Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc là phương pháp điều trị thay thế thận, được áp dụng phổ biến với người bệnh suy thận.

Lọc mang bụng (Thẩm phân phúc mạc)

Lọc mang bụng là giải pháp thay thế thận khi thận bị suy yếu

Lọc màng bụng là gì?

Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp dùng chính màng bụng của người bệnh để làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Phương pháp điều trị này giúp lọc những chất chuyển hóa, nước điện giải khỏi cơ thể, cân bằng nội môi.

Màng bụng có diện tích gần bằng diện tích cơ thể, khoảng 1-2 m2. Bình thường, khoang ổ bụng chứa khoản 100ml dịch sinh lý và có thể chứa hơn 2 lít lọc màng bụng mà không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Màng bụng được sử dụng như một màng bán thấm ngăn cách giữa hai khoang, một bên là khoang chứa dịch lọc màng bụng, một bên là các mao mạch quanh màng bụng. Trong quá trình dịch lọc màng bụng lưu trong khoang bụng, các quá trình khuếch tán, siêu lọc và hấp thu được xảy ra đồng thời.

Quá trình khuếch tán là hiện tượng các chất hòa tan di chuyển từ nơi có nồng độ cao trong máu như ure, creatinin, kali,.. qua màng bán thấm (ở đây là màng bụng) sang khoang chứa dịch lọc.

Sự chênh lệch giữa áp lực thẩm thấu giữa dịch lọc và mạch máu giúp nước thẩm thấu từ khoang máu sang khoang dịch lọc qua đó giúp loại bỏ nước thừa trong cơ thể.

Các phương pháp lọc màng bụng

Lọc màng bụng cấp

Trong lọc màng bụng cấp, một ống thông tạm thời được đặt vào khoang bụng bệnh nhân. Cứ mỗi lần, 2 lít dịch lọc được đưa vào khoang màng bụng bệnh nhân, sau 2 giờ dịch được tháo ra và tiếp tục đưa vào 2 lít dịch lọc mới. Thực hiện liên tục đến khi hết rối loạn điện giải, nội môi được cân bằng và chức năng thận được phục hồi.

Lọc màng bụng cấp được sử dụng khi không có thận nhân tạo hoặc bệnh nhân chống chỉ định với thận nhân tạo. Lọc màng bụng cấp được chỉ định trong suy thận cấp hoặc các đợt tiến triển nặng của suy thận mạn, khi pH máu ≥ 7,2 , Kali máu ≥ 6,5 mmol/l, ure máu ≥ 30 mmol/l, cùng với quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp,…

Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)

Một ống thông cố định được luồn qua một đường dưới da thành bụng vào khoang bụng tới vị trí sát túi cùng Douglas. Ống thông thường dùng là catheter Tenckhoff có hai nút chặn. Đặt ống thông được tiến hành trong phòng mổ và cố định trong suốt thời gian bệnh nhân lọc màng bụng.

Trong lọc màng bụng liên tục ngoại trú, dịch lọc luôn hiện diện trong khoang bụng của người bệnh. Dịch được thay khoảng 4 lần trong ngày, quá trình thay và tháo dịch được thực hiện bằng tay, có thể thực hiện tại nhà. Các giai đoạn trao đổi dịch diễn ra như sau:

  • Giai đoạn 1: đưa dịch vào. Dịch chưa lọc vô trùng được cho vào ổ bụng qua catheter.
  • Giai đoạn 2: ngâm dịch. Dịch lọc được ngâm trong ổ bụng từ 4-8 giờ tùy theo nồng độ dịch.
  • Giai đoạn 3: xả dịch ra. Dịch đã ngâm được xả ra ngoài dưới tác dụng của trọng lực. Sau khi xả hết dịch đã ngâm, bắt đầu đưa dịch vào như giai đoạn 1.

Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP)

Lọc màng bụng chu kỳ tự động được chia thành: Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (Continuous Cycling Peritoneal Dialysis-CCPD) và lọc màng bụng cách quãng ban đêm (Nocturnal Intermittent Peritoneal Dialysis- NIPD), lọc màng bụng thủy triều (Tidal Peritoneal Dialysis- TPD).

Tương tự lọc màng bụng liên tục ngoại trú, một ống thông được thiết lập để trao đổi dịch. Trong lọc màng bụng liên tục chu kỳ, mỗi đêm 3-10 lần dịch lưu được đưa vào cơ thể qua một thiết bị trao đổi dịch chu kỳ tự động. Vào ban ngày, người bệnh được lưu một thể tích dịch lọc màng bụng trong ổ bụng, lượng dịch này sẽ được tháo ra trước chu kỳ lọc ban đêm.

Ưu và nhược điểm của lọc màng bụng

Ưu điểm của lọc màng bụng

  • Đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng ở những nơi không có máy thận nhân tạo, bệnh nhân không bị lệ thuộc vào máy móc.
  • Phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là những người còn đi học, đi làm.
  • Phương pháp lọc màng bụng làm thay đổi từ từ các chất hòa tan và lượng nước trong cơ thể, do đó phù hợp với những bệnh nhân có huyết động không ổn định.
  • Hiệu quả lọc máu tốt, giúp bảo tồn tốt thận.
  • Bệnh nhân ít bị mất máu và thiếu sắt.
  • Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ít bị hạn chế hơn khi sử dụng phương pháp chạy thận nhân tạo.
  • Bệnh nhân không phải sử dụng thường xuyên các thuốc chống đông do đó hạn chế nguy cơ đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa.

