DHA có vai trò quan trọng với sức khỏe của sản phụ và thai nhi, giúp cho sự hình thành và phát triển não bộ, thị lực ở trẻ tốt hơn. Bổ sung DHA cho bà bầu được khuyến cáo nên thực hiện trong suốt thai kỳ, tăng cường ở một số thời điểm nhất định là giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi.
Vai trò của DHA
DHA là từ viết tắt của Docosa-Hexaenoic-Acid. Là acid béo không no cần thiết thuộc nhóm acid béo Omega-3. Là thành phần chính tạo nên não bộ con người (chiếm từ 15 – 20%) và chiếm từ 50 – 60% cấu tạo của võng mạc mắt. Chính vì là thành phần quan trọng trong việc hoàn thiện toàn diện chức năng não bộ và võng mạc mắt nên bổ sung DHA luôn được khuyến khích ở trẻ em.
Ở người lớn DHA có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, lượng triglyceride máu, giảm cholesterol xấu trong máu. Giúp giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.
Sự hình thành và phát triển của não bộ thai nhi bắt đầu ngay từ những tuần đầu tiên ở trong bụng mẹ. Từ tuần 13 đến tuần 24, bé đã hình thành thị giác và thính giác, có thể cảm nhận được ánh sáng bên ngoài, nghe giọng nói của mẹ và bắt đầu tiếp nhận thông tin. Đến gần ngày dự sanh, kích thước bộ não của bé vào khoảng 25% so với người trưởng thành. Những nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy DHA có nồng độ cao trong tổ chức thần kinh như võng mạc mắt, tổ chức não. Vậy nên, nếu thiếu hụt DHA sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan này.
Vì sao nên bổ sung DHA cho bà bầu?
DHA là một trong ba acid béo omega-3 quan trọng nhất với con người, nó có mặt trong hầu hết các tế bào trên cơ thể, đặc biệt là thành phần cấu tạo của tế bào thần kinh và thị lực. Vì thế từ khi là thai nhi còn trong bụng mẹ cho đến khi lớn trưởng thành thì DHA vẫn cần thiết và cần bổ sung hàng ngày từ chế độ ăn uống.
Trong quá trình phát triển và hoàn thiện cơ thể trong bụng mẹ, thai nhi sử dụng nguồn DHA từ người mẹ truyền qua, sử dụng từ những tuần thai kỳ đầu tiên cho đến hết 9 tháng 10 ngày. Vì thế nếu người mẹ không nạp đủ DHA trong thai kỳ, trẻ sẽ bị thiếu hụt DHA. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, thai nhi thiếu hụt DHA khi sinh ra có nguy cơ chậm lớn, tư duy chậm, chỉ số thông minh thấp, khó học hỏi, thị lực kém,… so với trẻ bình thường.
Mẹ bầu nên sử dụng các loại thực phẩm rất dồi dào DHA là:
- Cá biển: cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ,… chứa lượng lớn DHA, mẹ bầu nên sử dụng khoảng 200gr mỗi tuần để tránh nhiễm độc thủy ngân.
- Lòng đỏ trứng cũng chứa nhiều DHA, song nên chế biến chín hoàn toàn để giữ lượng DHA cao nhất.
- Các loại hạt và ngũ cốc như óc chó, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng,… nên được sử dụng như món ăn vặt hàng ngày, vừa bổ sung DHA vừa cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt khác cho mẹ và bé.
- Rau xanh các loại như cải xoăn, súp lơ, bí ngô, bắp cải,… giàu DHA và chất xơ.
Những thai phụ không đảm bảo cung cấp đủ DHA từ chế độ ăn uống có thể xem xét sử dụng viên DHA cho bà bầu để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của thai nhi. Song các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ưu tiên bổ sung DHA từ thực phẩm tự nhiên kết hợp với chế phẩm bổ sung, không nên lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc DHA.
Bổ sung DHA cho bà bầu vào tháng thứ mấy?
Mẹ bầu cần bổ sung DHA suốt cả thai kỳ, tăng cường vào những thời điểm vàng dựa trên sự phát triển của thai nhi.
