Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em thường khiến bé cảm thấy khó chịu với các triệu chứng như da khô, ngứa, nứt nẻ, sưng tấy… làm cho việc điều trị viêm da cơ địa trở nên khó khăn hơn. Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng này?

Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Bệnh khiến trẻ khó chịu, quấy khóc

Viêm da cơ địa ở trẻ

Viêm da cơ địa ở trẻ em hay còn gọi là bệnh chàm là một bệnh viêm da mãn tính có xu hướng tái phát thường xuyên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường khởi phát ở trẻ em.

Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh mãn tính và có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bình thường, làn da sẽ có một lớp màng bảo vệ để ngăn không có nước trong da bị bốc hơi kèm theo đó là bảo vệ làn da khỏi những tác nhân xấu từ bên ngoài. Tuy nhiên với trẻ bị viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ này bị tổn thương khiến cho làn da của trẻ bị khô, mất nước và các vi khuẩn ở ngoài dễ dàng xâm nhập gây nên mụn đỏ, ngứa ngáy trên da bé.

Thông thường hơn 90% trường hợp trẻ sẽ ổn định sau 2 tuổi, chỉ 5% số trẻ bị bệnh chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn, có không ít trường hợp bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trưởng thành.

Hiện nay, tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị cũng như sinh hoạt và chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm ngứa và ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát.

Nguyên nhân và các dấu hiệu của bệnh

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em chủ yếu là do di truyền. Bên cạnh đó, các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên gồm: dị nguyên trong không khí (chất thải của rệp nhà, len dạ,…), ngoại độc tố của tụ cầu trùng vàng, dị ứng thức ăn (trứng, sữa, cá, đậu tương, bột mì,…).

Trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện khác nhau tùy từng giai đoạn bệnh.

  • Ở giai đoạn cấp tính, biểu hiện bệnh là nổi sẩn và đám sẩn trên da, có đám da đỏ ranh giới không rõ, nổi mụn nước tiết dịch, da bị phù nề, đóng vảy tiết,… Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm và nếu nặng hơn có thể lan ra cánh tay và thân mình.
  • Giai đoạn bán cấp, triệu chứng bệnh nhẹ hơn, da không phù nề hay tiết dịch.
  • Giai đoạn mạn tính, da trẻ dày thâm, ranh giới rõ, có các vết nứt đau, thương tổn ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cổ tay, cẳng chân, cổ, gáy, các ngón tay,…

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm da cơ địa ở trẻ em có thể dẫn đến những biến chứng như nhiễm trùng; tổn thương ngoài da để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ sau này. Bên cạnh đó, bệnh còn làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Với các trường hợp mắc viêm da cơ địa mức nặng, bệnh có thể tác động lên các dây thần kinh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, nếu điều trị không đúng cách, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, kéo dài dai dẳng tới khi trẻ trưởng thành, đi kèm với các biến chứng như viêm kết mạc mắtviêm mũi dị ứng, hen suyễn,…

Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ

Điều trị sớm cho trẻ với mục tiêu:

  • Cải thiện triệu chứng bệnh: giảm ngứa, giảm viêm.
  • Dưỡng ẩm cho da, tái tạo nước cho da.
  • Bảo vệ da.
  • Phòng và điều trị nhiễm trùng.

Kiểm soát ngứa cho trẻ

Ngứa sẽ khiến trẻ gãi nhiều và làm cho bệnh viêm da cơ địa ở trẻ trở nên nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng. Để giảm ngứa cho trẻ có thể sử dụng một số cách sau:

  • Đắp ẩm hoặc sử dụng băng ướt cho vùng da tổn thương.
  • Vệ sinh sạch sẽ bàn tay của trẻ, không để móng tay trẻ dài.
  • Đánh lạc hướng sự tập trung chú ý của trẻ khi trẻ đang ngứa và gãi nhiều, như chơi trò chơi, xem TV,…
  • Sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp băng ướt (hoặc đắp ẩm) được áp dụng nếu bệnh viêm da cơ địa ở trẻ không được kiểm soát trong 24 – 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng cortisone. Băng ướt (hoặc đắp ẩm) thường chỉ cần từ ba đến năm ngày đã thấy rõ hiệu quả. Có thể pha dung dịch làm tăng cường độ ẩm cho da theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả hơn. Số lần thực hiện băng ướt (hoặc đắp ẩm) cho trẻ thường là vài lần mỗi ngày, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Thoa thuốc, kem dưỡng ẩm để làm dịu sự khó chịu của bé

