Ác mộng là một giấc mơ kèm với cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như lo âu hoặc sợ hãi trong giấc ngủ khiến bạn thức giấc. Gặp ác mộng trong khi ngủ xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, vậy ác mộng xảy ra do nguyên nhân gì và cách khắc phục tình trạng này ra sao?

Ác mộng là gì?

Ác mộng xuất hiện với những giấc mơ liên quan đến cảm giác tiêu cực, chẳng hạn như lo lắng hoặc sợ hãi. Ác mộng thường xảy ra vào khoảng thời gian nửa sau của giấc ngủ. Ác mộng có thể hiếm hoặc thường xuyên, vài lần một đêm. Các cơn ác mộng thường ngắn, nhưng có thể khiến bạn thức dậy và khó đi ngủ trở lại.

Rối loạn ác mộng có thể xảy ra khi những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên, gây các cảm giác tiêu cực cho người bệnh như lo lắng, gián đoạn giấc ngủ, gây khó khăn cho hoạt động ban ngày hoặc tạo ra cảm giác sợ hãi – ác mộng kinh hoàng khi ngủ của người bệnh.

Đặc điểm của những cơn ác mộng

  • Giấc mơ sống động, chân thật và rất buồn
  • Cốt truyện của giấc mơ thường liên quan đến việc bị đe dọa sự an toàn hay tính mạng, nhưng cũng có thể có những chủ đề khác
  • Giấc mơ khiến bạn tỉnh giấc
  • Cảm giác sợ hãi, lo âu, tức giận, buồn hoặc ghê tởm vì giấc mơ đó
  • Đổ mồ hôi hoặc tim đập thình thịch khi đang ngủ
  • Có thể suy nghĩ sáng suốt khi thức dậy và nhớ được chi tiết giấc mơ
  • Gây lo lắng khiến bạn không thể ngủ lại

Ác mộng chỉ được coi như một chứng rối loạn nếu:

  • Sự xuất hiện của các cơn ác mộng xảy ra thường xuyên.
  • Bạn có tâm trạng đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng trong ngày, chẳng hạn như lo lắng hoặc sợ hãi dai dẳng,…
  • Các vấn đề về khả năng tập trung hoặc cần sử dụng trí nhớ, hoặc bạn không thể ngừng nghĩ về những hình ảnh trong giấc mơ của mình.
  • Các vấn đề hoạt động xảy ra ở cơ quan, trường học hoặc trong các tình huống xã hội.
  • Các vấn đề liên quan đến hành vi liên quan với giờ đi ngủ hoặc sợ bóng tối.

Nguyên nhân khiến bạn gặp ác mộng

Rối loạn ác mộng – rối loạn giấc ngủ liên quan đến những trải nghiệm không mong muốn xảy ra ở những thời điểm khác nhau của giấc ngủ. Ác mộng thường xảy ra trong giai đoạn ngủ hay còn được biết đến như giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).

Nguyên nhân chính xác của những cơn ác mộng vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, Gặp ác mộng có thể do ảnh hưởng của những yếu tố sau đây:

  • Căng thẳng hoặc lo lắng. Đôi khi, những căng thẳng bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như một vấn đề về công việc ở cơ quan hay ở ngoài xã hội cũng gây ra những cơn ác mộng. Hoặc có thể một sự thay đổi lớn trong cuộc đời, chẳng hạn như chuyển nhà hoặc cái chết của một người thân yêu, có thể có tác động tương tự đến trạng thái của người bệnh.
  • Tổn thương. Ác mộng thường xảy ra sau một tai nạn, chấn thương, lạm dụng thể chất hoặc tình dục, hoặc các sự kiện đau thương khác. Vì thế, ác mộng rất dễ gặp ở những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).
  • Thiếu ngủ. Những thay đổi trong thói quen hàng ngày khiến thời gian ngủ và thức giấc không đều hoặc làm gián đoạn hoặc giảm thời lượng ngủ có thể làm tăng nguy cơ gặp ác mộng. Hơn nữa, những cơn ác mộng gia tăng cũng có thể liên quan đến tình trạng mất ngủ.
  • Thuốc. Một số loại thuốc – bao gồm cả thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc chẹn beta đều được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson hoặc giúp cai thuốc. Những loại thuốc kể trên đều có thể liên quan và gây ra ác mộng.
  • Lạm dụng chất kích thích. Trong quá trình sử dụng hoặc đang thực hiện cai nghiện rượu và ma túy có thể gây ra ác mộng.
  • Các rối loạn khác. Các cơn ác mộng có thể liên quan đến các vấn đề về tâm thần kinh như trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Hơn nữa, tình trạng ác mộng có thể xảy ra cùng với một số tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tim hoặc ung thư. Khi người bệnh mắc các chứng rối loạn khiến cho giấc ngủ không được đầy đủ cũng dẫn tới tình trạng gặp ác mộng.
  • Sách và phim kinh dị. Đối với một số người, đọc những cuốn sách có chứa nội dung đáng sợ hoặc xem những bộ phim đáng sợ, đặc biệt là khi hoạt động này được thực hiện trước khi đi ngủ, có thể liên quan đến những cơn ác mộng.

