Bệnh về da là một trong những bệnh lý phổ biến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da. Một số bệnh da liễu chỉ gây ảnh hưởng tạm thời nhưng một số khác lại có ảnh hưởng lâu dài và nguy hiểm khi bị biến chứng. Vậy các bệnh da liễu thường gặp trên da gồm những căn bệnh nào?

Các bệnh về da liễu thường gặp

Bệnh da liễu

Da chính là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể. Ngoài chức năng chính là bao phủ và bảo vệ cơ thể khỏi thương tổn vật lý cũng như sự tấn công của các mầm bệnh, da còn đảm đương nhiều nhiệm vụ khác như:

  • Tránh để cơ thể mất nước thông qua quá trình bốc hơi
  • Thu nhận xúc cảm (nóng, lạnh, đau…)
  • Góp phần điều hòa thân nhiệt
  • Lưu trữ lipid và nước
  • Đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh vitamin D

Bất kỳ chức năng nào bên trên gặp vấn đề cũng đều có nhiều khả năng dẫn đến bệnh về da liễu.

Bệnh da liễu là tình trạng bất thường của da, gây ra các triệu chứng như ngứa, đau, rát, nổi mẩn, sưng,… bệnh do nhiều tác nhân gây nên, thông thường là do dị ứng, vi khuẩn, virus hoặc do cơ địa của người bệnh.

Các bệnh lý về da rất dễ xảy ra với nhiều người, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực trên phương diện thẩm mỹ mà còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tuy một số bệnh về da có thể dễ dàng tự khỏi sau một thời gian ngắn, nhưng đa số các bệnh này cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị theo tiêu chuẩn y tế.

Những căn bệnh da liễu thường gặp

Bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một bệnh lý mãn tính khiến da mẩn đỏ và ngứa. Trên bề mặt da nổi nhiều mụn nước và vảy tiết. Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý về da phổ biến thường gặp nhất, chủ yếu do di truyền hoặc yếu tố môi trường.

Có nhiều hình thái khác nhau bao gồm viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã,… Phần lớn các bệnh viêm da đều có biểu hiện bóng nước, rỉ dịch, bề mặt hình thành một lớp mài và tróc ra. Đặc biệt viêm da có thể gây ngứa ngáy liên tục và dữ dội, đặc biệt khi bị va chạm hoặc cọ xát.

Nấm da

Bệnh nấm da gây ra bởi vi khuẩn nấm, có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như nấm tóc, nấm thân, nấm móng, nấm bẹn,… Nấm móng thì do các loại nấm sợi tơ hoặc hạt men gây ra.
Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh từ người sang người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình khi tiếp xúc với các đồ vật, quần áo có dính nấm của người bệnh. xuất hiện vảy da gây bong tróc và rất ngứa.

Bệnh nấm da đặc trưng bởi các triệu chứng:

  • Xuất hiện dạng vòng tròn, đóng vảy, sưng đỏ, bong tróc tại vị trí bị nấm như da đầu, thân, bẹn, vùng kín,…. những khu vực có nếp gấp và dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm phát triển.
  • Theo thời gian, các vòng tròn lan rộng ra, chồng chéo lên nhau.
  • Người bệnh ngứa ngáy dữ dội.
  • Khi gãi ngứa quá nhiều có thể gặp tình trạng sưng, chảy nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng hơn.

Bệnh Zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh (dân gian thường gọi là bệnh giời leo) là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) thuộc họ virus herpes gây ra – chủng virus cũng là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Vì vậy người bị thủy đậu có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh.

Triệu chứng bệnh zona thần kinh khi khởi phát là thấy cảm giác nóng, rát bất thường, châm chích trên vùng da, nhất là về đêm. Khoảng nửa ngày đến một ngày sau, trên vùng da đó xuất hiện những mảng đỏ, nhô cao hơn bề mặt da, nối với nhau thành dải, vệt dọc theo đường dây thần kinh.

