Thận là cơ quan quan trọng đảm nhận nhiều nhiệm vụ giúp cơ thể duy trì sự sống. Do đó, nếu thận gặp vấn đề thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Vậy những bệnh lý thường gặp ở thận bao gồm những bệnh gì?

Các bệnh thường gặp ở thận
Bệnh thận gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Vai trò của thận

Thận là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu, là cơ quan bài tiết chính có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống.

Thận có nhiều chức năng quan trọng như:

  • Lọc máu và chất thải
  • Bài tiết nước tiểu
  • Điều hòa thể tích máu
  • Điều hòa huyết áp và sản xuất erythropoietin
  • Chuyển hóa vitamin D3 và chuyển hóa glucose

Không thể phủ nhận rằng cơ quan này nắm giữ chiếc chìa khóa giúp cơ thể hoạt động ổn định và hiệu quả.

Những thói quen gây hại cho thận

  • Lạm dụng thuốc giảm đau bằng việc sử dụng lâu dài hoặc liều lượng lớn các loại thuốc kháng viêm giảm đau như aspirin, indomethacin, acetaminophen sẽ gây hại cho thận.
  • Uống quá nhiều đồ uống không tốt cho sức khỏe như: nước ngọt, nước có ga, trà đặc, rượu bia. Hầu hết chúng đều được lọc qua thận và gan. Vì vậy, uống quá nhiều sẽ làm tăng gánh cho thận và các cơ quan tiêu hóa.
  • Nhịn tiểu là thói quen của rất nhiều người, do quá bận rộn với công việc, hay ngại đứng dậy đi tiểu để cố làm nốt việc. Điều này sẽ khiến cho nước tiểu bị giữ lại lâu trong bàng quang, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận.
  • Uống quá ít nước: nếu không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm đi đồng nghĩa với việc các chất thải và độc tố có trong nước tiểu sẽ tăng lên. Dẫn tới các bệnh như sỏi thận. thận ứ nước…
  • Ăn nhiều muối

Những dấu hiệu nhận biết bệnh

  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể hoặc khó tập trung
  • Khó ngủ
  • Da khô và ngứa
  • Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu
  • Máu lẫn trong nước tiểu
  • Nước tiểu nổi nhiều bọt
  • Bọng mắt xuất hiện và kéo dài nhiều ngày
  • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Mất khẩu vị, chán ăn
  • Cơ bắp bị chuột rút

Những bệnh lý thường gặp ở thận

Suy thận

Là tình trạng thận không đủ sức thải bỏ mọi cặn bã khiến các chất độc hại và dịch dư thừa đọng lại trong cơ thể. Căn cứ vào các chỉ số như albumin, creatinin, ure, protein… qua xét nghiệm nước tiểu bác sĩ sẽ biết được tình trạng bệnh của thận. Có 3 thể suy thận đó là suy thận cấp tính, mạn tính và suy thận giai đoạn cuối. Trong suy thận mạn tính, một số trường hợp bệnh nặng cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận nhằm duy trì sự sống. Đây cũng chính là suy thận giai đoạn cuối.

Sỏi thận

Khi bị bệnh sỏi thậnsỏi đường tiết niệu, người bệnh sẽ thấy tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, màu sắc nước tiểu thay đổi (đục, đỏ…), lượng nước tiểu ít, đau vùng thắt lưng, có thể kèm theo hiện tượng sốt hoặc không sốt… Nguyên nhân dẫn đến sỏi thận – niệu là do có sự rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, đặc biệt là lượng canxi trong nước tiểu tăng do chế độ ăn uống thừa canxi, rối loạn chuyển hóa tuyến nội tiết và tuyến cận giáp trạng. Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến sỏi thận là do viêm nhiễm đường tiết niệu.

Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư xảy ra khi các tác nhân gây bệnh lắng đọng ở cầu thận. Nhiều khi hội chứng thận hư có nguyên nhân từ việc dùng thuốc không đúng liều lượng. Khi ngừng thuốc, cầu thận có thể trở lại bình thường.

