Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên gây giảm thị lực và mù lòa hàng đầu. Bệnh có thể điều trị rất hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật nhưng cần điều trị sớm nhằm tránh nguy cơ biến chứng.

Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là bệnh gì?

Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (hay còn gọi là lòng đen). Thủy tinh thể không chứa mạch máu và thần kinh nên dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu.

Thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật.

Bệnh đục thủy tinh thể mắt (hay còn gọi là cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp nhiểu ở người lớn tuổi. Vì nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát dẫn đến việc thủy tinh thể bị mờ không còn trong suốt giống như tâm gương bị mờ ánh sáng khó đi qua không hội tụ được tại võng mạc ta gọi là bệnh đục thủy tinh thể.

Do ánh sáng khó đi qua nên người bệnh bị đục thủy tinh thể bị giảm thị lực, nhìn mờ và có nguy cơ bị mù lòa.

Phân loại đục thủy tinh thể

Theo hình thái, vị trí

  • Đục nhân: Tình trạng đục nhân xảy ra do khi tình trạng xơ cứng và chuyển màu vàng của nhân thủy tinh thể vượt mức ở vùng trung tâm. Đây được gọi là tình trạng đục nhân thể thủy tinh. Ở giai đoạn đầu, 2 yếu tố này gây ra một số tật khúc xạ của mắt dẫn đến những triệu chứng như nhìn xa mờ. Đục nhân có thể xảy ra ở một bên mắt.
  • Đục vỏ: Dạng đục vỏ này có thể to ra và nhập vào nhau để tạo thành các vùng đục vỏ lớn hơn. Khi toàn bộ vỏ từ bao tới nhân trở thành đục trắng (thủy tinh thể đục hoàn toàn) gọi là đục chín. Tình trạng này xảy ra ở hai mắt và thường không cân xứng.
  • Đục bao: Là vết đục nhỏ ở biểu mô và bao trước thể thủy tinh nhưng không gây ảnh hưởng đến lớp vỏ.

Phân loại theo mức độ

Bệnh lý đục thể thủy tinh (cườm khô) được chia thành 4 mức độ: đục bắt đầu, đục tiến triển, đục gần hoàn toàn và đục hoàn toàn. 

Dù là thủy tinh thể bị đục loại nào (trừ chấn thương) thì về cơ bản, tình trạng đục thường là do cấu trúc và tỉ lệ các phân tử protein bị biến đổi, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, cản ánh sáng đến võng mạc và gây giảm thị lực.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

Nguyên nhân nguyên phát

  • Do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền
  • Do quá trình lão hóa tự nhiên gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng cho thủy tinh thể. Thường gặp ở độ tuổi trên 50

Nguyên nhân thứ phát

  • Mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại nhiều lần như : Viêm màng bồ đào
  • Chấn thương mắt…
  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, các thuốc chống loạn nhịp (amiodarone ), thuốc chống trầm cảm…
  • Mắc các bệnh toàn thân như tăng huyết ápđái tháo đường, béo phì
  • Do Thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, ánh sáng tia chớp, tia hàn…

Các yếu tố liên quan

  • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho mắt. Chế độ ăn uống thiếu vitamin, khoáng chất… gây suy yếu cấu trúc protein của thủy tinh thể, lâu dần không thể đảm bảo chức năng vốn có.
  • Sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… thường xuyên
  • Thường xuyên tiếp xúc môi trường khói bụi ô nhiễm, khí thải chất độc hại làm gia tăng nguy cơ bị cườm khô khi còn trẻ
  • Căng thẳng

Dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh diễn biến thường chậm khó phát hiện. Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như:

  • Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng ở bệnh đục thủy tinh thể. Mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn, hay mỏi mắt khi tập chung nhìn vào một vật nào đó.
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng, hay lóa mắt. Nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm. Do khi có ánh sáng đổng tử co lại làm hạn chế ánh sáng có thể tới được võng mạc.
  • Nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật
  • Nhìn mờ như có màn sương che trước mắt
  • Các triệu chứng có thể thấy ở cả hai mắt hoặc một mắt.
Nên kiểm tra mắt khi có các dấu hiệu của bệnh

Những biến chứng của bệnh

Nếu để lâu ngày, tình trạng đục thủy tinh thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tình trạng đục ngày càng nặng sẽ dẫn tới tăng nhãn áp, gây vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào, mắt không thể điều tiết dịch khiến người bệnh cảm thấy đau dữ dội.

