Hẹp bao quy đầu ở trẻ là hiện tượng thường gặp, không gây hại nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ hình thành bệnh. Vậy cách xử lý tình trạng này như thế nào?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ
Hẹp bao quy đầu ở trẻ

Hẹp bao quy đầu là gì?

Khi mới sinh ra, da bao quy đầu có nhiệm vụ che đậy, bảo vệ quy đầu dương vật của em bé khỏi các tác nhân gây bệnh.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là tình trạng bao quy đầu dài, ôm sát quy đầu dương vật của bé, khó lộn xuống. Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện dưới dạng một vòng bao quanh và siết chặt và bịt kín quy đầu ngay cả khi dùng tay lộn xuống, ngăn cản sự co rút hoàn toàn, gây nhiều sự bất tiện cho trẻ.

Khoảng 50% trẻ sau 1 tuổi, da quy đầu có thể tuột xuống khỏi khấc quy đầu. Đến 3 tuổi, tỷ lệ này lên đến 89%. Hẹp bao quy đầu xảy ra khoảng 8% trẻ từ 6 – 7 tuổi và 1% nam giới 16 – 18 tuổi.

Hẹp bao quy đầu ở bé trai được chia thành 2 dạng: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Phần lớn trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, chỉ 1% trẻ bị hẹp bao quy đầu bệnh lý.

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: hầu hết bé trai mới sinh ra đều có bao quy đầu che phủ hoàn toàn quy đầu dương vật. Khi bé lớn lên, da quy đầu lột xuống một cách tự nhiên làm lộ dần quy đầu dương vật. Đến khoảng 5 – 7 tuổi trở lên, tình trạng hẹp bao quy đầu không còn.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: tình trạng hẹp bao quy đầu do tổn thương vật lý hoặc bệnh gây ra, thường là sẹo, nhiễm trùng hoặc viêm. Khi bị hẹp bao quy đầu do bệnh, trẻ gặp khó khăn trong việc lộn bao quy đầu xuống, có thể gây đau, thậm chí chảy máu. Nếu bao quy đầu của trẻ bị sưng khi đi tiểu, khó tiểu hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng thì phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khoa Nam học để điều trị.

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng tự nhiên, khi trẻ lên 3-4 tuổi, da quy đầu bắt đầu có thể lộn xuống một cách bình thường, không gây đau, khó chịu. Tuy nhiên, một số trường hợp, trẻ không thể tuột bao quy đầu xuống hoặc chỉ có thể tuột xuống một ít. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do:

  • Miệng bao quy đầu hẹp: một số trẻ nam, phần đầu da bao quy đầu rất hẹp không đủ để quy đầu dương vật có thể chui qua.
  • Ngắn dây hãm bao quy đầu: dây hãm bao quy đầu là nếp gấp da nối quy đầu dương vật với mặt dưới bao quy đầu. Nhiệm vụ của dây hãm là cho phép bao quy đầu có thể kéo lên khỏi quy đầu. Khi dây hãm ngắn, da quy đầu không thể kéo lên hoàn toàn, khi kéo gây đau và khó chịu. Tình trạng này còn gọi là ngắn dây hãm dương vật (frenulum breve).
  • Viêm nhiễm: Trẻ em bị hẹp bao quy đầu có thể do nguyên nhân viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công dương vật gây ra sẹo xơ hóa ở quy đầu. Sẹo này cản trở khả năng tuột xuống của da quy đầu.

Dấu hiệu nhận biết

Cách nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ em do bệnh bao gồm:

  • Bao quy đầu sưng phồng khi bé đi tiểu.
  • Tiểu khó, tiểu phải rặn.
  • Viêm bao quy đầu.
  • Viêm quy đầu.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Đau khi trẻ cương cứng (dậy thì).
  • Rất khó tuột bao quy đầu xuống.

Nếu con bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện có khoa Nam học để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp.

Hậu quả của hẹp bao quy đầu

Hẹp da quy đầu làm nước tiểu ứ đọng, vệ sinh khó khăn, dễ gây viêm nhiễm quy đầu, da quy đầu, đường tiết niệu, ảnh hưởng đến thận. Trong trường hợp, da quy đầu tuột lên nhưng không đưa về vị trí bình thường được, tạo thành vòng thắt sẽ siết chặt quy đầu làm da quy đầu sưng nề, gây đau, gọi là hẹp nghẹt da quy đầu. Đây là trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngay.