Các bệnh thường gặp ở thận
Thăm khám bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh

Viêm thận

Đây là tình trạng viêm thường gặp do nhiễm khuẩn hoặc do ngộ độc thuốc, hóa chất. Vi khuẩn gây bệnh thường là Enterobacter, E.Coli, Proteur… Viêm thận được chia làm hai dạng, đó là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn tính. Viêm cầu thận cấp là bệnh thường gặp trong các bệnh thận ở trẻ từ 2 – 15 tuổi. Nguyên nhân do nhiễm liên cầu khuẩn hay do các ổ nhiễm khuẩn bội nhiễm. Điều kiện vệ sinh kém cũng là hoàn cảnh thuận lợi gây ra bệnh. Viêm cầu thận mạn tính là biến chứng của viêm cầu thận cấp, thường gặp ở người lớn.

Viêm ống thận cấp

Bệnh thường do ngộ độc chì, thuỷ ngân, sunfamit khiến người bệnh không đái được, urê máu cao, nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu trụ hình hạt. Một số chất khác dẫn đến viêm ống thận nhiễm độc chẳng hạn như asen, tetraclorua, axit oxatic, phosphocacbon, axit clohydric, axit nitric, cantarit, pyramydon naptol, clorofoc, vitamin D2.

Bệnh thận nhiễm mỡ

Khi thận bị nhiễm mỡ, người bệnh sẽ thấy tự nhiên bị phù rất đột ngột hoặc bị phù sau nhiễm khuẩn thông thường như viêm họng. Để điều trị cần kết hợp với chế độ ăn hạn chế muối, ít nước, nhiều vitamin, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng các thuốc nhóm corticoid đúng cách theo liều lượng cân nhắc để tránh biến chứng hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Ung thư thận

Ung thư thận là căn bệnh có tỷ lệ mắc đứng thứ 9 ở người trưởng thành, đứng thứ 3 trong số các loại ung thư hệ tiết niệu (sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang).
Ung thư thận có nhiều dạng, trong đó phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào thận. Tuy nhiên, dù là loại bệnh ung thư nào thì bạn vẫn nên chủ động đi tầm soát bệnh ngay khi mới phát hiện.

Viêm đài bể thận (nhiễm trùng thận)

Viêm đài bể thận (nhiễm trùng thận) bao gồm viêm đài bể thận cấp và viêm đài bể thận mạn.
Viêm đài bể thận cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận hay còn gọi là nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên. Nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn gây nên theo đường ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản rồi đến đài bể thận, hoặc do đường máu đưa đến khi có nhiễm trùng huyết.
Viêm đài bể thận mạn là một bệnh tổn thương mạn tính ở nhu mô, ở mô kẽ của thận, do hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn từ đài-bể thận vào thận kéo dài tái phát nhiều lần, làm hủy hoại, xơ hoá tổ chức thận dẫn đến suy thận.
Viêm đài bể thận cấp tái phát nhiều lần, hoặc tình trạng suy thận cấp không được điều trị thỏa đáng sẽ dẫn đến tình trạng viêm thận – bể thận mạn tính và suy thận mạn tính.

Chăm sóc thận khỏe mạnh

Một trong những thói quen đơn giản và hiệu quả nhất bạn nên làm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đó là bổ sung nước cho cơ thể. Mỗi ngày chúng ta cần nạp ít nhất 2 lít nước để đảm bảo hoạt động của các cơ quan diễn ra ổn định.

Để kiểm soát sức khỏe thật tốt, chúng ta cần duy trì thói quen sống lành mạnh, điều độ, thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao và ăn uống đủ chất. Đặc biệt, việc đi khám sức khỏe định kỳ là cực kỳ cần thiết để theo dõi các vấn đề mình đang gặp phải, có những thay đổi trong lối sống để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Đồng thời, đây là cơ hội để phát hiện những bệnh lý đang đe dọa tới hoạt động của cơ thể.

Sau đây là các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh thận:

  • Không hút thuốc
  • Uống nhiều nước 
  • Kiểm soát huyết áp
  • Xét nghiệm và kiểm tra định kỳ, nhất là những đối tượng có tiền sử người thân trong gia đình có bệnh thận.
  • Duy trì cân nặng hợp lý nhằm kiểm soát lượng đường và cholesterol, đặc biệt là những đối tượng có bệnh tiểu đường.
  • Hạn chế một số loại thực phẩm sau trong khẩu phần ăn như: không ăn quá nhiều muối, protein động vật; không ăn quá nhiều trái cây chứa axit citric; một số thực phẩm có chứa oxalat.

Hầu hết các bệnh thường gặp ở thận đều diễn biến âm thầm, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi bệnh diễn tiến nặng. Do đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra khi có triệu chứng cảnh báo bệnh thận để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Leave a reply