Chứng ợ nóng là gì?

Ợ nóng là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác khó chịu và nóng rát ở vùng xương ức, ngực. Triệu chứng này thường xuất phát từ cơ trơn thực quản, sau đó lan dần lên vùng cổ họng và sau mang tai. Sau khi ợ nóng, bệnh nhân thường cảm giác chua hoặc đắng miệng cho dịch vị dạ dày đọng lại.

Về bản chất, ợ nóng không phải là một bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng thể hiện sự bất thường của cơ quan tiêu hóa. Triệu chứng ợ nóng xảy ra ở mọi độ tuổi và mọi đối tượng.

Triệu chứng ợ nóng kéo dài có thể khiến bạn ăn uống kém, khó nuốt hoặc là dấu hiệu thể hiện sự bất thường của hệ tiêu hóa.

Nguyên nhân gây ợ nóng

Từ thói quen ăn uống và sinh hoạt

  • Ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm béo: Khiến quá trình tiêu hóa của dạ dày bị chậm lại, thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày, sinh ra khí và tăng áp suất. Điều này đã tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, khí và axit dạ dày bị đẩy lên thực quản – họng gây ợ nóng.
  • Ăn các thức ăn gây ợ nóng: Các món ăn cay, nóng, đồ uống có cồn hoặc đồ uống có ga, trà bạc hà, trà đặc,… kích thích dạ dày tăng tiết axit, làm nhu động dạ dày bị rối loạn, đẩy ngược axit dư thừa lên thực quản, gây chứng ợ nóng và khó tiêu.
  • Thói quen luyện tập: Các bài tập như đẩy tạ, gập bụng, trồng cây chuối hoặc chạy quá sức,… tạo nhiều áp lực cho vùng bụng hoặc vùng ngực, có thể làm tăng lực ép lên dạ dày, làm axit bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản, gây ợ nóng.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAID, các Glucocorticoid có thể làm mỏng lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày, tạo điều kiện cho axit tiếp xúc với niêm mạc dạ dày, gây kích thích hệ thần kinh chi phối nhu động co bóp của dạ dày. Điều này khiến dạ dày bị rối loạn co bóp, đẩy ngược thức ăn và axit lên thực quản, dẫn tới tổn thương niêm mạc thực quản, gây triệu chứng ho, ợ nóng.

Thông thường, tình trạng ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn gây ra bởi nguyên nhân thói quen ăn uống, sinh hoạt chỉ kéo dài trong khoảng 1-3 ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này kéo dài, đi kèm các dấu hiệu bất thường khác thì có thể nguyên nhân gây ợ nóng đến từ các bệnh lý nguy hiểm.

Nguyên nhân từ các bệnh lý

90% các trường hợp bị ợ nóng, khó tiêu thường xuyên là do mắc các bệnh lý trên dạ dày. Cụ thể là:

  • Viêm loét dạ dày: Tình trạng này khiến khả năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị giảm và làm tăng tiết axit dạ dày bất thường. Bên cạnh đó, các đầu mút dây thần kinh bị axit trong dịch vị dạ dày kích thích làm rối loạn nhu động co bóp của dạ dày. Điều này khiến dịch dạ dày bị trào ngược, gây triệu chứng ợ nóng, trào ngược, buồn nôn, khó tiêu,…
  • Trào ngược dạ dày – thực quản: Gây ra bởi sự kết hợp của 3 nguyên nhân là axit dịch vị tăng tiết bất thường, suy giảm chức năng của cơ thắt thực quản dưới và rối loạn co bóp của nhu động dạ dày. Khi axit và enzyme tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên sẽ bào mòn, làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây cảm giác nóng rát. Một số triệu chứng đi kèm gồm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn, tức ngực, đau lan ra sau lưng.
  • Ung thư dạ dày: Khiến người bệnh đau đớn, suy giảm chức năng tiêu hóa, thường xuyên bị buồn nôn và nôn, ợ nóng, ợ chua, đắng miệng,….
  • Sỏi mật: Mật là cơ quan tiết ra dịch mật có chứa enzyme tiêu hóa dầu mỡ. Khi bị sỏi mật, dịch mật tiết ra không đủ nhu cầu cơ thể, khiến lượng dầu mỡ ăn vào không được tiêu hóa hết, làm kích thích niêm mạc đường ruột, khiến bệnh nhân bị buồn nôn, nôn ói, ợ nóng và trào ngược.
  • Đau tim: Khi bị đau tim, các xung động thần kinh trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích. Quá trình tiêu hóa ở dạ dày gây rối loạn co bóp, đẩy ngược axit dịch vị lên thực quản, gây ợ nóng.
Tình trạng này gây ra nhiều sự khó chịu, phiền toái

Nguyên nhân khi mang thai

Có khoảng 80% thai phụ xuất hiện triệu chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nếu trước đó tình trạng này chưa từng xuất hiện thì đây chỉ là chứng ợ nóng sinh lý, không gây nguy hiểm cho bà mẹ mang thai. Nguyên nhân gây chứng ợ nóng ở bà bầu là do những thay đổi về nội tiết khi mang thai, kết hợp với sự chèn ép của em bé trong những tháng cuối thai kỳ. Cụ thể:

