Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay, người bị mất ngủ sẽ khó vào giấc, ngủ không sâu, khó duy trì giấc ngủ. Mất ngủ mãn tính là khi vấn đề rối loạn giấc ngủ của bạn kéo dài trong 1 tháng hoặc lâu hơn.

Bệnh mất ngủ mãn tính

Bệnh mất ngủ mãn tính mang tới nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

Mất ngủ là bệnh gì?

Mất ngủ đề cập đến một loại rối loạn giấc ngủ.

Nếu bạn sống chung với chứng mất ngủ, bạn có thể:

  • Khó đi vào giấc ngủ, khó ngủ hoặc cả hai
  • Thức dậy sau vài giờ ngủ không cảm thấy sảng khoái
  • Cảm thấy mệt mỏi và khó hoạt động suốt cả ngày

Giấc ngủ chất lượng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Không ngủ được thường xuyên có thể gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất, chưa kể đến chất lượng cuộc sống.

Có thể chia tình trạng mất ngủ làm 2 dạng thức chính:

  • Mất ngủ cấp tính
  • Mất ngủ mạn tính

Mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính là tình trạng kéo dài trên 1 tháng. Thông thường, người bệnh chỉ ngủ được 3-4 tiếng/ ngày, thường mất từ 30 phút đến 1 tiếng 30 phút mới có thể ngủ được, chất lượng kém, hay bị tỉnh giấc giữa chừng.

Tình trạng này có thể bắt nguồn từ các bệnh tâm thần (stress, trầm cảm, rối loạn lo âu…), bệnh thực thể (đau khớp, loét dạ dày, viêm phế quản…), ảnh hưởng của các loại thuốc và chất kích thích. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm như đau nửa đầu, tim mạch, sa sút trí tuệ, thậm chí đột quỵ…

Đặc biệt, tất cả các yếu tố trên sẽ đều khiến cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do. Chúng tấn công vào mạch máu não, thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa và cục huyết khối, cản trở dòng máu vận chuyển oxy lên não và gây ra những rối loạn cho cơ thể, đây là một trong những nguyên nhân chính.

Nguyên nhân dẫn tới mất ngủ kinh niên

  • Do chất lượng cuộc sống giảm sút.
  • Do các bệnh về xương khớp: Đau nhức xương khớp, thoái hoá đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương, gây đau nhức về đêm, cản trở giấc ngủ.
  • Do các bệnh về tim mạch: Cao huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành), suy tim. Những bệnh này gây đau tức ở ngực, khó thở, lâu ngày dẫn đến bị mất ngủ mãn tính.
  • Do các bệnh về hô hấp: Giãn phế quản, hen phế quản, gây ho nhiều, khó thở vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Do các bệnh về tiêu hoá: Đau dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hoá, gây ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ.
  • Do các bệnh về tiết niệu: Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi bàng quang..), u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường, gây đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, cản trở giấc ngủ.
  • Do bệnh tâm thần: Người mắc bệnh liên quan đến tâm thần thường bị mất ngủ mãn tính nhiều hơn và cũng khó ngủ lại hơn.
  • Do môi trường: Không gian ngủ chật hẹp, đông đúc, nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ, thông thoáng.
  • Do ăn uống không điều độ: Ăn quá no, uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, hoặc uống rượu, bia, sử dụng các chất gây kích thích như cà phê, trà, thuốc lá … cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ.
  • Do rối loạn tâm sinh lý: Bệnh trầm cảm, tức giận, buồn rầu, ghen tị, lo lắng quá nhiều (cuộc sống, công việc, tài chính, sức khỏe ..), căng thẳng trong thời gian dài, tâm thần phân liệt …
  • Do thay đổi hormone: Sự tăng, giảm các hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh – mãn kinh cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính.

Triệu chứng của mất ngủ mãn tính

Người bị bệnh mất ngủ mãn tính hay thường được gọi là mất ngủ kinh niên có những triệu chứng sau:

  • Trằn trọc khó đi vào giấc ngủ.
  • Hay bị tỉnh giấc nhưng lại khó đi vào giấc ngủ trở lại.
  • Thường thức giấc sớm.
  • Thấy mệt mỏi, không thoải mái khi thức dậy.
  • Không có cảm giác nghỉ ngơi, phục hồi sau khi ngủ dậy.
  • Cảm thấy lờ đờ, uể oải, không tỉnh táo và hay buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thấy khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm.
  • Người bị mất ngủ kinh niên thường cảm thấy khó tập trung, giảm sự chú ý và ghi nhớ.
  • Hay bị căng thẳng và nhức đầu…
  • Tâm trạng hay bồn chồn, dễ cáu giận.
  • Cảm thấy khó đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
  • Có thể bị ảo giác.

Tùy vào mức độ và tình trạng của bệnh mà người bệnh sẽ có những triệu chứng nặng hoặc nhẹ.

Những nguy hiểm mà mất ngủ mãn tính có thể mang lại

Suy giảm khả năng miễn dịch

  • Nếu bạn hay bị cúm thì nguyên nhân có thể do vấn đề về giấc ngủ của bạn. Thiếu ngủ kéo dài có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch, do đó bạn có ít khả năng chống lại các vi sinh vật. Thiếu ngủ làm giảm hoạt động của các tế bào giết tự nhiên, và làm tăng 36% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Thiếu ngủ có thể gây béo phì

  • Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 5 giờ làm tăng nguy cơ béo phì thêm 50%. Điều này được cho là bởi vì những người thiếu ngủ có sự giảm nồng độ leptin (chất làm bạn cảm thấy no) và tăng nồng độ ghrelin (hormon kích thích cơn đói). Do vậy bạn sẽ luôn cảm thấy thèm các đồ ăn mặn và ngọt.

Gây các rối loạn về tâm lý, tâm thần

  • Thiếu ngủ một đêm sẽ khiến bạn ủ rũ và cáu kỉnh vào ngày hôm sau, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mất ngủ mạn tính có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm hay lo âu. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ thêm 33%.

Tăng nguy cơ gặp tai nạn

  • Tăng nguy cơ xảy ra những sai sót trong công việc hoặc tai nạn khi lái xe và vận hành các công cụ hoặc máy móc. Tại Mỹ hàng năm có 6000 tai nạn chết người do lái xe trong trạng thái buồn ngủ.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

  • Các nghiên cứu cho thấy những người thường ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gấp 3 lần. Dường như bỏ lỡ giấc ngủ sâu có thể dẫn đến bệnh tiểu đường typ 2 bằng cách thay đổi cách cơ thể xử lý glucose và sử dụng năng lượng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

  • Thiếu ngủ kéo dài có liên quan đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng nồng độ các chất liên quan đến quá trình viêm – làm tăng gánh nặng cho tim của bạn. Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thêm 48%.

Giấc ngủ làm tăng ham muốn tình dục

  • Các nghiên cứu cho thấy đàn ông và phụ nữ bị thiếu ngủ có ít ham muốn tình dục hơn và ít hứng thú với tình dục. Nam giới mắc chứng ngừng thở khi ngủ – một rối loạn trong đó khó thở dẫn tới giấc ngủ bị gián đoạn – cũng có xu hướng có mức testosterone thấp hơn và có thể làm giảm ham muốn tình dục.

Thiếu ngủ mạn tính ở trẻ em cũng gây ra các tác động lâu dài, bao gồm:

  • Trình độ học vấn kém
  • Kém hòa hợp với người khác
  • Tăng nguy cơ tham gia vào các hành vi nguy hiểm và chống đối xã hội
  • Kém tăng trưởng và phát triển thể chất.

Điều trị bệnh mất ngủ mãn tính

Điều trị không dùng thuốc

  • Sử dụng thảo dược thiên nhiên: Từ xa xưa, cha ông ta đã sử dụng một số bài thuốc đông y chữa mất ngủ từ thảo mộc dân gian như: tim sen, lạc tiên, hoa cúc, lá vông nem… để hãm trà an thần dễ ngủ uống hằng ngày giúp cải thiện tự nhiên tại nhà, an toàn mà không gây tác dụng phụ.
  • Sử dụng các loại tinh dầu: Tinh dầu là một trong những lựa chọn tuyệt vời giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Mùi hương dễ chịu của tinh dầu giúp làm dịu cảm xúc, thư giãn cả cơ thể và tâm trí để sẵn sàng cho giấc ngủ.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung thực phẩm giúp ngủ ngon chứa nhiều vitamin nhóm B, Magie và tryptophan. Tránh xa các chất béo như bơ, các món xào, chiên nhiều dầu mỡ, thịt xông khói, bánh kem… (vì đây là những thực phẩm cản trở tiến trình tổng hợp tryptophan).
  • Liệu pháp thư giãn: Liệu pháp này hướng dẫn người bệnh cách điều chỉnh trạng thái tâm lý, thư giãn tinh thần, cơ thể để giảm căng thẳng và lo lắng, là cách giúp dễ ngủ vào ban đêm.
  • Giáo dục vệ sinh giấc ngủ: Một số trường hợp rối loạn do thói quen xấu trong sinh hoạt gây ra như: hút thuốc, uống quá nhiều caffein và rượu…Liệu pháp này hướng dẫn người bệnh thực hiện một lối sống khoa học, phát triển một thói quen ngủ lành mạnh.

Điều trị mất ngủ bằng thuốc

Trường hợp bệnh mất ngủ đã vào mãn tính, người bị khó ngủ về đêm có thể được chỉ định thuốc ngủ đặc trị có chứa các thành phần như: Eszopiclone, Ramelteon, Zaleplon, Zolpidem…

Thông thường các loại thuốc ngủ kê đơn không được khuyến khích sử dụng lâu dài. Vì có thể gây ra một số tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn ngủ vào ban ngày, suy giảm nhận thức, phụ thuộc thuốc, lờn thuốc… Do đó, thuốc an thần chỉ dùng cho người được kê đơn có sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng mà cần phải trao đổi với bác sĩ chuyên khoa, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Khi sử dụng thuốc nếu như gặp bất cứ tình trạng nào, người bệnh nên đến ngay trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để khám chữa kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh mất ngủ mãn tính

  • Không nên hoạt động nhiều, lao lực quá sức trước khi đi ngủ bởi hoạt động nhiều làm tăng năng lượng, tiết nhiều cholesterol, gây khó vào giấc ngủ.
  • Tránh để những áp lực, muộn phiền, lo âu ảnh hưởng tới giấc ngủ.
  • Phòng ngủ phải luôn thông thoáng và yên tĩnh.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích vào ban đêm, trước giờ đi ngủ như cà phê, rượu, bia.
  • Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện, làm việc hợp lý.

Leave a reply