Vitamin D đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Nguồn vitamin này có trong sữa, thực phẩm và trong ánh nắng mặt trời. Tắm nắng bổ sung vitamin D cho trẻ là cách làm mà nhiều người áp dụng. Vậy cách nào là cách tắm nắng an toàn và hiệu quả nhất cho trẻ?
Vai trò của Vitamin D
Vitamin D có tác dụng duy trì nồng độ bình thường của canxi và phosphat trong huyết tương bằng cách giúp hấp thu tốt các chất này qua ruột, làm giảm sự đào thải của chúng qua thận và qua đó giúp tạo xương bình thường.
Thiếu vitamin D sẽ gây một số bệnh lý như bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh loạn dưỡng xương người lớn. Vitamin D được dùng điều trị bệnh giảm can-xi máu mạn tính, bệnh giảm phosphat máu và bệnh thiểu năng tuyến cận giáp.
Vitamin D ngoài vai trò điều hòa canxi và hormone cận giáp còn có tác động đến hệ thống cơ-thần kinh, insulin, ảnh hưởng đến một số bệnh mạn tính như loãng xương, đái tháo đường type 2, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh nhiễm trùng, bệnh tự miễn. Thiếu vitamin D còn liên quan với các tai biến sản khoa như sinh non, sinh con nhẹ cân, tiền sản giật và ngay cả nguy cơ vô sinh.
Những nguồn cung cấp vitamin D cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Ánh nắng và cơ chế tổng hợp của cơ thể.
- Sữa mẹ.
- Sản phẩm dinh dưỡng công thức.
- Thức ăn dặm (đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên).
Tắm nắng bổ sung vitamin D cho trẻ
Trong ánh nắng mặt trời bao gồm hai loại tia cực tím (UV) là UVA và UVB, bên cạnh đó còn có UVC nhưng đã bị tầng ozone hấp thụ hết.
- UVA: Là thủ phạm làm nhăn nheo và lão hóa da, tác dụng cộng dồn có thể gây ung thư da.
- UVB: Có bước sóng thấp hơn và cần thiết tạo vitamin D.
Ngoài ra, tia UV nói chung cũng có nguy cơ gây các bệnh về mắt, trong đó bao gồm đục thuỷ tinh thể. Do đó, để việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh được phát huy tác dụng tích cực, phụ huynh cần nắm rõ để tránh mắc phải một số yếu tố làm giảm tác dụng của tia UVB như sau:
- Bóng râm hoặc trời nhiều mây (giảm 50%).
- Cho trẻ mặc quần áo khi tắm nắng (giảm gần như hoàn toàn).
- Ô nhiễm không khí.
- Kem chống nắng (giảm 80-90%).
- Da càng tối màu thì hiệu quả càng kém.
- Phơi nắng qua lớp cửa kính, phơi trong nhà.
Việc tắm nắng không đúng cách có nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ bị ung thư da và lão hoá da sau này. Hơn nữa, nếu nơi tắm nắng cho bé có không khí ô nhiễm, trẻ hít phải nhiều khói bụi cũng là yếu tố gây tự kỷ. Thế nhưng, để tắm nắng mà tạo đủ 1000 IU vitamin D mỗi ngày cho bé là chuyện gần như không thể. Vì lý do trên, các tổ chức Y tế hiện nay khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoặc sữa công thức <1 lít/ngày, kết hợp uống thêm Vitamin D 400 IU/ngày sẽ tốt cho sự phát triển của xương, đồng thời hạn chế nguy cơ tổn thương da do tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
Khung giờ tắm nắng thích hợp cho trẻ
Sau khi sinh khoảng 7-10 ngày, bé đã có thể tắm nắng để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Thời gian trong ngày mẹ nên cho bé tắm nắng trong khoảng thời gian từ 6-9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Thời gian thích hợp để giúp bé thúc đẩy quá trình trao đổi chất cho cơ thể là khoảng thời gian từ 6-9 giờ, vì thời điểm này tia hồng ngoại và tia cực tím trong ánh mặt trời khá yếu.
Ngược lại, khoảng sau 5 giờ chiều, tia X-quang trong ánh mặt trời sẽ giúp bé cưng hấp thụ can-xi và phốt pho một cách tốt nhất, có ích cho sự phát triển xương.
Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý từ 10-16 giờ, là khoảng thời gian tia cực tím cực mạnh xuất hiện trong ánh nắng mặt trời sẽ gây tổn thương làn da mỏng manh của bé, mẹ cần tuyệt đối tránh cho bé tiếp xúc với ánh nắng.
Nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh bao lâu là đủ?
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, thời gian tắm nắng có thể từ 10-30 phút mỗi ngày. Trong những ngày đầu, mẹ có thể cho con tắm nắng trong bóng râm trong khoảng 10 phút và tăng dần thời gian tắm nắng khoảng 20 đến 30 phút cho những ngày tiếp theo. Mỗi lần tắm nắng chỉ nên kéo dài khoảng 10 ngày, và mẹ nên cho bé “nghỉ” 10-20 ngày rồi mới bắt đầu lại “quy trình”. Với trẻ sơ sinh, không nhất thiết phải đưa bé ra ngoài, mẹ có thể cho con tắm nắng bên của sổ vào buổi sáng sớm, và mở cửa kính để cơ thể con hấp thụ ánh nắng tốt hơn.
Vào mùa đông, mẹ nên để con tắm nắng vào buổi chiều, tốt nhất là khoảng từ 3-5 giờ chiều. Vì buổi sáng thời tiết thường lạnh hơn, và bé dễ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngược lại thì thời gian tắm nắng cho trẻ vào mùa hè mẹ nên ưu tiên phơi nắng bé vào sáng sớm để ánh nắng không quá gắt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Hướng dẫn mẹ tắm nắng cho con đúng cách
Thời gian đầu, mẹ chỉ nên để lộ một phần da của bé, cho bé ở trong bóng râm trong khoảng 10 phút, và tiếp tục tăng thời gian lên 20 phút trong ngày thứ hai, 30 phút cho ngày thứ ba.