Để lâu, tình trạng này có thể làm teo thần kinh mắt và rất khó để phục hồi trở lại dù có phẫu thuật. Khả năng phục hồi của bệnh nhân sẽ rất kém và thậm chí có nhiều trường hợp dẫn tới mù lòa.

Phần thủy tinh thể bị đục lâu ngày sẽ trở nên cứng hơn và dẫn tới viêm, mắt bị thoái hóa, đồng tử dính lại và rất khó khăn khi phẫu thuật. Vì thế các chuyên gia khuyên người bệnh nên mổ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm.

Điều trị đục thủy tinh thể

Dựa trên các giai đoạn của bệnh, người bệnh sẽ được tư vấn biện pháp cải thiện thị lực và điều trị đục nhân mắt một cách thích hợp.

Sử dụng kính hỗ trợ

Trong giai đoạn sớm, thị lực chưa suy giảm nhiều, các bác sĩ thường cho người bệnh đeo kính hoặc sử dụng kính lúp hỗ trợ song song với việc cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho mắt. Người bệnh nên làm việc trong môi trường ánh sáng tốt để giảm thiểu các rối loạn thị giác.

Phẫu thuật

Trường hợp người bệnh không thể sử dụng thuốc hoặc đeo kính thì cần phải phẫu thuật thay thế thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật theo phương pháp PHACO được cho là phổ biến nhất. Đây là phương pháp các bác sĩ dùng năng lượng sóng siêu âm để tán và tách phần tinh thể bị đục thành các mảnh nhỏ sau đó hút ra ngoài qua một vết mổ rất nhỏ, đồng thời thay vào đó một thủy tinh thể nhân tạo.

Phương pháp này khá an toàn với nhiều ưu điểm như: vết mổ nhỏ, thời gian phẫu thuật rất nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày, thị lực của người bệnh sẽ được phục hồi rất nhanh chóng, hầu như không gây chảy máu, không gây đau hoặc đau rất ít cho người bệnh.

Sau mổ, người bệnh có thể cải thiện thị lực và sinh hoạt bình thường, có thể di chuyển, lái xe, đọc sách, xem tivi,… nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước khi quyết định mổ và lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo, các bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết cho người bệnh.

Một số trường hợp cho rằng, nếu mắt vẫn còn nhìn được thì không cần thiết phải mổ đục thủy tinh thể và phải chờ đến khi mắt không thể nhìn được nữa mới đi phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Người bệnh nên được mổ càng sớm càng tốt để tăng hiệu quả điều trị. Nếu đợi đến khi mắt không còn nhìn thấy nữa thì phẫu thuật sẽ rất khó khăn và cơ hội thành công cũng thấp hơn, tăng tỉ lệ tai biến khi mổ.

Đối tượng chỉ định mổ đục thủy tinh thể?

Đối tượng được bác sĩ chỉ định mổ mắt đục thủy tinh thể bao gồm:

Thị lực dùng kính kém hơn 20/40 (< 6/12)

Các trường hợp suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể dưới mức 20/40 (<6/12) sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Ký hiệu 20/40 (6/12) trên bảng đo thị lực Snellen cho biết bệnh nhân đục thủy tinh thể chỉ đọc ký tự tại dòng đó ở khoảng cách 6 mét, người bình thường có thể đọc ở khoảng cách 12 mét.

Tại Việt Nam, phổ biến cách ghi thập phân từ 1/10 đến 15/10, vì vậy, khi quy đổi từ bảng đo thị lực Snellen 20/40 tương đương với 5/10.

Do đó, khi người bệnh bị đục thủy tinh thể gây suy giảm thị thực dưới mức 5/10 sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Thị lực giảm đáng kể

Phẫu thuật đục thủy tinh thể được khuyến khích cho người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Để đánh giá tầm nhìn của người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đọc biểu đồ mắt và kiểm tra ánh sáng chói hoặc mờ liệu có gây bất kỳ khó khăn đến thị lực hay không.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?

Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp an toàn nhưng một trường hợp vẫn có những rủi ro như:

  • Sưng, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
  • Mất thị lực hoặc tình trạng song thị.
  • Thay đổi bất thường về nhãn áp.
  • Bong võng mạc.
  • Đục thủy tinh thể thứ phát (đục bao sau).