  • Thay đổi nội tiết: Hàm lượng hormone progesterone tăng cao làm giảm trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới (van ngăn cách giữa dạ dày với thực quản) và làm chậm lại nhu động co bóp tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Điều này khiến thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, lên men, sinh khí và thoát ra đường miệng, gây hiện tượng ợ hơi. Nếu cơn ợ hơi kéo theo axit dịch vị thì bà bầu sẽ có cảm giác ợ nóng, nóng rát tại thực quản và họng.
  • Sự phát triển của thai nhi: Vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi đã phát triển lớn, gây chèn ép các cơ quan nội tạng, trong đó có dạ dày. Sự chèn ép này khiến dạ dày bị nâng lên cao, tạo áp lực đẩy axit dịch vị trào ngược lên thực quản, khiến thai phụ bị ợ nóng.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Ợ nóng thường dẫn đến nóng rát vùng ngực và cơn đau phía sau xương ức. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau ngực có thể là triệu chứng của cơn đau tim nguy hiểm. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn bị đau hoặc tức ngực dữ dội, đặc biệt khi kết hợp với đau lan ở cánh tay và hàm hoặc xuất hiện triệu chứng khó thở.

Bạn cũng nên đi khám ngay nếu thấy các dấu hiệu sau:

  • Ợ nóng xảy ra thường xuyên.
  • Các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã sử dụng thuốc không kê đơn.
  • Gặp khó khăn khi nuốt.
  • Buồn nôn hoặc nôn dai dẳng.
  • Sụt cân vì chán ăn hoặc ăn uống khó khăn.

Cách khắc phục tình trạng ợ nóng

Điều trị ợ nóng bằng thuốc

Nhiều loại thuốc trị viêm loét dạ dày có thể giúp giảm chứng ợ nóng, bao gồm:

  • Thuốc kháng axit: Tác dụng trung hòa axit dạ dày giúp giảm đau nhanh chóng (Antacid: magnesium hydroxide, aluminum hydroxide,…). Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không thể chữa lành thực quản bị tổn thương do axit dạ dày.
  • Thuốc chẹn H2: Làm giảm lượng axit dạ dày, giảm đau lâu hơn thuốc kháng axit (Cimetidine, Famotidine,…).
  • Thuốc ức chế bơm proton: PPI có khả năng làm giảm axit dạ dày đồng thời chữa lành các mô bị tổn thương trong thực quản (Esomeprazole, lansoprazole, omeprazole,…).

Khi sử dụng các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như: Thuốc kháng axit có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy; PPI có thể gây đau đầu, tiêu chảy hoặc đau bụng.

Thuốc trị đau dạ dày là thuốc không kê đơn, tuy nhiên người bệnh cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc cần có sự hỗ trợ tư vấn từ bác sĩ và dược sĩ.

Khắc phục ợ nóng tại nhà

Ăn uống khoa học

Người bệnh không nên ăn quá no mà chỉ nên ăn khoảng 60% lượng thức ăn, kết hợp ăn thêm các bữa phụ. Việc ăn với lượng nhỏ giúp dạ dày giảm áp lực trong quá trình tiêu hóa, hạn chế trào ngược dịch dạ dày, giảm số lần xuất hiện các cơn ợ nóng.

Đồng thời, bệnh nhân cần chú ý ăn uống đúng giờ (nhằm tạo cho dạ dày một nhịp sinh học ổn định, tránh bị kích thích làm tăng tiết axit dư thừa) và không nên ăn tối quá muộn (vì khi thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ sinh ra khí, tăng tiết axit, dẫn tới đầy bụng, ợ nóng).

Tránh căng thẳng tâm lý

Tình trạng áp lực, căng thẳng thần kinh cũng tác động xấu tới hệ tiêu hóa, gián tiếp gây ợ nóng, ợ chua. Vì vậy, người bệnh ợ nóng cần cân bằng cuộc sống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ;

Khám sức khỏe định kỳ

Giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ợ nóng và có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc theo đơn và không tự ý sử dụng thuốc hay thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc nếu không được chỉ định bởi bác sĩ.

Chuối có khả năng tạo một lớp nhầy mỏng trên niêm mạc thực quản, làm dịu niêm mạc, hạn chế ảnh hưởng của axit dạ dày khi trào ngược

Mẹo giảm triệu chứng ợ nóng

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt chứng ợ nóng:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Cân nặng dư thừa gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày lên và khiến axit trào ngược lên thực quản.
  • Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo bó gây áp lực lên bụng và cơ vòng thực quản.
  • Tránh các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ.
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn: Nên ngồi nghỉ ngơi 2-3 giờ.
  • Tránh ăn quá khuya.
  • Kê cao đầu giường hoặc nằm gối cao nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng khi ngủ.
  • Tránh hút thuốc lá và uống rượu: Cả hút thuốc và uống rượu đều làm rối loạn hoạt động của cơ vòng thực quản.
  • Tránh ăn quá no: Thay vào đó hãy chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Một nghiên cứu năm 2014 đã cho thấy, việc nhai kẹo cao su không đường sau ăn có thể giúp tăng tiết nước bọt, trung hòa acid và đẩy acid ngược trở lại dạ dày, từ đó giúp ngăn ngừa ợ nóng.

Để phòng ngừa ợ nóng hiệu quả, việc thay đổi lối sống và chế động dinh dưỡng lành mạnh là rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo các phương pháp đã được đề cập ở phần thói quen sinh hoạt ở trên.

Leave a reply

Tags: