Rối loạn tiêu hóa thường gây ra cảm giác đau bụng, khó chịu, mệt mỏi, đi ngoài nhiều, tiêu chảy… việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vậy cách điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa này là gì?

Điều trị rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh

Bệnh rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một tình trạng bất thường ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn, đôi lúc làm người bệnh xấu hổ. Nếu không chữa trị triệt để, bệnh có thể dẫn đến các bệnh mạn tính nghiêm trọng hơn.

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn tiêu hóa có thể kể đến:

  • Chế độ ăn uống: Ăn uống không đúng bữa, không khoa học. Dùng nhiều trà, cà phê, đồ ăn chua cay, nhiều dầu mỡ hoặc ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh.
  • Nguyên nhân bệnh lý: Các bệnh lý ở đại tràng, dạ dày có thể gây nên các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Một số bệnh điển hình như: viêm đại tràng, viêm loét dạ dày – tá tràng… đều có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng.
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh có thể vô tình làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
  • Do uống nhiều rượu, bia: Khi sử dụng rượu, bia quá nhiều, lượng cồn trong rượu, bia làm tăng khả năng co bóp của dạ dày, acid dịch vị cũng tiết ra nhiều hơn, gây mất cân bằng trong hệ sinh thái vi sinh đường ruột. Dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, thậm chí không ăn uống được, rối loạn đại tiện vào ngày hôm sau.

Những dấu hiệu thường gặp

Ợ hơi, ợ nóng

  • Đây cũng là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình mà bạn cần đặc biệt lưu ý. Ợ hơi, ợ nóng khi đói và cả sau khi no là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề.

Đau bụng âm ỉ

  • Đau bụng rối loạn tiêu hóa là triệu chứng mà bất cứ người bị bệnh nào cũng phải đối mặt. Cơn đau có thể xuất hiện ở vùng bụng trên, bụng dưới tùy thuộc vị trí tổn thương. Đau nhức sau khi ăn no, ăn đồ cay nóng hoặc ngộ độc thực phẩm.

Cơn đau có thể âm ỉ, đau râm ran cả ngày hoặc đau quặn như dao đâm, đau dữ dội, thậm chí là đau lan ra sau lưng khiến người bệnh không thể đi đứng hay ngồi bình thường được.

Đầy hơi

  • Người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng giống như: Bụng luôn chướng hơi, ì ạch, khó chịu, nhất là sau khi ăn no.
  • Cơ thể xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa này là do thức ăn không được tiêu hóa hết nên ứ đọng trong ruột, dạ dày và gây đầy bụng, khó tiêu. Điều này là rất điển hình bởi khi bạn bị rối loạn, hoạt động tiêu hóa thức ăn của dạ dày, ruột cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thay đổi bất thường về đại tiện

  • Tiêu chảy, táo bón hay tình trạng đại tiện thay đổi là triệu chứng chắc chắn người bị rối loạn tiêu hóa phải trải qua. 
  • Rối loạn tiêu hóa khiến chức năng đào thải của cơ thể có những thay đổi bất thường. Người bệnh sẽ thấy triệu chứng rối loạn tiêu hóa như thường xuyên đi đại tiện, tiêu chảy/táo bón kéo dài mà không rõ nguyên nhân.

Nôn trớ

  • Nôn trớ là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng dưới tác động gắng sức của cơ thể.

Đặc biệt triệu chứng này xuất hiện nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm: bú quá no, các cữ bú quá gần nhau, mới đổi loại sữa mới, lỗ núm vú cao su quá to hoặc quá nhỏ, nằm bú không đúng tư thế.

Triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng rất đặc trưng trên, người bệnh rối loạn tiêu hóa còn có thể có cảm giác buồn nôn, nôn mửa nhiều (trong trường hợp rối loạn do ngộ độc thực phẩm), người mệt mỏi, uể oải (mất nước do tiêu chảy), đau đầu, sốt,…

Thông thường, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn chỉ xảy ra ít và ở mức độ nhẹ.

Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như đi ngoài có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh,… Thì chứng tỏ bệnh của bạn đã khá nặng. Hãy liên hệ với bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời.

Những thực phẩm tốt cho tiêu hóa

Điều trị rối loạn tiêu hóa

Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa

Một số triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa là cảm giác khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn. Các tình trạng này có thể được cải thiện nhờ các thuốc sau:

  • Domperidon: Là thuốc có tác dụng tăng áp lực cơ thắt dưới, hỗ trợ tăng co bóp dạ dày giúp chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Domperidon thường được dùng khi buồn nôn, khó tiêu, trào ngược dạ dày….
  • Neopeptine: Là men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, giảm cảm giác chướng hơi đầy bụng.
  • Maalox: Là thuốc được dùng khi đầy bụng, khó tiêu có kèm theo ợ chua do thừa dịch vị axit. Thuốc có tác dụng kháng axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng, niêm mạc thực quản.
  • Metoclopramide: Thuốc giúp hạn chế cảm giác buồn nôn, chống trào ngược dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Cylovanon: Là thuốc được chỉ định dùng khi chướng bụng, ợ hơi, táo bón. Ngoài ra Cylovanon cũng có tác dụng lợi mật.