Các rủi ro trên bác sĩ có thể kiểm soát nhưng người bệnh nên điều trị sớm để giảm biến chứng. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện nếu thấy các biểu hiện bất thường ở mắt và khám sức khỏe định kỳ.

Bảo vệ mắt sau khi phẫu thuật

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

Bác sĩ kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc khác để ngăn nhiễm trùng, giảm viêm và kiểm soát nhãn áp. Đôi khi, thuốc có thể được tiêm vào mắt ngay tại thời điểm phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nên đeo miếng che mắt trong vài ngày sau phẫu thuật và tấm chắn bảo vệ khi ngủ cho đến khi hồi phục.

Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, thị lực của người bệnh sẽ cải thiện trong vòng vài ngày. Ban đầu tầm nhìn sẽ nhìn mờ, sau đó mắt sẽ lành lại và tự động điều chỉnh.

Người bệnh sẽ thấy ngứa, khó chịu mắt, sau vài ngày các triệu chứng sẽ hết và trong thời gian này không được dụi mắt để tránh tổn thương. Thông thường, cần 8 tuần để mắt trở về trạng thái bình thường.

Sau mổ, bệnh nhân thực hiện theo đúng những chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số lưu ý:

  • Bệnh nhân có thể gặp phải một số biểu hiện như mắt đỏ nhẹ, hơi cộm và chảy nước mắt,… nhưng sau khoảng vài ngày, tình trạng này sẽ tự khỏi.
  • Giữ gìn vệ sinh thật tốt, đặc biệt là vệ sinh mắt và vệ sinh tay.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trước khi tra thuốc, cần đảm bảo tay phải thật sạch sẽ.
  • Nếu phải tra nhiều loại thuốc thì mỗi loại nên cách nhau khoảng 5 phút, lưu ý cần đậy nắp thuốc ngay sau khi sử dụng.
  • Sau phẫu thuật tuyệt đối không được để xà phòng vào mắt, tốt nhất không nên gội đầu vào thời gian này.
  • Sau mổ 1 ngày bệnh nhân có thể tắm dưới cổ và sau 1 một vài tuần có thể tắm dưới vòi hoa sen, bệnh nhân kiêng bơi trong 1 tháng.
  • Nên ăn những thực phẩm mềm mại, tránh nhai mạnh hay nhai quá nhiều.
  • Không được gãi mắt hoặc dụi mắt. Tốt nhất, nên dùng kính hoặc băng mắt khi ngủ để tránh vô thức dụi mắt khi đang ngủ.
  • Không cúi đầu nhiều hay mang vác nặng.
  • Bệnh nhân có thể xem tivi và sau đó khoảng 1 tháng có thể sinh hoạt như bình thường.

Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Mất thị lực.
  • Cơn đau kéo dài mặc dù đã sử dụng thuốc giảm đau.
  • Đỏ mắt.
  • Sưng mí mắt.
  • Ánh sáng nhấp nháy hoặc nhiều đốm mới nổi trước mắt.

Biện pháp phòng ngừa

  • Chủ động phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể từ sớm, khám mắt ngay khi có những dấu hiệu như mỏi mắt, nhìn mờ, nhòe, nhức mắt, khô mắt, rát mắt…
  • Người bệnh cao huyết áp, tiểu đường… cần chia sẻ với bác sĩ các dấu hiệu đang gặp phải, nhằm phát hiện sớm biến chứng có thể ảnh hưởng đến mắt.
  • Bổ sung dinh dưỡng thiết yếu, qua chế độ ăn uống, đa dạng thực phẩm, các loại vitamin, các dưỡng chất chuyên biệt hỗ trợ thủy tinh thể.
  • Trang bị các thiết bị bảo hộ chuyên dụng theo đặc thù công việc, đeo kính mát khi đi ra ngoài tránh tác hại của ánh mặt trời và khói bụi.
  • Tránh xa các yếu tố nguy cơ gây hại thủy tinh thể như rượu bia, khói thuốc lá…

Các sản phẩm bổ sung cho đôi mắt bạn có thể tham khảo tại: Bổ mắt

Mổ đục thủy tinh thể là phương pháp an toàn, người bệnh chọn bệnh viện có chuyên khoa Mắt uy tín chất lượng để quá trình phẫu thuật được thuận lợi, an toàn và ít biến chứng.

Leave a reply