Sử dụng thuốc điều trị

Việc điều trị bệnh viêm da cơ địa chủ yếu tập trung vào các mục đích: Làm dịu da, chống khô da, ngừa viêm da với các loại thuốc sau:

Thuốc bôi

Tùy theo mục đích cần đạt được, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một loại thuốc bôi ngoài da hoặc kết hợp sử dụng nhiều loại để đạt hiệu quả cao nhất. Tác dụng chính của các loại thuốc bôi là điều trị tại chỗ, loại bỏ các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc bôi thường được sử dụng cho bệnh nhân viêm da cơ địa là:

  • Thuốc làm ẩm ngoài da
  • Thuốc điều trị chính
  • Thuốc điều trị trung bình
  • Thuốc điều trị mạnh
  • Thuốc đắp
  • Thuốc bạt sừng, bong vảy

Sử dụng corticosteroid tại chỗ: Việc điều trị tùy theo nhu cầu với những trường hợp nhẹ thì không nên dùng. Cân nhắc lựa chọn những loại corticosteroid có hoạt tính phù hợp với lượng thuốc vừa đủ để sử dụng ngắn hạn, giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.

Sử dụng Tacrolimus, Pimecrolimus tại chỗ để ngăn chặn bệnh tiến triển khi có dấu hiệu tái phát.

Sử dụng corticosteroid gián đoạn tại chỗ.

Khi sử dụng các loại thuốc bôi điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em, đặc biệt là nhóm thuốc có hoạt lực cao cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc uống

Ngoài thuốc bôi điều trị tại chỗ, bác sĩ còn có thể kê cho bệnh nhi viêm da cơ địa sử dụng các loại thuốc uống có tác dụng trên toàn thân để cải thiện tình trạng mẫn cảm ngoài da. Những loại thuốc uống thường được chỉ định gồm:

  • Nhóm thuốc kháng sinh
  • Nhóm thuốc ức chế miễn dịch
  • Nhóm thuốc corticoid dạng uống

Thuốc chống dị ứng hoặc chống ngứa dạng uống không cần kê toa (thuốc kháng histamine) chẳng hạn như cetirizine (Zyrtec) hoặc fexofenadine (Allegra) có thể sử dụng để chống dị ứng. Ngoài ra, nếu tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng thì bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc diphenhydramine (Benadryl) cho bé.

Khi sử dụng các loại thuốc uống cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng trong từng trường hợp cụ thể, tránh tự ý dùng thuốc để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gặp phải những phản ứng phụ khó lường.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa

Bên cạnh việc điều trị, các bậc phụ huynh cần chú ý tới những vấn đề sau để giảm nguy cơ mắc bệnh và tái phát viêm da cơ địa ở trẻ:

  • Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để có hệ miễn dịch tốt.
  • Giữ phòng ngủ của trẻ thoáng mát, sạch sẽ, có độ ẩm hợp lý.
  • Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bụi bẩn hay lông động vật.
  • Khi cho trẻ uống sữa, thực phẩm dinh dưỡng, bột,… cần theo dõi xem bé có dấu hiệu dị ứng không, nếu có thì cần đổi loại thực phẩm khác.
  • Quần áo của trẻ nên làm từ các loại vải mềm, không có bụi vải và nên hạn chế đồ len, dạ vì dễ gây ngứa, kích ứng da.
  • Vệ sinh cơ thể trẻ bằng nước ấm, không quá nóng hay quá lạnh.
  • Chọn sữa tắm có độ pH thích hợp cho bé, có tính axit nhẹ, giúp tái tạo và duy trì pH da, rửa sạch chất bẩn, không làm khô da và không chứa các thành phần gây kích ứng da.
  • Bôi thuốc dưỡng ẩm cho bé ngay sau khi tắm.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng tã lót của trẻ, tránh hăm da.
  • Canh chừng, không để trẻ cào, gãi làm tổn thương da.
  • Bổ sung đầy đủ nước và các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, Omega-3 cho bé để tăng cường sức đề kháng, chống viêm từ bên trong cơ thể.

Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em có thể chuyển biến phức tạp nếu không được điều trị đúng cách nhất là đối với những trẻ có làn da nhạy cảm, chỉ cần một tác nhân nhỏ cũng khiến cho làn da trẻ có thể tổn thương. Vì vậy bố mẹ cần quan tâm trong việc chăm sóc trẻ và bảo vệ làn da của bé.

Leave a reply