Hẹp da quy đầu có thể dẫn đến ung thư dương vật… Ngoài ra, khi trưởng thành, hẹp da quy đầu có thể làm đau dương vật khi cương, cản trở quá trình cương.

Cắt bao quy đầu sau khi phương pháp nong thất bại

Cách xử lý khi trẻ bị hẹp bao quy đầu

 Trường hợp da quy đầu không tự tuột ra, sẽ cần phẫu thuật cắt bao quy đầu. Chú ý nong bao quy đầu của trẻ xuống lúc tắm từ khi trẻ còn nhỏ, nếu đến trên 10 tuổi mà quy đầu vẫn chưa xuống thì phải phẫu thuật.

Khi nào nên nong bao quy đầu cho trẻ

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với bé trai dưới 4 tuổi, không nên cố gắng nong bao quy đầu vì có thể gây dính và sẹo xơ dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát. Với bé trai có các biểu hiện bất thường như tiểu khó hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và xử lý kịp thời.

Việc nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu mà còn gây tổn thương bộ phận sinh dục ngoài. Về lâu dài có thể dẫn tới tình trạng rối loạn cương, khó cương cứng vì khi các mạch máu đã bị tổn thương lúc nhỏ.

Ngoài ra, không nên nong khi trẻ còn quá nhỏ, vì lúc đó dương vật của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khó xác định có hẹp hay thừa bao quy đầu hay không. Thường trẻ chỉ được xác định chính xác khi đến tuổi vị thành niên, lúc đó dương vật đã phát triển tương đối hoàn thiện và có nhu cầu tình dục.

Có nhiều người đưa con đi nong ngay khi trẻ mới vài tháng tuổi mà không biết tác hại của việc làm này. Nếu nong sớm, dương vật có thể bị xước, đau và gây ra tâm lý hoảng sợ cho trẻ.

Nong bao quy đầu đúng cách

Đối với trẻ bị hẹp bao quy đầu, việc nong bao quy đầu đúng cách là cả một quá trình liên tục. Cha mẹ có thể tự thực hiện bằng cách kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày.

Việc nong bao quy đầu nên thực hiện khi da bao quy đầu ở trạng thái mềm mại, có thể di động dễ dàng. Để giảm ma sát và giảm đau phụ huynh nên kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid lên bao quy đầu. Theo đó, nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước vài lần, rồi nhẹ nhàng kéo ngược lại về phía sau sao cho không gây đau cho bé. Khi kéo nên giữ nguyên tư thế kéo được trong vài phút, lặp lại động tác này vài lần mỗi ngày.

Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được làm bài tập này khi đang ngâm mình trong nước.

Nếu không nong đúng cách, bé sẽ cảm thấy đau đớn mỗi khi đi tiểu, bao quy đầu lại hẹp trở lại. Ngoài ra, các can thiệp ngoại khoa cũng có thể dẫn tới các biến chứng như chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ.

Vì vậy, trước khi quyết định có nong hoặc cắt bao quy đầu cho trẻ thì cần phải đến cơ sở chuyên khoa để được khám và chọn giải pháp điều trị.

Khi nào nên cắt bao quy đầu cho trẻ

Nếu hẹp bao quy đầu có thể điều trị thành công bằng nong bao quy đầu thì không cần cắt bao quy đầu cho trẻ. Trường hợp ngược lại, nong thất bại thì cần can thiệp ngoại khoa để cắt bao quy đầu.

Các trường hợp khác nên cắt bao quy đầu như: hẹp nghẹt bao quy đầu, viêm quy đầu hoặc viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần hoặc vì lý do cá nhân.

Ngoài ra, nam giới không nên cắt bao quy đầu trong những trường hợp như: lỗ tiểu đóng thấp, các dị dạng dương vật như cong dương vật, vùi dương vật, dương vật nhỏ vì người bệnh cần dùng da quy đầu để tạo hình sửa chữa lại những dị dạng này.

Hẹp bao quy đầu cần được điều trị kịp thời để giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm, các vấn đề trong quan hệ tình dục khi lớn. Tình trạng này dù do bẩm sinh hay yếu tố khách quan, trẻ vẫn nên được đưa đi khám để được tiến hành các thủ thuật cần thiết.

Leave a reply