Tiếp tục, những mảng đỏ đó có mụn nước, ban đầu sẽ thấy căng nhưng về sau chuyển màu đục dần rồi hóa mủ, tự vỡ ra tạo thành các vết loét gây đau rát. Ngoài những triệu chứng trên thì bệnh zona thần kinh còn có những dấu hiệu nhận biết khác như: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, yếu cơ, nhạy cảm với ánh sáng, đau dây thần kinh,…

Bệnh chàm

Bệnh chàm (hay còn gọi là Eczema) chỉ tình trạng viêm da không lây nhiễm, đặc trưng bởi nốt sần mụn nước và những mảng đỏ. Bệnh chàm có thể cấp tính hoặc mãn tính, phát triển theo từng đợt và dễ tái phát thường xuyên. Theo nghiên cứu, bệnh chàm là một trong các bệnh về da liễu phổ biến và dễ mắc phải, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bệnh có nhiều hình thái như: chàm khô, chàm tiếp xúc, chàm dị ứng, chàm tổ đỉa, chàm da thần kinh, chàm tiết bã,… Triệu chứng đặc trưng là khô da, ngứa da, tấy đỏ, sưng và đau. Đặc biệt là cảm giác muốn gãi, nhưng càng gãi thì bệnh lại càng nặng hơn.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là chứng rối loạn da mạn tính gây ra tình trạng giãn nở mạch máu và viêm da. Đây là bệnh do sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch do nhầm lẫn về các tác nhân gây hại, bệnh khiến cho xuất hiện các mảng đỏ với vẩy trắng phủ lên trông giống như sáp nếp, kèm theo đó là triệu chứng ngứa da.

Bệnh vảy nến có thể xảy ra với mọi đối tượng ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường thấy ở người trưởng thành dưới 35 tuổi. Căn bệnh này sẽ không đáng lo ngại nếu nhận biết và điều trị sớm. Ngược lại trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, vảy nến mủ,…

Bệnh mề đay

Mề đay là một dạng phát ban do dị ứng, bệnh có thể gây nổi ban ở một phần thân thể hoặc toàn thân và đặc biệt rất ngứa. Bệnh xuất hiện khi tiếp xúc với những yếu tố dễ gây dị ứng: thức ăn, hóa mỹ phẩm, thời tiết, nấm mốc, tình trạng chà sát da, nước quá nóng hoặc quá lạnh,…

Nếu không kịp thời cách li với yếu tố gây dị ứng bệnh nhân sẽ có dấu hiệu khò khè khó thở, thậm chí là sốc phản phệ.

Những triệu chứng bao gồm:

  • Da xuất hiện những mảng gồ ghề, màu hồng, xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhiều hơn tại vùng da có nếp gấp.
  • Mề đay có thể đi kèm với hiện tượng phù mạch như sưng môi, mặt, bộ phận sinh dục,…
  • Khi càng gãi, càng động vào vùng da bị mề đay thì càng ngứa và có thể bị chảy máu, bội nhiễm

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh da liễu do ký sinh trùng cái ghẻ trên da gây ra. Bệnh lây lan nhanh chóng từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp, thường lây cho các thành viên trong gia đình.

Ghẻ là nhóm bệnh xuất phát từ việc vệ sinh cá nhân không tốt, thường tiếp xúc với môi trường độc hại dẫn đến sự xâm nhập của các ký sinh trùng ghẻ gây hại. Chúng xâm nhập vào lớp biểu bì da, đào hang và đẻ trứng, tốc độ gây bệnh rất nhanh.

Bệnh ghẻ không quá nghiêm trọng nếu được chữa trị kịp thời. Ngược lại tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp,…

Cảm giác ngứa, đau khó chịu sẽ hành hạ bạn nhiều lúc

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là một bệnh viêm da mãn tính làm cho da khô và bong ra, làm da đỏ và tróc vảy. Bệnh thường ảnh hưởng đến vùng da hay tiết dầu, tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện ở những khu vực da dày và khô. Bệnh da liễu viêm da tiết bã thường kéo dài và cần điều trị lặp lại nhiều lần.

