Chứng khó đọc là một rối loạn học tập phổ biến ở trẻ em nhưng cũng có nguy cơ xuất hiện ở người lớn. Chứng này không ảnh hưởng đến trí thông minh nhưng người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp các chữ cái với những âm thanh mà các chữ đó tạo ra.

Chứng khó đọc
Chứng khó đọc thường gặp ở trẻ

Chứng khó đọc là gì?

Chứng khó đọc là tình trạng khó khăn trong học tập, làm giảm khả năng đọc, viết và đánh vần của một người. Đây là một tình trạng thần kinh và không liên quan tới trí thông minh.

Rối loạn đọc ở trẻ em, gọi theo từ chuyên môn là chứng đọc sai (dyslexia) là không nhận ra được các chữ viết, nhất là các chữ có lối đánh vần khó, và không hiểu được ý nghĩa của nhiều từ. Trẻ em bị chứng này hoặc là ngập ngừng, bỏ qua hoặc sửa đổi chữ khi đọc, là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc học chữ, gây ra sự lo lắng và bối rối cho nhiều trẻ nhỏ.

Thực tế tình trạng này đã ảnh hưởng đến 1/10 trẻ em độ tuổi đi học, thậm chí tỷ lệ lưu hành lên đến 17%. Việc chẩn đoán, hướng dẫn và hỗ trợ điều trị chứng khó đọc ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp làm giảm tác động của tình trạng này.

Nguyên nhân gây ra bệnh

Chứng khó đọc liên quan tới một số gene làm nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển của não bộ. Đây là tình trạng di truyền (yếu tố di truyền ảnh hưởng tới não và khả năng làm việc với các từ ngữ).

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng khó đọc gồm: Gia đình có tiền sử mắc chứng khó đọc, gặp vấn đề bất thường ở các bộ phận của não liên quan tới việc đọc. Ngoài ra, một số trường hợp có thể mắc phải chứng khó đọc sau khi bị chấn thương não hoặc đột quỵ.

Nếu không được điều trị, chứng khó đọc có thể khiến trẻ mất tự tin, lo lắng, hiếu chiến, không giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh, ngăn cản sự phát triển các tiềm năng của trẻ khi trưởng thành. Vì vậy, cần phát hiện sớm để điều trị chứng khó đọc bằng các lộ trình giáo dục. Do đó, nếu thấy con, em mình gặp khó khăn khi đọc, viết, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và có sự can thiệp phù hợp, tích cực.

Dấu hiệu nhận biết

Chứng khó đọc có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xuất hiện khi còn nhỏ. Tình trạng này có những biểu hiện đặc trưng gồm:

  • Chậm đạt các mốc phát triển: Trẻ mắc chứng khó đọc thường học bò, đi bộ, tập nói,… muộn hơn so với các bạn cùng lứa. Trẻ có thể phát âm sai các từ hoặc không phân biệt được các âm từ khác nhau.
  • Khó khăn khi học đọc: Trẻ thường gặp khó khăn khi phát âm, xử lý và hiểu cách phát âm của mỗi từ. Triệu chứng khó đọc có thể phát sinh khi người bệnh bắt đầu học các kỹ năng phức tạp hơn như ngữ pháp, đọc trôi chảy, phân biệt và sử dụng các cấu trúc câu, sử dụng các câu phức,…
  • Khó khăn khi học viết: Người mắc chứng khó đọc có thể viết sai từ hoặc nhanh chóng quên đi cách viết của từ.
  • Khó xử lý âm thanh: Bệnh nhân gặp khó khăn khi xử lý âm thanh của những từ có nhiều âm tiết.
  • Triệu chứng khác: Mất nhiều thời gian ghi nhớ các chữ cái trong bảng chữ cái và cách phát âm chúng; gặp khó khăn trong việc phối hợp các hoạt động; khó tập trung, khó diễn đạt suy nghĩ của mình, dễ bị dị ứng, hen suyễnchàm da,…
Chứng khó đọc gây ảnh hưởng đến quá trình học tập

Thực tế, theo các chuyên gia, trẻ em mắc chứng khó đọc gặp vấn đề với chữ viết tay, chính tả, ngôn ngữ miệng, toán học, lập kế hoạch và phối hợp vận động, tổ chức, trình tự, định hướng thời gian, tập trung và chú ý, định hướng phải – trái, xử lý thính giác và thị giác, cũng như trí nhớ.

Người lớn mắc chứng khó đọc sẽ biểu hiện các triệu chứng trên trong suốt cuộc đời. Mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng đa phần mọi người mắc chứng khó đọc đều có thể cải thiện khuyết điểm nếu được hỗ trợ phù hợp.