Nhược điểm của lọc màng bụng

Các biến chứng của lọc màng bụng có thể gặp như:

  • Bệnh nhân có thể bị tăng đường máu do dịch lọc màng bụng có nồng độ glucose 1,5 g%, 2 g% hoặc 2,5 g%.
  • Viêm phúc mạc, nhiễm trùng chỗ ra của ống thông do bệnh nhân không tuân thủ đúng quy trình được hướng dẫn khi thực hiện ở nhà.
  • Hạ huyết áp do siêu lọc rút ra nhiều dịch. Tỉ lệ tăng huyết áp tăng cao ở những bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng những ngày đầu.
  • Mất nhiều protein qua lọc
  • Rối loạn nhịp tim, hạ thân nhiệt

Bệnh nhân còn có thể gặp các nguy cơ như: Rò rỉ dịch từ ổ bụng, tắc catheter, tụt catheter vào trong hoặc ra ngoài ổ bụng, chảy máu vị trí đặt catheter hoặc vào khoang phúc mạc.

Không phải bệnh nhân nào cũng thích hợp để thực hiện lọc màng bụng, các trường hợp chống chỉ định gồm:

  • Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn phúc mạc, dính phúc mạc do chấn thương hoặc vết mổ cũ
  • Phúc mạc bệnh nhân bị xơ hóa, bệnh nhân mới mổ ghép động mạch chủ bụng
  • Bệnh nhân có khối u trong ổ bụng
  • Bệnh nhân có thoát vị cơ hoành, thoát vị thành bụng hoặc thoát vị bẹn
  • Bệnh nhân bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính nặng
  • Bệnh nhân không dung nạp với chứa dịch trong ổ bụng
  • Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, nhiễm trùng da, mắc các bệnh đường ruột (như viêm ruột, viêm túi thừa) hoặc béo phì
  • Bệnh nhân không có khả năng tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật.

Những lưu ý khi lọc màng bụng

Chế độ dinh dưỡng

Protein: Lọc máu kết hợp chế độ ăn uống phù hợp là điều rất quan trọng trong việc giữ cho mức ure giảm xuống. Khi loại bỏ ure, cơ thể của người bệnh sẽ mất đi các protein thường có trong máu. Vì thế, người bệnh sẽ cần bổ sung nhiều protein hơn để thay thế lượng protein đã mất. Người đang thẩm phân phúc mạc nên bổ sung nguồn protein chất lượng cao. Do nguồn protein này tạo ra ít chất thải hơn phải loại bỏ trong quá trình lọc máu. Người bệnh có thể bổ sung vào thực đơn mỗi ngày các loại thực phẩm như thịt gia cầm, cá, lòng trắng trứng…

Kali: Một số bệnh nhân có thể bị hạ kali máu do thể tích lọc lớn và ăn không đủ chất. Người mắc bệnh suy thận khi lọc màng bụng nên bổ sung nhiều kali hơn người chưa lọc máu hay chạy thận nhân tạo. Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như trái cây khô, đậu Hà Lan, các loại hạt, thịt, sữa, rau quả…

Chất lỏng và natri: Natri có thể ảnh hưởng tới huyết áp của người bệnh suy thận. Khoáng chất này thường có trong thức ăn nhanh, muối, thực phẩm đóng hộp, thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói…). Người lọc màng bụng rất dễ bị thừa nước nên cần hạn chế lượng muối nạp vào.

Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh cần theo dõi lượng natri của mình để kiểm soát cơn khát và tình trạng tăng cân. Điều này cũng có thể làm giảm việc sử dụng những dung dịch có nhiều đường. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại dịch phù hợp để giúp người bệnh kiểm soát huyết áp và mức chất lỏng.

Photpho: Dư thừa photpho trong máu có khả năng làm cho xương của người bệnh bị yếu và dễ gãy, ngoài ra còn khiến da bị khô ngứa. Lọc màng bụng có thể không loại bỏ đủ photpho ra khỏi cơ thể của người bệnh. Bạn cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất này.

Vitamin và khoáng chất: Trong quá trình điều trị bệnh suy thận, người bệnh có thể không nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất cơ thể cần vì phải kiêng một số loại thực phẩm nhất định. Quá trình thẩm phân phúc mạc cũng loại bỏ một số vitamin khỏi cơ thể của người bệnh.

Để tránh thiếu hụt dưỡng chất cho cơ thể, bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung vitamin và khoáng chất được thiết kế phù hợp cho người bệnh suy thận. Người bệnh cần lưu ý không tự ý sử dụng các chất bổ sung vitamin và khoáng chất. Vì thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất không kê đơn có khả năng gây hại rất lớn đến thận.

Hoạt động thể chất

Người bệnh đang lọc màng bụng có thể vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể dục thể thao với cường độ phù hợp. Trong đó, đi bộ là hình thức tập luyện phù hợp với phần lớn người bệnh suy thận. Ngoài ra, bạn có thể vận động nhẹ bằng cách làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, phơi quần áo… Người bệnh cần tránh tham gia các bộ môn tập luyện mạnh như đá bóng, quần vợt, bóng rổ…

Người bệnh còn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về thuốc. Các loại thuốc có thể được kê toa là thuốc kiểm soát huyết áp, kích thích sản xuất hồng cầu, kiểm soát mức độ của một số chất dinh dưỡng trong máu và ngăn ngừa sự tích tụ phốt pho trong máu. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài tuổi thọ.

 

Leave a reply