Những triệu chứng của bệnh:

  • Bệnh viêm da tiết bã đặc trưng bởi mảng hồng ban tróc vảy vùng tiết bã (nếp mũi má, chân mày, mang tai, trước ngực, da đầu).
  • Vùng da bị bệnh có màu đỏ cam, bên trên phủ vảy xám trắng, khô hoặc mỡ nhờn, đôi khi xuất hiện các sẩn vảy da có bờ rõ.
  • Vùng ngực lưng cũng có thể biểu hiện các tổn thương hình đồng xu, hình nhẫn,..
  • Ở các vùng có lông như: đầu, lông mày, lông mi, râu… hay thấy vảy da dính màu trắng
  • Ở mặt có các thương tổn như: hai má hình cánh bướm, rìa trán, kẽ mũi, giữa hai lông mày có lớp da màu đỏ, có vảy da.

Mụn trứng cá

Trong các bệnh da liễu thường gặp không thể không nhắc tới mụn trứng cá, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh.
Mụn trứng cá là tên gọi chung cho các loại mụn trên da. Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng của mỗi người mà mụn trứng cá có những biểu hiện khác nhau, gồm nhiều loại như mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn mủ, mụn nang, mụn viêm,..

Mụn cóc

Mụn cóc (hay còn gọi là hạt cơm) là một dạng tăng sinh bất thường của da khi lớp ngoài của da phát triển nhanh chóng dẫn đến da nổi các u xấu xí, sần sùi. Mụn cóc là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus HPV. Chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua vết trầy xước hoặc tổn thương trên da.

Triệu chứng của mụn cóc là xuất hiện các nốt u cục sần sùi trên da, kích thước như hạt cơm. Mụn cóc có thể có tại các vị trí tay, chân và các khớp ngón tay, ngón chân. Màu sắc đôi khi trùng với màu da nhưng đôi khi có màu đen, nâu hoặc xám đen phẳng mịn trên bề mặt da.

Phương pháp chữa bệnh da liễu

Nhiều chứng bệnh da liễu có thể điều trị được bằng thuốc thoa ngoài da, thuốc dạng uống hoặc tiêm dưới da, phổ biến nhất là:

  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc steroid
  • Thuốc kháng sinh
  • Chất bổ sung vitamin
  • Thuốc giảm đau

Ngoài ra, đôi khi bạn cũng có thể cần điều trị bằng laser hoặc dùng thêm một số loại thuốc kê toa khác nhằm đối phó với vấn đề sức khỏe đang diễn ra cùng lúc với bệnh da liễu. Bên cạnh đó, nếu trên da có vết thương hở hoặc bệnh da liễu của bạn thuộc nhóm dễ lây nhiễm, bác sĩ có thể dùng thuốc mỡ để thoa lên vùng thương tổn và dùng băng, gạc vô trùng để bảo vệ vết thương.

Một số tình trạng không thể điều trị triệt để nhưng có thể thuyên giảm theo thời gian. Mặc dù vậy, nếu bạn thường xuyên căng thẳng hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác, nguy cơ tái phát bệnh da liễu sẽ rất cao.

Cách phòng tránh mắc bệnh da liễu

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ

  • Tắm gội thường xuyên để rửa trôi mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn và bã nhờn bám trên da
  • Tắm rửa, vệ sinh da sạch sẽ sau một ngày làm việc hoặc luyện tập thể dục thể thao
  • Sử dụng các sản phẩm dầu gội, sữa tắm có độ pH phù hợp, không chứa chất tẩy rửa mạnh tránh gây tổn thương da

Quần áo, đồ dùng cá nhân

  • Không sử dụng chung đồ cá nhân với người khác (quần áo, khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu,…)
  • Giặt quần áo sạch sẽ, chỉ mặc quần áo đã khô hoàn toàn, không mặc quần áo ẩm ướt
  • Chọn quần áo có kích cỡ thoải mái, chất liệu thấm hút mồ hôi
  • Bảo quản quần áo và đồ dùng cá nhân ở nơi sạch sẽ

Chế độ ăn uống hàng ngày

  • Ăn uống khoa học, lành mạnh, đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng đề kháng, phòng tránh các bệnh về da.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Trái lại cần hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo Với người có cơ địa dị ứng nên hạn chế chất kích thích, rượu bia, trà, cà phê, các loại hải sản có thể gây kích ứng da.

Leave a reply