Huyết áp cao rất nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, tử vong. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống thuốc hạ huyết áp sẽ giúp giảm tác hại. Hay thay đổi lối sống có thể hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn. Hãy cùng Parapharmacy tìm hiểu rõ hơn về các cách điều trị bệnh cao huyết áp nhé!

Điều trị cao huyết áp
Điều trị cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp

Máu được đưa từ tim đến tất cả bộ phận của cơ thể trong các động mạch. Huyết áp là lực đẩy máu đi qua cơ thể và tác động lên thành động mạch. Chỉ số huyết áp phụ thuộc vào lượng máu mà tim đang bơm (huyết áp tâm thu) và mức độ cản trở dòng máu chảy trong động mạch (huyết áp tâm trương). Động mạch càng hẹp, chỉ số huyết áp càng cao.

Theo Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế (ISH), huyết áp thấp hơn 130/85mmHg được xem là bình thường. Huyết áp từ 130/85mmHg đến dưới 140/90mmHg gọi là bình thường – cao. Huyết áp từ 140/90mmHg trở lên gọi là cao.

Huyết áp cao sẽ tác động vào thành động mạch và gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, tổn thương các mạch máu hay các cơ quan như mắt, tim, não và thận. Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng nhưng lại là nguy cơ chính của bệnh tim và đột quỵ. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả điều trị cao huyết áp.

Nguyên nhân gây ra bệnh

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp vô căn. Loại này thường là do di truyền, phổ biến hơn ở nam giới.

Cao huyết áp thứ phát là hệ quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay tác dụng gây ra bởi thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá. Loại này chỉ chiếm khoảng 5 – 10% trên tổng số ca bệnh cao huyết áp.

Đối với tăng huyết áp gây ra do tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi ngừng thuốc có thể mất chừng vài tuần để huyết áp ổn định lại về mức bình thường. Trẻ em, nhất là các trẻ dưới 10 tuổi, mắc cao huyết áp thứ phát thì nguyên nhân thường là do bệnh khác gây ra, điển hình như bệnh thận.

Tăng huyết áp thai kỳ là dạng tăng huyết áp đơn thuần nhưng thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Trong khi đó, tiền sản giật cũng xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, nhưng kèm theo phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân của các dạng tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai này có thể là do thiếu máu trầm trọng, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ trẻ dưới 20 tuổi hoặc cao trên 35 tuổi, tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường,…

Điều trị bệnh cao huyết áp

Dùng thuốc điều trị

FDA đã phê duyệt nhiều loại thuốc điều trị cao huyết áp, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Giúp thận thải thêm nước và muối ra khỏi cơ thể, đồng thời làm giảm lượng máu
  • Thuốc ức chế men chuyển đổi angiotensin (ACE) và thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB): Làm giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu
  • Thuốc chẹn beta: Khiến tim đập ít hơn
  • Thuốc trực tiếp làm giãn mạch: Bao gồm thuốc chẹn kênh canxi và các chất làm giãn mạch máu trực tiếp khác
  • Thuốc chẹn alpha: Giảm các xung thần kinh làm thắt chặt mạch máu
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh: Kiểm soát các xung thần kinh từ não để thư giãn các mạch máu.

Nhiều người bị huyết áp cao có thể cần nhiều loại thuốc để đạt được huyết áp mục tiêu. Bác sĩ có thể cho bạn biết liệu có nên uống thuốc hạ huyết áp hay không và nếu có thì (các) loại thuốc nào là lựa chọn tốt nhất.

Thuốc Amlor 5mg được dùng trong điều trị huyết áp cao

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị huyết áp cao

Trong quá trình sử dụng các thuốc trị huyết áp cao, để phòng tránh việc thuốc không đạt hiệu quả như mong đợi hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

  • Uống thuốc đúng liều, đúng giờ và duy trì việc uống thuốc đều đặn hàng ngày. Nên uống vào buổi sáng để thuốc phát huy tối đa công dụng.
  • Thực hiện việc điều trị theo đúng phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc hay liều lượng vì rất dễ dẫn đến tai biến.
  • Tuyệt đối không dùng theo đơn thuốc của người khác vì tình trạng bệnh lý và cơ địa của mỗi người là khác nhau.
  • Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền khác (nếu có), ví dụ như hội chứng thận hư, mỡ máu, đái tháo đường,… để ổn định huyết áp.
  • Lưu ý các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ và đi tái khám.
  • Bên cạnh việc điều trị tình trạng cao huyết áp bằng thuốc, bệnh nhân cần vận dụng một chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động khoa học theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế.

Thay đổi lối sống sinh hoạt

  • Đi bộ và tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân – béo phì
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh
  • Hạn chế lượng rượu
  • Bỏ thuốc lá
  • Cắt giảm lượng caffeine
  • Giảm căng thẳng
  •  Đảm bảo giấc ngủ chất lượng
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu kali
  • Ăn tỏi hoặc bổ sung chiết xuất tỏi
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá và hạn chế sử dụng nhóm thực phẩm chứa nhiều đường, đồ ăn chiên xào và không thêm quá nhiều muối vào thực phẩm.
  • Bổ sung một số vi chất như vitamin C, omega-3, coenzym Q10, magie được cho là có thể giảm huyết áp nhưng chưa có những nghiên cứu thực sự thuyết phục.

Điều trị cao huyết áp trong trường hợp khẩn cấp

Một số trường hợp cao huyết áp cấp cứu cần phải được chữa trị ngay lập tức tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, vì lúc này nguy cơ bệnh nhân tử vong là khá cao. Bệnh nhân có thể được thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để nhanh chóng cải thiện tình hình.

Hầu hết các bệnh tim mạch ở nước ta, đặc biệt là những bệnh lý mãn tính phổ biến như cao huyết áp, vấn đề tuân thủ điều trị luôn là điều khiến cho các bác sĩ đau đầu. Do việc điều trị thường phải phối hợp nhiều thuốc, dẫn đến việc bệnh nhân quên uống thuốc, hoặc có thuốc nhưng không uống, hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, hậu quả là hiệu quả điều trị tăng huyết áp không được cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải thật sự nghiêm túc trong việc chữa trị bệnh của chính bản thân mình, phối hợp tốt với bác sĩ để tối đa hóa hiệu quả điều trị.

Kiểm soát huyết áp là một hành trình lâu dài. Tình trạng này được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng cho đến khi gây tổn thương cho cơ thể.

Tăng huyết áp có xu hướng xấu đi theo tuổi tác và bạn không thể biết mình có bị cao huyết áp hay không bằng cách cảm nhận. Vì vậy hãy nhờ nhân viên y tế đo huyết áp định kỳ cho mình hoặc tự đo tại nhà khi biết cách và có kinh nghiệm. Sản phẩm máy đo huyết áp có bán rộng rãi ở nhiều cửa hàng thuốc. Nhân viên y tế hoặc dược sĩ có thể giúp bạn chọn thiết bị phù hợp. Nhiều cửa hàng thuốc cũng có thiết bị đo huyết áp mà bạn có thể sử dụng miễn phí khi đến mua thuốc.

Leave a reply