Khi bị rối loạn tiêu hóa nặng, người bệnh có thể đi ngoài phân lỏng hoặc thậm chí là đi ngoài nhiều nước (tiêu chảy). Một số loại thuốc hỗ trợ tình trạng này bao gồm:

  • Berberin: Với thành phần chiết xuất từ cây hoàng đằng, Berberin được xem là 1 loại kháng sinh thực vật giúp tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột, giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra thuốc còn kích thích tăng tiết mật, giúp tiêu hóa tốt hơn;
  • Oresol: Là dung dịch bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể khi bị tiêu chảy kéo dài. Lưu ý: Oresol cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì để đạt hiệu quả tối đa;
  • Loperamid: Đây là loại thuốc chỉ định để cầm tiêu chảy khi các triệu chứng tiêu chảy kéo dài mà không rõ nguyên nhân.

Thay đổi cách ăn uống

Việc mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột hay loạn khuẩn đường ruột hầu hết đều xuất phát từ thói quen ăn uống không khoa học. Để góp phần cải thiện cũng như chấm dứt các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thì người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống của bản thân. Chúng ta cần tự điều chỉnh và tập cho cơ thể thói quen ăn uống lành mạnh.

Theo các chuyên gia, muốn điều trị rối loạn tiêu hóa thì người bệnh nên đảm bảo tuân thủ một số tiêu chí sau:

  • Bổ sung đủ nước và chất điện giải hàng ngày. Tùy theo cân nặng cũng như thói quen sinh hoạt của mỗi người mà lượng nước tối thiểu cần dung nạp có thể dao động từ 1,5-2 lít. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự làm phong phú thực đơn bằng cách thay thế nước đun sôi để nguội bằng nước trái cây nhưng cần đảm bảo các loại nước khác hợp vệ sinh.
  • Điều chỉnh khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày sao cho đủ các nhóm chất đạm, chất xơ, các vitamin,…
  • Điều quan trọng nhất trong giai đoạn điều trị rối loạn tiêu hóa là phải tuyệt đối nói không với rượu, bia, thuốc lá cũng như các chất kích thích. Các loại đồ uống có cồn chỉ khiến sức khỏe hệ tiêu hóa kém đi thay vì tốt lên.
  • Hạn chế tối đa dung nạp các món ăn nhiều gia vị, cay nóng hoặc sử dụng nhiều dầu mỡ.
  • Đảm bảo luôn tuân thủ nguyên tắc “Ăn chín – Uống sôi”, đảm bảo vệ sinh khi ăn uống trong mọi hoàn cảnh.

Xem thêm: Những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Có thể bạn chưa biết nhưng thời gian biểu và đồng hồ sinh học của mỗi người sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe đường ruột của họ. Đối với các bệnh nhân đang điều trị rối loạn tiêu hóa – đường ruột đã bị tổn thương thì chúng ta cần đảm bảo điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt cho khoa học:

  • Thứ nhất, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và đi ngủ sớm.
  • Thứ hai, tuyệt đối không nằm luôn sau khi kết thúc bữa ăn hoặc vẫn đang thấy cảm giác no còn rõ ràng. Tuy nhiên lúc này người bệnh cũng không nên vận động mạnh sẽ khiến đau bụng xóc và tệ hơn là trào ngược thức ăn.
  • Thứ ba, để cơ thể quá đói rồi mới ăn hoặc ăn quá no mỗi bữa đều không có lợi cho quá trình điều trị rối loạn tiêu hóa. Cách tốt nhất là chúng ta kiểm soát lượng thực phẩm vừa đủ cho cơ thể cảm thấy thoải mái nhất.
  • Cuối cùng, luôn vệ sinh môi trường sống và đặc biệt là rửa tay trước khi ăn để tránh hệ tiêu hóa bị nhiễm khuẩn.

Những lưu ý để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa các vấn đề về tiêu hóa, mỗi người nên chủ động xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số lời khuyên giúp gia tăng sức khỏe hệ tiêu hóa mà bạn có thể tham khảo:

  • Ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng. Ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa.
  • Với người thường xuyên táo bón, cần bổ sung nhiều chất xơ, rau xanh để tăng cường quá trình đào thải của cơ thể.
  • Hạn chế uống các thức uống có cồn.
  • Thường xuyên bổ sung men vi sinh, các lợi khuẩn có lợi cho đường ruột.
  • Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn, mỗi ngày nên đi WC 1 lần vào cùng một thời điểm.
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại các tác nhân sinh vật gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Mặc dù rối loạn tiêu hóa là tình trạng rất thường gặp nhưng người bệnh cũng không nên quá chủ quan. Vì nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến nhiều bệnh nghiêm trọng hơn.

Leave a reply