Mùa tựu trường cũng là lúc bé quay lại học tập và sinh hoạt tập trung nơi đông người, tiếp xúc với nhiều bạn bè và tác nhân gây hại xung quanh nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn chuyển mùa thời tiết thay đổi tạo môi trường cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh và tấn công sức khỏe của bé.

Chăm sóc sức khỏe cho bé mùa tựu trường
Chăm sóc sức khỏe cho bé mùa tựu trường

Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh mùa tựu trường

Vào những ngày này, số lượng trẻ nhập viện tăng đột biến, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, tiếp đến là nhóm bé dưới 5 tuổi. Nguyên nhân khiến trẻ nhập viện mùa tựu trường thường do thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây bệnh. Cơ thể bé có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tiếp đến, trẻ hòa nhập môi trường mới, giao lưu, tiếp xúc nhiều nên dễ tiếp xúc với mầm bệnh. Đặc biệt, với môi trường đông đúc, có máy lạnh sẽ khiến mầm bệnh lây lan nhanh.

Một số bệnh khiến trẻ có nguy cơ mắc phải trong mùa tựu trường như: nhiễm trùng đường hô hấp (viêm VA cấp, viêm phổi phế quản, viêm phổi, cúm A/B), Covid-19, tay chân miệng, sốt virus (siêu vi), nhiễm trùng đường ruột…

Tùy theo bệnh, trẻ có triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhiều bệnh lý nguy hiểm dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: Covid-19, viêm phổi cấp, viêm họng cấp, sốt xuất huyết… nếu cha mẹ không thận trọng chăm sóc đúng cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Thường thì những trẻ mắc bệnh chưa được tiêm phòng, thể trạng không tốt như suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì, có bệnh lý mạn tính có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Mùa tựu trường là thời điểm quan trọng, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con, đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu cảnh báo như: da xanh, khó thở, thở mệt, sốt cao liên tục trên 38 độ C, li bì, bỏ ăn kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, ho liên tục kéo dài…

Chuẩn bị sẵn sàng cho bé đến trường

Cho con ăn uống đủ dưỡng chất

Bữa ăn hàng ngày giàu các dưỡng chất và nhóm chất cần thiết như tinh bột, đạm từ thịt, trứng, cá, sữa và chất béo, rau xanh, hoa quả. Thực đơn đa dạng, món ăn thay đổi thường xuyên để tạo sức hấp dẫn và kích thích bé ăn ngon miệng hơn.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ bữa và đúng giờ, đặc biệt bữa sáng đóng vai trò quan trọng cung cấp nguồn năng lượng và tinh thần cho các hoạt động hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng tốt và đầy đủ giúp trẻ phát triển tốt và tăng cường sức đề kháng, phòng chống bệnh hiệu quả.

Tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ

Vắc xin phòng bệnh giúp bảo vệ sức khỏe cho bé tốt hơn, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Phụ huynh phải tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ và đúng lịch để bé tránh bị nhiễm các bệnh lý làm suy giảm sức đề kháng cơ thể, tăng khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh.

Trong đó, cúm là bệnh nguy hiểm đối với trẻ và khả năng lây nhiễm cao, vì vậy hãy chủ động tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ hàng năm.

Tăng cường đề kháng cho trẻ

Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, hợp lý giúp cơ thể bé luôn khỏe mạnh, sức đề kháng tốt giúp cơ thể chống lại các vi rút và vi khuẩn gây bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh khi học tập và sinh hoạt tập thể ở trường.

Ngoài ra, phụ huynh lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C hoặc các dạng vitamin bổ sung dạng viên, dạng bột,…để nâng cao sức đề kháng cho bé mỗi ngày.

Tăng cường vận động cho trẻ

Luyện tập cho bé các bài tập và thời gian vận động phù hợp với thể trạng và tình trạng sức khỏe của bé, khoảng 30 phút mỗi ngày. Khuyến khích trẻ nâng cao hoạt động thể chất sau buổi học ở trường để tăng hoạt động trao đổi chất và khả năng thích nghi môi trường.

Vận động không chỉ giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, phát triển mà còn ăn ngủ tốt hơn, tăng cường sức khỏe. Duy trì vận động thể lực đều đặn mỗi ngày giúp cơ thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tăng cường sức đề kháng.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt

Hướng dẫn trẻ cách giữ gìn vệ sinh cơ thể, xúc miệng bằng nước muối. Nhỏ mắt, mũi cho trẻ hằng ngày để làm sạch các bụi bẩn ô nhiễm ngoài môi trường.

Dạy trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và tránh đưa tay lên vùng mặt để hạn chế tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Tạo thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa để hạn chế lây nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân và cho con mặc quần áo phù hợp theo thời tiết, không để quạt thẳng vào mặt bé, bật điều hòa ở nhiệt độ thích hợp.

Cho con ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc giúp trẻ phát triển trí não tốt và khỏe mạnh hơn, vì vậy phụ huynh cần duy trì giấc ngủ ngon và đầy đủ cho bé để giữ tinh thần minh mẩn và cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài ra, phụ huynh hãy luôn chia sẻ và trò chuyện với bé những câu chuyện vui về chủ đề trường học, bạn bè để bé cảm thấy vui vẻ, thoải mái và háo hức khi quay lại trường học.

Phụ huynh cần lưu ý

Trẻ vừa trải qua thời gian nghỉ hè kéo dài, nên thói quen sinh hoạt đảo lộn, có thể ngủ trễ, dậy trễ. Vì thế, trước khi nhập học trở lại, phụ huynh cần thông báo cho con lịch tựu trường, rèn giờ giấc sinh hoạt ổn định, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya dậy sớm để đảm bảo sức khỏe cho năm học mới. Nhờ đó trẻ có đề kháng tốt, ít mắc bệnh vặt.

Trong những ngày đầu đi học, nếu trẻ bệnh – đặc biệt bệnh lây nhiễm, cần cách ly trẻ ở nhà chăm sóc, đồng thời gia đình thông báo cho cô giáo về bệnh con nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao như: Covid-19, tay chân miệng, cúm A… Việc thông tin kịp thời giúp nhà trường tiếp tục phát hiện, theo dõi ngăn chặn lây trong lớp học.

Để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hiệu quả không chỉ tuân thủ việc phòng bệnh trên lớp, mà ngay cả trong gia đình. Một số bệnh truyền nhiễm có thể xuất phát từ gia đình như Covid-19, cúm, sốt xuất huyết,… do đó phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Trẻ cần tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine dự phòng như: Cúm, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não do HiB, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, bệnh do phế cầu, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus…

Leave a reply