Dấu hiệu của tố chất thiên tài

Một trong những triệu chứng gây tranh cãi nhất là: năng khiếu trí tuệ. Vượt xa tất cả các lỗi chính tả và khó tập trung, chữ viết tay ngược và các vấn đề xử lý, những đứa trẻ mắc chứng khó đọc có xu hướng cực kỳ thông minh. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số IQ trung bình của một đứa trẻ mắc chứng khó đọc thường cao hơn so với những người bình thường.

Những đứa trẻ này vượt qua ranh giới thông thường. Cụ thể là khi đọc, bé không thể tự động ghép âm thanh phát ra với chữ cái nhìn thấy. Vì vậy bé sử dụng các dấu hiệu và giải quyết vấn đề theo cách đặc biệt mà không ai có thể nhận ra. Những đứa trẻ mắc chứng khó đọc phát triển rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề, trong việc tìm ra những cách thay thế khi không thể đọc, từ đó trở thành nhà trí tuệ lão luyện.

Một chuyên gia cho biết những đứa trẻ mắc chứng khó đọc thường trở thành một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của xã hội.

Dễ bị chẩn đoán sai hoặc bỏ sót

Chính sự thông minh quá mức đã khiến họ gặp rắc rối. Trẻ khó đọc vẫn vượt qua các bài kiểm tra, thậm chí bé còn biết đọc sớm và vượt xa các bạn bè, đồng nghiệp cùng tuổi. Sự nổi bật này khiến không ai nghi ngờ là bé đang bị khuyết tật học tập. Năng khiếu trí tuệ là yếu tố cản trở việc chẩn đoán chứng khó đọc ở trẻ em. Trẻ thường bị chẩn đoán sai và bị buộc tội là lười biếng hoặc không cố gắng.

Trường hợp khác, chứng khó đọc ở trẻ em được chẩn đoán đúng, nhưng năng khiếu bị bỏ qua. Các chuyên gia y tế vẫn đang tìm cách cải thiện, xem xét những khó khăn và nghiên cứu về kế hoạch chẩn đoán cho trẻ trong tương lai. Nhưng trẻ em là một tổ hợp phức tạp, bộ não tự điều chỉnh hoạt động và bù đắp khiếm khuyết vốn có. Vì vậy, tố chất “thiên tài” thường đi kèm với sự bất tài trong một lĩnh vực nào đó.

Là bố mẹ, điều quan trọng là phải tỉnh táo nhìn nhận. Đừng quá say mê với ý tưởng con mình là thiên tài mà không nhận thấy những khó khăn trong học tập của bé. Ngược lại, cũng đừng quá đau lòng khi bé bị chẩn đoán “khuyết tật học tập” mà không nhìn thấy năng khiếu riêng của con.

Phát huy tài năng của trẻ từ những khả năng đặc biệt

Cách kiểm soát chứng khó đọc

Chứng khó đọc thường khó chẩn đoán, điều trị hoàn toàn. Nhưng, nếu được hỗ trợ kịp thời từ trường học và gia đình thì trẻ mắc phải hội chứng này có thể cải thiện đáng kể.

Việc kiểm soát chứng khó đọc ở trẻ em thường gồm các biện pháp như:

  • Phát triển chương trình học phù hợp riêng với trẻ
  • Kết hợp sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập, khai thác trên các giác quan khác như thị giác, thính giác, xúc giác.
  • Tư vấn tâm lý, hỗ trợ để giảm bớt sự căng thẳng, tự ti của trẻ, có thể cho thêm thời gian trong các kỳ thi cho những trẻ mắc chứng khó đọc;
  • Cha mẹ cần phát hiện vấn đề của trẻ càng sớm càng tốt, thực hành đọc to với trẻ, khuyến khích trẻ đọc nhiều sách hơn, thường xuyên hơn.
  • Đánh giá, xác định các lĩnh vực mà người mắc chứng khó đọc có khả năng làm tốt hơn, hỗ trợ họ phát triển, thực hiện các công việc về thế mạnh.

Các mẹo khác: Quản lý thời gian tốt hơn bằng cách chia công việc thành các phần nhỏ; sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói; sử dụng các công cụ ghi chú trực quan (bôi màu cho những luận điểm quan trọng trên văn bản); làm việc trong một không gian yên tĩnh, sử dụng nút tai chống ồn nếu cần thiết để hạn chế sự xao lãng.

Nhìn chung, chứng khó đọc ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau và phải tìm ra cách để điều chỉnh sự khác biệt trong học tập và phát triển trong từng trường hợp. Do vậy bậc phụ huynh cần ghi nhớ và đưa ra cách kiểm soát phù hợp.

Leave a reply