưng sử dụng hoặc hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân trên. Đồng thời, tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra, tư vấn liệu trình điều trị thích hợp.

Một số cách điều trị nám da có thể tham khảo như:

  • Axit tranexamic: thuốc bôi ngoài da giúp trị nám hoặc làm mờ vết thâm sau mụn.
  • Thay da hóa học: sử dụng axit glycolic, axit alpha hydroxy và axit salicylic loại bỏ lớp da sẫm màu mà không ảnh hưởng đến quá trình tái tạo tế bào mới.
  • Sử dụng laser: chùm tia laser giúp phá hủy các tế bào cũ, tăng sinh collagen hình thành lớp tế bào mới, làm mờ vết nám, đều màu và sáng da.
  • Mesotherapy: bác sĩ sử dụng bơm tiêm với đầu kim nhỏ để đưa các hoạt chất có khả năng ức chế quá trình sản sinh sắc tố xuống các lớp da. Ưu điểm của thủ thuật này là thuốc sẽ không bị cản trở bởi lớp sừng nên sẽ có tác dụng cao hơn, so với việc sử dụng thuốc bôi hay điện di
  • Axit azelaic: dạng kem, lotion hoặc gel, thoa 2 lần/ngày. Phụ nữ mang thai có thể dùng loại thuốc này.
  • Methimazole: dùng trong trường hợp mắc phải nám kháng hydroquinone. Điều trị bằng cách làm giảm quá trình tổng hợp sắc tố melanin.
  • Chiết xuất đậu nành: làm giảm quá trình chuyển đổi từ tế bào hắc tố sang tế bào da. Giúp đẩy lùi vết nám, tàn nhang, đồng thời, bảo vệ da khỏi tác hại của môi trường bên ngoài.
  • Axit Alpha Hydroxy (AHA): nhóm các loại axit có nguồn gốc từ thực vật (mía, nho, các loại trái cây thuộc họ cam quýt) và động vật (sữa ong chúa). Các mỹ phẩm chứa AHA giúp điều chỉnh sắc tố, làm sáng da, giảm nếp nhăn,…
  • Hydroquinone: có tác dụng làm sáng những mảng da sẫm màu như nám, đồi mồi, tàn nhang. Hydroquinone có thể ở dạng kem, gel, lotion hoặc nhũ tương. Thông thường, cần ít nhất 4 tuần để thuốc phát huy tác dụng và mất từ 2 – 4 tháng dùng đều đặn mới cho hiệu quả rõ rệt.
  • Tretinoin: thuốc bôi ngoài da, dùng trong điều trị mụn trứng cá, nếp nhăn hoặc những tổn thương do ánh nắng mặt trời. Lưu ý, không dùng Tretinoin cho phụ nữ mang thai.

Phòng ngừa, hạn chế tác động gây nám da

  • Nên có một chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nước một cách đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và hoa quả sẽ giúp làn da mịn màng và căng tràn sức sống hơn.
  • Hạn chế tác động từ ánh nắng mặt trời: Bảo vệ làn da khỏi tác động từ tia UV do ánh nắng mặt trời là một cách để giảm tình trạng nám da. Bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở thời điểm mật độ tia UV cao, nên sử dụng các loại kem chống nắng với chỉ số SPF phù hợp.
  • Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý: Việc ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan, không lo âu không những giúp giảm stress mà còn giúp tránh rối loạn nội tiết tố gây nám da.
  • Cẩn thận với các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: Việc sử dụng mỹ phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, kém chất lượng có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường cho làn da như dị ứng, nổi mụn, nám sạm,… Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào bạn nên tìm hiểu thông tin và nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm đó.
  • Khám bác sĩ da liễu khi có các vấn đề về da, không nên để tình trạng kéo dài, vết nám lan rộng. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Khi bị nám, bên cạnh thuốc bôi và các phương pháp điều trị hiện đại, chế độ ăn uống lành mạnh, đủ nước (từ 1,5 lít – 2 lít/ngày) đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng này. Các loại thực phẩm cần bổ sung gồm:

  • Vitamin C: có hiệu quả trong việc giảm sản xuất melanin, tăng khả năng bảo vệ da, giảm tác hại của ánh nắng mặt trời. Vitamin C thường có trong một số thực phẩm như kiwi, việt quất, trái cây họ cam quýt, các loại hạt,…
  • Vitamin E: có nhiều trong mầm lúa mì, dầu hướng dương, đậu nành, rau xanh, thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả,…
  • Thực phẩm chứa Carotenoid: cà rốt, bí ngô, đào, khoai lang.
  • Vitamin A: thuốc bôi hoặc uống.
  • Chất béo không bão hòa: gồm Omega 3 và Omega 6, có trong hải sản như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu,…

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân gây nám da khác nhau nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua các thói quen sinh hoạt hằng ngày. Yếu tố cốt lõi chính là duy trì một làn da khỏe mạnh cả bên trong lẫn bên ngoài, hạn chế tối đa tình trạng rối loạn sắc tố. Như vậy bạn sẽ luôn sở hữu được làn da láng mịn, đều màu như mong muốn.

Leave a reply