Kẽm là loại khoáng chất vi lượng không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ. Với vai trò tổng hợp protein bằng cơ chế tạo enzyme, bổ sung kẽm là cách thúc đẩy sự phát triển của xương, cơ bắp và trí não của trẻ nhỏ. Kẽm quan trọng như vậy thì cách bổ sung kẽm cho trẻ như thế nào là tốt nhất?
Kẽm là chất gì?
Kẽm (Zn) là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa và được hấp thu ở ruột non.
Trong cơ thể người có từ 2 g đến 4 g Kẽm, phân bố nhiều nhất ở tuyến tiền liệt và mắt. Hầu hết nồng độ Kẽm còn lại phân bố ở não, cơ, xương, gan, thận và tinh dịch.
Kẽm đặc biệt cần thiết với phụ nữ có thai và trẻ em. Thực phẩm giàu kẽm gồm hải sản, thịt đỏ, rau củ và các loại hạt.
Vai trò của kẽm đối với trẻ
Kẽm giúp làm tăng sản sinh tế bào, từ trong giai đoạn bào thai đến quá trình phát triển của trẻ về sau. Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, kẽm tham gia vào quá trình sản sinh tế bào giúp thai phát triển lớn dần, đầy đủ các cơ quan bộ phận. Ngoài ra, kẽm còn tham gia trong quá trình tổng hợp enzyme hoạt động trong hệ thống thủy phân, đồng hóa, vận chuyển, phản ứng sinh năng lượng hay gắn kết các chuỗi ADN.
Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein…
Có thể thấy, kẽm tham gia vào hầu hết các quá trình sinh học quan trọng của cơ thể, sự thiếu hụt vi chất này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.
Tùy vào mức độ thiếu hụt kẽm và các chức năng sau sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các bệnh lý tương ứng như:
- Ở não kẽm có nồng độ cao trong não ở vùng Hồ Hải Mã (hippocampus), vỏ não, bó sợi rêu… việc thiếu kẽm sẽ dẫn tới các rối loạn thần kinh, gây bệnh tâm thần phân liệt
- Kẽm điều hòa chất chuyển vận thần kinh, thiếu kẽm sẽ dẫn đến rối loạn tập tính
- Kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, thiếu kẽm khiến sự vận chuyển này bị trở ngại, dễ sinh cáu gắt
- Kẽm điều hòa chức năng nội tiết tố của tuyến yên, sinh dục, giáp trạng, thượng thận Kết hợp với hệ thần kinh nội tiết tố điều hòa hoạt động sống bên trong, phản ứng linh hoạt với các tác động bên ngoài giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh, Bởi vậy thiếu kẽm, con người kém thích nghi với các biến đổi của môi trường
- Kẽm phân bổ vào da tóc, móng giúp chúng phát triển bình thường, thiếu kẽm khiến tóc xơ cứng, màu tóc chuyển vàng, móng tay dễ gãy, mọc chậm, da khô, sạm, xuất hiện bớt trắng trên da
- Thiếu kẽm làm sự nhạy cảm của vị giác giảm hoặc mất hẳn, gây tình trạng chán ăn ăn không ngon, và có thể gây ra một số bệnh lý như viêm niêm mạc miệng…
- Kẽm giúp tổng hợp- bài tiết hormone tăng trưởng làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn.
Khi nào nên bổ sung kẽm cho trẻ?
Thông thường, trẻ em được bổ sung kẽm hàng ngày thông qua chế độ ăn uống. Nhưng khi trẻ có những biểu hiện dưới đây các mẹ nên bổ sung kem cho trẻ:
- Chán ăn.
- Nôn mửa bất thường.
- Rối loạn giấc ngủ như không ngủ được, trằn trọc, liên tục thức giấc, ngủ ít.
- Chậm phát triển thể chất.
- Dễ bị dị ứng.
- Giảm trí nhớ.
- Dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn bao gồm tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp…
- Thường gặp tình trạng tổn thương da không rõ nguyên nhân, niêm mạc, các vết thương, vết bỏng chậm lành, loét, viêm lưỡi, rụng tóc, rụng lông…
Khi đã can thiệp mà trình trạng trên vẫn không thuyên giảm thì phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm kẽm huyết thanh. Kết quả xét nghiệm cho biết trẻ có đang trong tình trạng thiếu kẽm hay không và mức độ thế nào. Từ đó, bác sĩ sẽ cho mẹ biết cách khắc phục tốt nhất.
Lượng kẽm trẻ cần
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), nhu cầu bổ sung kẽm cho đối tượng trẻ em theo từng độ tuổi như sau:
- Bổ sung kẽm cho trẻ 6 tháng tuổi trở xuống: 2mg/ ngày.
- Bổ sung kẽm cho trẻ từ tháng thứ 7 đến 12 tháng tuổi: 3mg/ ngày.
- Bổ sung kẽm cho trẻ từ 4 – 8 tuổi: 5mg/ ngày.
Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi chính là sữa mẹ. Bổ sung kẽm cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể lựa chọn các loại thực phẩm giàu kẽm theo hướng dẫn bác sĩ.
Những thức ăn giàu kẽm các mẹ có thể tham khảo cho trẻ bao gồm: Tôm đồng, sữa, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò… Để tăng cường khả năng hấp thụ kẽm, nên bổ sung thêm vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây tươi như như cam, chanh, quýt, bưởi…
Mặc dù vitamin C và kẽm có thành phần, cấu tạo, chức năng riêng nhưng khi được phối hợp cùng sẽ cải thiện hiệu quả hấp thu của nhau. Nghĩa là vitamin C có tác động phát huy khả năng hấp thu của kẽm và ngược lại. Từ đó cơ thể trẻ sẽ hấp thụ vi khoáng này tốt hơn, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, tăng cường khả năng đề kháng cho bé.
Tùy thuộc vào tình trạng thực tế của mỗi trẻ, đa phần thời gian bổ sung kẽm cho trẻ thường là 2 – 3 tháng.
Ví dụ, đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, việc tăng cường kẽm trong quá trình điều trị là hết sức quan trọng. Theo khuyến cáo, phác đồ điều trị tiêu chảy cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung thêm 10mg kẽm/ngày, còn đối với trẻ từ 6 – 60 tháng tuổi cần được tăng cường 20mg kẽm/ngày. Lúc này, kẽm được bổ sung dưới dạng viên uống, thời gian sử dụng thường là 14 ngày liên tiếp.
Những lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ
- Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của trẻ, sử dụng thực phẩm giàu kẽm, thay đổi thói quen ăn uống có lợi cho việc hấp thụ kẽm.
- Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú. Bổ sung các thuốc chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm); uống sau ăn 30 phút; thời gian bổ sung là 2-3 tháng theo chỉ định của bác sĩ.
- Chữa các bệnh gây thiếu kẽm ở trẻ trước khi bổ sung như bệnh rối loạn tiêu hóa.
- Khi bổ sung kẽm nên bổ sung thêm vitamin A, B6, C và photpho vì chúng làm tăng sự hấp thu kẽm.
- Nên dùng cả sắt và kẽm, dùng kẽm trước, sắt sau, do kẽm có khả năng làm giảm hấp thu sắt khi dùng đồng thời. Nên dùng cách xa nhau ít nhất 2 tiếng.
- Kẽm và canxi cũng xảy ra tương tác nếu sử dụng cùng lúc. Canxi làm tăng bài tiết kẽm và dẫn đến giảm hấp thu kẽm trong cơ thể.
Ngoài ra theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu kẽm của trẻ thường không được đáp ứng đầy đủ nếu chỉ bổ sung qua bữa ăn hằng ngày. Do đó, bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm các loại chế phẩm bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên dùng thuốc, thực phẩm chức năng bổ sung kẽm khi trẻ thiếu kẽm, có dấu hiệu chậm lớn, biếng ăn cho dùng cho mẹ đang mang thai, cho con bú. Các loại thuốc chứa kẽm này chỉ nên dùng trong thời gian từ 2 – 3 tháng, sau đó bổ sung bằng thực phẩm tự nhiên.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.