Ác mộng tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh, trầm cảm

Ác mộng không chỉ là những giấc mơ tồi tệ, mà chúng còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe con người. Trong số những người gặp ác mộng với tần suất cao có nhiều người là nạn nhân của chứng trầm cảm hoặc lo âu. Những người này đặc biệt nhạy cảm hơn với hình ảnh tiêu cực trong các cơn ác mộng, dễ dẫn đến nguy cơ mắc phải những rối loạn tâm lý trầm trọng hơn.

Một nghiên cứu tại Đức mới đây cho thấy những người thường xuyên ngủ mơ thấy ác mộng có tỷ lệ mắc các chứng bệnh về thần kinh, trầm cảm cao hơn người khác tới 5 lần. Các chuyên gia về bệnh thần kinh của Đức đã thực hiện điều tra, nghiên cứu với hơn 9.000 người thành niên về các nội dung liên quan như tần xuất ngủ mơ thấy ác mộng,  kết quả có tới 5,1% số người tham gia nghiên cứu cho biết họ thường xuyên gặp ác mộng, bình quân mỗi tuần một lần.

Trong đó, những người có mắc triệu trứng của bệnh thần kinh, thất nghiệp và thu nhập quá thấp thường gặp ác mộng nhiều hơn. Họ thường bị mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu và thiếu tỉnh táo nên rất dễ bị trầm cảm.

Rối loạn ác mộng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lí, bao gồm:

  • Ngủ ngày quá mức
  • Rối loạn khí sắc
  • Không muốn ngủ
  • Ý nghĩ hoặc cố gắng tự sát.

Phương pháp cải thiện tình trạng gặp ác mộng

Xác định chính xác nguyên nhân của chứng rối loạn ác mộng giúp xác định phương pháp điều trị thích hợp.

  • Điều trị y tế: Nếu những cơn ác mộng có liên quan đến một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn thì việc điều trị là nhằm vào vấn đề ấy.
  • Điều trị căng thẳng hoặc lo lắng: Nếu tình trạng sức khỏe tâm thần của bạn bị ảnh hưởng, chẳng hạn như căng thẳng hoặc lo lắng, bác sĩ có thể đề xuất các kỹ thuật giảm căng thẳng, tư vấn hoặc trị liệu với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
  • Liệu pháp tập dượt hình ảnh: Thường được sử dụng với những người gặp ác mộng do hậu quả của PTSD. Liệu pháp diễn tập hình ảnh bao gồm việc thay đổi kết thúc cơn ác mộng và kết thúc với trạng thái tỉnh táo để cơn ác mộng không còn đe dọa.
  • Thuốc: Hiếm khi bạn được sử dụng thuốc để điều trị ác mộng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sử dụng thuốc có thể được khuyến nghị cho những cơn ác mộng nghiêm trọng liên quan đến PTSD.
  • Thay đổi lối sống: Thiết lập thói quen thư giãn và thực hiện đều đặn trước khi đi ngủ. Thiết lập thói quen đi ngủ nhất quán có vai trò khá quan trọng. Thực hiện các hoạt động này ở trạng thái yên tĩnh, nhẹ nhàng như đọc sách, giải câu đố, nghe nhạc nhẹ, hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm – trước khi đi ngủ. Thực hiện trạng thái thiền, hít thở sâu hoặc các bài tập thư giãn cũng có thể hữu ích đối với tình trạng ác mộng. Đồng thời, tạo cho phòng ngủ sự thoải mái và yên tĩnh cho giấc ngủ để có thể có một giấc ngủ chất lượng nhất.

Các cơn ác mộng ảnh hưởng đến chức năng sống thường ngày thì cần phải được điều trị. Nếu bạn có các cơn ác mộng lặp đi lặp lại và kéo dài, gây rối loạn giấc ngủ, sợ đi ngủ hoặc gây rối loạn hành vi, hãy liên hệ với bác sĩ để được khám và điều trị một cách hiệu quả nhất.

Leave a reply