Cho bé mặc quần áo để hở từ bàn chân, che mặt và mắt cho bé. Tắm nắng 5 phút ở mặt thân trước và 5 phút ở thân sau ở ngày thứ 4. Những ngày tiếp theo, cho bé mặc áo hở từ đầu gối rồi kéo dần phần che lên đùi, bụng, ngực, và tăng thêm 5 phút mỗi ngày. Thời gian tắm không nên quá 30 phút mỗi ngày.
Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ
- Mẹ không nên tắm nắng cho trẻ ở những nơi gió lộng, nên chọn nơi thoáng đãng, có nhiều nắng.
- Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đầu, mặt và mắt của bé.
- Nếu tắm cho bé trong phòng, nên mở cửa kính vì cửa kính sẽ cản trở việc hấp thu tia hồng ngoại của cơ thể.
- Không nên cho con tắm nắng vào những giai đoạn thời tiết bất thường hoặc những lúc giao mùa.
- Cho bé uống nước và lau mồ hôi sau khi tắm nắng. Nếu là mùa hè, mẹ có thể tắm cho bé ngay sau khi cho con tắm nắng.
- Nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng non.
- Nên mặc ít áo cho bé, để hở da càng nhiều càng tốt.
- Trong lúc tắm nắng, nếu thấy chuyển sang màu đỏ, ra nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh, mẹ nên cho bé uống chút nước lọc ngay và lấy nước ấm lau người bé.
Những sai lầm thường gặp khi tắm nắng cho bé sơ sinh
Tắm nắng càng lâu càng tốt
Điều này hoàn toàn sai bởi ánh nắng buổi sáng khá tốt cho da cũng như sức khỏe của trẻ. Mỗi tuần bạn chỉ nên cho trẻ tắm nắng hai tiếng và chia đều cho mỗi ngày. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh mỗi ngày chỉ cần vài phút sau đó tăng dần thời gian. Khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi, bạn có thể tắm nắng tối đa cho trẻ 30 phút/ ngày.
Tắm nắng thì cần cởi hết quần áo cho trẻ
Tắm nắng cho trẻ cần thực hiện lần lượt trên các vùng da nhất định từ bàn chân, cổ chân đến lưng trước và lưng sau, cuối cùng là chân, đùi, ngực và tay. Không nên cởi hết quần áo sơ sinh vì mặt trời sẽ chiếu thẳng vào đầu, mắt gây nên những tổn thương ở những vùng nhạy cảm của trẻ.
Bé nào cũng cần phải tắm nắng
Ba mẹ luôn cho rằng, đứa trẻ nào khi ra đời cũng đều có thể tắm nắng. Ánh nắng mặt trời cung cấp vitamin D tự nhiên, có rất nhiều tác động tốt đến cơ thể bé. Tuy nhiên, bạn cần phải xem xét xem bé yêu của mình có thích hợp để tắm nắng hay không?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những bé bị mắc các bệnh ngoài da như viêm da, Eczema,… không nên tắm nắng. Ánh nắng sẽ không có tác dụng tốt với sự phát triển của những bé có trình trạng kể trên. Bạn có thể bổ sung vitamin D trong khẩu phần của bé, để bé vẫn đảm bảo sự phát triển tốt.
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh qua cửa kính cũng tốt
Nhiều ông bố bà mẹ lo ngại rằng tắm nắng cho em bé sơ sinh sẽ gây tổn thương cho làn da của bé. Bố mẹ thường đặt bé sau cửa kính, và cho rằng bé vẫn có thể hấp thu vitamin D mà không gây hại cho da. Thế nhưng quan điểm này không chính xác. Tấm cửa kính chắn trước sẽ khiến bé không hấp thụ được tia UVB trong ánh nắng và không nhận được vitamin D. Bạn có thể chọn nơi thoáng mát và chọn thời điểm tắm nắng vào sáng sớm nếu lo ngại ánh nắng gây hại bé.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới:
- Làn da của trẻ mỏng chỉ bằng 1/5 da người lớn. Để phòng ngừa những tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da mỏng manh của trẻ, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ mới đây khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng tuổi tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng ở bất kỳ thời gian nào trong ngày.
- Mặt khác, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không nên cho trẻ dưới 1 tuổi phơi nắng bởi trẻ dưới 1 tuổi da còn yếu, việc tắm nắng chỉ nên thực hiện trong bóng râm. Nếu cho trẻ phơi trực tiếp dưới ánh nắng trẻ sẽ có nguy cơ mắc những bệnh lý về da sau này.
Ngoài tắm nắng bổ sung vitamin d cho trẻ, một số thực phẩm như cá hồi, cá tuyết, cá thu, sữa, lòng đỏ trứng… cũng cung cấp vitamin D nhưng chỉ khoảng 5% nhu cầu cần thiết mỗi ngày. Trong trường hợp không thể phơi nắng, thực phẩm không đủ cung cấp nhu cầu vitamin D cần thiết, có thể sử dụng biện pháp bổ sung vitamin D bằng thuốc nhỏ giọt hoặc dạng xịt. Liều bổ sung không khác biệt nhiều với các lứa tuổi: từ 400 – 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D nếu cần trong trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn, hoặc trẻ nhỏ uống ít hơn 400ml sữa công thức/ngày. Nên lưu ý, trẻ uống sữa công thức với lượng từ 700ml trở lên/ngày thì không cần bổ sung vitamin D.
Ngoài vitamin D, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như kẽm, lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để bé khỏe hơn.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.