Các vitamin nhóm B là những yếu tố vi lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể, bao gồm cả vitamin B12 (Cyanocobalamin). Vitamin B12 cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu và sự phát triển của hệ thần kinh. Việc bổ sung vitamin B12 cho trẻ cần được cha mẹ chú trọng, quan tâm để ngăn ngừa những nguy cơ không mong muốn xảy đến.
Vitamin B12 là chất gì?
Vitamin B12 (cobalamin) là một loại vitamin tan trong nước, đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN. Cơ thể có khả năng lưu trữ vitamin B12 trong vài năm nên trường hợp bị thiếu hụt vitamin B12 là rất hiếm. Ngoài ra Vitamin B12 còn giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu (megaloblastic), một căn bệnh làm cơ thể mệt mỏi và suy yếu.
Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, hoặc có ý định sinh con và trẻ nhỏ, Vitamin B12 được xem là một trong những Vitamin không thể thiếu. Vitamin B12 cùng với Vitamin B9 tham gia vào quá trình đóng ống thần kinh của thai nhi (từ ngày thứ 27 của thai kỳ), vì vậy, nếu cơ thể mẹ thiếu vitamin B12 thì có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật bẩm sinh đặc biệt là dị tật ống thần kinh. Để giảm thiểu tình trạng này xảy ra, các mẹ nên bổ sung vitamin B12 trước quá trình mang thai ít nhất là 3 tháng và bổ sung liên tục trong suốt thai kỳ.
Thiếu vitamin B12 gây ra hậu quả gì?
Nếu không bổ sung vitamin B12 đủ liều lượng cho cơ thể, các bé có thể gặp phải các nguy cơ sau:
- Ốm yếu, chậm phát triển hoặc bị tự kỉ.
- Lãnh đạm hoặc cáu kỉnh.
- Tăng trương lực cơ khiến bé mất khả năng phối hợp giữa các chi.
- Run rẩy, cử động vô thức.
- Động kinh.
- Rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự cân bằng, sự phối hợp giữa các bộ phận của cơ thể.
- Biếng ăn và các rối loạn ăn uống khác.
- Tăng cân chậm, tăng trưởng không đều.
- Giảm tiếp xúc bên ngoài xã hội.
- Kỹ năng vận động kém.
- Phát triển ngôn ngữ chậm trễ, gặp vấn đề về giao tiếp.
- Giảm IQ – chậm phát triển trí thông minh.
- Thiếu máu, hồng cầu lớn hơn bình thường.
Nhu cầu về Vitamin B12 ở trẻ
Tùy theo độ tuổi, lượng vitamin B12 con bạn cần sẽ là:
- Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi: 0,4 microgram mỗi ngày.
- Trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi: 0,5 microgram mỗi ngày.
- Trẻ trong độ tuổi từ 1 và 3: 0,9 microgram mỗi ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi: 1,2 microgram mỗi ngày.
- Trẻ từ 9-13 tuổi: 1,8 microgram mỗi ngày.
- Tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 14 tuổi trở lên: 2,4 microgram mỗi ngày.
Đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin B12 tăng lên để phục vụ cho cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, vitamin B12 là vitamin vô cùng cần thiết với thai nhi, giúp phòng ngừa dị tật bẩm sinh đặc biệt là phòng ngừa dị tật ống thần kinh giúp em bé hoàn thiện và phát triển hệ thống não bộ, tạo nền tảng giúp trẻ thông minh, nhanh trí hơn về sau này.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ được cung cấp vitamin B12 từ sữa mẹ. Chính vì vậy, đối với phụ nữ cho con bú rất cần bổ sung vitamin B12 hàng ngày để có thể cung cung cấp cho trẻ nhỏ thông qua sữa mẹ giúp con phát triển hơn, thông minh hơn.
Nguồn bổ sung vitamin B12 cho trẻ
Cha mẹ có thể bổ sung vitamin B12 cho trẻ thông qua chế độ ăn hàng ngày, chủ yếu đến từ các thực phẩm tự nhiên như hải sản (cua, cá hồi, tôm…); gan động vật; thịt gia cầm; bánh mì; trứng và các chế phẩm từ sữa (kem, bơ, phô mai…). Bên cạnh đó ngũ cốc và men dinh dưỡng tăng cường cũng là nguồn cung cấp B12 đáng kể.
Mặc dù cơ thể người bình thường hoàn toàn có thể hấp thu vitamin từ chế độ ăn, nhưng vẫn có một cách khác là bổ sung vitamin B12 từ thuốc hoặc thực phẩm chức năng.
Các loại thực phẩm chức năng phổ biến có thể chứa vitamin B12 nguồn gốc thực vật hoặc động vật. Đây là cách bổ sung trực tiếp vitamin B12 vào cơ thể, thông qua cách này chúng ta có thể kiểm soát được chúng ta đã đưa bao nhiêu vitamin B12 vào cơ thể và đây cũng là cách giữ được đầy đủ các tính chất của chúng hơn là bổ sung qua nguồn thực phẩm.
Lưu ý tác dụng phụ khi bổ sung Vitamin B12
Một số vấn đề có thể gặp khi bổ sung Vitamin B12 bao gồm:
- Viêm da và mụn trứng cá thường gặp ở người tiêm Vitamin B12.
- Nồng độ Vitamin B12 trong máu thai phụ hoặc phụ nữ cho con bú cao khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
- Bổ sung Vitamin B12 liều cao (trên 1.000 microgram) khiến bệnh thận thêm trầm trọng hơn.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người rối loạn hấp thu Vitamin B12 cần xem xét bổ sung dinh dưỡng này qua thực phẩm chức năng hoặc tiêm, uống trực tiếp. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện theo chỉ dẫn để bổ sung Vitamin B12 đúng cách, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.