Chức năng thị giác và thính giác của trẻ bắt đầu hình thành và phát triển mạnh vào tuần thai thứ 12, vì thế DHA nên được bổ sung bắt đầu từ thời điểm này. Đến tam cá nguyệt thứ 3, việc cung cấp đủ DHA sẽ giúp trẻ hình thành đầy đủ và phát triển tư duy hoàn thiện.
Tuy nhiên các chuyên gia sản khoa vẫn khuyến khích phụ nữ mang thai nên bổ sung DHA từ sớm, có thể từ lúc chưa mang thai để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch, ngăn ngừa tác nhân gây bệnh gây hại cho sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.
Nhu cầu DHA của mẹ và bé ở mỗi giai đoạn trong thai kỳ là khác nhau, vì thế bổ sung DHA khi mang thai cũng cần điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Nhu cầu về DHA ở bà bầu
Chế độ ăn trước và trong khi có thai rất quan trọng đối với tình trạng dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs: Essential Fatty Acid) cho thai nhi. Đặc biệt trong 3 tháng cuối trung bình 1 ngày thai nhi cần 2,2g EFAs/ngày cho sự phát triển hệ thần kinh và mạch máu.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, trong thời gian mang thai, tùy từng giai đoạn của thai kỳ, phụ nữ cần bổ sung từ 100 – 200 mg DHA mỗi ngày. Cụ thể là:
Trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ): Việc ăn uống phong phú, cân đối, giàu dinh dưỡng giúp mẹ bầu tiếp nhận nguồn dưỡng chất đa dạng từ tự nhiên, giảm nguy cơ sẩy thai, đặc biệt là giúp bé con phát triển tốt nhất ngay từ những ngày đầu tiên trong bụng mẹ. Bổ sung khoảng 100 – 120mg DHA mỗi ngày.
Trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ): Đây là giai đoạn cần tăng tốc chất lượng nguồn DHA cho thai nhi vì não của bé phát triển liên tục và mạnh nhất với hơn 250.000 tế bào thần kinh hình thành trong mỗi phút. Do đó, DHA đóng vai trò cung cấp độ lỏng cho màng tế bào, tăng tốc trao đổi dinh dưỡng, thông tin giữa các tế bào thần kinh. Mẹ cần bổ sung khoảng 200mg DHA mỗi ngày.
Trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ): Kích thước của thai nhi và não bộ tăng nhanh nên cần nhiều cần acid béo để tập trung phát triển hệ thần kinh và mạch máu. Đây là thời kỳ cũng có nhu cầu DHA tương đối cao, giúp mẹ bầu giảm nguy cơ sinh non, tai biến tiền sản giật, gián tiếp giúp thai nhi phát triển tốt nhất ngay từ những năm tháng đầu đời thông qua nguồn sữa mẹ sau sinh. Mẹ cần bổ sung khoảng 200mg DHA mỗi ngày.
Những lưu ý khi bồ sung DHA cho bà bầu
Nếu muốn bổ sung DHA cho bà bầu bằng thực phẩm chức năng, bạn hãy tìm một loại có nguồn gốc từ tảo thay vì dầu cá bởi nó sẽ không gây khó tiêu cho dạ dày vốn đã nhạy cảm của thai phụ. Hiện các sản phẩm bổ sung DHA được bán ở nhiều nơi nên bạn có thể dễ dàng tìm mua.
Cá là nguồn cung cấp DHA tuyệt vời nhưng phụ nữ mang thai và cho con bú vẫn cần phải thận trọng khi dùng. Dù những loại cá béo có nhiều DHA nhưng bạn có nguy cơ nạp vào cơ thể một lượng thủy ngân. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn cần:
- Tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá ngói, cá đầu vuông
- Ăn một ít (170g hoặc ít hơn mỗi tuần) cá ngừ vây dài đóng hộp hoặc đánh bắt tươi sống từ những nguồn bảo đảm
- Ăn cẩn thận (tối đa 350g mỗi tuần) các loại hải sản như động vật có vỏ, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá minh thái và cá da trơn.
Để lại một câu trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.